Trí thức như tôi thấy

(hay một cách nhìn về trí thức đương đại)

Thái Hạo

1. Tiếp xúc nhiều với những người trí thức và nghệ sĩ cả ngoài đời lẫn trên không gian mạng, tôi có vài nhận xét sơ bộ, với góc nhìn của “thế giới như tôi thấy", về những ứng xử xét như là thái độ tinh thần của con người trước cuộc đời.

Chủ trương thái độ sống “cùng tắc độc thiện kì thân” (Nếu đến mức bi đát nhất thì ta chỉ cần giữ cho bản thân mình được thanh cao). Đây là hành xử của Nho giáo, thống nhất trong lối xuất – xử, hành – tàng. Những người Nho giáo chủ trương “tu thân”, lấy tu thân làm gốc và cũng làm “ngọn”, nếu thời thế an định trị bình thì ra “hành đạo” giúp đời, nếu xã hội động loạn nhiễu nhương thì lui về ở ẩn để giữ tiết tháo và sự thanh cao của mình. Nho giáo là một tư tưởng giao thoa giữa đạo và đời, giữa tôn giáo và chính trị; nó không phải 1 học thuyết thuần “xã hội học”, cũng không phải 1 tôn giáo đúng nghĩa. Khi “thần học” còn thống lĩnh tư tưởng của thời cổ thì sự xuất hiện của Nho giáo như một học thuyết trung gian, học thuyết này không thể dùng vào 1 phía nào cho trọn vẹn. Nếu dùng để trị nước thì sinh ra mê tín và chuyên chế, nếu dùng để “tu” thì bị mắc kẹt trong các giáo điều và thái độ nửa vời “triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải”. Thái độ bất lực của các nhà Nho trước xã hội và cuộc đời đã được sự chống đỡ của "thánh hiền" như 1 sự an ủi và tự vỗ về bằng cách chui sâu vào các giáo huấn đầy tính tự phụ nhưng bao giờ cũng bất an.

Một học thuyết như thế đã thống trị tuyệt đối tinh thần của Đại Việt suốt hơn 1 nửa thiên niên kỉ qua với vai trò là ý thức hệ chính thống được các triều đại từ Lê đến hết nửa đầu TK 20 biến thành các thiết nhà nước và các quy chuẩn đạo đức văn hóa như là những mẫu mực. Tình hình ấy, đã khiến tâm thức Việt bị đầu độc tai hại tới mức khi đã có cơ hội tiếp xúc với phương Tây đã hơn 1 thế kỉ nhưng sự “giải độc” mới chỉ được phần nào. Những tư tưởng có tính giáo điều, đẳng cấp, chuyên chế, gia trưởng vẫn phủ bóng đen lên đầu người Việt (xin không nói về những tích cực của Nho giáo, vì tôi không bàn về điều ấy ở đây).

Tai hại hơn, những tàn dư ấy còn được một bộ phận không nhỏ những người trí thức ngày nay dùng như 1 thứ bùa hộ mệnh để che chắn cho sự bạc nhược và ích kỉ của mình. Khi xã hội lâm nguy bởi sự độc đoán, bạo tàn, tham lam và đổ vỡ luân lý thì các nhà đạo đức của chúng ta đã có 1 cái vỏ ốc rất to để chui sâu vào. Tất nhiên, ngày nay họ ít nói bằng giọng trung đại mà thường tung ra các câu vần vè như “ta chỉ là chiếc lá/ việc của mình là xanh” hay “ta hay chê rằng cuộc đời méo mó/ sao ta không tròn ngay tự trong tâm” v.v… và v.v... Những loại câu kiểu này, trớ trêu thay, lại luôn được các nhà giáo của chúng ta lấy làm tuyên ngôn và rao giảng trên giảng đường như những câu kinh. Chúng đã đi vào không biết bao nhiêu đề kiểm tra và vô vàn các kì thi lớn nhỏ. Tính mị dân được công khai ca ngợi và cho điểm cùng với những phần thưởng cho những ai viết thật hay về cái sự chui sâu, trùm kín đầy tính ma mị và sự trốn tránh bằng luận điệu thanh cao tuyệt vời ấy.

Những người thuộc trường phái “thanh cao” này đông không kể xiết, nếu không muốn nói rằng là đông nhất. Họ chính là những cánh tay nối dài và là dưỡng chất béo bở cho độc tài và chuyên chế trường sinh bất lão. Cái “thiện” của họ là 1 sự tiếp tay cho cái ác, là sự dung dưỡng cho cái xấu. Sự khôn ngoan này đã mang lại cho họ tất cả từ danh vọng, tiền bạc, yên thân và cả sự trong sạch nữa. Nói chung là được mọi thứ, trừ ra trách nhiệm.

Tôi không thể hình dung những người gân cổ biểu cảm câu nói thống thiết của Chí Phèo trên bục giảng, “ai cho tao lương thiện”, lại có thể bưng tai bịt mắt để làm ngơ trong 1 xã hội đổ vỡ, suy tàn; một xã hội mà cơ hội làm người ngày càng ít đi, sự tha hóa xâm thực âm thầm nhưng phá hủy đến tận chỗ sâu nhất của nhân cách; một xã hội mà người ta buộc phải “giả vờ” để sống hoặc phải chối từ quyền làm một con người trung thực để tồn tại thì chúng ta ở đâu, chúng ta đang làm gì, và rao giảng những lời đạo đức nào nếu không phải là đang mị dân?

Cơ hội nào cho ta, cho con cháu ta khi “rừng đã hết và biển thì đang chết”, lương thiện nào còn lại trong ta khi nửa đêm ta phải mang 1 phong bì dày cộp từ tiền bán đi mảnh đất tổ tiên để “chạy việc” cho những đứa con thất nghiệp trong một xã hội mà tất cả đều phải ngã giá? Chúng ta sẽ giữ gìn thế nào cho sự trong sáng trong tâm hồn đứa con thơ ngây của mình trong một xã hội mà ở nhà thì tivi nói dối, ra đường thì lừa gạt và tệ nạn, đến trường học lại nghe những điều nói dối như những chiếc tivi lúc ở nhà? Chí Phèo có lẽ sáng suốt hơn nhóm chủ trương “độc thiện kì thân” này nhiều lần, có điều hắn không khôn ngoan bằng mà thôi!

2. Bên cạch những người “bảo hoàng” trên kia, trong xã hội ngày nay còn 1 nhóm người nữa cũng rất đáng chú ý. Tôi tạm gọi là những nhà “hậu hiện đại” / phi trung tâm / giải trung tâm / phân mảnh / giải huyền thoại… Nhóm này chủ trương “chả có gì quan trọng cả”. Họ là những “nhà tư tưởng” đã vượt lên để đứng ở “bên kia bờ thiện ác”, họ đạp lên tất cả các thang bậc để đối diện với cuộc đời như những người đã thoát khỏi tục lụy để đứng ở một nơi vòi vọi của mọi sự “phá chấp”. Họ nói như Cuồng Tiếp Dư, như các thiền sư nói: “không có sắc, không thụ, không tưởng, không hành, không thức; không có nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý, không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp. Không có nhãn giới và vân vân cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh cũng không có diệt hết vô minh, và vân vân cho đến không có già, chết cũng không có diệt hết già chết. Không có khổ, tập, diệt đạo. Không có trí tuệ, không có chứng đắc, cũng không có không chứng đắc” (Bát nhã tâm kinh). Tóm lại là không có gì cả.

Nhóm này có lẽ không đông như nhóm 1 nhưng lại có 1 vị trí khá đặc biệt trong xã hội. Phần lớn họ thuộc vào hàng ngũ của các “nhà nghệ sĩ, các lý thuyết gia”, họ thoát tục bằng những lời tục tĩu, họ phá chấp bằng những sự dính chặt, họ đa nguyên bằng sự chuyên chế, họ đối thoại bằng thái độ độc thoại; họ không chấp nhận kẻ khác và cái khác; họ luôn thích được xưng tụng là nhà này nhà kia, và đặc biệt đê mê với danh hiệu là nhà hậu hiện đại (gì đó); họ dùng thái độ bạt mạng và sự khinh bỉ để tuyên ngôn. Họ là những người thoát tục nhưng hễ nghe thấy 1 từ “khang khác” ý họ thì lập tức nổi giận và luôn sẵn sàng block những tín đồ thiếu sự thành kính đối với họ, dù sự “thiếu sót” ấy chỉ là 1 chút nghi ngờ đối với vị “giáo chủ”.

Sự khen chê về các lý thuyết xã hội cũng như các sáng tạo nghệ thuật (đặc biệt là văn học) luôn được buông ra một cách tùy ý tùy tình. Dường như với họ, không cần học cũng có thể khen chê, không hiểu gì về 1 loại thơ khó đọc thì lập tức họ gán cho chúng tính hũ nút và tào lao. Họ chê hết thảy như trên đời không còn gì đáng khen đáng quý, ngoài bản thân họ và “tác phẩm” của họ. Những người này có lòng tự tôn cao hơn cả đỉnh Hi Mã Lạp Sơn. Họ văng vào văn chương của mình đủ các thứ như 1 biểu hiện kết tinh của tính hậu hiện đại và tinh thần “giải huyền thoại”; họ viết về tính dục một cách rất “trần trụi” mà khiến người tiếp nhận ngoài việc nếu không cảm thấy cũng khởi lên ham muốn như tác giả của nó thì cũng thấy ghê tởm.

Hai nhóm này - 1 thì gửi hồn về “muôn năm cũ” để cư lưu ở đó, 1 thì đi trên không khí và “trông xuống thế gian cười” - đã góp vào xã hội hoặc là 1 sự im lặng tuyệt đối đến rợn người hoặc là những lời bạt mạng. Dù khác nhau nhiều đến thế, nhưng họ vẫn gặp nhau ở những âm thanh vô nghĩa lý cho việc cần thiết kiến tạo lại xã hội, một xã hội đã đổ vỡ đến tận chỗ sâu nhất của chân móng.

(Vì mục đích của bài viết nên ở đây tôi không bàn về những nhóm khác như trí thức “phò chính thống” hay trí thức dấn thân v.v...)

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn