Hiến pháp 2013 là đạo luật của nhân dân hay đạo luật của nhà nước?

Ngô Huy Cường

Theo nguyên lý dân chủ và nhà nước pháp quyền, Hiến pháp là đạo luật của nhân dân tổ chức nên nhà nước và trao quyền lực cho nhà nước.

Xét cho cùng, Hiến pháp 2013 của nước ta cũng có ý như vậy. Tại đoạn cuối của “Lời nói đầu”, Hiến pháp 2013 tuyên bố: “…, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; và đồng thời khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2, khoản 2).

Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 tự mâu thuẫn với quan niệm trên bởi một quy định rằng:

“Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69, đoạn 2).

Với quy định này, có thể hiểu: Ở nước ta, Quốc hội lập pháp có quyền lập hiến; quyền lập hiến không còn thuộc về nhân dân nữa; và quyền lập hiến bị coi ngang bằng với quyền lập pháp. Hệ lụy là đánh tụt vị trí tối cao của Hiến pháp xuống.

Tôi nghi rằng các GS. TS và GS. TSKH biết vấn đề này, bởi Hiến pháp 1992 quy định dứt khoát rằng “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, đoạn 2), nên thêm từ “thực hiện” vào đoạn văn kể trên để lấy đường giải thích khi có sự thắc mắc. Nhưng từ “thực hiện” này thêm vào đó thật buồn cười vì nó phải giải thích chung cho tất cả các chức năng của Quốc hội. Buồn cười hơn là ngay sau đó lại viết Quốc hội “có nhiệm vụ và quyền hạn” “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” (Điều 70).

Hơn nữa, trong nhiều điều khoản của Hiến pháp 2013, các GS. TS và GS. TSKH lại viết theo kiểu coi Hiến pháp là đạo luật của Nhà nước và thông qua đó, Nhà nước ban phát cho dân chúng đủ thứ trên đời. Ví dụ:

“Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh” (Điều 51, khoản 3);

“Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác cho giáo dục…” (Điều 61, khoản 2);

“Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ…” (Điều 62, khoản 2);…

Các chính sách lớn này nếu được đưa vào Hiến pháp thì chúng phải là các chính sách chung của toàn dân đưa ra và giao cho Nhà nước thực hiện. Có lẽ các GS. TS và GS. TSKH không được học kỹ thuật viết Hiến pháp cho nên mới viết như vậy (!?).

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt

Nhà nước pháp quyền dân chủ được viết trong Hiến pháp (đạo luật gốc) 1949 (hiện hành) của Cộng hòa Liên bang Đức như sau:

“Điều 20 [Cấu trúc chính trị và xã hội, bảo vệ trật tự hiến pháp]

(1) Cộng hòa Liên bang Đức là một nước liên bang dân chủ và xã hội.

(2) Tất cả quyền lực công bắt nguồn từ nhân dân. Nó được thực hiện bởi nhân dân thông qua các cuộc bầu cử và các cuộc trưng cầu ý dân và bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể.

(3) Lập pháp bị ràng bởi trật tự hiến pháp, hành pháp và tư pháp bởi pháp luật và công lý.

(4) Tất cả người Đức có quyền chống lại bất kỳ ai cố gắng làm hay không làm vượt ra ngoài khuôn khổ của trật tự hiến pháp nếu không có phương cách nào khác có thể”.

Lưu ý: Hiến pháp này của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về quyền con người trước các quy định về tổ chức và phân chia quyền lực.

Chỉ trong một điều khoản này, họ đã có thể bao quát được toàn bộ chính trị và xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức. Họ đã dành nhiều chỗ cho các giải thích tư pháp về hiến pháp. Nhà nước được nhân dân giao nhiệm vụ và phải làm chứ không có chuyện nhà nước ban phát cho dân.

N.H.C.

Nguồn: FB Cuong Huy Ngo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn