Những nẻo đường của sự tha hóa

Thái Hạo

Tha hóa có một tiền đề là sự lương thiện tử tế, nhưng những điều tốt đẹp ấy trượt dài theo thời gian để tự vong thân. Sống trong một xã hội không được quản trị bởi một thiết chế tiến bộ, khoa học – mà lấy chuyên chế là quy tắc vận hành – thì sự tha hóa về mặt con người tất yếu diễn ra. Sự hủy hoại và tự hủy hoại ấy, có thể theo các kịch bản sau:

1. Lưu manh hóa. Đối với những người có mục đích thực dụng rõ ràng, để tồn tại và có được danh lợi trong một hệ thống kiểm duyệt khổng lồ cùng những thủ đoạn làm tiền từ hệ thống cai trị, thì kẻ ấy buộc phải “lạng lách”, thỏa hiệp, “cộng sinh”. Những người này, cho dù ban đầu họ có mục đích làm giàu và tạo lập địa vị bằng trí và lực tự thân, nhưng khi bước vào, họ thấy con đường ấy không thể đưa tới thành công, và từ đó họ đã sử dụng sự nhạy bén và thức thời của mình để đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Họ tự nạp mình cho quỷ dữ để trở thành quỷ dữ. Đó là hiện tình mà ta có thể thấy được qua hình ảnh các doanh nghiệp “tư bản đỏ”, những công ty móc nối với chính quyền để thâu tóm và lũng đoạn, những cá nhân khao khát quyền lực và tiền tài dùng tiền và các mối quan hệ để chui sâu leo cao trong hệ thống.

2. Tự vo tròn. Đây là trường hợp của những “người tốt”, hiểu được bản chất của hệ thống; và trước sự lựa chọn giữa thành công và thành nhân, họ đã không dứt khoát chọn một trong hai, mà nảy sinh ra một lựa chọn thứ ba: sự AN TOÀN, nhưng cái đó lại được hiểu và sử dụng một cách vị kỷ - tự bảo toàn một cách tiêu cực. Họ từ chỗ bị kiểm duyệt đã dần tự kiểm duyệt. Họ hết sức tránh sự “va chạm” với hệ thống chuyên chế, không bao giờ lên tiếng trước những sai quấy, không tranh đấu cho lẽ phải của cộng đồng; họ tìm ra nhiều lý do như “nói cũng chẳng ích gì”, “mình không làm gì xấu là được”… Những lý lẽ của họ lại được chống đỡ bởi các hệ thống tư tưởng cổ xưa của Đông phương nhưng được hiểu méo mó đi (như Nho, Phật, Lão) hay các quan niệm có tính dân gian. Những người này đứng ngoài vòng đua tranh nhưng cũng đồng thời tự cách ly khỏi những bất công ngang trái, những số phận bi kịch hay những mục nát của xã hội mà họ sống. Đây là trường hợp của những người-tốt-vô-cảm. Nếu nhìn sâu, thì bên trong sự vô cảm ấy là cái hèn mang lớp áo hào nhoáng của những “triết lý vặt”. Những người này đã tự đẽo hết mọi góc cạnh của tính cách, khiến cho nhân phẩm bị mài nhẵn, vo viên, trở thành kẻ “vô hại” với bất cứ ai. Nó là một tình trạng tàng hình nhân cách, là một sự hiện diện vô nghĩa của một cuộc đời trên mặt đất.

3. Tự phá hủy vì bi kịch tinh thần. Đây là những người nhìn thấy bản chất của hệ thống và sự hủy hoại toàn diện từ xã hội đến con người của thiết chế ấy, nhưng thay vì hành động công khai phản biện, phê phán, chống đối thì họ bị giày vò trong sự phẫn nộ và những đau đớn khi chứng kiến cái xấu cái ác hoành hành mọi nơi mọi lúc. Sự vật vã của họ kéo dài và thường trực, dần cướp đi sự dịu dàng, lòng từ ái, tình yêu thương để thay vào đó là những hiềm hận, những mỏi mệt, những cáu gắt, những u ám… Cuộc sống của họ bị kéo xuống dưới lớp sương mù của sự ảm đạm và chán chường cùng sự xung đột dữ dội của nội tâm. Trong họ, tình thương yêu luôn tỷ lệ nghịch với sự căm giận; dần dà, họ đánh mất luôn những cử chỉ yêu thương với những người mà họ muốn che chở bảo vệ. Họ đâm ra chán ghét và bực dọc với “đám người nô lệ”, đồng thời cũng tự chán ghét chính mình. Những người này không góp phần tích cực được cho sự thay đổi của xã hội, trừ khi họ dấn mình vào nghệ thuật, để ở đó những đau khổ sẽ thăng hoa thành hình tượng có sức sống lâu bền, phản ánh và ghi lại bức tranh thời đại cũng như thế giới tinh thần con người của một giai đoạn lịch sử.

Bên cạnh 3 kiểu người tha hóa nói trên là những người vô tư, ngây thơ, bất tri bất giác với hiện thực – họ không những bằng lòng với cuộc sống hiện tại mà còn hân hoan với cuộc sống ấy.

Một kiểu nữa là những người tranh đấu cho các giá trị tốt, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi và nhận lấy hiểm nguy để dấn mình vào đám lửa chuyên chế. Những người này mang lý tưởng lớn cùng tinh thần dũng mãnh không từ nan. Nhưng trong một xã hội đã bị nô dịch quá lâu, khi tâm lý nô lệ đã ăn sâu vào đại đa số dân chúng thì họ thường rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: bị đàn áp bởi nhà cầm quyền và sự ghẻ lạnh của đám dân chúng mà chính họ đang tranh đấu vì. Những sự hy sinh của họ thường chìm đi trong im lặng như “đá ném ao bèo”, bó đũa bị bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Chúng ta thuộc nhóm nào trong các loại trên? Cho dù là ai thì điều đầu tiên cũng phải nhìn thấu và thức nhận sâu xa về bản chất của cái xã hội mà mình đang sống; đồng thời phải nhìn thấy tính chất liên đới tất yếu của xã hội ấy với cuộc đời và phẩm giá của chính mình. Từ đó, lựa chọn đứng cùng với những người thuộc nhóm cuối để tranh đấu mà xây dựng lại xã hội: dọn sạch những rác rưởi và cùng nhau xây lên một ngôi nhà mới vững chãi, ấm áp; ở đó mỗi người được tự do và sống hạnh phúc trong sự an sinh tinh thần – cái điều tiên thiên nhưng thiêng liêng mà tạo hóa đã hào phóng ban cho tất cả.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn