Trump và khoa học

GSTS Nguyễn Văn Tuấn

Tập san Nature và New England Journal of Medicine (NEJM) và tạp chí khoa học phổ thông Scientific American tuyên bố không ủng hộ Trump trong lần bầu cửu này. Có thể nói đây là một ngoại lệ vì các lần bầu cử trước, các nhóm xuất bản khoa học này thường giữ vị trí trung lập. Sự 'take side' (thiên vị chánh trị) của họ làm nhiều người trong giới khoa học ngạc nhiên..

Photo from https://slate.com/technology/2020/10/science-nejm-nature-editorials-trump-covid19-response.html

Năm nay, một số người trong giới khoa học và xuất bản khoa học không ủng hộ ông Trump. Vài tuần trước, một nhóm gồm 81 khôi nguyên Nobel vật lí, hoá học và y học tuyên bố rằng họ ủng hộ ông Biden, vì họ cho rằng ông Biden xem trọng khoa học trong việc hoạch định chánh sách công [1]. Họ không nói thẳng ra, nhưng ủng hộ ông Biden cũng có nghĩa là không ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, các vị khôi nguyên Nobel lên tiếng rất thường xuyên về những vấn đề chánh trị - xã hội, nên chẳng ai ngạc nhiên khi họ lên tiếng lần này. Đó chỉ là ý kiến cá nhân của vài người.

Nhưng ngạc nhiên là sự thiên vị chánh trị của các tập san khoa học. Hôm 8/10, tập san y học lừng danh NEJM công bố một bài xã luận nhan đề "Dying in a Leadership Vacuum" [2] do tổng biên tập viết kêu gọi thay đổi lãnh đạo Hoa Kì. Trong bài xã luận viết rất hay [về văn chương], có những phê phán nặng nề chánh phủ Trump là "bất tài một cách nguy hiểm" (“dangerously incompetent”) và qui trách nhiệm cho chánh phủ về cái chết của hàng vạn người vì dịch Covid-19. Bài xã luận không nói ông Trump là bất tài, và cũng chẳng lên tiếng ủng hộ Biden, nhưng hàm ý thì ai cũng biết là ủng hộ Biden.

Trong tuần qua, tập san khoa học nổi tiếng Nature cũng ra tuyên bố ủng hộ Biden. Bài xã luận có tựa đề "Why Nature supports Joe Biden for US president" [3] trên Nature còn viết nặng nề hơn bài trên NEJM. Không như NEJM, Nature nói thẳng là họ ủng hộ Biden làm tổng thống. Nature đánh giá những chánh sách của chánh phủ Trump là đáng xấu hổ ('shameful') là "chống khoa học" (anti-science).

Tập san Science ('đối thủ' của Nature) có lẽ là tập san phê bình Trump nhiều nhứt. Tổng biên tập của Science là Holden Thorp viết hơn 10 bài xã luận trong 6 tháng qua, với nội dung phê bình chánh phủ Trump [4] trong việc đối phó với dịch Covid-19. Có bài, ông chỉ trích nặng nề rằng ông Trump nói dối về khoa học và liên tục đánh giá thấp ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tạp chí khoa học phổ thông nổi tiếng Scientific American cũng tuyên bố ủng hộ Biden. Trong bài xã luận "Scientific American Endorses Joe Biden" [5], họ cho biết trong lịch sử 175 năm họ chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ ai trong các cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lần này họ phải làm một ngoại lệ là ủng hộ một ứng viên. Bài xã luận phê bình chánh phủ Trump đã thất bại trong việc kiểm soát dịch, dẫn đến nhiều tử vong hơn các nước giàu có khác. Họ cho rằng ông Biden có sẵn kế hoạch để kiểm soát dịch Covid-19, sẽ cải cách hệ thống y tế, sẽ giảm chất thải carbon và khôi phục khoa học trong việc hoạch định chánh sách. Nói chung, Scientific American rất 'mê' và tin tưởng rằng Biden sẽ là người khôi phục nước Mĩ.

Giới khoa học có nên lên tiếng về chánh trị?

Có lẽ những tuyên bố trên đây của các nhóm xuất bản khoa học làm cho nhiều người ngạc nhiên, có khi tức tối. Họ sẽ hỏi "sao không lo làm khoa học, mà lại dính vào chánh trị, ủng hộ người này, chỉ trích người kia?" Nhưng theo tôi thì câu hỏi đó không đúng. Giới khoa học, hay bất cứ ngành nghề nào, đều phải và nên quan tâm đến chánh trị, vì chánh trị ảnh hưởng đến khoa học. Không thể nói "chúng tôi chỉ quan tâm đến khoa học" mà im lặng trước những bất công và sai trái của giới chánh khách. Do đó, tôi nghĩ các nhóm xuất bản và các khôi nguyên Nobel kia có quyền lên tiếng và tôi cũng thích nghe quan điểm của họ.

Họ (giới khoa học và xuất bản khoa học) có quyền lên tiếng, nhưng công chúng và cử tri cũng có quyền không đồng ý với họ. Trọng tâm của những phê phán chánh phủ Trump là vấn đề kiểm soát dịch Vũ Hán. Giới khoa học chất vấn tại sao chánh phủ ông Trump không có một kế hoạch cấp liên bang, không không triển khai chánh sách 'lockdown' như nhiều nước khác làm. Với giả định là lockdown sẽ giảm số ca tử vong, do đó họ cho rằng chính vì không có một sự điều phối cấp liên bang đã dẫn đến hàng 200 ngàn cái chết. Đây là chủ đề phê phán của hầu hết các tập san khoa học và y khoa.

Cá nhân ông Trump lại còn kêu gọi dùng một loại thuốc (như hydroxychloroquine, tức HCQ) chẳng có hiệu quả chống dịch, thậm chí còn gây biến chứng. Ông Trump cũng có những phát biểu nghi ngờ các chứng cứ khoa học. Chánh phủ ông còn can thiệp vào những chánh sách y tế công cộng, làm cho nhiều người bất bình. Vì ông Trump đụng đến cái nền tảng khoa học, thì giới khoa học giận dữ là điều có thể hiểu được.

Nhưng tất cả những gì mà giới xuất bản khoa học nêu về vấn đề Covid-19 không thể xem là chân lí sau cùng.

Trong thực tế, ngay cả trong giới khoa học cũng có bất đồng ý kiến về chánh sách 'lockdown'. Mới đầu tháng 10 này, một nhóm nhà dịch tễ học nổi tiếng ra tuyên bố họ gọi là "Great Barrington Declaration" [6], mà trong đó họ kêu gọi biện pháp thay thế lockdown và các qui chế giãn cách xã hội mà ông Biden cho rằng dựa vào khoa học. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần bản Tuyên bố đã thu hút hơn 15,000 bác sĩ và các nhà khoa học. Cá nhân tôi phụ trách biên tập cho một tập san khoa học và cũng nhận các bài báo có nội dung phê phán chánh sách lockdown. Ở Úc cũng có một nhóm chất vấn chánh sách lockdown [7]. Do đó, chánh sách lockdown gây ra nhiều tranh cãi, chớ không phải có sự đồng thuận như chúng ta tưởng.

Tuyên bố Great Barrington của nhóm chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng trên thế giới về tác động của chánh sách 'lockdown'. Họ có hơn 15,000 bác sĩ và nhà khoa học trên thế giới ủng hộ.

https://gbdeclaration.org

Thú thật, ngay cả tôi cũng không đồng ý với việc ông Trump quảng bá HCQ cho Covid-19, bởi vì chứng cớ khoa học không chắc chắn và rõ ràng. Nhưng không ai dám nói HCQ là vô dụng, bởi vì trong thực tế vẫn có nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp cho một số bệnh nhân. Do đó, lấy câu chuyện HCQ mà chỉ trích ông ấy và chánh phủ Trump theo tôi là không công bằng.

Nên nhớ rằng đa số (có thể 95%) các nghiên cứu về Covid-19 đều có phẩm chất thấp, thậm chí vô dụng và phí tiền, phí thì giờ. Đó chính là lí do giải thích tại sao hôm nay chúng ta nghe có nghiên cứu cho thấy thuốc remdesivir (mà bác sĩ dùng điều trị ông Trump) có hiệu quả, nhưng sau đó vài tuần thì chúng ta được biết rằng thuốc đó không có hiệu quả [8]! Đó là lí do tại sao chúng ta nghe hôm nay người có nhóm máu O có nguy cơ nhiễm SARS-Cov-2 thấp, nhưng vài ngày sau thì lại có kết quả nghiên cứu cho thấy chẳng có khác biệt gì về nguy cơ nhiễm giữa các nhóm máu! Trong bối cảnh như thế thì không ngạc nhiên khi công chúng và giới chánh trị gia có vẻ nghi ngờ 'sự thật khoa học'.

Khoa học ngày nay, nói như Tổng biên tập tập san y khoa lừng danh BMJ, càng ngày càng quan tâm đến sự nghiệp và tiền hơn là đi tìm sự thật. Trong một blog nhan đề "Time for science to be about truth rather than careers", Richard Smith từng viết rằng "Most scientific studies are wrong, and they are wrong because scientists are interested in funding and careers rather than truth" (đa số các nghiên cứu khoa học là sai, và sai là do các nhà khoa học chỉ quan tâm đến tài trợ nghiên cứu và sự nghiệp hơn là đi tìm sự thật) [9].

Hiệu quả của lên tiếng?

Giới khoa học nói chung là có xu hướng tả khuynh [10]. Nói ra điều này có vẻ làm nhiều người ngạc nhiên, vì họ về bản chất là bảo thủ từ cách làm đến suy nghĩ. Nhưng đó chỉ là trong khoa học, còn ngoài khoa học và đặc biệt là liên quan đến tài trợ cho nghiên cứu khoa học, thì giới khoa học nói chung có cảm tình với các chánh phủ cánh tả (không hẳn là quá thiên tả) và ít có cảm tình với các chánh phủ bảo thủ. Rất hiếm (có, nhưng hiếm) chánh phủ bảo thủ nào lấy được lòng của giới khoa học. Do đó, xu hướng thiên tả của họ không có gì quá ngạc nhiên.

Một số người trong giới khoa học sợ rằng khi lên tiếng theo dạng advocacy có thể phản tác dụng, vì chánh phủ bảo thủ (như phe Cộng hoà) có thể nhìn khoa học bằng ánh mắt tiêu cực. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy có lẽ đó là nỗi sợ quá xa, vì uy tín của giới khoa học môi trường không bị ảnh hưởng khi họ quảng bá cho một chánh sách nào đó, nhưng thỉnh thoảng thì tính khách quan của họ bị chất vấn khi họ quá hăng hái lobby [11].

Riêng giới y khoa thì phản ứng có phần gay gắt hơn giới khoa học nói chung. Giới y khoa nói chung là bảo thủ, nhưng cũng có những người có xu hướng 'progressive' (tức thiên tả một chút). Do đó, bài xã luận trên NEJM đã làm một số người trong y giới tức giận, vì họ cho rằng khi NEJM đã có lập trường thiên vị, mất tính trung lập. Có giáo sư tuyên bố là sẽ không hợp tác và bình duyệt cho NEJM nữa. Ông tổng biên tập cho biết ông nhận một số email giận dữ từ giới y khoa phản đối ông về bài xã luận thiên lệch đó. Nhưng ông vẫn giữ vững lập trường thiên vị vì ông cho rằng lập trường đó dựa trên chứng cớ khoa học.

Nhưng chứng cớ khoa học thì làm gì có sự chắc chắn. Thật ra, trong khoa học Covid-19, bất cứ ai hay bất cứ nhóm nào có những tuyên bố rằng như họ biết một cách chắc chắn, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng họ sai. Đúng như bài xã luận trên BMJ viết "The more certain someone is about covid-19, the less you should trust them" [12]. Đừng bao giờ tin vào những người hay những nhóm nói quá khẳng định.

Một bài xã luận trên tập san y khoa lừng danh BMJ cho rằng bất cứ ai tỏ ra chắc chắn biết về dịch Covid-19 là những người sai và đừng tin họ. Nhóm tác giả này tự thú nhận trong phần footnote là chính họ cũng từng sai! https://www.bmj.com/content/371/bmj.m3979

Câu hỏi là những phản ứng của các tập san, tạp chí và một số nhà khoa học nổi tiếng như trên có tác động đến kết quả bầu cử tổng thống? Các nhà quan sát xã hội cho rằng tác động của các nhóm xuất bản trên sẽ không cao, bởi vì công chúng và cử tri đã quyết định bầu cho ai rồi. Các tập san và tạp chí khoa học không có độc giả nhiều, nên chẳng gây được tác động bao nhiêu và cũng không làm cử tri thay đổi ý kiến.

Tuy nhiên, các nhóm xuất bản trên lên tiếng và 'take side' cũng có lí do của họ. Lí do là cái mà tiếng Anh gọi là 'moral responsibility' hay 'moral imperative', có thể hiểu là 'mệnh lệnh đạo đức', một loại 'nghĩa vụ' của trái tim. Nói như nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn (Giải Nobel 1970) là cho dù cá nhân ông và những lần lên tiếng của ông không làm cho chế độ của Stalin sụp đổ, nhưng ông vẫn nói, vẫn viết, vì đó là mệnh lệnh của trái tim. Các nhóm xuất bản lên tiếng khi họ thấy khoa học bị đe doạ có thể không thay đổi kết cục bầu cử, nhưng vì mệnh lệnh đạo đức họ phải lên tiếng.

Giới tinh hoa có cái 'moral imperative', thì thường dân cũng có 'moral imperative' của họ nhưng cách lên tiếng của thường dân thì thường là yếu tố quyết định.

________

[1] https://nlcampaigns.org/Joe_Biden_endorsement.pdf

[2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMe2029812

[3] https://www.nature.com/articles/d41586-020-02852-x

[4] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/?term=H.%20Holden%20Thorp&sort=date

[5] https://www.scientificamerican.com/article/scientific-american-endorses-joe-biden1

[6] https://gbdeclaration.org

[7] http://medicalrepublic.com.au/questioning-quarantine-there-is-a-better-way-to-do-this/33884

[8] https://www.cnbc.com/2020/10/16/who-remdesivir-has-little-or-no-effect-in-reducing-covid-19-deaths.html

[9] https://blogs.bmj.com/bmj/2013/09/09/richard-smith-time-for-science-to-be-about-truth-rather-than-careers

[10] https://qz.com/1177154/political-scientific-biases-the-left-is-guilty-of-unscientific-dogma-too

[11] https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/17524032.2016.1275736

[12] https://www.bmj.com/content/371/bmj.m3979

<?XML:NAMESPACE PREFIX = "[default] http://www.w3.org/2000/svg" NS = "http://www.w3.org/2000/svg" />

N.V.T.

Tác giả gửi BVN. Bài được đăng trên trang Tuan V. Nguyen FAHMS

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn