Di sản chống cộng của chính quyền Donald Trump (phần 1 và 2)

VOA Tiếng Việt

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019.

Qua bốn năm dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, yếu tố Trung Quốc nổi lên như một tâm điểm trong các chính sách đối ngoại của Washington, từ thương chiến đến an ninh quốc phòng, cùng hàng loạt các chính sách trừng phạt các quan chức Bắc Kinh và quân đội cộng sản. Chính quyền Trump cũng mạnh mẽ lên tiếng tố cáo tội ác của chủ nghĩa cộng sản ở Cuba, Venezuela, Iran, Triều Tiên… nhưng hầu như chưa đề cập nhiều đến Việt Nam.

Đâu là nguyên nhân cốt lõi của các xung đột này? Đó là do sự khác nhau về ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hay chỉ là một cuộc đối đầu mang tính chiến lược? Vì sao Hà Nội chưa bị Washington trừng phạt dù bị gắn mác “thao túng tiền tệ”? VOA sẽ cùng các chuyên gia nhìn lại di sản nổi cộm này của chính quyền Donald Trump.

Phần 1: Nhìn lại di sản chống cộng của chính quyền Trump

Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt về ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong căng thẳng Mỹ - Trung, điểm mấu chốt là cạnh tranh chiến lược.

Tổng thống Trump nói gì tại Đại hội đồng LHQ?

Ý thức hệ

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở California nên nhận định:

“Trong nhiều ngàn năm Trung Quốc rất giỏi về vấn đề buôn bán, và tư bản quân chủ (imperial capitalism) của họ tập trung do chính quyền kiểm soát thông qua các công ty nhà nước, điều này khác với tư bản tự do (liberal capitalism) của Hoa Kỳ chủ yếu tư nhân làm kinh tế. Xung đột Hoa Kỳ và Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt này, chứ còn vấn đề ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thì đã lỗi thời và đã qua rồi.

Từ Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore), nói:

“Đúng ra có một chi tiết về mặt ý thức hệ, thể hiện ở chỗ là ngày 24/7/2020 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có bài phát biểu ở thư viện Richard Nixon. Ông có nói đến vấn đề ý thức hệ và ông chỉ ra rằng tất cả những vấn đề từ phía Trung Quốc là do việc hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Đó là một nhân tố quan trọng để người Mỹ tiếp tục cư xử với Trung Quốc bằng cách tạo liên minh mà Hoa Kỳ đóng vai trò chủ chốt để làm thay đổi Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Tiến sĩ Roger Canfield, tác giả của sách Các con ngựa thành Troy Trung Quốc: Chiến binh, Thủy thủ, Sinh viên, Khoa học gia và Điệp viên Trung cộng chiếm đóng quốc nội Hoa Kỳ, nhận định:

“Tôi nghĩ rằng chính quyền Trump và Ngoại trưởng Pompeo đã thực hiện một công việc tuyệt vời trong việc chống trả và cảnh báo người dân Mỹ về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt đối với chế độ Tập Cận Bình. Ông Tập là Mao mới. Như chúng ta đã biết điều gì đã xảy ra với chủ nghĩa Mao: chiến dịch Đại Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.

“Trên thực tế, chúng ta có thể nhận thấy rằng Cách mạng Văn hóa Trung hoa đã được đưa đến Mỹ để nhằm triệt tiêu văn hóa Mỹ, và các hoạt động chính trị và gián điệp của Trung Quốc đã rất tích cực tại Mỹ.

“Ngoài ra, Trung Quốc còn gây hấn với các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, mua chuộc hoặc đe dọa các quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter trước khi kết thúc nhiệm kỳ:

“Chính quyền Trump đã kết thúc nhiều thập kỷ xoa dịu và chính sách can dự sai lầm đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Chúng ta không thể bỏ qua những khác biệt về chính trị và ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giữa tự do và chuyên chế”.

Cạnh tranh Chiến lược

Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) nêu ý kiến:

“Căng thẳng Trung - Mỹ chủ yếu là xoay quanh vấn đề cạnh tranh chiến lược về việc xem quốc gia nào là quốc gia dẫn đầu trong hệ thống quốc tế, nó không mang nhiều yếu tố ý thức hệ như cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.

“Hiện tại, ảnh hưởng về mặt ý thức hệ của Trung Quốc rất là hạn chế. Sự khác biệt về ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là mô hình phát triển kinh tế, nhưng Trung Quốc không có tham vọng xuất khẩu cách mạng hay áp đặt mô hình của mình ra bên ngoài. Do đó yếu tố ý thức hệ trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung mờ nhạt hơn rất nhiều so với trước đây”.

“Mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có bản chất là mối cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc coi mình đã mạnh rồi và muốn Mỹ xem họ ngang hàng như là một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Chính vì vậy mà trong chính sách an ninh quốc gia và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ công bố năm 2017, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Tổng thống Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Bắc Kinh như tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc. Ở lĩnh vực công nghệ cao, tập đoàn Huawei và nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng bị Mỹ đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh mẽ vì ông Trump cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ theo các cách có hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia.

Dù có nhiều tranh cãi về tác động của thương chiến Mỹ - Trung diễn ra dưới chính quyền Trump, nhưng các nhà quan sát thừa nhận việc ông Trump cứng rắn với Trung Quốc là phù hợp với góc nhìn lợi ích của Mỹ và đó là điều mà người kế nhiệm ông, tân Tổng thống Joe Biden, cần cân nhắc sau khi tiếp quản quyền lực. Lý do là Trung Quốc hiện tại đang phát triển nhanh, mạnh và đã được dự báo sẽ rút ngắn khoảng cách và sớm soán ngôi Mỹ ở vị trí nền kinh tế số một thế giới. Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng sâu rộng, đủ để bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ cũng phải bận tâm hàng đầu.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tổng kết trên Twitter về vai trò của chính quyền của ông Trump trong việc chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, các lý do biểu tình ở Hong Kong, làm nổi bật việc Bắc Kinh lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương, tấn công các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hoa Kỳ, chống lại sự tiến bộ của người Trung Quốc, các công ty công nghệ ở châu Âu, đối đầu với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và củng cố các liên minh khu vực ở châu Á nhằm chống lại Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter tố cáo cộng sản Trung Quốc

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter tố cáo cộng sản Trung Quốc

Ông Pompeo viết trên Twitter trước khi kết thúc cương vị ngoại trưởng: “Chính quyền Trump đã thay đổi cuộc trò chuyện toàn cầu về Trung Quốc. Chúng tôi đã vạch trần thái độ thù địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với thế giới tự do và xây dựng các liên minh để đẩy lùi hành vi xấu của Bắc Kinh”.

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói:

“Ở Hoa Kỳ, nền tảng của Đảng Cộng hòa là tư bản, căn cứ địa của họ là những nhà tư bản và ưu tiên của họ là đảm bảo thế giới yên ắng để làm giàu, thịnh vượng, kể cả làm giàu với các nền kinh tế không tự do, không bắt buộc phải thay đổi chế độ.

“Bên phía Dân chủ thì hơi khác, từ đầu họ không xuất phát từ nền tảng tư bản và trọng tâm của họ là dân chủ, nhân quyền. Do vậy khi họ làm ăn với bên ngoài, họ thường đặt ra vấn đề dân chủ và nhân quyền trong những thương ước, và họ đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều hơn.

“Nếu chúng ta nhìn về lịch sử một cách tổng quát mà nói thì thường đòi hỏi thay đổi và gây ra chiến tranh thì bên đảng Dân chủ nhiều hơn: ở vùng Đông Bắc Á là chiến tranh Triều Tiên, ở Đông Nam Á là chiến tranh Việt Nam đều do các tổng thống Dân chủ gây ra”.

Phát biểu của Tổng thống Donald Trump về Trung Quốc. Twitter US Department of State

Phát biểu của Tổng thống Donald Trump về Trung Quốc. Twitter US Department of State

Tiến sĩ Satoru Nagao, thuộc Viện Nghiên cứu Hudson, nhận định với trang Thanh niên: “Có rất nhiều chỉ trích nhằm vào chính quyền Tổng thống Donald Trump và thực sự chính phủ của ông cũng có nhiều sai lầm. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Donald Trump vẫn có nhiều dấu ấn, điển hình như thành tựu trong chiến lược đối với Trung Quốc có rất nhiều khác biệt”.

Ông Trump cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để tước đoạt sự giàu có của người Mỹ, thông qua việc đánh cắp bí mật thương mại, chính sách bảo hộ thương mại và bóp méo thị trường. Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng nguồn tiền “đánh cắp” này để tài trợ cho một chiến dịch quyền lực mềm khổng lồ, làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực, và giành được ảnh hưởng đối với các tổ chức đa quốc gia.

Trong bốn năm qua chính quyền Trump đã đối đầu trực diện với mối đe dọa ở Trung Quốc, trên thế giới và ngay ở Hoa Kỳ.

Vào ngày 23/9/2020, trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump gọi chủ nghĩa xã hội là “một trong những thách thức trầm trọng nhất mà thế giới phải đương đầu”.“Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng Sản không phải là về công bằng… mà về quyền lực cho giai cấp thống trị… Nước Mỹ sẽ không bao giờ là nước xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nghĩa xã hội đã từng phát triển ở Liên Xô, các nước Đông Âu trước năm 1990, và hiện còn tồn tại với một số biến tướng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Cambodia, Lào, và Venezuela.

Có thể nói mặc dù đưa ra hàng loạt lập trường cứng rắn với những nước cộng sản này, nhưng ông Trump không kéo nước Mỹ vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào.

Phần 2: Vì sao chính quyền Trump chưa lên án hay trừng phạt cộng sản Việt Nam?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ lên án và trừng phạt các chế độ cộng sản hoặc chuyên chế như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Iran… nhưng dường như Việt Nam là một ngoại lệ.

Vào giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Việt Nam một cách thoáng qua rằng nước này “lợi dụng thương mại” và vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông liệt đã Hà Nội vào danh sách “thao túng tiền tệ” nhưng vẫn không tiến hành áp đặt bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào.

Chỉ với hai cáo buộc này mà đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp gỡ và điện đàm giữa giới lãnh đạo Hà Nội và các nhân vật chủ chốt trong nội các của chính quyền Trump, với mục đích là nhằm chuyển tải thông điệp “duy trì đối tác toàn diện”, trong đó phía Hà Nội thì nỗ lực “biện hộ”, “xoa dịu”, còn Washington thì vừa “dọa”, vừa “ve vãn” như các chuyên gia nhận định.

Việt - Mỹ: từ ý thức hệ đến địa chính trị

Chuyên gia quan hệ quốc tế Hà Hoàng Hợp thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak (Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore) nói với VOA:

“Các chính phủ Mỹ từ khi bình thường hóa quan hệ (1995) đã không nhắc gì đến ý thức hệ của Cộng sản Việt Nam vì họ cảm nhận rằng Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi về kinh tế và chính trị. Trong hội nhập quốc tế, yếu tố ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa [của Việt Nam] được xem khá là nhẹ nhàng.Tuy từ đó đến giờ họ luôn để ý đến các chỉ số dân chủ, nhân quyền, và có lúc cũng nặng lời”.

“Một lý do nữa là một vài chính phủ Mỹ được biết là từng nói rằng Việt Nam trong bản chất không còn là một thể chế cộng sản nữa, nên họ có cách cư xử hơi thực tế!”

“Về mặt địa chính trị và chiến lược, chắn chắn các nước như Hoa Kỳ và các đồng minh cũng cần phải tranh thủ Việt Nam vì Việt Nam có vai trò địa chính trị chiến lược ở Đông Nam Á để từ đó họ có thể mở rộng sự ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên quy tắc luật”.

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở bang California, Hoa Kỳ, nêu nhận định:

“Trong văn thư của Tòa Bạch Ốc đưa ra trước đây có nhắc đến Trung Quốc, Venezuela, Cuba… và chưa nhắc đến Việt Nam vì lý do là yếu tố địa chính trị”.

“Hoa Kỳ tìm cách ve vãn và gây ảnh hưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng thân thiết hơn với Hoa Kỳ vì Việt Nam có địa chính trị như một cái bàn đạp, tiền đồn đối với Hoa Kỳ trong việc bao vây và ngăn chặn Trung Quốc, trong khi Trung Quốc coi Việt Nam là cửa ngõ để tiến ra Đông Nam Á, thành ra vô hình chung Việt Nam là địa chính trị”.

“Rõ ràng Hoa Kỳ không chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ muốn ve vuốt Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng hiểu ra rằng đi với Hoa Kỳ thì chế độ sẽ vững như bàn thạch, ít nhất trong một đến hai thập niên tới, và cũng hiểu rằng Hoa Kỳ không có ý định thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam và chỉ muốn cộng tác với Cộng sản Việt Nam để chống Trung Quốc”.

Khi được hỏi rằng liệu việc Hoa Kỳ liên tục lên án các chế độ cộng sản có ảnh hưởng gì đến thể chế chính trị Việt Nam hay không, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:

“Nó có ảnh hưởng đến Việt Nam ở chỗ này: đảng lãnh đạo ở Việt Nam mang tên Đảng Cộng sản, về hình thức là dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng xây dựng chính quyền thì dựa trên chế độ tư bản nhà nước, không hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực thụ. Vì vậy nó cũng có ảnh hưởng một chút thôi vì Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ như là Trung Quốc”.

“Mỹ cũng nói rõ khi bình thường hóa hai nước rằng phía Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển quan hệ càng nhiều càng tốt”.

Lợi ích chiến lược của Mỹ

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nêu nhận định:

“Nếu như Mỹ chỉ trích Trung Quốc, Venezuela, hay Cuba về mô hình chính trị là do lợi ích chiến lược của Mỹ đối với các nước này không có song trùng với nhau. Mỹ nêu lên các mô hình chính trị và cầm quyền, chế độ… là để gây sức ép lên các nước nước này để phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ là chính”.

“Trong trường hợp Việt Nam, Việt Nam và Mỹ có hệ thống chính trị khác nhau, có ý thức hệ khác nhau; nhưng về lợi ích chiến lược, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều điểm song trùng, đặc biệt trong việc ứng phó với Trung Quốc. Vì vậy Mỹ không nhấn mạnh và không đề cập nhiều về mặt ý thức hệ”.

Hôm 1/2/2021, ông Derek Grossman, chuyên gia Hoa Kỳ về an ninh quốc phòng của tập đoàn Rand viết trên trang The Diplomat rằng trong bốn năm qua, chính quyền Trump đã tận dụng động lực do các chính quyền trước xác lập để làm sâu sắc hơn “quan hệ đối tác toàn diện” của Washington với Hà Nội, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng luôn nhạy cảm.

“Việc Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với Việt Nam, chỉ củng cố thêm mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ, khiến đây trở thành một trong những điểm sáng nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump”, ông Grossman viết.

Nỗi lo sợ của Việt Nam về lật đổ chế độ

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói:

“Lâu nay có một nỗi lo sợ mơ hồ trong giới lãnh đạo Việt Nam rằng Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam với mưu đồ lâu dài là xóa bỏ thể chế chính trị của Việt Nam. Theo tôi, điều này không đúng thực tế, Mỹ vẫn có quan hệ tốt với các nước không cùng thể chế chính trị, kể cả chế độ độc tài”.

“Nỗi sợ bị Mỹ can thiệp tại Việt Nam để lật đổ chế độ thì không có cơ sở: Việt Nam hiện đang có quan hệ khá tốt với Mỹ; lợi ích chiến lược Mỹ - Việt có sự song trùng rất lớn. Thay vì lo sợ Mỹ, Việt Nam nên tăng cường quan hệ với Mỹ nhiều hơn để vừa phục vụ lợi ích chiến lược đất nước vừa phục vụ lợi ích chính trị của đảng cầm quyền”.

Phát biểu tại Đại hội Đảng XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lặp lại ba nguy cơ “đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” bao gồm: âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc; đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thương mại và nhân quyền

Vào tháng 12/2020, chính quyền Trump xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, cho rằng “các hành vi, chính sách và tập quán không lành mạnh đã góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được giải quyết”. Nhưng cuối cùng, chính quyền Trump đã không có bất kỳ hành động nào đối với Việt Nam.

Trong bốn năm qua, các công cụ mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng để trừng phát các nước và lãnh đạo cộng sản bao gồm chính sách thuế quan, cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản, hạn chế viện trợ, cấm giao thương… sử dụng các đạo luật đa dạng từ Luật Magnitsky Toàn cầu đến danh sách Các quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC)…

Chuyên gia Grossman nhận định rằng cho đến nay vẫn chưa biết liệu chính tân Tổng thống Joe Biden sẽ đưa vụ “thao túng tiền tệ” ra xem xét hay không, và sẽ có hành động nào trừng phạt Việt Nam hay không, nhưng nếu có thì chắc chắn điều đó “sẽ gây căng thẳng trong quan hệ song phương”.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Mạc Văn Trang, nêu nhận định:

“Tổng thống Trump (và chính giới Mỹ nói chung) nói chống cộng, nhưng trừ Việt Nam, vì họ biết Việt Nam chỉ độc tài, độc đảng chứ không cộng sản, không xã hội chủ nghĩa gì hết; nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cũng không làm hại cho nước nào khác…”

“Và quan trọng là việc chế độ ở Việt Nam hiện nay ổn định sẽ có lợi cho Mỹ trong việc kiềm chế Trung cộng, vì thực chất Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là kẻ thù. Bên ngoài nhẫn nhục, cố giữ quan hệ ‘hữu nghị’ vậy thôi. Cũng như các chính quyền phong kiến ngày xưa đối với ‘Thiên triều’: vẫn cống nạp, nhưng xâm lược thì đánh; đánh rồi lại sang triều cống… Cộng sản ngày nay cũng vậy thôi!”

Giáo sư Mạc Văn Trang viết thêm: “Chính vì Mỹ muốn Việt Nam cứ tồn tại kiểu này, không muốn xáo trộn, nên Mỹ không hề gây áp lực lên chính quyền Việt Nam trong việc đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ. Cộng sản Việt Nam biết điều đó nên ngày càng đàn áp nặng nề phong trào đấu tranh, mà Mỹ làm ngơ!”

Chuyên gia Derek Grossman nhận định rằng chính quyền Trump ít chỉ trích thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam, hay chỉ lên án ở mức độ thấp mà thôi, dù Hà Nội thực hiện hàng loạt các vụ bắt bớ và giam cầm các nhà hoạt động và các nhà báo tự do.

Ông Grossman dự báo: “Hà Nội có khả năng sẽ đặc biệt lưu ý đến việc triển khai các ‘Báo cáo Quốc gia về Nhân quyền’ thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để xem chính quyền Biden đánh giá như thế nào về Việt Nam, không chỉ trong báo cáo mà quan trọng hơn là trong các tuyên bố chính thức, nếu có”.

Với tôn chỉ “đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong Thế giới Tự do” của Tổng thống Biden, chuyên gia Grossman nhận định rằng chính quyền mới của Mỹ “sẽ ít hợp tác hơn với các đối tác độc tài” chẳng như chế độ độc tài Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà sẽ hợp tác nhiều hơn với các đối tác dân chủ.

VOA

Nguồn:

Phần 1: voatiengviet.com 1

Phần 2 voatiengviet.com 2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn