Phải chăng tụt hậu kinh tế là nguy cơ số một

Nguyễn Đình Cống

Vâng thể chế độc hại, làm suy thoái, kìm hãm sức bật của cả một dân tộc, điều anh nói là đúng, và trong XHDS cũng đã nhiều người nghĩ như anh, thưa GS Nguyễn Đình Cống.

Nhưng làm cách nào để thay đổi nó, đó mới là tất cả vấn đề. Khi mà người dân đã trót trao quyền lực cho nó rồi, nó đã đầy đủ móng vuốt của một con sói nhảy lên lưng con lừa và bám chắc trên đấy, thì thân lừa ưa nặng hay ưa nhẹ đâu có tùy thuộc ở lừa nữa? "Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?"

Hãy cho tôi một điểm tựa…” – hiện nay dân chúng thờ ơ vì chẳng một vị thông thái nào của nước ta có được lời giải trúng vào cái tiền đề có ý nghĩa then chốt mà hơn hai thế kỷ trước Công nguyên nhà bác học Archimedes của Hy Lạp đã nêu ra như một câu hỏi phương pháp luận hoàn toàn đúng đắn.

Chính vì thế, chúng tôi mới thiển nghĩ, trong việc giải quyết thể chế tồi thì vực dậy nền kinh tế cũng chính là việc không kém cấp bách. Có đẩy lùi được nguy cơ tụt hậu về kinh tế mới mở ra những con đường giao thương đáng mơ ước với các nước phát triển, vốn có thể chế văn minh, tự do dân chủ, chẳng hạn như Hiệp định vừa ký với khối EU. Từ đó mới có thể nói đến chuyện “rút dần cái cổ ra khỏi chiếc tròng” của Tàu Cộng, làm cân đối dần lại hai mặt xuất và nhập trong quan hệ kinh tế Việt-Trung đầy bất bình đẳng từ lâu nay của chúng ta. Đó là việc thiết thực trong khẩu hiệu “Thoát Trung” mà đất nước nhất thiết phải làm.

Và có từng bước thoát Trung về kinh tế thì mới có thể nói đến chuyện nới lỏng áp lực ghê gớm của Trung Cộng về chính trị tức là cái tròng ý thức hệ vô cùng độc hại mà từ lâu lắm rồi thể chế đã tự cột mình vào đấy. Từ đó mới hy vọng tạo nên một chuyển động bên trong, không tùy thuộc vào ý chí của một cá nhân hay tập đoàn nào cả nhưng cứ thế mà nhúc nhích/gấp bước chứ không thể dừng. Để rồi trước sau cái thể chế độc tài mục ruỗng hiện tồn đó thế nào cũng buộc phải vận hành tới đối diện với một sự lựa chọn: Đổi thay hay là chết.

Có phải thế không, xin GS Nguyễn Đình Cống cứ thử cân nhắc xem. Tất nhiên là cả hai phương diện đã nói - kinh tế và thể chế - đều phải thay đổi song song, thúc đẩy lẫn nhau, không bên nào chờ bên nào.

Bauxite Việt Nam

Xin nói ngay rằng  đã từng đúng như thế, nhưng nay không còn đúng nữa.

 Đánh giá về các nguy cơ của Việt Nam có nhiều người cho rằng nguy cơ tụt hậu về kinh tế là số một. Ý kiến đó được viết trong Văn kiện ĐCSVN và gần đây trong việc chuẩn bị cho ĐH ĐCSVN lần thứ 13, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tôi không tán thành ý kiến đó của ông Phúc.

Khi xem phát triển kinh tế là quan trọng hàng đầu, chạy theo sự tăng GDP,  bên cạnh một vài  tăng trưởng, cải thiện đời sống thì sự phát triển quá nóng đã mang đến những tai họa cả về vật chất và tinh thần, hủy hoại môi trường, làm suy đồi đạo đức, mất ổn định xã hội.

Năm 1986, khi VN bị kiệt quệ, đứng ở bờ vực phá sản thì việc ưu tiên số một cho sửa sai, đổi mới, mở cửa để phát triển kinh tế là chính xác. Trong nền kinh tế kế hoach hóa và bao cấp, sự tụt hậu về kinh tế đúng là nguy cơ số một.

 Nhưng rồi sau hơn hai chục năm phát triển khả quan người ta lại phạm sai lầm theo hướng khác khi  chúi mũi vào việc tăng GDP. Thực chất tăng GDP của VN chủ yếu là nhờ xuất khẩu sản phẩm của các  xí nghiệp vốn của nước ngoài (FDI) như Samsung, Toyota, Coca Cola v.v… hay nhờ làm thuê cho các nước. Như vậy GDP tăng thì Việt Nam được tiếng vì hàng được sản xuất tại VN, nhưng các công ty nước ngoài được hưởng lợi là chủ yếu. Không những thế, một số công ty FDI còn hối lộ, mua chuộc quan chức VN để được miễn giảm thuế, làm thiệt hại cho đất nước.

Có một số nước khá thông minh, họ không coi trọng và không đặt chỉ tiêu tăng GDP mà xem trọng việc tăng chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Ở VN tăng GDP không gắn trực tiếp với tăng hạnh phúc của nhân dân, chủ yếu chỉ làm tăng sự kiêu hãnh của vài người lãnh đạo cao cấp và lòe bịp những người ít hiểu biết..

Việc xem phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu còn do một số nguyên nhân về nhận thức. Đó là học thuyết duy vật của Chủ nghĩa Mác Lê, xem  sản xuất vật chất là cơ sở của xã hội, quyết định thượng tầng kiến trúc và đời sống tinh thần. Đó là nhu cầu tuyên truyền của ĐCS về  tài năng lãnh đạo và con đường đúng đắn họ đã chọn.

Sự phát triển nóng nền kinh tế đã mang lại lợi ít hại nhiều cho dân tộc, cho đất nước như thế nào nhiều người biết rõ, xin không nhắc lại. Vậy  đối với dân tộc nguy cơ khác quan trọng hơn tụt hậu về kinh tế là những gì. Theo tôi đó là:

1-Sự sai lầm trong đường lối của ĐCS lãnh đạo.

  2-Nguy cơ từ phía Cộng sản Trung hoa.

ĐCSVN chuẩn bị họp ĐH 13 với chủ trương kiên trì Mác Lê, với đường lối cán bộ có nhiều điểm phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học, với tổ chức độc tài toàn trị chuyên dùng bạo lực và tuyên truyền dối trá, với hệ thống điều hành gồm  Đảng, Chính quyền, Mặt trận chồng chéo lên nhau, với sự liên kết của bọn tư bản đỏ hoang dã với thế lực cầm quyền. Tất cả những thứ đó là trở lực rất lớn cho sự ổn định và phát triển. Nếu cứ duy trì như chủ trương và cách làm hiện nay của ĐCS thì về kinh tế chưa biết như thế nào chứ môi trường tiếp tục bị hủy hoại, đạo đức tiếp tục xuống cấp, giáo dục tiếp tục tụt hậu, dân tộc tiếp tục chui vào ngõ cụt không lối thoát. Nguy cơ ấy lớn vô cùng cho dân, cho nước.

Về nguy cơ này, báo Dân Quyền ngày 6/5/2020 đăng ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của ĐCSVN) như sau: Bộ máy nhà nước đang trở thành công cụ cho một nhóm người thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp độc quyền chính trị. Từ đó nhà nước trở thành bộ máy cai trị tham nhũng và bóc lột nhân dân.

Tôi đề nghi ĐH 13 hãy bàn việc từ bỏ việc độc quyền toàn trị nhằm xây dựng một đảng chính trị cầm quyền đúng nghĩa. Trước hết Đảng phải tìm cách trả lại Quyền chính trị cho dân với một Quốc hội thực sự của dân, với một chế độ chính trị thật sự dân chủ. ĐH 13 cần đề ra yêu cầu khẩn thiết về ổn định xã hội, bảo vệ và khôi phục môi trường, phục hồi đạo đức bị suy thoái, nâng cao hiệu quả của giáo dục khai phóng. Việc phát triển kinh tế vẫn cần, nhưng đó không phải là công việc hàng đầu của Đảng. Phần lớn việc phát triển kinh tế thuộc tư nhân.

Gần đây GS Trần Văn Thọ và GS Chu Hảo cũng nói đến nguy cơ tụt hậu, nhưng không phải về kinh tế mà tụt hậu về thể chế chính trị. Trong bài : “Hậu Covid 19- Cơ hội không để mất cơ hội” GS Chu Hảo đã viết khá rõ.

Tôi không phản bác ý kiến của GS Trần Văn Thọ và Chu Hảo, nhưng xin nhấn mạnh rằng thể chế chính trị mà ĐCS theo đuổi không chỉ tụt hậu mà còn độc hại, phản dân hại nước, nó chỉ mang lại giàu sang cho một số nhóm lợi ích là chủ yếu. Nhân dân lao động tuy có được hưởng một chút, nhưng đó chỉ là phần rơi vãi của tài nguyên quốc gia. Họ được lãnh đạo chăm sóc gần giống như ông chủ chăn vịt chăm lo cho đàn vịt của mình.  Đối với đất nước và dân tộc thì thể chế chính trị của CS hiện nay mang lại lợi ít, hại nhiều, nó đẩy dân tộc vào con đường bế tắc.

Trong bốn nguy cơ mà ĐCS đề ra còn có nguy cơ chệch hướng XHCN, nguy cơ diễn biến hòa bình. Đó là nguy cơ đối với các nhóm lợi ích nói riêng và của ĐCS nói chung. Còn đối với đất nước thì có thể là những thời cơ tốt đẹp.

Về nguy cơ số 2 - Sự xâm lấn của Trung Cộng. Điều này khá rõ ràng, xin chưa bàn đến trong bài này (vì ngại bài quá dài), chỉ đề nghị với các đại biểu dự ĐH 13 nêu ra và thảo luận. Tại ĐH cấp dưới cũng phải nêu ra, không nên nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng trước thảm họa của đất nước.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn