Góp ý về tham nhũng, bất bình đẳng và lòng tin vào thể chế chính trị

TS Phạm Đình Bá

Bài viết của TS có câu nhận định: “chế độ bị coi là tham nhũng và ngay cả khi bất bình đẳng đang gia tăng, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân. Đây là câu chuyện của Trung Quốc và Việt Nam trong những năm gần đây”. BVN không hẳn đồng tình với nhận định này. Nhìn xã hội thì thấy nó có vẻ như vậy, nhưng đi sâu vào thực chất thì sao? Phải chăng đó là sự bất mãn bị bịt mồm, bởi người dân đâu có chỗ để phát ngôn những gì ấp ủ trong lòng họ, muốn kêu gào nữa cũng làm gì có quyền được tự do kêu gào?

Tuy vậy, những kiến giải của TS từ góc nhìn về mối quan hệ tham nhũng - quản trị xã hội của các chính phủ và người dân … theo chúng tôi có nhiều gợi ý đáng tham khảo. Bởi thế xin đăng lên để rộng đường dư luận.

Bauxite Việt Nam

(VNTB) - Việc nhìn nhận các nhà lãnh đạo là trung thực và họ tìm cách giảm bất bình đẳng có thể tạo ra một bước đệm cho niềm tin của dân vào một thể chế chính trị đổi mới hay một thể chế chính trị mới.

Trước thềm đại hội đảng, tôi xin có vài ý kiến từ suy nghĩ và đắn đo về tương lai đất nước. Đầu tiên, dân tin tưởng vào chính phủ khi họ tin rằng chính phủ có năng lực, chính phủ cung cấp các dịch vụ cơ bản, chính phủ giữ cho đất nước toàn vẹn và thịnh vượng, và các quyết định của chính phủ là công bằng. Công bằng dựa trên sự trung thực và bình đẳng trong cách chính phủ đối xử với dân. Tham nhũng nằm ở trung tâm của sự mất lòng tin vào chính phủ bởi vì dân phải đối đầu với cán bộ tham nhũng trong đời sống hàng ngày.

Các lãnh đạo tham nhũng làm giàu cho bản thân với chi phí và thuế của dân. Không có đồng thuận giữa kẻ cầm quyền và dân bị trị khi dân coi lãnh đạo là nói láo, ăn chặn, thụt quỹ và làm giàu trên xương máu của dân. Lãnh đạo tham nhũng thâm thụt quỹ công, chuyển tiền từ quỹ công vào tài khoản ngân hàng của chúng (thường là ngân hàng ở nước ngoài) thay vì chi tiêu vào lợi ích xã hội, như xây bệnh viện, trường học và đường sá.

Làm sao dân biết lãnh đạo có tham nhũng? Khi tham nhũng được ‘làm tốt’, dân khó có thể quan sát được. Nhưng dân ở nhiều mức kinh tế xã hội khác nhau thường có nhận thức chung về mức tham nhũng trong chính phủ, bao gồm từ dân oan, dân đen, dân nghèo, dân giàu cho đến dân có mức thu nhập kinh tế và địa vị cao trong xã hội – tất cả tầng lớp dân khác nhau đều bị hại bởi tham nhũng theo nhiều cách khác nhau. Tham nhũng thúc đẩy sự đồng thuận giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội về cố gắng làm đẹp xã hội.

Một số lượng lớn các cuộc điều tra trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi với dân về nhận thức tham nhũng trong chính phủ của họ. Và dân thường cũng như giới tinh hoa trong xã hội thường đều đồng ý rằng: có mối tương quan chặt chẽ giữa nhận thức của dân thường và giới tinh hoa về tham nhũng. Cả dân thường và giới tinh hoa trong xã hội có đồng thuận về mức tham nhũng trong chính phủ, cũng như có cảm nhận sâu sắc về tác hại của tham nhũng lên đời sống hàng ngày và giá trị đời sống.

Nhiều người có thể không xác định được chính xác tham nhũng ở đâu, nhưng mọi người dường như biết mức tác hại của tham nhũng và có thể xác định tương đối về mức tham nhũng của đất nước của họ so sánh với các nước có định chế khác nhau về mức độ nhân quyền và tự do lựa chọn lãnh đạo. Hiện tượng cảm nhận và quan sát về tham nhũng thường khi được so sánh với cách đánh giá khiêu dâm. Bạn có khi không thể khẳng định khiêu dâm giả dạng dưới hình thức cao - nhưng bạn biết điều đó khi bạn nhìn thấy nó. Tương tự như vậy, khi bạn thấy một lãnh đạo đến thăm nhà máy khi nhà máy này đang cố giấu thảm họa môi trường mà rồi bị lộ sau đó, bạn có thể hiểu mối liên hệ giữa lãnh đạo, nhà máy và tiền tỉ chảy vào ngân hàng bí mật ở nước ngoài.

Mối liên hệ giữa tham nhũng và lòng tin chính trị tồn tại ở các khu vực khác nhau trên thế giới - không có gì văn hóa về mối liên hệ này. Tham nhũng và bất bình đẳng là một phần của hội chứng chính phủ tồi. Bất bình đẳng có hại cho sự an toàn của quyền sở hữu tài sản và do đó làm chậm đi sự phát triển đất nước trong so sánh giữa những nước với mức bất bình đẳng xã hội khác nhau. Ở các nước với mức bất bình đẳng cao như Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ, người giàu có khả năng khuynh loát thể chế chính trị, khuynh loát quản lý công và chà đạp luật pháp của xã hội cho lợi ích của họ.

Nếu một người đủ giàu hơn một người khác, và các tòa án có thể bị tha hóa, thì hệ thống pháp luật sẽ ưu tiên người giàu chứ không phải người nghèo. Tương tự như vậy, nếu các thể chế chính trị và quản lý có thể bị khuynh loát bởi sự giàu có hoặc ảnh hưởng chính trị hay xã hội, thì các thể chế này đặt ưu tiên trên an toàn cho lãnh đạo và tùy tùng của chúng, thay vì đặt ưu tiên lên năng suất, hiệu quả kinh tế và như trường hợp ở Việt Nam và Trung Quốc, việc duy trì thể chế được coi trọng hơn cả toàn vẹn lãnh thổ, kinh tế và các vấn đề quan trọng khác theo quan điểm của toàn dân.

Điều này dẫn đến việc lãnh đạo và tùy tùng có cơ sở tốt để theo đuổi các hành vi thủ lợi cho lợi ích nhóm, thay vì quản trị cho quyền lợi chung của dân, thừa nhận rằng hệ thống luật pháp, chính trị và các quy định trên nguyên tắc sẽ không bắt lãnh đạo và tùy tùng phải chịu trách nhiệm về sự thiếu trung thực, nói một đàng làm một nẻo, như trường hợp ở Hoa Kỳ trong vài năm qua.


Tham nhũng đóng vai trò như một loại thuế đánh vào dân oan, dân nghèo, người buôn bán và dân làm ăn trong các nghề ngành. Người khá giả có thể mua hối lộ, nhưng người nghèo thường không có các dịch vụ cơ bản. Tham nhũng cướp đi nguồn lực cung cấp các dịch vụ cơ bản cho dân, đặc biệt là dân oan và dân nghèo. Đặc biệt, dân vì làm ăn hợp pháp không đủ ăn phải chuyển sang kinh tế phi chính thức. Ở trong tình cảnh này, họ có ít quyền lợi hợp pháp, việc làm của họ không hợp pháp và không có hợp đồng hoặc nghiệp đoàn đại diện cho người lao động trong khu vực phi chính thức.

Tham nhũng thường đặc biệt lan tràn trong những dịch vụ mà dân nghèo phụ thuộc nhiều nhất: cảnh sát, trường học và ngành y tế. Các quốc gia có mức độ tham nhũng cao có cung cấp dịch vụ kém. Việc các nước tham nhũng với tình trạng bất bình đẳng gia tăng không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản cho thấy cái bẫy của bất bình đẳng lên xã hội: người giàu có thể hối lộ cán bộ để đảm bảo rằng dịch vụ của họ được bảo đảm hoặc nhận được dịch vụ từ các nhà cung cấp tư nhân. Dân nghèo không có những lựa chọn này. Khi nhà nước không có đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ, dân nghèo sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn. Dân vì thế sẽ mất đi niềm tin vào hệ thống chính trị.

Theo nhiều nghiên cứu, dân của các nước có nạn tham nhũng tràn lan ít tin tưởng vào chính phủ. Khi tham nhũng cao, dân châu Âu ít tin tưởng vào chính phủ, đặc biệt nếu họ có trình độ học vấn cao. Có nhiều tài liệu liên kết sự công bằng trong thủ tục (có liên quan tiêu cực đến tham nhũng) với lòng tin chính trị.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự giàu có không đồng đều khiến mọi người cảm thấy ít bị ràng buộc hơn về việc lừa dối người khác và trốn thuế. Nơi nào nạn tham nhũng tràn lan, người dân mất niềm tin rằng tương lai của họ sẽ tươi sáng. Ở những nơi này, dân ít có khả năng tin rằng họ có thể vươn lên nhờ làm việc chăm chỉ hơn. Thay vào đó, dân có cảm nghĩ là khả năng vươn lên của họ là do may mắn hoặc có mối quan hệ móc nối với cán bộ. Hiện tượng này làm giảm thiểu mức độ phát triển và là một cái bẫy kìm hãm khả năng của toàn dân trong việc đóng góp tích cực cho các hoạt động kinh tế và xã hội.

Bất bình đẳng sinh ra tham nhũng bằng cách: (1) khiến dân thường coi thể chế chính trị chống lại quyền lợi của họ; (2) tạo ra cảm giác phụ thuộc của dân vào lãnh đạo tham nhũng, (3) cảm giác bi quan cho tương lai, điều này làm suy yếu các quy tắc đạo đức đối xử trung thực với người xung quanh; và (4) bóp méo các thể chế chính về công bằng trong xã hội, đặc biệt là các tòa án và cảnh sát.

Bất bình đẳng kinh tế củng cố lãnh đạo độc tài, những người coi việc ban phát địa vị cho gia đình và tùy tùng của họ như là một đạo đức “cách mạng” hơn là một việc xấu xa. Hiện trang này củng cố việc mua quan bán chức và dùng bằng giả để leo lên các địa vị có khả năng thủ lợi cho cá nhân. Bất bình đẳng sinh ra tham nhũng - và sự phụ thuộc của dân nghèo vào sinh sát ban phát bởi lãnh đạo. Bất bình đẳng cũng liên quan đến một loạt các kết quả phi kinh tế, liên quan đến sự chênh lệch lớn hơn về sự giàu có ở cả trong nước và giữa các quốc gia.

Bất bình đẳng kinh tế dẫn đến tỷ lệ cao về các vấn đề về sức khỏe tâm thần, lạm dụng ma túy, sức khỏe xấu và tuổi thọ thấp, béo phì, hiệu quả giáo dục thấp, trẻ con sinh ra từ cha mẹ vị thành niên, bạo lực trong gia đình, tỷ lệ vào tù cao hơn, khả năng thăng tiến xã hội thấp, tỷ lệ nuôi con đơn thân cao và xã hội ít đổi mới. Thêm nữa, bất bình đẳng kinh tế dẫn đến cung cấp dịch vụ kém, mức độ tham nhũng cao, và đặc biệt là sự bất bình đẳng lớn khiến dân tin rằng thể chế chính trị phục vụ lợi ích của những kẻ thống trị, không phục vụ quyền lợi tối thiểu của dân.

Trong thể chế gọi là “cộng sản”, những nhà lãnh đạo chính trị chi tiêu tiền thuế nhiều hơn cho các dự án tôn vinh quyền cai trị của chính họ (những bức tượng lớn, đầy đặc hoa đèn lúc hội họp), củng cố quyền lực của họ (công an to, quân đội lớn), hoặc họ có thể bóc lột dân, cướp đất của dân để tăng tài sản của giai tầng lãnh đạo. Lãnh đạo chi tiêu tiền thuế ít hơn vào các dự án mang lại lợi ích cho người dân bình thường như trường học và an sinh xã hội. Cung cấp dịch vụ kém là căn bệnh trầm kha trong các chế độ cộng sản, nơi tham nhũng là dị căn.

Tăng trưởng kinh tế chậm hơn một phần chính cũng bởi vì việc duy trì quyền lợi của lãnh đạo là ưu tiên số một cho lãnh đạo, mặc xác những gì khác trong kinh tế và xã hội khi quyền lợi của lãnh đạo bị đụng chạm với các nhu cầu khác của toàn dân. Cung cấp dịch vụ kém và tăng trưởng thấp đều gây tổn hại cho người nghèo nhiều hơn người giàu. Đó là lý do khiến lúc nào cũng có bất ổn tiềm tàng bên dưới một khung đàn áp triền miên từ nỗi lo sợ miên viễn của lãnh đạo về việc họ bị lật đổ.

Tham nhũng và bất bình đẳng dẫn đến mất lòng tin chính trị từ toàn dân vào thể chế chính trị và lãnh đạo. Nếu các quan chức ăn cắp từ hầu bao của dân và trở nên giàu có, trong khi những người dân oan và dân thường vẫn nghèo kiết, thì sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu mọi người không có niềm tin vào các nhà lãnh đạo của họ. Người dân mong đợi chính phủ cung cấp cho họ những dịch vụ cơ bản. Nhưng cung cấp dịch vụ sẽ thấp hơn khi tham nhũng cao. Người dân ở các quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao thường phải đối mặt với ‘tham nhũng vặt’, đòi hối lộ nhỏ cho cán bộ, thậm chí đến các bác sĩ, nhà thương công và các cung cấp dịch vụ xã hội cũng đòi  hỏi tiền hối lộ.

Điều khiến người ta khó chịu không phải là quá nhiều tham nhũng vặt nhưng là tham nhũng lớn và tẩu tán tài sản ra nước ngoài từ lãnh đạo to, và móc nối để ăn chận lớn từ các lãnh đạo chóp bu để các công ty ngoại quốc có thể hoạt động bất chấp hiểm họa môi trường và bóc lột công nhân cho đến tận xương tủy. Khi có xung đột, lãnh đạo hèn nhát vì chỉ mong sát cánh với kẻ mạnh thay vì đóng góp tiếng nói để bảo vệ dân. Ví dụ như việc thất thoát hàng năm hàng trăm tỉ đô Mỹ từ Việt Nam và hàng ngàn tỉ đô Mỹ từ Trung Quốc đã được các tổ chức pháp y tài chính trên thế giới điều tra và tường trình rộng rãi. Thất thoát này đóng góp vào sự tăng trưởng của bất bình đẳng trong xã hội.

Ở các quốc gia xếp hạng cao về cả tham nhũng và bất bình đẳng, niềm tin vào các cơ quan chính trị sẽ giảm dần theo tình trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trung thực lan rộng hoặc mức độ bất bình đẳng cao khiến người dân ít có niềm tin vào thể chế chính trị của họ. Khi bất bình đẳng và tham nhũng lên cao, sự mất lòng tin có thể trở thành mãn tính và đời sống sẽ khó khăn cho dân.

Điều mà dân luôn mong muốn ở chính phủ là hiệu quả kinh tế mạnh mẽ. Dân cũng mong đợi các nhà lãnh đạo của họ trung thực và không làm giàu cho gia đình và tùy tùng của họ từ hầu bao của dân. Và dân tin rằng khi có sự bất bình đẳng phổ biến, các nhà lãnh đạo sẽ thiên vị nhiều hơn với những người có nhiều quyền lực và tài nguyên tiền bạc. Các chính phủ phải có trách nhiệm đóng góp vào việc giảm thiểu chứ không phải làm gia tăng bất bình đẳng để thuyết phục dân rằng lãnh đạo đang cai trị vì lợi ích của dân.

Đây là những phát hiện có vẻ phổ biến dựa trên dữ liệu từ các quốc gia khác nhau. Vấn đề đối với lòng tin chính trị, cũng như niềm tin vào người khác, là cả tham nhũng và bất bình đẳng đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ nầy không thay đổi nhiều theo thời gian, cũng như tham nhũng và bất bình đẳng thường không giảm sút nếu thể chế chính trị vẫn như cũ. Các quốc gia có mức độ tham nhũng cao (bất bình đẳng cao) tại một thời điểm có khả năng vẫn tham nhũng cao (và bất bình đẳng cao) vào nhiều năm sau đó. Và điều này gây khó khăn cho việc thiết lập lòng tin chính trị, cũng như niềm tin vào người khác. Vì vậy, nhiều quốc gia có thể vẫn sa lầy vào cái bẫy bất bình đẳng và phát triển kinh tế chậm do lòng tin chính trị thấp.

Ở một khía cạnh khác, tình trạng của nền kinh tế lại đóng một vai trò lớn về việc dân có tin vào thể chế chính trị hay không, thậm chí tình trạng của nền kinh tế có thể chi phối trong việc hình thành niềm tin vào chính phủ. Vì vậy, một chế độ khiến hầu hết mọi người cảm thấy khá giả hơn, ngay cả khi chế độ bị coi là tham nhũng và ngay cả khi bất bình đẳng đang gia tăng, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân. Đây là câu chuyện của Trung Quốc và Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ như vậy là mong manh. Mọi nền kinh tế đều có những biến động lên xuống, hầu như khó có thể điều khiển hoàn toàn vấn đề lên xuống trong kinh tế. Việc nhìn nhận các nhà lãnh đạo là trung thực và họ tìm cách giảm bất bình đẳng có thể tạo ra một bước đệm cho niềm tin của dân vào một thể chế chính trị đổi mới hay một thể chế chính trị mới.

T.Đ.B.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn