“Người Tuyết bé nhỏ” và “Ròm” – câu chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam

CHỈ MẤY GIÂY THÔI!

Nguyễn Tiến Tường

"Chỉ mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên", đó là câu nói bâng quơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về việc bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trên phim "Everest, người tuyết bé nhỏ".

Tôi cho đó là lỗ hổng cực lớn về nhận thức.

Tôn nghiêm quốc gia, không thể nào đo bằng giây. Tôn nghiêm đó là bất khả xâm phạm. Đằng này họ mang cả sự trâng tráo vào trưng bày trong bàn thờ nhà mình, đó là một cuộc xâm lăng có tính toán. Và đương nhiên, khả năng thành công của nó là không cao nếu người làm văn hoá để tâm khi thẩm duyệt.

Để có một quốc gia vẹn toàn, cả nghìn năm xương máu anh linh đổ xuống. Thái bình của mấy chục năm nay, cũng chỉ là một khắc trong lịch sử. Nên vài giây là nhiều lắm. Vài giây đó đã kịp đặt tổ quốc vào một sự xúc phạm. Nên nhớ, nó diễn ra song song với việc giặc đang quần thảo ngoài thực địa Tư Chính.

Đó đương nhiên không phải là sự tình cờ. Và sự ngây ngô đến xuẩn ngốc của người làm văn hoá đã rắc những chiếc lông ngỗng cho giặc vào đến tận cảm xúc của người Việt.

Một người dân bình thường cũng không thể đánh mất mẫn cảm với vấn đề cương thổ. Một người làm văn hoá nghệ thuật, một đội ngũ quản lý văn hoá nghệ thuật am tường lịch sử lại làm một việc ngang hí hoạ với giặc rồi phát biểu tầm phào.

Thậm chí tôi nghĩ rằng có thể họ đã vô tâm khi đảm đương chức trách. Có thể họ chỉ xem lướt qua bộ phim trước khi cho trình chiếu. Vì có thể đầu óc họ đang nghĩ về thứ khác chăng?

Vài giây hôm nay sẽ đổi lại nỗi uất ức nhiều năm tháng, thậm chí là cả một chương sử bẽ bàng.

Tôi thật sự không thể nào tin được, một Hồng Ngát yêu thương đất nước, thắp lửa tình yêu lại có thể để cho tâm thức của mình sa ngã đến như vậy...

N.T.T.

Hình ảnh 'đường lười bò' xuất hiện trong phim "Everest: Người Tuyết bé nhỏ"

Trong khi một bộ phim nước ngoài có cài cắm bản đồ hình lưỡi bò trong một số khung hình lọt lưới kiểm duyệt và ra rạp tại Việt Nam thì phim đoạt giải quốc tế vẫn chịu 'án treo' và chưa thể công chiếu.

Phim có đường lưỡi bò vẫn ra rạp

Phim hoạt hình "Abominable" (tựa Việt: "Everest: Người Tuyết bé nhỏ") bị ngưng chiếu tại các rạp ở Việt Nam, nhưng đó là chỉ sau khi một số khán giả xem phim cho rằng phim có cài cắm bản đồ 'đường lưỡi bò' vào khuôn hình.

"Abominable" ra rạp tại Việt Nam từ ngày 4/10 sau khi được quảng bá rầm rộ ở Việt Nam từ cuối tháng 9.

Phim là sản phẩm hợp tác của hãng DreamWorks Animation và Pearl Studio - một công ty Trung Quốc.

CGV Việt Nam phát hành bộ phim trên tại Việt Nam.

Trong phim, cô gái tuổi teen tên Yi (Chloe Bennet lồng tiếng) cùng hai người bạn vô tình phát hiện một người tuyết tên Yeti trên mái nhà của khu căn hộ mà cô đang sống ở Thượng Hải.

Yeti được nhóm bạn này đặt tên là 'Everest'. Và cả nhóm đã cùng nhau giúp sinh vật này đoàn tụ gia đình ở đỉnh Everest.

Sau khi phim trình chiếu, người xem bàn tán về cảnh tấm bản đồ trong nhà Yi, được cho là vẽ 'đường lưỡi bò'.

Theo báo Thanh niên, hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trong phim và khán giả Lê Văn Hiệp là một trong những người đầu tiên phát hiện sự việc trên và chia sẻ trên mạng xã hội từ cuối tuần qua.

Cụ thể, trong phim "Abominable," hình ảnh 'đường lưỡi bò' xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim. Ngay trong trailer của phim này, người xem cũng dễ dàng nhìn thấy tấm bản đồ có "đường lưỡi bò" mà Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô.

Tấm bản đồ này còn xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.

Báo Thanh niên ở trong nước dẫn lời PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn thộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận rằng:

"Không thể lơ là. Cài chi tiết là cách của Trung Quốc. Nếu nó không quan trọng gì cả thì đã không được cài vào trong phim. Một phim mà chiếu bản đồ quốc gia theo kiểu đó thì đã có ý đồ chứ không phải chuyện tình cờ".

Cục trưởng Cục Điện ảnh Thu Hà sau đó cho báo chí trong nước biết là nhận trách nhiệm về sự việc, đồng thời phối hợp với nhà phát hành để ngưng chiếu phim.

Sự việc trên với phim "Abominable" không khỏi khiến chúng ta nhớ đến trường hợp phim "Operation Red Sea" (tạm dịch là "Điệp vụ Biển Đỏ") hồi năm ngoái.

Lúc đó, bộ phim Trung quốc này cũng do CGV phát hành đã ra rạp được mười ngày. Trong phim có hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ 'South China Sea' (tức Biển Đông).

Tại đây, hạm đội Trung Quốc đã phát loa yêu cầu một tàu khác phải "rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc".

Khi đó, bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam khẳng định là hội đồng thẩm định đã thẩm định phim đúng quy trình.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch của Việt Nam cũng có thông cáo tới các cơ quan báo chí khẳng định: "Hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về luật Biển, về lãnh thổ đã lên tiếng bác bỏ quan điểm này.

Ngay cả website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng giới thiệu "Điệp vụ Biển Đỏ" nằm trong chiến lược tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.

Phim đoạt giải quốc tế chịu… 'án treo'

Trong khi hệ thống kiểm duyệt Việt Nam vẫn để lọt lưới những bộ phim cài cắm chủ đích tuyên truyền về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thì 'bàn tay' kiểm duyệt lại tỏ ra khá khắc nghiệt với phim của các đạo diễn trong nước.

Mới đây nhất, "Ròm" một bộ phim của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - một bộ phim đi 'thi chui' - nhưng đã đoạt giải cao nhất hạng mục New Currents tại Liên hoan Phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019, cùng bộ phim "Haifa Street" của Iraq-Qatar. Đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất của giải này.

Một cảnh trong phim "Ròm". Bản quyền hình ảnh VARIETY MAGAZINE

"Ròm" nói về cuộc sống vất vả mưu sinh của một cậu bé bán số đề ở thành phố Hồ Chí Minh. Cậu cực khổ kiếm tiền, chỉ mong có thể sớm tìm được cha mẹ. Và để sinh tồn, cậu phải chạy trốn khỏi những gã nghiện cờ bạc hay xô xát với những đối thủ. Nhưng cậu vẫn lạc ngay giữa một thế giới mà con người phải chà đạp lên nhau để sống.

Theo Variety Magazine, trưởng ban giám khảo của hạng mục này, đạo diễn người Anh Mike Figgis nhận xét rằng, "việc sử dụng các bối cảnh thực tế, sống động trong phim đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và một cái kết phim rất thỏa mãn".

Tuy nhiên, trước khi phim lên đường đi Busan, báo Tuổi trẻ cho hay, Cục Điện ảnh công bố phim Ròm "vi phạm pháp luật hiện hành" khi chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.

Và bộ này mới đây cho biết sẽ xử lý thật nghiêm trường hợp này.

Đạo diễn Trần Thanh Huy nhận giải thưởng tại LHP Busan. Bản quyền hình ảnh FACEBOOK DO QUOC TRUNG

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm trích dẫn trên Facebook cá nhân công văn số 637/ĐA-PBP của Cục Điện ảnh nhận định:

"Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam".

Và nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét: "Chỉ tiếc, họ không đủ dũng khí để nhìn vào hiện thực để thấy những tăm tối, tiêu cực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam - ở một góc nào đó của thời hiện tại mà bộ phim tái hiện qua góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn trẻ đầy dũng khí hoàn toàn có thật. Hoặc nữa, đó chỉ là một góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn ngược dòng số đông. Không ai xem City of God mà nghĩ rằng cả đất nước, văn hóa, con người Brazil tăm tối, tiêu cực cả. Không ai xem The Godfather, Goodfellas mà phán xét cả đất nước Mỹ bị thao túng bởi băng đảng, mafia, bạo lực cả. Cũng như không ai xem xong Parasite mà phán xét một đất nước Hàn Quốc ngày càng bị chia rẽ bởi giàu nghèo cả".

"Kiểm duyệt kỳ dị" ở Việt Nam

Đó là nhận xét của ông Thomas Bass, Giáo sư Báo chí và Văn chương Anh tại Đại học Albany, New York, trong một bài viết trên website của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), sau khi ông tìm hiểu về sự méo mó giữa bản tiếng Việt cuốn sách của ông viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn "Điệp viên Z.21 Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ" so với nguyên bản tiếng Anh "The Spy Who Loved Us".

Và từ đó, ông viết thêm một cuốn sách khác: "Censorship in Vietnam: Brave New World" (Kiểm duyệt ở Việt Nam: Thế giới can đảm mới).

Theo GS. Bass, kiểm duyệt đang trở nên tệ hại hơn ở Việt Nam và điều này đang làm hủy hoại nền văn hóa Việt Nam bởi nó "làm thụt lùi lịch sử và thời gian".

GS. Bass nhận định, theo VOA, "Việt Nam thực chất đã hủy nền văn hóa của họ và hạn chế rất lớn đến sức tưởng tượng và tiềm năng văn hóa thông qua sự kiểm duyệt. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng tệ hại tới nền văn hóa Việt Nam".

Còn nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm thì kết luận trong bài đăng nói trên, trên Facebook: "Đừng trách một nền điện ảnh bị trói trong vòng kim cô an toàn và "không ra được thế giới". Bởi, ra được với thế giới, thậm chí đoạt những giải thưởng cao nhất như "Xích lô", như "Ròm”, rồi phải chịu một cái án treo không biết đến bao giờ mới được cởi mà thôi".

Nhưng 'vòng kim cô' ấy dường như lại dễ dãi với những bộ phim nước ngoài.

Và lần này, sau khi "Everest: Người Tuyết bé nhỏ" lặng lẽ bị rút khỏi các rạp tương tự như "Điệp vụ biển Đỏ" trước đây, cũng như sau tuyên bố "chịu trách nhiệm," thì liệu sẽ có những biện pháp xử lý gì hay không hay cũng chỉ rút kinh nghiệm?

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50038276

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn