Giáo dục Đại học Việt Nam bước vào những năm 2020

Huỳnh Như Phương

(GS Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học ở Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, là nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại)

Bài viết phác họa những nét chính của ba thập niên đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong một bức tranh đa dạng với nhiều màu sắc mâu thuẫn, gắn liền với những quan điểm về giáo dục đang tranh chấp trong hoạt động của nhà trường hiện nay. Bước vào những năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam kế thừa một di sản phức tạp từ nền giáo dục truyền thống cộng với những thành tựu bước đầu của thời kỳ Đổi mới. Thực tế đó nói lên những giới hạn và thử thách của sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học mà một cái nhìn tỉnh táo mới có thể tìm ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được ước vọng của xã hội. Đòi hỏi của cuộc sống với những tác động ngoại tại và nội tại phần nào dẫn đến sự chuyển biến của giáo dục đại học, được nhận diện qua việc tái cấu trúc, tự chủ về học thuật, nhân sự và tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

***

Bước vào những năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua một phần ba thế kỷ đổi mới, với những thành tựu lẫn hạn chế, những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, và vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết những vấn nạn trong tình thế lưỡng lự, lúng túng.

1. Một di sản đầy mâu thuẫn

Giáo dục đại học Việt Nam kế thừa một di sản để lại từ nền giáo dục truyền thống ở miền Bắc, sản phẩm của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp kéo dài đến cuối những năm 1980 và còn ảnh hưởng cho đến bây giờ, tuy có những thay đổi nhất định: sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Tổng cục dạy nghề thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành lập hai Đại học quốc gia và các đại học vùng, cho phép thành lập các đại học bán công và dân lập, từng bước áp dụng học chế tín chỉ thay cho niên chế.

Chủ yếu được đào tạo từ hệ thống giáo dục Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, một bộ phận quản trị giáo dục đại học Việt Nam những thập niên đầu thời kỳ Đổi mới không dễ từ bỏ quán tính trong điều hành, đồng thời lại nhanh chóng đón nhận thị trường giáo dục vừa mở ra với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Trong khi vẫn kêu gọi xây dựng một nền giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà trường đại học lại phơi bày không ít những hiện tượng cho thấy đây là một thị trường thiếu kiểm soát. Hậu quả là việc chạy theo số lượng, gây ra sự phát triển mất cân đối: nhiều trường đại học công lập và dân lập được cho ra đời khá ồ ạt, tỉnh nào cũng có một/vài trường đại học trở lên, các trường thi nhau mở những ngành học thời thượng khi chưa hội đủ những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đáp ứng về trình độ. Nhức nhối nhất là nạn tham nhũng và gian lận trong thi cử, khiến cho xã hội mất lòng tin vào chất lượng đào tạo, hoài nghi giá trị thực các văn bằng, từ chứng chỉ ngoại ngữ cho đến văn bằng sau đại học.

Khi những cơ sở đào tạo chất lượng thấp được cho phép ra đời, thì chính nó sẽ thành vật ngăn cản những nỗ lực đổi mới. Đến một lúc nào đó, để bảo vệ quyền lợi của nó, những cơ sở này sẽ liên kết giống như các nhóm lợi ích trong kinh tế, tìm cách phản ứng lại hay vô hiệu hóa những chủ trương đổi mới mà lãnh đạo ngành giáo dục muốn dùng ý chí để triển khai.

Nhìn vào đường hướng giáo dục và những văn bản pháp quy đang được thi hành, qua những phát ngôn và thái độ cụ thể của những người có trách nhiệm cũng như của các nhóm chuyên gia, có thể bước đầu khái quát thành ba quan điểm chính về giáo dục đại học đang cọ xát với nhau hiện nay:

Một, là những ý kiến kiên trì quan điểm xem giáo dục như một lĩnh vực phúc lợi chung và tấm gương của công bằng xã hội, cần phải được đối xử thực sự như một quốc sách. Xu hướng này không ủng hộ việc tăng học phí ở tất cả các bậc học và luôn đòi hỏi các khoản chi tiêu trong giáo dục phải được công khai, minh bạch. Quan điểm này đụng chạm đến một nhóm lợi ích nhất định, nên không có gì khó hiểu khi nó bị một số người phản bác quy về tư duy cũ, “bảo thủ”, “duy ý chí”, thậm chí là “mị dân”. Điều đáng tiếc là những người phát ngôn cho quan điểm này hầu hết là những người về hưu hoặc không giữ một trọng trách nào trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cũng không tránh khỏi đau lòng khi chứng kiến hiện tượng có một số người khi nói lý thuyết thì rất lý tưởng, nhưng khi thực hành, đứng vào guồng máy giáo dục, thì ứng xử chẳng khác nào những kẻ thực dụng tìm cách thủ lợi từ thị trường giáo dục.

Hai, là quan điểm xem giáo dục như một thứ hàng hoá, dịch vụ và đòi hỏi phải có những cải cách tổng thể về tài chính và quản trị, trong đó tăng học phí là một biện pháp không thể tránh né. Quan điểm này được luận chứng về mặt số liệu khá chi tiết nhằm thuyết phục dư luận ủng hộ giải pháp tăng học phí để nâng cao chi phí đào tạo, trong điều kiện chi phí này ở nước ta còn quá thấp, so với không chỉ các nước Âu Mỹ mà ngay cả nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, do ngại bị đánh giá là “chệch hướng”, những ý kiến này cố gắng hạn chế sử dụng các cụm từ “thị trường giáo dục”, “hàng hoá giáo dục”. Cũng cần lưu ý rằng, những bậc thức giả sáng suốt nhất thuộc xu hướng này chỉ chủ yếu đề nghị tăng học phí ở bậc đại học và cũng tán thành đòi hỏi minh bạch trong sử dụng các nguồn lực tài chính cho giáo dục.

Ba, là quan điểm đang tác động thực sự đến sự vận hành bộ máy giáo dục. Quan điểm này có chỗ gặp gỡ với quan điểm thứ hai, tuy không công khai quan niệm “giáo dục là hàng hoá, dịch vụ”, nhưng lại đang chuẩn bị gấp rút cho việc tăng học phí ở bậc đại học và cổ phần hoá một số trường đại học, và có lẽ cũng không tránh khỏi việc huy động cao hơn nguồn lực gia đình cho chi phí đào tạo ở các bậc học thấp hơn, nhằm giảm áp lực về tài chính cho nhà trường. Khi mà một ngành gần gũi là y tế đã tăng viện phí, thì việc tăng học phí cũng không thể tránh khỏi. Nhưng việc tăng này có đi đôi với sự bảo đảm chất lượng giáo dục tương xứng hay không, đó là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, hiện nay, một số cơ sở giáo dục tư thục, dân lập đang hoạt động chẳng khác nào như một công ty trách nhiệm hữu hạn, cá biệt như một công ty gia đình.

Ba quan điểm trên có liên quan gián tiếp đến các xu hướng quản trị giáo dục đại học, qua những tác động tinh vi, phức tạp.

Có thể nói giới quản trị đại học hiện nay phân hóa theo hai cực: cực lý tưởng chỉ thuần lý thuyết, không có thực tế, nên dễ thất bại, các dự án với động cơ đẹp đẽ đều thực hiện dở dang; cực thực dụng đang thao túng hoạt động giáo dục đại học, chạy theo lợi nhuận, xem giáo dục chẳng khác nào lĩnh vực kinh doanh.

Giữa hai cực này, vẫn có những người chính trực, tìm giải pháp linh hoạt để giữ cho nền giáo dục còn được xem là hình ảnh của lương tri xã hội, tuy càng ngày thành phần này càng đuối sức, trở nên yếu thế và tồn tại một cách tùy thời.

Những dấu hiệu của ba xu hướng quản trị đại học trên đây giao thoa, ảnh hưởng qua lại với nhau một cách phức tạp, nhưng dù sao xã hội cũng dễ nhận ra. Thành phần đáng cảnh giác nhất về lâu dài cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và cả cho văn hóa dân tộc là loại người miệng luôn hô hào giáo dục phi lợi nhuận, giáo dục vô vị lợi, nhưng thực hành thì dùng thủ đoạn để thu vén cá nhân, lập sân sau trong đào tạo, tích lũy của cải bằng kinh doanh giáo dục. Dư luận xã hội thường không nhận diện được sớm bộ mặt thực của những nhà quản trị đại học loại này, nên khi nhận ra, sự thất vọng và khủng hoảng lòng tin, nhất là trong giới trẻ, sẽ càng tăng thêm.

Mặc dù nhiều cơ sở đào tạo luôn cố gắng nâng cao chỉ số chất lượng, vẫn chưa thấy sự cải thiện rõ rệt trong việc xếp hạng các trường đại học, chỉ xét trong tương quan với khu vực. Thậm chí, một số ý kiến không ngần ngại so sánh sự tụt hậu của đại học Việt Nam, trên một số phương diện, với hai nước láng giềng trước đây vẫn mời chuyên gia giáo dục đến từ nước ta (Giáo Dục Việt Nam, 31-01- 2018, tr. 5). Sau khi cơn sốt lạm phát các trường đại học dân lập tạm ngưng, thì đến cơn sốt tranh đua giành thị phần tuyển sinh. Như một phản ứng dây chuyền, sự bùng nổ các xung đột lợi ích trong hệ thống các trường ngoài công lập, tuy có vẻ bất ngờ nhưng là hậu quả tất yếu của quá trình thương mại hóa giáo dục đã được dự báo. Điều đáng trách ở đây là không chỉ những người chủ đầu tư thực bụng kinh doanh giáo dục không che giấu mục đích thủ lợi của mình, mà ngay cả một số người ở phía đối trọng cũng không kiềm chế lòng tham, sẵn sàng vượt qua những giới hạn của một nền giáo dục chính trực.

Trong một bức tranh nhiều vệt tối như vậy, ánh sáng chiếu lên là từ những con người thầm lặng, những việc làm thầm lặng ở bên dưới. Dù vẫn nhận đồng lương quá thấp và chịu những áp lực ngày càng đè nặng trên vai, những người dạy học vẫn cho thấy nghề giáo là một nghề đòi hỏi nhiều lương tri. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, những kẻ làm giàu nhờ giáo dục không có tư cách gì để đại diện cho nghề nghiệp cao quý đó. Rồi sẽ đến lúc mà những nhà giáo chân chính có thể sống phong lưu bằng nghề nghiệp của mình, nhưng bây giờ chưa phải là lúc của họ.

2. Ước vọng và thực tế

Trong tình hình đó, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học là một chủ đề thời sự, được đặt ra kịp thời, đáp ứng sự quan tâm và mong mỏi của xã hội. Có thể thấy, trên lời nói, hiện nay mọi người, mọi giới đều bày tỏ mong muốn đổi mới giáo dục đại học, từ người sinh viên, nhà giáo, phụ huynh đến các cấp quản lý và lãnh đạo. Tuy nhiên, đổi mới không đơn giản là một ý nguyện mà là một sự nghiệp khoa học và thực tiễn có quy luật của nó. Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang gặp một số rào cản và khó khăn sau đây:

Một, muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, cần phải có một kế hoạch tổng thể, được chuẩn bị lâu dài, từ đường hướng giáo dục, sứ mệnh của nhà trường, hệ thống nhân sự, chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo, cơ chế tài chính... Cần phải trả lời những câu hỏi căn bản về triết lý giáo dục, về tư tưởng chấn hưng giáo dục, về quan niệm con người như là trung tâm và mục tiêu của sự nghiệp đào tạo.

Những gì mà giáo dục đại học làm được trong ba thập niên vừa qua là những sửa đổi thứ yếu. Có sự đổi mới và có cả sự quay về với cái cũ. Giáo dục đại học là một hệ thống nằm trong một hệ thống lớn hơn là nền giáo dục quốc dân, lớn hơn nữa là môi trường văn hóa - xã hội của đất nước. Giáo dục phổ thông còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết hợp lý: phân ban, phân luồng, giảm tải, trường công, trường tư, trường quốc tế, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa... có liên quan đến toàn bộ nền giáo dục. Đời sống văn hóa - xã hội còn khó khăn, thì đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học chưa thể tiến hành suôn sẻ.

Hai, muốn đổi mới giáo dục đại học thì phải có một cơ chế giáo dục đại học tự chủ và những con người có năng lực tiến hành đổi mới. Giáo dục đại học hiện nay chỉ mới thể hiện tinh thần tự chủ ở một vài lãnh vực: tuyển dụng nhân sự, tài chính...; còn nhiều lĩnh vực chưa thể nói là tự chủ: quan điểm học thuật, phương thức tuyển sinh, mở ngành học, chương trình học, giao lưu quốc tế...

Như đã nói, những con người đang nắm sinh mệnh nền giáo dục hiện nay, về cơ bản, vẫn là những sản phẩm của hệ thống cũ. Xã hội chưa nhìn thấy những điển hình thực sự trong đổi mới tư duy giáo dục đại học, kể cả nơi những người có lý tưởng và tâm huyết nhất. Ba thập niên qua giáo dục đại học chưa đề xuất cho xã hội một mô hình giáo dục nào khả dĩ đem lại niềm tin rằng đổi mới giáo dục thực sự thành công.

Ba, có lẽ hiện tượng mới trong giáo dục đại học thời kỳ đổi mới chính là hệ thống các trường đại học dân lập và tư thục. Cần phải thừa nhận việc mở các loại hình trường đại học này thời gian qua đã đóng góp một phần vào việc khắc phục tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo. Tuy nhiên, nhìn cho kỹ thì 60 trường đại học ngoài công lập chiếm tỉ lệ khoảng 25% (so sánh với một nước trong khối ASEAN là Malaysia: con số này là 95%), nhưng ngành nghề đào tạo trùng lặp, đa số giảng viên xuất phát từ nguồn đại học công lập và tỷ lệ tuyển sinh không tương xứng (khoảng 16% tổng số sinh viên trên cả nước, còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 30 - 40% đến năm 2020).

Trong tình hình như vậy, một cái nhìn hiện thực khuyến cáo chúng ta rằng nên bàn luận và thực thi việc đổi mới từng phần, từng lĩnh vực trong khả năng của các cơ sở đào tạo. Ở đây có thể xuất hiện ý kiến phản bác: đổi mới không đồng bộ sẽ là nửa vời, không hiệu quả. Thiết nghĩ, đổi mới thiết thực ở những lĩnh vực then chốt có thể là đòn bẩy tác động đến những lĩnh vực khác của giáo dục đại học, và như vậy tốt hơn là mơ tưởng đến đổi mới căn bản và toàn diện mà không khả thi.

Vậy thì trong điều kiện hiện nay, theo chúng tôi, nên tập trung đổi mới và làm tốt những khâu hoạt động sau đây của giáo dục đại học:

Một, đổi mới việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục đại học, bao gồm cả những người giảng dạy lẫn những người làm công tác quản trị đại học. Hội đồng tuyển chọn phải là những nhà giáo, nhà khoa học lâu năm, có trình độ và công tâm để tuyển được những cán bộ giỏi nhất cho đại học. Một trường đại học mà những người quản trị bất tài và không có tâm huyết thì rất khó để có được một đội ngũ nhà giáo tài năng và yêu nghề thật sự. Nước mình nghèo, những người có tài về một lĩnh vực chuyên môn thường không nhiều, nhưng các trường đại học chưa liên kết chặt chẽ để sử dụng tài năng của nhau, chưa chiêu mộ tài năng ở các viện nghiên cứu và ngoài xã hội, thì đó là một lãng phí lớn. Cần có một cơ chế phối hợp để tạo điều kiện cho những nhà khoa học giỏi, có khả năng sư phạm đem kiến thức và kinh nghiệm truyền thụ cho sinh viên.

Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong đại học, thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người khác theo hình ảnh và kích thước của họ. Theo chúng tôi, đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học hiện nay. Nó không những ngăn cản việc xây dựng một đội ngũ nhà giáo có năng lực và uy tín mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của họ, gieo trong họ tâm lý thực dụng và thờ ơ với sự nghiệp giáo dục.

Nếu đại học có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn. Điều cần thiết hiện nay là một định hướng cởi mở, dân chủ, tự do học thuật để tạo điều kiện cho những tìm tòi và những tiếng nói đa dạng trong khoa học. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới hy vọng 10 năm, 20 năm nữa xuất hiện một lớp học giả mới thay thế lớp học giả đã về hưu, những người trung thực, tài năng, tin vào phát kiến và lập trường khoa học của mình mà không có thái độ học phiệt, xa cách với thế hệ trẻ. Hình ảnh đó được tô đậm qua tiếng nói của các nhà giáo trên tư cách những trí thức phản biện xã hội mà thiếu họ, nhà trường đại học chưa đạt đến phẩm chất văn hóa và trí tuệ cần thiết.

Trong điều kiện công tác tổ chức – cán bộ hiện nay, để thực hiện “dân chủ ở cơ sở”, chúng tôi mạo muội đề nghị ngành giáo dục đại học áp dụng lại cách bầu cử hiệu trưởng và trưởng khoa, có cương lĩnh tranh cử, một cách dân chủ, trực tiếp, bỏ phiếu kín và công khai kết quả như đã thực hiện vào đầu những năm 1990: coi trọng tiêu chuẩn nhưng không quá câu nệ vào “quy hoạch” vốn là rào cản cho sự phát hiện những nhân tố mới.

Thực tế cho thấy một hiệu trưởng hay trưởng khoa được tập thể tin cậy chọn lựa sẽ có đủ uy tín và vị thế để chủ động thực hiện chủ trương đổi mới ngay trong đơn vị mình. Đây cũng là cách giải quyết bài toán “tập trung và dân chủ” trong giáo dục đại học: tập trung đến mức nào và mở rộng dân chủ đến mức nào để giáo dục không phải là một hệ thống xơ cứng mà luôn vận động, thích ứng với thời đại.

Hai, một vấn đề đặt ra trong những năm 2020 sắp tới là chiến lược tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học. Trong hai thập niên qua hệ thống giáo dục đại học phát triển tản mạn nên chưa được tổ chức và vận hành hợp lý. Mối quan hệ giữa hai đại học quốc gia, các đại học vùng và các trường đại học chưa tạo ra sự liên thông để phát huy sức mạnh của toàn hệ thống. Giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu vẫn còn ranh giới không dễ vượt qua để hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo.

Tình hình đó đòi hỏi sự sắp xếp lại cấu trúc bản đồ đại học với một tư tưởng chỉ đạo nhất quán và một kế hoạch chi tiết. Tất nhiên đây là công việc rất phức tạp: đưa một cán bộ cơ hữu yếu kém ra khỏi biên chế nhà trường đã nẩy sinh bao nhiêu phản ứng và hệ lụy, huống hồ là giải thể một trường đại học vốn gắn liền với quyền lợi và sinh mệnh của hàng trăm con người. Chính vì vậy mà trong đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập trình lên Thủ tướng trong tháng 5-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đặt mục tiêu “đến năm 2025, có ít nhất 10% số lượng cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hoặc liên kết; có ít nhất 3 đại học được hình thành trên cơ sở tự nguyện hợp nhất, sáp nhập hoặc liên kết một số cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống. Các cơ sở giáo dục đại học công lập không đạt chuẩn nhưng không khắc phục được trong thời gian cam kết và không có phương án thực hiện hợp nhất, sáp nhập hoặc liên kết sẽ bị giải thể” (Người Lao Động, ngày 27-5-2020, tr. 2).

Việc sắp xếp này cần có lộ trình chuẩn bị và phải tìm ra mô hình thích hợp cho từng loại hình đại học. Không nên chần chừ trong đổi mới mà cũng không được tạo ra sự đứt gãy với những gì đã làm được thời gian qua. Mô hình Trường đại học thuộc tỉnh trở thành thành viên của Đại học Quốc gia hoặc liên kết với một trường đại học lớn để đào tạo chương trình 2+2 (hai giai đoạn) là những giải pháp đang chờ kiểm nghiệm kết quả trong thực tế. Nếu hai mô hình này thành công, nó sẽ là một gợi ý quan trọng để áp dụng việc sáp nhập hoặc liên kết một số trường đại học nhỏ, phân tán, vào những đại học lớn có kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc các tập đoàn kinh tế - tài chính tập trung các trường đại học thành một cơ sở giáo dục lớn là một xu thế và một thực tế. Việc xuất hiện những đại học nước ngoài và khả năng vươn lên của những đại học truyền thống là một thực tế khác cần được khảo sát, đánh giá.

Ba, kiểm định chất lượng và thanh tra giáo dục phải là công cụ thực chất để tác động đến các mặt hoạt động của giáo dục đại học. Những cơ quan đó ở cấp Bộ và cấp trường phải được điều hành bởi những người thực sự chuyên nghiệp, có uy tín và có thẩm quyền nhất định. Họ cần có tiếng nói độc lập với bộ máy quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội về những đánh giá của họ. Kết quả kiểm định và thanh tra giáo dục cần được thông tin công khai để người thụ hưởng giáo dục có căn cứ chọn lựa trường học, nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dưới áp lực của xu hướng thương mại hóa giáo dục. Tự do học thuật, trình độ quản trị và kiểm định giáo dục là ba chân kiềng giúp giáo dục đại học đủ điều kiện để giải bài toán mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng.

Trên thực tế, những vụ vi phạm pháp luật gây tai tiếng trong các trường đại học thời gian qua được đưa ra ánh sáng chủ yếu là nhờ những nguồn tin lọt ra từ nội bộ đang có tranh chấp và được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chứ ít khi do chính những cơ quan thanh tra của ngành phát hiện. Thanh tra giáo dục nghiêm túc, không thiên vị, là một biện pháp để ngăn ngừa những lạm dụng và vi phạm. Kết quả của kiểm định chất lượng là cơ sở để quyết định mức độ tự chủ của trường đại học. Đây cũng là cơ sở để cho phép việc tăng học phí theo lộ trình và theo đặc điểm chất lượng cũng như năng lực của từng trường mà không thực hiện đồng loạt, vừa phù hợp với sức chịu đựng của người học, vừa góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách và các nguồn lực tài chính trong giáo dục.

Ba điều mà chúng tôi đề nghị trên đây không có gì mới mẻ, thậm chí đã được nói đến không ít lần. Nhưng xã hội chỉ tìm thấy ý nghĩa của sự đổi mới qua những việc làm thực chất để thể hiện những điều đã nói đó. Chưa mong cầu đổi mới căn bản và toàn diện, giáo dục đại học mà làm được ba điều đó thôi, làm cho ra làm, đã là phúc lớn cho xã hội. Làm được ba điều đó rồi, thì sớm muộn gì sự đổi mới căn bản và toàn diện cũng sẽ đến.

3. Lực đẩy và cấu trúc

“Tự chủ đại học” không phải là cụm từ mới xuất hiện gần đây, nhưng nội hàm của nó đang được thảo luận để xác định cụ thể. Mặc dù rất khác với quan niệm về “tự trị đại học” trong nền giáo dục miền Nam trước 1975 mà ưu điểm và thế mạnh hầu như không được thừa nhận và tiếp thu, một nền đại học tự chủ ít nhất cũng bao hàm ba phương diện: tự chủ về học thuật, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính.

Nhưng căn cứ trên những ý kiến phát biểu công khai, thì có vẻ như tự chủ về tài chính lại là điều được quan tâm nhất, đặc biệt đối với những nhà quản lý. Trên thực tế, những người đứng đầu các trường đại học hiện nay hầu như có toàn quyền tuyển dụng nhân sự, chỉ có học phí và các khoản thu là còn bị khống chế bởi mức trần do cấp trên quy định.

Ở các cơ sở đại học trước đây, công lập cũng như dân lập, không hiếm trường hợp một người kiêm nhiệm vị trí đứng đầu cả ban giám hiệu, tổ chức Đảng, hội đồng trường và hội đồng khoa học. Gần đây, việc thành lập hội đồng trường với chức danh chủ tịch tách khỏi hiệu trưởng là một điều chỉnh theo hướng phân chia quyền lực. Tuy nhiên trên thực tế, người nắm quyền cao nhất (hiệu trưởng ở trường công lập) và người nắm cổ phần nhiều nhất (chủ đầu tư hay chủ tịch hội đồng quản trị ở trường đại học dân lập và tư thục) là người chi phối và quyết định từ đường hướng chung đến biện pháp cụ thể của nhà trường. Mọi ý hướng đổi mới vẫn trông chờ vào thiện ý của những người giữ các cương vị này. Vì thế, một quan niệm tự chủ đại học còn sơ lược, chưa chú trọng đúng mức đến tự chủ về học thuật và chưa đi kèm với nó một cơ chế kiểm soát bằng dân chủ, thì khi áp dụng, nó có thể là một con dao hai lưỡi.

Trong khi các quy chế về đại học dân lập và đại học tư thục chưa hoàn thiện, còn tạo kẽ hở cho những cách giải thích khác nhau tùy mục đích của người vận dụng, thì việc đi tìm một mô hình thích hợp không dễ đạt sự đồng thuận.

Mô hình đại học phi lợi nhuận không thể được thừa nhận chỉ bằng những lời tuyên bố. Việc thay đổi chủ đầu tư dẫn tới thay đổi nhân sự ở một số trường đại học dân lập bước đầu giải quyết những xung đột về lợi ích và tái lập sự ổn định trong khu vực giáo dục này. Dù vậy, sự giằng co giữa thực dụng và lý tưởng, giữa danh và thực trong lĩnh vực mà sức mạnh của đồng tiền đang cạnh tranh với sức mạnh của văn hóa có lẽ vẫn còn kéo dài chưa phân thắng bại.

Trong tình hình đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019 là một nỗ lực đưa nền giáo dục đại học nước ta đi dần vào thế ổn định và phát triển, góp phần tạo ra lực đẩy cho sự đổi mới. Đồng thời cũng có thể xem đó như là một cái “chân thắng” cần thiết để kiềm hãm những “đổi mới” giả hiệu, lợi dụng khe hở của luật pháp mà “phá rào” tùy tiện. Có tầm quan trọng sau Luật giáo dục đại học là Nghị định về Đại học Quốc gia do Chính phủ sắp ban hành nhằm mở đường cho hai cơ sở đào tạo này có cơ chế đặc biệt để hoạt động mà không bị ràng buộc vào những quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng không vi phạm những quy định pháp lý hiện hành.

Đổi mới giáo dục đại học hiện nay là một quá trình diễn ra từ trên xuống, kết hợp với sự vận động từ dưới lên. Không có đổi mới giáo dục đại học đích thực nếu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi cung cách quản lý, vừa đảm bảo kỷ cương, vừa mở rộng không gian sáng tạo cho các đơn vị trực thuộc. Cần có những quy định cụ thể và hiệu quả hơn để giao quyền tự chủ cho các đại học về học thuật, nhân sự và tài chính. Việc đổi mới từ trên xuống chỉ có ý nghĩa khi cộng hưởng với sự đổi mới từ dưới lên. Trên các diễn đàn giáo dục lâu nay người ta thường chú ý đến những chủ trương ở cấp vĩ mô mà ít ghi nhận những kinh nghiệm đổi mới từ các cơ sở. Kết quả kiểm định giáo dục đại học thường được công bố đạt chuẩn này chuẩn kia mà ít khi phổ biến những sáng tạo về quản lý từ cấp trường, cấp khoa, trong khi đây mới là nơi triển khai các chính sách về giáo dục và kiểm nghiệm kết quả trên thực tế.

Gắn liền với quá trình đổi mới là tác động ngoại tại và nội tại của hệ thống giáo dục đại học. Những nhân tố tác động từ bên ngoài như thị trường lao động, áp lực của dư luận xã hội, sự đánh giá của các cơ quan kiểm định, sự cọ xát với giáo dục đại học khu vực và thế giới, sự cạnh tranh của các trường đại học có đầu tư của nước ngoài... bắt buộc nhà trường phải thay đổi.

Gần đây nhất, đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nặng nề cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng thúc đẩy những thay đổi theo hướng thích nghi với trạng thái xã hội mới. Thị trường du học bị thu hẹp có thể kéo về trong nước một khoản đầu tư hàng tỷ USD mà các gia đình Việt Nam trước đây đổ ra nước ngoài. Nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng để thích ứng với hoàn cảnh giãn cách xã hội đòi hỏi giáo dục đại học cải tiến phương pháp đào tạo (như trang bị công nghệ mới để giảng dạy trực tuyến; nắm bắt sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam để tiếp cận các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tìm nơi thực tập cho sinh viên...). Đây cũng là cơ hội cạnh tranh để loại bỏ những cơ sở giáo dục yếu kém, trì trệ.

Những tác động này chỉ phát huy một cách tích cực trong sự khơi dậy nội lực của chính hệ thống, để những những sáng kiến được đề xuất từ giới tinh hoa ở đại học có thể được áp dụng. Lực đẩy sẽ làm thay đổi cấu trúc giáo dục đại học theo hướng tiến bộ với điều kiện cấu trúc phải tự đổi mới để không ngăn cản tác động tích cực của các lực đẩy từ mọi phía.

Dù thực trạng giáo dục còn nhiều khó khăn và thử thách, người ta vẫn hy vọng vào những thay đổi tiến bộ của giáo dục. Hy vọng, trước hết vì đội ngũ đông đảo nhà giáo tâm huyết vẫn chưa rời bục giảng, trong đó những người thiện chí vẫn tiếp tục hiến kế cho giáo dục, dù việc tiếp thu có chừng mực. Hy vọng, vì một thế hệ giảng viên và chuyên gia quản trị đại học được đào tạo bài bản từ nhiều nguồn đang xuất hiện và nhập cuộc. Hy vọng, vì những người quản lý giáo dục, từ cấp cao đến cấp thấp, hầu hết đếu xuất thân từ giáo giới. Là nhà giáo, không ít thì nhiều, họ cũng hiểu những nỗi lo và khát vọng về một xã hội học tập đúng nghĩa. Là nhà giáo thì bao giờ cũng biết hình ảnh mình đang soi trong mắt sinh viên. Đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo một khoa, một trường, có lẽ người trí thức nào cũng muốn mình để lại tiếng tốt cho đời. Nếu còn hy vọng vào giáo dục thì có nghĩa là vẫn còn niềm tin vào tương lai đất nước. Giáo dục sẽ cứu xã hội nếu xã hội biết chăm lo cho giáo dục phát triển đúng hướng.

Tài liệu tham khảo

1. Jaspers, Karl (2013), Ý niệm Đại học (Bản dịch của Hà Vũ Trọng, Mai Sơn), NXB Hồng Đức – Đại học Hoa Sen, Hà Nội.

2. Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (chủ biên, 2011), Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010) – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội.

3. Nguyễn Xuân Xanh (2019), Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới từ Trung cổ đến Hiện đại, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Phạm Phụ (2011), Về khuôn mặt mới của Giáo dục Đại học Việt Nam (tập 2), NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2018), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Hà Nội.

Nguồn: tapchithoidai.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn