Lũ lụt hại dân: Thiếu giám sát thủy điện hại rừng

Phan Sông Ngân

Lũ lụt “đến hẹn” lại tái diễn ở miền Trung, lại gây tang thương vô cùng to lớn. Đồng bào cả nước lại cùng quyên góp, chia sẻ với bao nạn nhân phải gánh chịu hậu quả ở nơi hạ du nhiều thủy điện hại rừng. 

Nguyên nhân góp phần gây lũ lụt miền Trung đã từng được cảnh báo rất nhiều lần trong hàng chục năm qua, kể từ khi “phong trào” dự án “thủy điện xin-cho” ào ạt quy hoạch, xây dựng theo thỏa thuận, phê duyệt của các tỉnh, các cấp. Còn hàng triệu cư dân sinh sống bình yên bao đời ở các vùng hạ du của những dự án “thủy điện xin-cho” ấy, dẫu không đồng tình cũng bắt buộc thành nạn nhân của các thủy điện hại rừng.  

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cũng đã được thế giới cảnh báo quá nhiều và từ lâu. Ở Việt Nam, Chính phủ và từng tỉnh, thành phố đều lập “kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu”. Vì vậy, lũ lụt gây sạt lở, chết người, ngập lút nhà dân tràn lan ở nhiều tỉnh, thành khi các thủy điện xả lũ không thể chỉ đổ cho trời đất, thiên tai…, cho các “nhân tai” thành ngoại phạm, ẩn núp sau các lý do “biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan”.   

Phá rừng sẽ ảnh hưởng đến thời tiết, đào núi sẽ gây sạt lở, tác hại đến cảnh quan, môi trường xung quanh và cư dân trong vùng… Còn thủy điện hại rừng không còn là thông tin khó kiếm, kiến thức khó hiểu với nhiều quan chức khi phê duyệt quy hoạch xây dựng, ký cấp các dự án thủy điện. Thế nhưng các dự án thủy điện vừa, thủy điện nhỏ vẫn tràn lan ở không ít nơi.   


Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trên thượng nguồn sông Bồ nhìn từ máy bay trực thăng quân sự Mi-171. Có thể nhận ra triền đồi cạnh nhà máy bị đốn cây và đốt trụi. Nguồn: Báo Thanh niên 

Cách đây gần 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ” (số 1685/CT-TTg, ngày 27.9.2011).

Tháng 5.2014, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 97-KL/TW, trong đó có chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.  

Thế nhưng, hơn hai năm sau đó, ngày 20.6.2016 tại Hội nghị “Về giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” ở Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận “tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng xảy ra nghiêm trọng, tràn lan và diễn biến phức tạp”. Hậu quả là rừng Tây Nguyên - “mái nhà chung” cho cả miền Trung, đã “bị suy giảm, tàn phá nghiêm trọng, diện tích rừng giảm 180.000 ha so với năm 2010, độ che phủ của rừng giảm từ 51,9% xuống 45,8%”. Thủ tướng còn kết luận phải “thực hiện nghiêm túc chủ trương dừng khai thác gỗ tự nhiên theo Kết luận 97-KL/TW ngày 9.5.2014 của Bộ Chính trị và từ nay thực hiện nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên”.  

Khai thác rừng tự nhiên bị đóng cửa nhưng rừng vẫn tiếp tục bị “hy sinh” cho nhiều thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung đã được “cấp giấy khai sinh” theo quy hoạch điện. Không ít dự án thủy điện vừa và nhỏ vẫn đào núi, bạt rừng mở đường, xây dựng trong các vùng rừng sâu núi cao, làm cả trong khu bảo tồn thiên nhiên, vùng lõi khu bảo tồn. 

Với những dự án thủy điện vừa và nhỏ được tồn tại, chưa bị loại nhưng đã được quy hoạch, thẩm định, phê duyệt theo “quy trình, tổ chức” như vừa nêu, liệu có đủ sức để dân tin cậy sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối, lâu dài không gây sự cố, hại dân hay không?

Tháng 11.2013, Quốc hội có Nghị quyết “tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện” (số 62/2013/QH13). Báo cáo Quốc hội vào tháng 10.2013 về kết quả rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện, Chính phủ đã thừa nhận: “Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội”. 

Sau 5 năm có báo cáo trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có báo cáo trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội về thủy điện. 

Theo đó, tính đến tháng 10.2018 “Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 474 dự án thủy điện và 213 địa điểm tiềm năng có ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội”.  Việc rà soát các dự án thủy điện vẫn còn phải tiếp diễn đến sau năm 2020. Thế nhưng, cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, “vẫn còn một số tỉnh thường xuyên đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch thuần túy dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường”. 

Thực tế là quy hoạch điện của các tỉnh và quốc gia đều có rất nhiều dự án bổ sung. Chỉ cần nhìn lại 687 dự án và các “địa điểm tiềm năng” thủy điện bị loại kể trên, có thể thấy việc “nối giáo” cho các dự án, địa điểm thủy điện đó “chui” vào được quy hoạch điện của các tỉnh và quốc gia là có quy mô, có tổ chức, đủ sức vượt qua các quy định kiểm tra, giám sát trong quy trình dài. Vậy thì với những dự án thủy điện vừa và nhỏ được tồn tại, chưa bị loại nhưng đã được quy hoạch, thẩm định, phê duyệt theo “quy trình, tổ chức” như vừa nêu, liệu có đủ sức để dân tin cậy sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối, lâu dài không gây sự cố, hại dân hay không? Đó là vấn đề các cơ quan chức năng, Quốc hội cần tiếp tục quan tâm, giám sát. 

P.S.N.

Nguồn: Nguoidothi


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn