Làm thế nào để kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ?

Jason Furman

Nguyễn Thanh Hải dịch

Nền kinh tế số nên có một bộ quy tắc ứng xử để nâng cao tính cạnh tranh đồng thời khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.

Làm thế nào để kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ?

Những vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Google và gần đây nhất nhắm vào Facebook là bước đi đáng hoan nghênh của chính phủ Mỹ nhằm lấy lại quyền lực của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các vụ kiện là chưa đủ. Chúng sẽ chỉ trở thành những cuộc chiến pháp lý dài lê thê và khả năng cao là chẳng thay đổi được nhiều các hành vi kìm hãm sự cạnh tranh. Chính phủ Anh mới đây đã thông báo thành lập một cơ quan quản lý mới với tên gọi Đơn vị quản lý thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Unit) với nhiệm vụ thực thi bộ quy tắc ứng xử trong nền kinh tế số. Hoa Kỳ có thể làm theo cách này của Anh bên cạnh việc theo đuổi các vụ kiện.

Sở dĩ những gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook có thể thống trị thế giới Internet là bởi họ đã tạo nên các sản phẩm tuyệt vời cho người dùng. Tuy nhiên còn có lý do nữa là họ gây khó khăn cho các công ty khác trong việc thâm nhập thị trường và cạnh tranh. Điều này làm giảm chất lượng sản phẩm của chính họ, hạn chế sự lựa chọn của người dùng và cản trở quá trình đổi mới sáng tạo.

Cái khó đối với các nhà hoạch định chính sách là làm sao để vừa có thể duy trì thế mạnh của những tập đoàn công nghệ khổng lồ nhưng đồng thời cũng tạo ra một thị cạnh tranh sôi động cho nền kinh tế số như lý tưởng của chủ nghĩa tư bản để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đem lại lợi ích cho người dùng. Việc tăng cường thực thi luật sáp nhập và luật chống độc quyền có thể là một giải pháp nhưng cách tiếp cận tốt nhất sẽ là thiết lập những quy định mới, cụ thể hơn qua đó khuyến khích sự cạnh tranh, mang lại cảm giác an tâm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng cơ hội cho các công ty mới nổi thâm nhập thị trường cũng như cho phép người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và sự kiểm soát tốt hơn.

Trong những thập niên gần đây, nhiều ngành công nghiệp đang trở nên tập trung hóa hơn và ngày càng bị chi phối bởi một số lượng nhỏ doanh nghiệp. Tình trạng này không phải lúc nào cũng xấu, chẳng hạn như những nhà bán lẻ lớn có hiệu quả hoạt động tốt sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô, năng suất sẽ ngày càng tăng trong khi giá bán và chiết khấu trên mỗi sản phẩm ngày càng xuống thấp. Tuy nhiên cũng có khi nó đưa đến những hệ quả tiêu cực, ví dụ như sự sáp nhập của các bệnh viện ở Hoa Kỳ khiến cho chi phí y tế trở nên đắt đỏ hơn nhưng hiệu quả hoạt động lại không được cải thiện tương xứng.

Xu hướng tập trung hóa trong lĩnh vực công nghệ cũng đem lại những mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn theo hướng tích cực thì đó là hiệu ứng mạng (khi nhiều người cùng sử dụng một sản phẩm thì giá trị của sản phẩm đó sẽ tăng theo) và lợi thế kinh tế nhờ qui mô và phạm vi (economies of scale and scope). Ngược lại cũng có mặt tiêu cực, chẳng hạn như khi một nhóm nhỏ công ty tận dụng sức mạnh mà họ nắm giữ trong một số lĩnh vực để mở rộng và bảo vệ nó ở những lĩnh vực khác. Ví dụ như thương vụ giữa Google và Apple trong đó Google trả tiền để công cụ tìm kiếm của hãng được cài mặc định trên các sản phẩm của Apple.

Những người bảo vệ các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) lập luận rằng thị trường hiện nay có thể thiếu tính cạnh tranh nhưng cả Google lẫn Facebook vẫn đang phải gồng mình để bảo vệ vị thế của mình khỏi “những người kế nhiệm tiềm năng”: Google đã từng lật đổ Yahoo trong mảng tìm kiếm và Facebook lật đổ Myspace trong mảng mạng xã hội. Nhưng nếu chính sách vẫn không thay đổi, chuyện những kẻ đi sau có thể lật đổ những kẻ đương nhiệm rất khó xảy ra. Những gã khổng lồ công nghệ hiện đang hưởng lợi lớn từ một nền kinh tế Internet ngày càng trưởng thành và ổn định cùng với lượng dữ liệu khổng lồ và hệ thống mạng có quy mô rộng khắp. Và một điều nữa là những chính sách hiện tại của chính phủ cho phép những gã khổng lồ này thâu tóm các đối thủ tiềm năng. Năm 2012, Facebook mua Instagram, hai năm sau họ tiếp tục mua lại WhatsApp, một phần lý do của việc này là muốn tránh số phận tương tự như Myspace.

Việc thiếu cạnh tranh khiến chúng ta phải trả giá rất đắt. Nhìn bề ngoài, những nền tảng kỹ thuật số có vẻ đang cung cấp các sản phẩm miễn phí cho người tiêu dùng, nhưng thật ra tất cả đều có phí đi kèm. Người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm được quảng cáo, ít có sự lựa chọn hơn, đồng t hời thông tin riêng tư cũng không được bảo vệ tốt và quá trình đổi mới sáng tạo cũng sẽ diễn ra chậm hơn.

Giải pháp tăng cường thực thi pháp luật trong việc chống độc quyền cũng như giám sát các vụ sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ có thể thúc đẩy tính cạnh tranh, tuy nhiên cách tiếp cận này có giới hạn. Tòa án không theo kịp với tốc độ đổi mới và thường đưa ra các biện pháp khắc phục không triệt để. Cách tiếp cận nên làm lúc này là ban hành những quy định khuyến khích sự cạnh tranh.

Từ tháng 4 năm 2021, Đơn vị quản lý thị trường kỹ thuật số của Vương quốc Anh sẽ áp dụng bộ quy tắc ứng xử buộc các công ty phải tuân theo nếu muốn có quyền truy cập vào nền tảng số. Chính phủ đã vận động để thông qua luật cho phép thiết lập một bộ quy tắc ứng xử “đáp ứng ba mục tiêu lớn là giao dịch công bằng, lựa chọn mở cùng với niềm tin và tính minh bạch”. Bộ quy tắc sẽ chỉ áp dụng cho các công ty thuộc hàng lớn nhất, để lại không gian tự do sáng tạo hoàn toàn cho các công ty nhỏ và vừa. Nó bao gồm các quy định tương tự như luật cạnh tranh hiện hành nhưng việc thực thi sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn, giúp cho các công ty lớn có thể tiên liệu tốt hơn.

Tại Hoa Kỳ, sau cuộc điều tra thị trường kỹ thuật số, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã đưa ra các khuyến nghị từ cả nhóm đa số và thiểu số trong ủy ban vào tháng 10 năm nay. Khuyến nghị từ cả hai nhóm có điểm chung là đều yêu cầu tăng cường thực thi luật chống độc quyền. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner từ bang Virginia và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley từ bang Missouri đã hợp tác cùng nhau để đưa vào các quy định cho phép người dùng dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi giữa các mạng xã hội cũng như các nền tảng khác, các doanh nghiệp mới cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc thâm nhập thị trường. Đây là lúc phải hành động và Hoa Kỳ nên đi theo con đường đã được suy tính cẩn trọng của Vương quốc Anh.

J.F.

Jason Furman: là giáo sư thực hành tại Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng giai đoạn 2013-2017. Ông chủ trì hội đồng chuyên gia của chính phủ Anh đưa ra các đề xuất góp phần hình thành nên Đơn vị quản lý thị trường kỹ thuật số.

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn