Nước Mỹ của Joe Biden có thể tin được không?

Project-Syndicate

Joseph S. Nye Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

Các bạn bè và đồng minh đã mất lòng tin nơi nước Mỹ. Niềm tin liên quan mật thiết đến sự thật và Tổng thống Donald Trump nổi tiếng là lỏng lẻo với sự thật. Tất cả các tổng thống đều đã nói dối, nhưng chưa bao giờ quy mô đến mức làm mất giá trị cơ bản về lòng tin. Các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy, sức mạnh mềm của nước Mỹ đã giảm mạnh trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Liệu Tổng thống tân cử Joe Biden có thể khôi phục niềm tin đó không? Trong ngắn hạn là có. Việc thay đổi phong cách và chính sách sẽ cải thiện vị thế của Mỹ ở hầu hết các quốc gia. Trump là một ngoại lệ trong số các tổng thống Mỹ. Nhiệm kỳ tổng thống là việc đầu tiên của Trump trong Chính phủ, sau khi giành được sự nghiệp trong thế giới bất động sản ở New York và các chương trình truyền hình thực tế theo kiểu đánh bạc, được ăn cả, ngã về không, nơi mà những tuyên bố thái quá thu hút sự chú ý của giới truyền thông và giúp kiểm soát các chương trình nghị sự.

Ngược lại, Biden là một chính trị gia được thử thách, có kinh nghiệm lâu năm về chính sách đối ngoại với nhiều thập niên ở Thượng viện và tám năm làm phó tổng thống. Kể từ cuộc bầu cử, những tuyên bố và bổ nhiệm ban đầu của ông đã có tác dụng trấn an sâu xa cho các đồng minh.

Vấn đề của Trump với các đồng minh không phải là khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Như tôi đã lập luận trong sách của tôi là “Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump” (Nghĩa là: Đạo đức có quan trọng không? Tổng thống và chính sách đối ngoại từ Franklin D. Roosevelt đến Trump), các tổng thống được giao phó cho việc thúc đẩy lợi ích quốc gia. Vấn đề tinh thần quan trọng là phương cách mà một tổng thống xác định lợi ích quốc gia.

Trump đã chọn các định nghĩa theo kiểu giao dịch hẹp hòi, theo John Bolton, Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump, đôi khi Trump nhầm lẫn lợi ích quốc gia với lợi ích cá nhân, chính trị và tài chính riêng.

Ngược lại, nhiều tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman thường có cái nhìn bao quát về lợi ích quốc gia và không nhầm lẫn lợi ích đó với lợi ích của mình. Truman thấy rằng, việc giúp đỡ người khác là lợi ích quốc gia của Mỹ, và thậm chí còn từ bỏ việc ghi tên mình vào Kế hoạch Marshall để hỗ trợ tái thiết hậu chiến ở châu Âu.

Ngược lại, Trump có thái độ coi thường các liên minh và chủ nghĩa đa phương, điều mà ông thường xuyên thể hiện tại các cuộc họp của G7 hoặc NATO. Ngay cả khi ông đã có những hành động hữu ích để chống lại các lạm dụng thương mại của Trung Quốc, ông đã không thể phối hợp để gây áp lực với Trung Quốc; thay vào đó, ông đánh thuế đối với các đồng minh của Mỹ. Một điều ngạc nhiên nhỏ là nhiều người trong số họ tự hỏi liệu sự phản đối (đúng đắn) của Mỹ đối với Hoa Vi, doanh nghiệp công nghệ khổng lồ Trung Quốc, có được thúc đẩy bởi các mối quan tâm thương mại hơn là an ninh hay không.

Việc Trump rút khỏi Hiệp ước Paris về Khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới đã gieo rắc ngờ vực về cam kết của Mỹ trong việc đối phó với các mối đe dọa toàn cầu xuyên quốc gia như sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu và đại dịch. Kế hoạch của Biden để gia nhập lại cả hai và những cam đoan của ông về NATO, sẽ có tác dụng trước mắt đối với quyền lực mềm của Mỹ.

Nhưng Biden vẫn sẽ phải đối mặt với vấn đề về lòng tin sâu xa hơn. Nhiều đồng minh đang hỏi điều gì đang xảy ra với nền dân chủ Mỹ. Làm thế nào một quốc gia đã sản sinh ra một nhà lãnh đạo chính trị kỳ lạ như Trump vào năm 2016 lại có thể được tin tưởng để không sản xuất một người khác vào năm 2024 hoặc 2028? Có phải nền dân chủ của Mỹ đang suy tàn, khiến đất nước không còn đáng tin cậy?

Niềm tin suy giảm nơi chính phủ và các định chế khác thúc đẩy cho sự trỗi dậy của Trump không bắt đầu từ Trump. Sự tin tưởng xuống thấp nơi chính phủ đã là căn bệnh của Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua. Sau thành công trong Thế chiến thứ hai, 3/4 người Mỹ cho biết, là họ tin tưởng mãnh liệt nơi chính phủ. Tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 1/4 sau Chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate vào thập niên 1960 và 1970. May mắn thay, hành vi của dân chúng trong các vấn đề như tuân thủ thuế vụ thường tốt hơn nhiều so với câu trả lời của họ cho những người thăm dò ý kiến có thể đề xuất.

Có lẽ minh chứng tốt nhất về sức mạnh tiềm ẩn và khả năng phục hồi của văn hóa dân chủ Mỹ là cuộc bầu cử năm 2020. Bất chấp đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ và những dự đoán thảm khốc về điều kiện bỏ phiếu hỗn loạn, số lượng cử tri tham gia đã đạt kỷ lục, và hàng nghìn quan chức địa phương - Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ và những người độc lập - những người điều hành cuộc bầu cử coi việc thực hiện trung thực nhiệm vụ của họ là nghĩa vụ công dân.

Tại Georgia, nơi Trump suýt thua, bất chấp những lời chỉ trích vô căn cứ của Trump và các đảng viên Cộng hòa khác, Ngoại trưởng Đảng Cộng hòa, người chịu trách nhiệm giám sát cuộc bầu cử, tuyên bố: “Tôi sống theo phương châm là những con số không nói dối“.

Các vụ kiện của Trump cáo buộc gian lận thiếu bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ chúng, đã bị loại từ tòa này đến tòa khác, bao gồm cả các thẩm phán Trump đã chỉ định. Các đảng viên Cộng hòa ở Michigan và Pennsylvania đã chống lại những nỗ lực của Trump để yêu cầu các nhà lập pháp tiểu bang lật ngược kết quả bầu cử. Trái với những dự đoán của cánh tả và những dự đoán của cánh hữu về gian lận, nền dân chủ Mỹ đã chứng tỏ sức mạnh và nguồn gốc sâu xa trong địa phương.

Nhưng người Mỹ, bao gồm cả Biden, sẽ vẫn phải đối mặt với những lo ngại của các đồng minh về việc liệu họ có thể tin tưởng để không bầu cho một Trump khác vào năm 2024 hay 2028. Họ lưu tâm đến sự phân hoá của các đảng chính trị, Trump phủ nhận sự thất bại của mình và cáo buộc các nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hoà về hành vi của ông hoặc thậm chí công nhận công khai chiến thắng của Biden.

Trump đã sử dụng cơ sở trong những người ủng hộ nhiệt thành của mình để giành quyền kiểm soát Đảng Cộng hòa bằng cách đe dọa hỗ trợ những thách thức chính để dung hoà những người không theo đường lối của ông. Các nhà báo tường thuật rằng, khoảng một nửa số đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện coi thường Trump, nhưng họ cũng sợ ông. Nếu Trump cố gắng duy trì quyền kiểm soát đảng sau khi ông rời Nhà Trắng, Biden sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi làm việc với Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

May mắn thay cho các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi các tài năng chính trị của Biden sẽ được thử thách, Hiến pháp Hoa Kỳ cung cấp cho một tổng thống nhiều quyền hạn trong đối ngoại hơn là trong chính sách đối nội, vì vậy những cải thiện ngắn hạn trong hợp tác sẽ là hiện thực. Hơn nữa, không giống như năm 2016, khi Trump đắc cử, một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng Các Vấn đề toàn cầu ở Chicago cho thấy, 70% người Mỹ muốn có một chính sách đối ngoại hợp tác hướng ngoại  - đó là một mức cao kỷ lục.

Nhưng vấn đề còn kéo dài là, liệu các đồng minh có thể tin tưởng Mỹ được không, tạo ra một Trump khác không, vẫn chưa thể trả lời được một cách chắc chắn. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch, khôi phục nền kinh tế và tài năng chính trị của Biden trong việc điều hành sự phân hoá chính trị của đất nước.

J.N.

___

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của cuốn sách mới nhất: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump

Giới thiệu trang nhà của dịch giả: https://kimthemdo.com

Nguồn: baotiengdan.com/2020/12/09

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn