Những cám dỗ chết người của chính trị sắc tộc

Lars-Erik Cederman

Trần Ngọc Cư dịch

Kể từ Cách mạng Pháp, chủ nghĩa dân tộc—một khái niệm cho rằng biên giới quốc gia phải trùng hợp với các cộng đồng dân tộc—đã tạo nên nguồn gốc chủ yếu  cho tính hợp pháp chính trị [political legitimacy] khắp thế giới. Khi chủ nghĩa dân tộc lan rộng từ Tây Âu vào đầu Thế kỷ 19, càng ngày nó  càng mang tính sắc tộc [ethnic]. Ở những nơi quốc gia [the state] và dân tộc [the nation] không trùng hợp với nhau, như Đức, Ý, và hầu hết Đông Âu, dân tộc có xu hướng được định nghĩa như sắc tộc, việc này sẽ dẫn đến các tiến trình thống nhất hoặc ly khai bằng bạo lực. Đầu Thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tộc sắc tộc [ethnic nationalism] sẵn sàng làm rối loạn các biên giới chính trị thêm nữa, đưa đến sự tan rã các đế chế đa sắc tộc [multiethnic empires], gồm các đế chế Habsburg, Ottama, và Nga. Bằng cách thay đổi tầm kích các đơn vị chính trị của Châu Âu, việc này đã làm suy yếu cán cân quyền lực và góp phần tạo ra hai cuộc thế chiến.

Nhưng tiếp theo đó là sự ra đời của các chuẩn mực và định chế tự do-bình đẳng được thiết lập ngay sau Thế chiến II. Các nguyên tắc như sự vẹn toàn lãnh thổ, các nhân quyền phổ quát và các cơ quan như Liên Hợp Quốc đã có thể làm giảm bớt xung đột dân tộc-sắc tộc chủ nghĩa [ethnonationalist conflict] trên hầu hết thế giới. Ngày nay, các chiến tranh lớn giữa các quốc gia và các cuộc lấn chiếm lãnh thổ bằng bạo lực gần như hoàn toàn rơi vào dĩ vãng. Tần suất của nội chiến sắc tộc cũng giảm nhiều.

Nhưng hiện nay, chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc đang trở lại một cách mãnh liệt. Năm 2016, cử tri Anh bỏ phiếu để ra khỏi Liên Âu vì họ tin rằng viễn kiến  hậu-dân tộc [the postnational vision] của cơ chế này đã làm suy yếu chủ quyền của Vương quốc Anh và đe dọa tràn ngập quốc gia này bằng người nhập cư đến từ Châu Phi, Trung Đông, và các nước kém phát triển của Châu Âu. Cùng năm đó Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng bằng cách khai thác nỗi sợ hãi của người dân cho rằng Hiệp Chúng Quốc đang bị người Mê hi cô và người Hồi giáo xâm nhập. Và khi nắm được chính quyền, Trump không những thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc; ông còn chỉ trích và gây thương tổn các chuẩn mực và định chế được thiết kế để giúp nhân loại tránh khỏi các thế lực này.

Các nhà lãnh đạo khác khắp thế giới đã ráo riết theo đuổi các phiên bản chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc riêng của mình. Khắp Châu Âu, các đảng dân tuý cánh hữu chống Liên Âu và người nhập cư đã giành được nhiều số phiếu lớn hơn trong các cuộc tuyển cử. Tại Áo, Hungary, Ý, Na Uy, Ba Lan, và nhiều nước khác, họ thậm chí nắm giữ quyền hành pháp. Mũi dùi của chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc được nhắm vào di dân và người nước ngoài, nhưng các sắc tộc thiểu số đã sống lâu đời trong nước cũng nhận hậu quả của làn sóng này, như được minh họa bằng sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bài Do Thái [anti-Semitism] tại Hungary và nạn kỳ thị đang gia tăng nhắm vào người Gypsies tại Ý. Braxil, Ấn Độ, Nga, và Turkey, một thời đã là vài trường hợp trong những nước dân chủ mới xuất hiện đầy hứa hẹn nhất, nhưng hiện nay càng ngày họ càng bác bỏ các giá trị tự do-bình đẳng [liberal values]. Họ đang định nghĩa ý thức hệ cai trị [governing ideology] của mình bằng các thuật ngữ sắc tộc hẹp hòi và đang tạo môi trường cho các phần tử hiếu chiến cực đoan tấn công các thành phần  không nằm trong nhóm sắc tộc có quyền lực. Chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc đang có nhiều ảnh hưởng hơn bất cứ thời điểm nào kể từ Thế chiến II.

Người ta than phiền về thực trạng này vì đủ thứ lý do, từ sự gia tăng các tội ác chống người nhập cư mà chủ nghĩa này gây ra đến sự thiệt hại mà nó đã tác động lên trật tự hậu-Thế chiến II [the post-World War II order]. Tuy nhiên, điều đáng sợ hãi nhất về chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc ngày nay là nó có thể đưa trở về những tệ trạng đã từng gắn liền với sức mạnh khống chế của nó trong quá khứ: các biến động dữ dội bên trong và giữa các nước. Nếu chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc vẫn tiếp tục đi theo con đường của nó, có nguy cơ là nó sẽ nuôi dưỡng các bất ổn dân sự trong những quốc gia đa sắc tộc [multiethnic states] khắp thế giới—và thậm chí các tranh chấp biên giới bằng vũ lực có thể đảo ngược xu thế lắng dịu lâu dài các cuộc chiến giữa các quốc gia. Các nhà chính trị cần phải chống lại các cám dỗ của thứ chính trị loại bỏ thiểu số [exclusionary politics] vào mùa bầu cử trong nước và tái khẳng định sự cam kết của mình đối với các chuẩn mực và định chế hợp tác với nước ngoài. Những người toan khai thác chủ nghĩa dân tộc-sắc tộc hiện đang đùa với lửa.

(Còn tiếp)

T.N.C. dịch

Dịch giả gửi BVN

Nguồn: Foreign Affairs, Mar-April 2019

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn