Về Công hàm Phạm Văn Đồng: 10 điều cần biết về Công hàm Phạm Văn Đồng

Công hàm Phạm Văn Đồng. Nguồn: WikiCommons/VOA.
Công hàm Phạm Văn Đồng. Nguồn: WikiCommons/VOA.

1. Công hàm là gì?

Từ điển và sách giáo khoa về ngoại giao và quan hệ quốc tế thường định nghĩa công hàm (diplomatic note) là văn kiện ngoại giao chính thức của Chính phủ hoặc Bộ ngoại giao một nước, gửi cho Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao của nước khác hoặc một tổ chức quốc tế, với nội dung trao đổi, thông báo, yêu sách hay phản đối hoạt động, sự kiện hoặc vấn đề nào đó có liên quan mà cả hai bên (hoặc nhiều bên) cùng quan tâm.

Tóm lại, ta có thể hiểu công hàm là một văn kiện ngoại giao chính thức để nêu quan điểm chính thức của một nhà nước với một nhà nước khác, về một vấn đề được quan tâm.

2. Công hàm Phạm Văn Đồng là gì?

Đó là một văn kiện ngoại giao chính thức của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ký tên Thủ tướng Chính phủ khi đó là Phạm Văn Đồng), đề ngày 14/9/1958, gửi người đồng nhiệm Trung Quốc – Chu Ân Lai (Zhou Enlai) – khi đó là Tổng lý Quốc vụ viện, tương đương thủ tướng nước CHND Trung Hoa.

Lâu nay, Công hàm này được gọi theo tên người ký, thành “Công hàm Phạm Văn Đồng”, chứ nó không có tiêu đề. (Việc không có tiêu đề này không ảnh hưởng tới nội dung và giá trị pháp lý của nó).

3. Nội dung chính của Công hàm Phạm Văn Đồng là gì?

Trích nguyên văn:

“Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung-hoa trên mặt bể”.

4. Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ Trung Quốc nói gì?

Luật Khoa dịch từ bản tiếng Anh một lá thư đề ngày 9/6/2014 của Đại sứ thường trực CHND Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc gửi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

“Bắc Kinh, ngày 4/9/1958

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều này áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Hoa lục địa và các đảo ngoài khơi lục địa, cũng như Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu (Bành Hồ), quần đảo Dongsha (Ðông Sa), quần đảo Xisha (Tây Sa), quần đảo Zhongsha (Trung Sa), quần đảo Nansha (Nam Sa), và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc, vốn bị đại dương ngăn cách với Trung Hoa lục địa và các đảo ngoài khơi lục địa.

(2) Phần lãnh hải của Trung Quốc bao quanh Trung Hoa lục địa và các đảo ngoài khơi lục địa xác định đường cơ sở là đường bao gồm các đoạn thẳng nối những điểm cơ sở trên bờ biển bao quanh lục địa và trên các đảo xa nhất ngoài khơi; vùng biển 12 hải lý tính từ đường cơ sở trở ra là lãnh hải (territorial sea) của Trung Quốc (có tài liệu dịch “territorial sea” là hải phận – NV). Vùng biển bên trong đường cơ sở, gồm cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội thủy (inland waters) của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, gồm cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dada, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội thủy Trung Quốc.

(3) Máy bay và tàu thuyền nước ngoài, vì mục đích quân sự, không được vào lãnh hải Trung Quốc và vùng trời phía trên lãnh hải đó, nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Khi qua lại trong lãnh hải của Trung Quốc, tất cả tàu bè nước ngoài đều phải tuân thủ các luật lệ có liên quan, do Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra.

(4) Ðiều (2) và (3) nêu trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo xung quanh Đài Loan, quần đảo Penghu, quần đảo Dongsha, quần đảo Xisha, quần đảo Zhongsha, quần đảo Nansha, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Ðài Loan và Penghu hiện vẫn còn bị lực lượng vũ trang Hoa Kỳ chiếm đóng. Ðây là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, Đài Loan, Penghu và các khu vực khác trong tình trạng tương tự đều sẽ được lấy lại, và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền lấy lại các khu vực này bằng mọi phương cách thích hợp vào một thời điểm thích hợp. Đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc, không dung thứ mọi sự can thiệp của nước ngoài”.

5. Như vậy, Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ Trung Quốc có nhắc đến Trường Sa, Hoàng Sa không?

Có. Nó nhắc đến Xisha và Nansha. Quần đảo Xisha, tên Hán Việt là Tây Sa, chính là Hoàng Sa theo cách gọi của Việt Nam, và quần đảo Nansha, tên Hán Việt là Nam Sa, là Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam.

6. Tại sao lại nói Công hàm Phạm Văn Đồng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa?

Công hàm Phạm Văn Đồng khẳng định “Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung-quốc”.

Mà Tuyên bố ấy lại khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là các quần đảo của Trung Quốc, có nội thủy, có đường cơ sở, có lãnh hải 12 hải lý bao quanh.

Như vậy, tồn tại một cách hiểu phổ biến là Công hàm không chỉ thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo của Trung Quốc mà còn thừa nhận cả vùng biển 12 hải lý bao quanh hai quần đảo này cũng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

7. Phía Trung Quốc có sử dụng Công hàm Phạm Văn Đồng để gây khó khăn cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền không?

Tất nhiên là có.

Một trong những lần gần đây nhất, được công luận biết đến, mà Trung Quốc đem Công hàm Phạm Văn Đồng ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông là vào năm 2014 với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ Haiyang Shiyou 981 (HD 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ngày 2/5/2014).

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước dâng cao, ngày 9/6/2014, Đại biện (Tham tán) của Phái đoàn Thường trực CHND Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc, Wang Min (Vương Mẫn), đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam “khiêu khích”, “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Trung Quốc”, khẳng định Tây Sa (tức Hoàng Sa) là “một phần không thể tách rời của Trung Quốc”, “không có tranh chấp gì cả”.

Vị đại biện nêu rõ rằng Việt Nam đã chính thức công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc; “quan điểm này được phản ánh trong các thông báo và công hàm của chính quyền Việt Nam, cũng như trong báo chí, bản đồ và sách giáo khoa của Việt Nam”.

Thư nêu một số bằng chứng:

  • Một là tuyên bố ngày 15/6/1956 của Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm (“theo các tài liệu tiếng Việt, quần đảo Tây Sa và Nam Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ trong lịch sử”). Lê Lộc, quyền Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam, có mặt lúc đó, cũng trích dẫn tài liệu của Việt Nam mà nói rằng “nhận định từ giác độ lịch sử, những quần đảo này vốn đã là một phần của Trung Quốc từ đời Tống”.
  • Hai là Công hàm Phạm Văn Đồng 1958.
  • Ba là bản đồ Atlas Thế giới, do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam in tháng 5/1972, gọi Xisha bằng tên Trung Quốc.
  • Bốn là sách giáo khoa địa lý lớp 9 của Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1974, trong bài học về nước CHND Trung Hoa, đã viết: “Chuỗi đảo từ Nam Sa và Tây Sa đến Hải Nam, Đài Loan, Bành Hồ, Chu San tạo thành hình giống như một cây cung và cấu thành nên bức tường vĩ đại bao quanh lục địa Trung Hoa”.

8. Bản thân người ký Công hàm – ông Phạm Văn Đồng – có nhận thức như thế nào về Công hàm này?

Bản thân Công hàm Phạm Văn Đồng được coi là một chủ đề nhạy cảm với báo chí và giới nghiên cứu Việt Nam. Cho nên, chúng ta hầu như không có cách nào biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời nghĩ gì về Công hàm này.

Tuy nhiên, trong một bài viết vào mùa hè 2014 (sau sự kiện giàn khoan HD 981), học giả người Trung Quốc Li Jianwei (Lý Kiến Vĩ 李建伟) tiết lộ một chi tiết ít người biết. Xin trích dịch:

“Có thể hiểu được là, các đại diện của phía Việt Nam đã cố gắng làm giảm tầm quan trọng của Công hàm Phạm Văn Đồng và muốn đưa ra một lời giải thích khác về việc tại sao công hàm này không làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Tây Sa. Tuy nhiên, có một sự thực là trong một cuộc gặp vào năm 1977, chính ông Phạm Văn Đồng đã giải thích cho một người khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Tiên Niệm (Li Xiannian 李先念); và cái sự thực này quả thật đã làm suy yếu những lập luận hiện nay của Việt Nam nhằm đánh lạc hướng nội dung của Công hàm Phạm Văn Đồng. Ấy là bởi vì trong cuộc gặp, ông Đồng có nói: “Nên hiểu các tuyên bố của chúng ta, kể cả tuyên bố trong Công hàm của tôi gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, như thế nào? Nên hiểu nó trong bối cảnh lịch sử của thời đại”, và “trong cuộc kháng chiến, tất nhiên chúng tôi phải đặt việc chiến đấu chống đế quốc Mỹ lên trên tất cả mọi thứ khác”.

Rõ ràng là ông Đồng đã công nhận mục đích của tuyên bố của ông về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng lại đòi Trung Quốc hiểu nó trong bối cảnh lịch sử. Lập luận này đi ngược với nguyên tắc quốc tế “estoppels”, theo đó: Trong một tranh chấp cụ thể, tại một thời điểm nào đó, nếu một bên có thỏa thuận/ nhất trí ngầm, hoặc công nhận chủ quyền của một bên khác đối với một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, thì sự công nhận hoặc nhất trí đó có hiệu lực pháp lý”.

(Bài viết của bà Li Jianwei dành riêng cho RSIS – Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore).

Nghĩa là gì? Có thể phỏng đoán rằng Phạm Văn Đồng cũng hiểu Công hàm mà ông ký là một sự nhượng bộ chủ quyền của Việt Nam cho Trung Quốc, nhưng ông biện minh rằng vì khi ấy Bắc Việt đang chống “đế quốc Mỹ” cho nên phải làm như thế.

9. Vậy Công hàm Phạm Văn Đồng có giá trị pháp lý không?

Điều này tùy vào việc Việt Nam có bác bỏ (phủ nhận) được giá trị pháp lý của Công hàm Phạm Văn Đồng trước một tòa án quốc tế có thẩm quyền, hay không.

Có nhiều học giả người Việt trong và ngoài nước đã tìm cách bác bỏ giá trị pháp lý của Công hàm, với nhiều lập luận khác nhau. Bài mới nhất là của Luật sư Đào Tăng Dực, đăng trên báo Tiếng Dân ngày 22/4 vừa qua, với nhan đề “Duyệt lại giá trị pháp lý của Công hàm Phạm Văn Đồng”.

10. Có phải thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng không?

Đó là một trong những cách được đề xuất, và không có gì khẳng định cách nào sẽ thành công.

Cụ thể, trong những quan điểm tìm cách hóa giải Công hàm Phạm Văn Đồng, một trong những lập luận được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng là lập luận cho rằng: Khi ông Đồng gửi Công hàm đó (ngày 14/9/1958), thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng hòa chứ không phải thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Học giả người Pháp Monique Chemillier-Gendreau viết rằng: “Trong bối cảnh này, bất kỳ tuyên bố hoặc lập trường nào của chính quyền Bắc Việt đều không ảnh hưởng gì đến danh nghĩa chủ quyền. Họ không phải là một chính quyền có quyền tài phán về lãnh thổ đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có thẩm quyền với nó”. (Monique Chemillier-Gendreau, “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”, NXB Harmattan, 1996).

Sau năm 1975, theo nguyên tắc kế thừa, nước Việt Nam thống nhất được hưởng những gì Việt Nam Cộng hòa để lại, trong đó có cả chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Với cách hóa giải này, điểm mấu chốt là chính quyền Việt Nam bây giờ phải thừa nhận rằng trước năm 1975, đã tồn tại hai quốc gia riêng biệt và độc lập: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Nói cách khác, chính quyền phải công nhận rằng đã có một quốc gia Việt Nam Cộng hòa, với một chính quyền có tính chính danh, chứ đó không phải là một triều đại “ngụy”, “bù nhìn” do “Mỹ và tay sai” dựng nên.

Tuy nhiên, lập luận này vẫn có thể bị phản bác. Chẳng hạn, một quốc gia không nhất thiết phải kiểm soát một vùng lãnh thổ trên thực tế để có thể có thẩm quyền công nhận các tuyên bố chủ quyền liên quan đến nó. Ví dụ: Việt Nam hiện nay không hề kiểm soát Đài Loan nhưng vẫn có thể ủng hộ quan điểm “Đài Loan thuộc về Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Hoặc một lập luận nữa: “trong bối cảnh này” – cụm từ mà bà Monique Chemillier-Gendreau dùng – là bối cảnh nào? Theo học giả Trương Nhân Tuấn, đó lại không phải là bối cảnh của ông Phạm Văn Đồng năm 1958; đó là bối cảnh bà Monique Chemillier-Gendreau đang phản biện một tác giả khác (ông L. Thomas Bradford trong “The Spratly Island Imbroglio: a tangled web of conflict”).

Đ.T.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/04/10-dieu-can-biet-ve-cong-ham-pham-van-dong/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn