Các tập đoàn Mỹ lo phong toả ở Việt Nam gây thiếu hụt sản phẩm cho mùa lễ cuối năm

Nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm cho Nike tại Việt Nam đã bị đóng cửa vì tình trạng bùng phát dịch COVID-19.

Nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm cho Nike tại Việt Nam đã bị đóng cửa vì tình trạng bùng phát dịch COVID-19.

Tình trạng phong toả kéo dài vì COVID-19 tại Việt Nam đang gây tác động nặng nề lên nguồn cung hàng hoá của các tập đoàn lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Gap… khiến các tập đoàn này phải tính đến phương án di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.

Không chỉ các mặt hàng giày dép, quần áo mà cả cà phê và các thiết bị xe hơi cũng đang bị thiếu hụt trầm trọng vì tình trạng phong toả kéo dài và các quy định phòng dịch nghiêm ngặt buộc các cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam phải đóng cửa hoàn toàn trong nhiều tháng qua.

AFP dẫn lời bà Claudia Anselmi, Giám đốc người Ý của Nhà máy Dệt nhuộm Hưng Yên, cơ sở chủ chốt trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho nhiều tập đoàn kinh doanh quần áo của châu Âu và Hoa Kỳ như Nike, Adidas, Gap…, cho biết sản lượng của nhà máy đã giảm 50% khi làn sóng COVID-19 bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 4 và các biện pháp hạn chế đi lại đang làm cho việc vận chuyển vật liệu sản xuất bị chậm trễ kéo dài. “Chúng tôi chỉ có thể tồn tại nếu chúng tôi có (vật liệu) dự trữ”, bà nói với AFP.

Tại Mỹ, trong khi dịp mua sắp lớn nhất vào cuối năm đang đến gần, các doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra lo lắng và dự đoán về khả năng thiếu hụt hàng hoá do tình trạng chậm trễ trong dây chuyền sản xuất, giá nhân công và chi phí vận chuyển tăng vọt.

Công ty Everlane cho biết họ đang đối diện với khả năng hàng hoá bị chậm trễ từ 4-8 tuần, tùy thuộc vào tình trạng của các nhà máy bị đóng cửa mà họ đang hợp tác tại Việt Nam. Trong khi đó, Nike đã cắt giảm dự báo bán hàng vào tuần trước, với lý do bị mất 10 tuần sản xuất tại Việt Nam kể từ giữa tháng 7 và việc mở cửa trở lại dự kiến sẽ bắt đầu theo từng giai đoạn vào tháng 10, New York Times tường thuật.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã vượt lên trở thành nhà cung cấp hàng may mặc và giày dép lớn thứ hai cho Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi bị bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra, các biện pháp phòng dịch và tình trạng chậm trễ trong việc tiêm vaccine COVID-19 đã buộc các nhà máy phải dừng sản xuất, gây tác động lớn lớn chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Nhiều nhà bán lẻ trước đây đã chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thập kỷ qua vì chi phí tăng cao khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng các mức thuế mới đối với Trung Quốc nay đang tính đến kế hoạch rời khỏi Việt Nam.

Tháng trước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết có đến hơn 90% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía nam đều dừng sản xuất, làm đứt gãy chuỗi cung toàn cầu cho các nhãn hàng lớn đã đặt hàng sản xuất tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội này, 62% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nằm ở các nhà máy thuộc khu vực phía nam, nhưng mới chỉ có TPHCM triển khai tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp. 18 tỉnh còn lại trong số 19 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 chưa tiêm hoặc tiêm rất ít, khiến tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may rất thấp.

Tuần trước, Nike cho biết họ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu sản phẩm thể thao và phải cắt giảm dự báo bán hàng. Tập đoàn này nói 80% nhà máy của họ ở miền nam và gần một nửa số nhà máy may mặc của họ tại Việt Nam đã phải đóng cửa.

Ngay cả khi Việt Nam bắt đầu nới lỏng dần lệnh phong toả, nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng về tác động lâu dài đối với sản xuất của Việt Nam. Nike và Adidas thừa nhận họ đang tìm cách tạm thời sản xuất ở nơi khác.

Trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuần trước, các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu đại diện cho Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cảnh báo về việc di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Việt Nam, đồng thời cho biết 20% thành viên các hiệp hội đã rời đi.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn