Đã đến lúc xem hủy hoại môi trường tương đương với tội ác diệt chủng?

Hương

Có một phong trào đang ngày càng lan rộng trên thế giới nhằm hình sự hóa khái niệm “ecocide”.

Chúng ta đã quen thuộc với khái niệm diệt chủng (genocide), chỉ một chiến dịch giết người với quy mô lớn nhằm xóa sổ một cộng đồng hoặc một dân tộc. Diệt chủng là một trong bốn tội ác mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thẩm quyền xử phạt, bên cạnh tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược.

Trong suốt hơn một thập niên qua, có một phong trào toàn cầu nhằm thuyết phục ICC đưa vào danh sách này một loại tội nữa: tội hủy hoại sinh thái (ecocide).

Ecocide là gì?

“Ecocide”, ghép từ eco trong ecology (hệ sinh thái) và gốc từ -cide nghĩa là giết hại trong tiếng Latin. Đây là thuật ngữ được dùng để mô tả mọi hành vi tàn phá thiên nhiên quy mô lớn, từ chặt phá rừng, làm ô nhiễm nguồn nước, cho đến xả khí thải nhà kính. Chữ eco xuất phát từ oikos, trong tiếng Latin có nghĩa là nhà.

Lý thuyết đằng sau việc hình sự hóa khái niệm “ecocide” là không ai nên được miễn trừ trách nhiệm khỏi hành vi tàn phá ngôi nhà chung – hệ sinh thái. Các nhà hoạt động cho rằng thẩm quyền phán xử tội ác này nên thuộc về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), vì hành vi gây ô nhiễm hoặc phá hoại môi trường có thể diễn ra ở một nơi, nhưng hậu quả trầm trọng mà nó gây ra lại là ở một nơi khác.

Tàu chở dầu MV Wakashio (Nhật) vỡ làm đôi trên vùng biển Ấn Độ Dương, gần đảo quốc Mauritius. Sự cố vào tháng 7/2020 làm rò rỉ 1.000 tấn dầu ra biển, tạo nên thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Ảnh: AFP

Đó là lập luận của John Litch, Đại sứ Vanuatu tại châu Âu vào tháng 12/2019 khi ông kêu gọi ICC thừa nhận hủy hoại môi trường là một tội ác. Vanuatu là một hòn đảo nhỏ ở phía Nam Thái Bình Dương, nơi đang dần bị nhấn chìm vì tình trạng nước biển dâng trầm trọng.

“Việc điều chỉnh Quy chế Rome (Rome Statute – quy chế hoạt động của ICC) có thể cho phép xem hành vi hủy hoại môi trường là tội ác. Chúng tôi tin rằng việc này xứng đáng nhận được các thảo luận nghiêm túc”, vị đại sứ nói.

Đó là lần đầu tiên có người nhắc lại ý tưởng này tại Liên Hợp Quốc, sau một sự kiện từ cách đây gần 50 năm. Năm 1972, trong Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Stockholm, Olof Palme, Thủ tướng Thụy Điển khi ấy đã buộc tội chính phủ Mỹ hủy hoại sinh thái khi rải chất độc da cam tại Việt Nam trong chiến tranh, gây ra những tác động trầm trọng và lâu dài. Ông gọi đó là “ecocide” – một vấn đề cần được chú ý ngay lập tức.

Lời kêu gọi đó không được ghi nhận vào luật. Khi các luật sư tụ họp lại vào năm 1988 để soạn thảo Quy chế Rome cho ICC, cũng đã có những đề nghị đưa vấn đề môi trường vào, nhưng chuyện không thành. Lý do, theo Philippe Sands, người tham gia viết lời nói đầu cho Quy chế Rome, là không có đủ sự ủng hộ chính trị. “Vào thời điểm đó, phá hoại môi trường không phải là mối lo ngại của công chúng”, vị luật sư nói.

Chuyện bây giờ đã khác?

Mọi chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng cho đến năm 2006, khi Polly Higgins, một luật sư người Anh, quyết định bắt đầu một kế hoạch nhằm thay đổi lịch sử bị bỏ rơi của “ecocide” trong luật quốc tế.

Bà ra mắt cuốn sách “Eradicating Ecocide” (Chấm dứt hủy hoại sinh thái), mời gọi thảo luận ở khắp nơi, tổ chức vận động tại Liên Hợp Quốc, và thành lập một nguồn quỹ dành cho những người bảo vệ trái đất (Earth protectors). Bà bỏ việc, và bán cả nhà để thực hiện mục tiêu này.

Polly Higgins, người được gọi là “luật sư của trái đất”, nói về chiến dịch ngăn chặn “ecocide” trong một sự kiện TEDxTalk năm 2013 tại Tallinn, thủ đô của Estonia. Ảnh: TED.

Năm 2017, luật sư Higgins phát động chiến dịch mang tên “Stop Ecocide”, khiến cả thế giới chú ý. Đức Giáo hoàng Francis đã công khai gọi hủy hoại môi trường là tội ác. Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng người Thụy Điển Greta Thunberg cũng đã đóng góp 100.000 euro cho chiến dịch. Đó là số tiền mà cô nhận được từ giải thưởng “Gulbenkian Prize for Humanity”.

Đặc biệt hơn, nhiều lãnh đạo thế giới bắt đầu công khai ủng hộ phong trào này. Trong số đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông lên kế hoạch để đưa hành vi phá hoại môi trường vào luật của Pháp, và hứa hẹn sẽ tiếp tục ủng hộ việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.

Chiến dịch mà luật sư Higgins phát động chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ lớn như hiện tại, nhưng đáng tiếc là bà không còn sống để chứng kiến. Polly Higgins, một trong những gương mặt truyền cảm hứng nhất trong phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu, đã qua đời vào tháng 4/2019 vì bệnh ung thư.

Hành trình của bà không vì vậy mà dừng lại. Higgins đã khiến nhiều người khác nhận thấy trách nhiệm tiếp tục những việc cần làm.

Giáo sư luật Philippe Sands là một trong số đó. Tháng 11 năm ngoái, Sands cùng với một nhóm luật sư quốc tế lên kế hoạch đưa ra một định nghĩa pháp lý chính thức cho khái niệm “ecocide”. Họ dự định công bố tài liệu này vào tháng Sáu tới, sau đó sẽ gửi đến ICC với hy vọng có thể tạo ra thay đổi.

Đưa vào luật quốc tế thì làm được gì?

Khi nói đến luật quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là những đạo luật “không có răng” (toothless), hàm ý chẳng xử phạt được ai. Họ bày tỏ lo ngại tương tự đối với phong trào đưa “ecocide” vào quy chế của ICC.

Dù vậy, các nhà hoạt động vẫn tin rằng việc này sẽ tạo nền tảng cho những thay đổi quan trọng. Có ba lý do cho niềm tin này.

Thứ nhất là ảnh hưởng mang tính biểu tượng. Nếu như việc tàn phá môi trường được nhìn nhận ở cùng mức độ nghiêm trọng như tội ác diệt chủng, lãnh đạo các quốc gia hoặc các công ty sẽ hành xử có trách nhiệm hơn trong các dự án đầu tư.

Thứ hai, sự chấp thuận của tòa án quốc tế sẽ tạo ra tiền lệ và thúc đẩy các quốc gia thay đổi luật pháp ở nước mình. Việc các nước thông qua luật “theo mẫu” của ICC đã nhiều lần xảy ra.

Thứ ba, việc hình sự hóa hành vi phá hoại môi trường trong luật quốc tế sẽ giúp các quốc gia, cộng đồng yếu thế có chỗ dựa vững chắc hơn khi đòi hỏi trách nhiệm từ các công ty quốc tế gây ô nhiễm.

Vụ việc người dân Nigeria kiện tập đoàn Shell là một trường hợp có thể được hưởng lợi nếu như có luật quốc tế.

Năm 2005, sau nhiều năm kiện tụng từ tòa án Anh cho đến tòa án Nigeria, cộng đồng châu thổ sông Niger cuối cùng cũng đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Shell phải chịu trách nhiệm cho các hành vi tàn phá môi trường ở khu vực này. Tuy vậy, phán quyết của tòa án Nigeria lại hầu như không tạo được ảnh hưởng gì. Đến nay, tập đoàn này vẫn tiếp tục đốt khí gas (gas flaring) tại khu vực.

Các nhà hoạt động môi trường tại Nigeria biểu tình vào tháng 4/2012, yêu cầu tập đoàn dầu khí Shell “thừa nhận các hành vi hủy hoại môi trường, bồi thường thỏa đáng, và khắc phục hậu quả”. Ảnh: Amnesty International.

Nnimmo Bassey, người hỗ trợ pháp lý cho người dân ở đồng bằng sông Niger, cho rằng Shell sẽ không thể thản nhiên như vậy nếu như vụ việc được đưa ra tòa án quốc tế.

“Truyền thông toàn cầu sẽ để ý đến, và các cổ đông của Shell sẽ biết công ty này đang làm những gì. Nếu như có luật quốc tế, mọi chuyện đã khác”, Bassey nói.

Jojo Mehta, người cùng khởi xướng phong trào với luật sư Higgins quá cố, cho rằng thay đổi luật quốc tế là cách duy nhất để có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu, khi mà Hiệp định Paris gần như đã thất bại. Hầu như tất cả các quốc gia đã không thực hiện đúng cam kết giảm phát thải nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C.

Với đà phát thải này, mức tăng nhiệt độ dự đoán sẽ gấp đôi con số đó. Điều này đồng nghĩa với băng tan, nước biển dâng, và tất cả các sinh vật trên trái đất, bao gồm con người, sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Giờ đã là lúc cấp bách, và các nhà hoạt động đang kêu gọi mọi người ngừng chối bỏ thực tế: ecocide = genocide. Giết hệ sinh thái là đang giết chính mình.

Tham khảo:

· BBC, Ecocide: Should killing nature be a crime

· The Economist, Is it time for ecocide to become an international crime

· Time, Lawyers Are Working to Put ‘Ecocide’ on Par with War Crimes. Could an International Law Hold Major Polluters to Account?

H.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn