Xung quanh vòng thảo luận đầu tiên bản thảo COC của các nước ASEAN và Trung Quốc

1. DIỄN BIẾN MỚI VỀ ĐÀM PHÁN COC – VIỆT NAM RÚT MỘT SỐ YÊU CẦU VỀ COC?

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

*** Cập nhật lúc 6h15' ngày 5/11/2019: Hiện chúng tôi đang kiểm chứng thêm thông tin về việc Việt Nam rút danh sách những điều phải làm và không được làm ở Biển Đông khỏi dự thảo COC. Chúng tôi sẽ cập nhật khi có được thông tin mới nhất.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

***

Như chúng ta đã biết, vào ngày 3/8/2018, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã loan báo sự đồng thuận về một Văn bản Đàm phán Dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông Duy Nhất làm cơ sở cho việc thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử nhằm quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

Trong Văn bản này, Việt Nam đã nêu ra những yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo có được một COC thực chất và hiệu quả nhìn từ quan điểm của Việt Nam. Trong đó có một điểm nhấn mới là danh sách 27 quy định những điều các quốc gia phải làm và không được làm ở Biển Đông, bao gồm những đề xuất nhằm ngăn cản Trung Quốc không leo thang thực địa, như các quốc gia cần tôn trọng các vùng biển được quy định và thiết lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không được quân sự hoá và xây dựng trên bất kỳ đảo nhân tạo nào, phong toả tàu chở lương thực hay luân chuyển nhân sự, tuyên bố Khu vực Nhận diện Phòng không, và tiến hành các các cuộc mô phỏng tấn công tàu và máy bay của các quốc gia khác...

Tuy nhiên, theo thông tin được GS. Carl Thayer đưa ra trong bài tham luận tại Tọa đàm An ninh biển ở Canberra hôm 14-15/10, sau vòng thảo luận đầu tiên bản thảo COC của các nước ASEAN và Trung Quốc, phía Việt Nam đã bỏ đi danh sách "Những điều phải làm và không được làm" ở Biển Đông.

Hiện vẫn chưa biết Việt Nam chấp nhận bỏ những yêu sách trên của mình để đổi được cái gì? Những vấn đề có tính nguyên tắc như phạm vi biển mà COC áp dụng, ràng buộc pháp lý của COC... vẫn chưa đạt được thống nhất giữa các bên.

Trong khi đó, Trung Quốc dùng COC gây áp lực đối với những quốc gia lên tiếng về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc sự lên tiếng của họ là phá hoại tiến trình đàm phán Bộ quy tắc.

Cụ thể, theo hãng tin AP dẫn nguồn tin từ hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp căng thẳng ở Việt Nam gần đây, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt câu hỏi làm sao cuộc đàm phán COC có thể tiến triển được khi các đội tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc đang tràn vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Đáp lại, giới chức Trung Quốc trả lời rằng các thành viên ASEAN không nên cho phép “một quốc gia” - ám chỉ Việt Nam - phá hoại tiến trình đàm phán COC.

Văn bản dự thảo COC sẽ còn trải qua hai vòng thảo luận trước khi tiến tới một Bộ Quy tắc cuối cùng về Ứng xử ở Biển Đông. Philippines và Trung Quốc đều muốn COC nhanh chóng hoàn thành, dự kiến vào năm 2021.

Liệu Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có thể trở thành một văn bản thực chất, quản lý được tranh chấp Biển Đông, ngăn cản một cách hiệu quả sự hung hăng xâm lấn dần của Trung Quốc, hay sẽ trở thành một sự trói buộc khiến Việt Nam bị giới hạn dư địa trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của quốc gia ở Biển Đông?

Trong chiến tranh, Việt Nam chỉ có thể buộc các nước lớn ngồi vào bàn đàm phán sau khi có chiến thắng trên thực địa.

Vậy trong thời bình, cần có những yếu tố gì để Việt Nam có thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán?

Tham khảo:

Carlyle A. Thayer: ASEAN, China and the South China Sea Code of Conduct: https://www.scribd.com/…/Thayer-ASEAN-China-and-the-South-C…

Ảnh: Tàu hải cảnh 45111 của Trung Quốc trong nhóm tàu hộ tống Hải Dương Địa Chất 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Nguồn: Báo Thanh Niên).

Nguồn: https://www.facebook.com/daisukybiendong/posts/2732336103453734?__tn__=K-R

-------

2. NHÀ QUAN SÁT [TS HÀ HOÀNG HỢP]: "CÓ HIỂU LẦM VỀ CHUYỆN VIỆT NAM ‘RÚT MỘT SỐ YÊU CẦU VỀ COC’"

Ben Ngo - RFA

2019-11-04

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (giữa), trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, tại cuộc họp SOM-DOC lần thứ 18 giữa ASEAN và Trung Quốc ở Đà Lạt ngày 15-10 - Ảnh: D.LINH (Tuổi Trẻ). Courtesy of Tuổi Trẻ

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hôm 4/11 nói Việt Nam “rút một số yêu cầu về COC” trong lúc một nhà quan sát kỳ cựu nói “có thể có hiểu lầm".

Quy tắc Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (COC) là vấn đề mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông viết: “Diễn biến mới về đàm phán COC - Việt Nam rút một số yêu cầu về COC? … Theo thông tin được Giáo sư Carl Thayer đưa ra trong bài tham luận tại Tọa đàm An ninh biển ở Canberra hôm 14-15/10, sau vòng thảo luận đầu tiên bản thảo COC của các nước ASEAN và Trung Quốc, phía Việt Nam đã bỏ đi danh sách "Những điều phải làm và không được làm" ở Biển Đông.

Hiện vẫn chưa biết Việt Nam chấp nhận bỏ những yêu sách trên của mình để đổi được cái gì? Những vấn đề có tính nguyên tắc như phạm vi biển mà COC áp dụng, ràng buộc pháp lý của COC... vẫn chưa đạt được thống nhất giữa các bên”.

Trả lời RFA hôm 4/11, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từ Singapore, nói:

“Người ta có thể thêm có thể bớt, nhưng nguyên tắc cốt lõi của COC là nó phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển 1982, không hơn, không kém. Cho nên có thêm bớt gì thì nó cũng không bị ảnh hưởng gì”.

“Nếu mà nghĩ rằng bớt đi thì ảnh hưởng xấu hay là thêm vào thì ảnh hưởng tốt thì không phù hợp với chuyện người ta đàm phán với nhau, không liên quan”.

“Cụ thể là trong bài của Giáo sư Carl Thayer thì ông ấy nói là Việt Nam bỏ đi những điểm phải làm hoặc không được làm. Trong tài liệu đấy, ông ấy không nói những việc cần phải làm, mà ông ấy nói bảy điểm mà Việt Nam đưa vào trước đây là không được làm”.

“Bảy điểm đó hoàn toàn trùng hợp với nội dung của Công ước về Luật Biển Liên Hiệp Quốc. Cho nên, nếu bỏ đi thì không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện Công ước”.

“COC gọi là đàm phán thì có nhiều cuộc đàm phán, nhưng chốt lại ở ba cuộc chính. Bây giờ mới qua cuộc đầu tiên. Trước đây, để tiến đến COC, Trung Quốc họ đàm phán riêng COC với từng nước trong mười nước ASEAN, như thế thì không phải đa phương mà là song phương”

Hà Hoàng Hợp

Ông Hà Hoàng Hợp nhận định rằng “họ” [Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông] “hiểu lầm" và ông “không suy đoán rằng họ hiểu lầm và viết như thế để làm gì".

Ông lý giải thêm:

“COC gọi là đàm phán thì có nhiều cuộc đàm phán, nhưng chốt lại ở ba cuộc chính. Bây giờ mới qua cuộc đầu tiên. Trước đây, để tiến đến COC, Trung Quốc họ đàm phán riêng COC với từng nước trong mười nước ASEAN, như thế thì không phải đa phương mà là song phương”.

“Cách đây hai năm, Trung Quốc nói thôi không đàm phán song phương nữa mà đàm phán đa phương với tất cả. Mà để đàm phán đa phương  thì người ta phải cùng nhau xây dựng bản nháp, tức là bản dự thảo duy nhất để đàm phán. Cái bản ấy sẽ là duy nhất đến hết vòng ba. Còn gặp nhau lần nhất là thêm bớt vào, lần thứ hai cũng là thêm bớt vào, lần thứ ba cũng thêm bớt vào để có cuộc đàm phán cuối cùng. Và Trung Quốc muốn ký sau khi đàm phán cuối cùng năm 2021 thay vì 2022”.

“Và cái chuyện thêm bớt là chuyện bình thường. Không ai dại gì để mà làm cho nó trái với Công ước về Luật Biển vì COC này không phải là luật mới, nó phải hoàn toàn phù hợp với Công ước đã ký, cụ thể hóa ra các hành động trên thực địa, trên biển, làm sao để không vi phạm bất kỳ điểm nào của Công ước về Luật Biển”.

“Việt Nam thêm vào những điểm như thế, cũng là hợp lý, như là: Không xây dựng, không đắp đảo, không quân sự hóa, không tuyên bố hiện đại phòng không, không hà hiếp, không dọa nạt vũ lực… Tất cả những điểm ấy tập trung vào những việc nhằm vào Trung Quốc ngày 14/10 vừa rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng nói thẳng với Trung Quốc rằng “Ba tháng vừa rồi, Trung Quốc quấy phá ở bãi Tư Chính là hành động có tính chất ngăn cản đàm phán COC. Nếu những hành động đấy nếu mà tái diễn, tiếp diễn trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác trong thời gian tới, càng ngăn cản đàm phán COC và việc cuối cùng là người ta có ký COC đấy không. Đấy là quan điểm của Việt Nam”.

Hôm 4/11, RFA đã liên hệ với Giáo sư Carl Thayer và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng qua email nhưng hiện chưa nhận được phản hồi từ hai vị này.

Trước đó, hôm 15/10, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 kết thúc tại thành phố Đà Lạt.

Tin từ trong nước cho hay thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng, nhấn mạnh tại Hội nghị các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực; không tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán Quy tắc Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (COC).

Đoàn Việt Nam tham gia hội nghị nhắc lại những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Đoàn Việt Nam cũng đề xuất những biện pháp nhằm cải tiến phương pháp làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vài trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán COC.

SOM-DOC lần thứ 17 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua.

Chằng bao lâu sau đó, vào giữa tháng 6, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mãi đến ngày 24 tháng 10, Trung Quốc mới rút tàu thăm dò Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trước hành động đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bốn lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.

Hồi năm 2014, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam làm cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Lúc đó cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.

B.N.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/there-is-misunderstanding-about-vietnam-dropped-its-do-and-donnot-related-to-coc-11042019092058.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn