Những ai phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn tỷ đồng lãng phí vì xét nghiệm?

Nguyễn Ngọc Chu

I.Tiêu không xót tiền và kiếm lời bằng mọi giá?

Nghèo thường đi đôi với tiết kiệm. Nhưng cái cách mà Việt Nam chi tiền trong thời gian chống dịch Covid vừa qua chứng tỏ ngược lại. Việt Nam nghèo nhưng không xót tiền bạc.

Bộ Y tế là người khống chế giá sàn 10 USD (238 000 đồng) cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là giá tối thiểu mà người dân phải thanh toán. Chưa nói đến nhiều nơi năng giá lên đến 300 000 đồng – 400 000 đồng, thậm chí có nơi là 730 000 đồng (Bệnh viện Hà Nội – Đồng Văn) cho một xét nghiệm.

Như các nguồn tin từ MXH và internet, bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức có giá bán dao động từ 10 EURO - 50 EURO cho 1 hộp gồm 25 xét nghiệm tuỳ thuộc vào số lượng. Trong siêu thị một tự xét nghiệm NasoCheck có 0,95 EURO. Mua 7 xét nghiệm thì 5,94 EURO (0,85 EURO = 1USD = 24 000 đồng/xét nghiệm). Mua số lớn thì 10 EURO cho 25 xét nghiệm (0,25 EURO = 0,30 USD = 7 200 đồng/xét nghiệm).

Trong khi người dân ở Đức chỉ phải trả khoảng 1 USD cho một tự xét nghiệm khi chọn NasoCheck thì người dân Việt Nam phải trả đến 10 USD cho một xét nghiệm nhanh. Theo thống kê năm 2021 của Quỹ tiền tệ quốc tế, thì thu nhập GDP bình quân đầu người của Đức (51 860 USD, thứ 24) lớn gấp hơn 14,3 lần Việt Nam (3 609 USD, thứ 144). Vị chi, người Việt Nam chịu chi phí cho 1 xét nghiệm đắt hơn người Đức đến khoảng 140 lần! Nếu lấy giá xét nghiệm thấp nhất được biết ở Việt Nam là 170 000 đồng (7 USD) và giá cao nhất là 730 000 đồng (30,45 USD) thì người Việt Nam chịu chi phí cho 1 xét nghiệm đắt hơn người Đức trung bình trong khoảng từ 98 lần – 435 lần!

Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào xét nghiệm toàn thành phố 5-10 triệu dân để truy vài chục ca nhiễm như Việt Nam. Trong khi các nước chỉ xét nghiệm điểm thì Việt Nam lại xét nghiệm đại trà. Trong khi các nước sau khi tiêm không phải xét nghiệm thì ở Việt Nam vẫn phải xét nghiệm. Vừa xét nghiệm ở tỉnh này đến tỉnh khác lại phải xét nghiệm. Xét nghiệm liên tục. Có trường hợp phá khoá cửa, ập vào nhà bắt đi xét nghiệm như là tội phạm đặc biệt nguy hiểm (Bình Dương).

Chưa có được số liệu chính thức. Nhưng ước tính khoảng 50 triệu xét nghiệm đã được tiến hành, tương đương với khoảng 500 triệu USD đã phải chi trả - hoặc từ ngân sách, hoặc từ túi dân. Cuối cùng quy lại cũng là từ túi dân. Đó là ở trong nước, tiền từ túi đa số người nghèo chuyển sang thiểu số túi người giàu.

Còn mất bao nhiêu tiền cho nước ngoài? Bộ Y tế trả cho Vingroup 84 120 000 USD để có 25 triệu xét nghiệm. Trung bình 3,36 USD một xét nghiệm. Còn Vingroup mua của nước ngoài giá bao nhiêu? Nếu tính giá thành về đến Việt Nam là 1 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 59 120 000 USD. Nếu giá thành là 1,5 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 46 620 000 USD. Nếu giá thành là 2 USD/ 1 xét nghiệm thì Vingroup thu lời 34 120 000 USD.

Đừng nói rằng bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức là kém chất lượng. Nước Đức chấp nhận được thì Việt Nam cũng chấp nhận được. Câu trả lời quan trọng khác là không việc gì phải mua nhiều đến như vậy.

Tất nhiên có những bộ xét nghiệm đắt tiền hơn. Nhưng giá khi đưa về Việt Nam đều được nâng lên từ vài ba lần trở lên là tối thiểu. Đó là điều không nghi ngờ. Cho nên những thí dụ đưa ra ở trên là nhằm dẫn đến truy tìm bản chất sự việc.

Sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ có mức lương 200 -300 USD/tháng. Mức lương tối thiểu của người lao động chưa đến 190 USD/tháng. Nghèo đến như vậy mà quyết định chi cho 1 xét nghiệm đắt hơn các nước giàu có đến cả chục lần.

Một đất nước nghèo nhưng không biết xót tiền!

Tục ngữ Việt Nam có câu “lá lành đùm lá rách”. Còn dịch bệnh là đại hoạ. Sao có thể nhân lúc người dân khốn đốn lâm vào đại hoạ mà lợi dụng kiếm lời?

II.Những ai phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn tỷ đồng lãng phí vì xét nghiệm?

1.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm về quy định giá sàn tối thiểu 238 000 đồng cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là căn cứ để những kẻ kiếm tiền lời trên nỗi thống khổ của dân nghèo nâng giá không thương xót.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm vì đã mua hàng triệu xét nghiệm với giá đắt hơn nhiều giá có thể mua.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc cho phép các công ty được phép nhập khẩu tự tiện quyết định giá bán các bộ xét nghiệm cho các địa phương với công văn giới thiệu và hướng dẫn giá cả của Bộ Y tế (CV 6929/BYT-TB-CT).

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xác định không đúng chiến lược về xét nghiệm. Dẫn đến tình trạng xét nghiệm đại trà tràn lan ở khắp các tỉnh thành, tiến hành hàng chục triệu xét nghiệm lãng phí. Lãng phí về tiền bạc. Lãng phí về thời gian. Bộ trưởng Bộ Y tế là người chịu trách nhiệm lớn nhất ở Bộ Y tế dù là giao cho ai phụ trách.

2.

Lãnh đạo các tỉnh thành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong lãng phí xét nghiệm thuộc phạm vi nội bộ tỉnh thành của mình. Trước hết là xét nghiệm tràn lan. Sau đó là không xác định được đúng giá xét nghiệm. Làm người dân bị xét nghiệm không cần thiết và phải trả giá quá cao cho xét nghiệm.

Đừng biện hộ rằng nhiệm vụ xác định giá không phải của lãnh đạo tỉnh thành. Lãnh đạo tỉnh thành quyết định chi trả cho xét nghiệm mà không biết giá cả của xét nghiệm thì quyết định làm gì? Lãnh đạo tỉnh thành có con đường riêng để xác định giá. Nếu phải tự bỏ tiền túi ra chi trả cho hàng triệu xét nghiệm thì bí thư và chủ tịch các tỉnh thành có biết giá thực của mỗi xét nghiệm không?

3.

Bộ Y tế là của Chính phủ. Chính phủ đã trao quyền cho Bộ Y tế thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của Bộ Y tế trước quốc dân đồng bào. Chính phủ có Bộ tài chính để kiểm soát giá cả, có nhiều con đường để kiểm soát giá cả, thế mà vẫn để lọt những sai phạm to lớn như vậy.

Đã không chỉ một lần kiến nghị Thủ tướng cần có một nhóm chuyên gia Y tế làm cố vấn độc lập, ngoài Bộ Y tế. Nếu có một nhóm chuyên gia Y tế độc lập song song như vậy, thì đã không có xét nghiệm đại trà hàng loạt xảy ra như thời gian vừa qua.

4.

Nhân sự thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế là do Bộ Chính trị quyết định. Nhân sự Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh thành cũng do Bộ Chính trị quyết định. Cho nên trách nhiệm ở mức độ cao hơn nữa thuộc về Bộ chính trị. Chức vụ gắn liền với trách nhiệm. Người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm lớn nhất.

III. Nguyên nhân chính là nhân sự và sở hữu nhà nước

Nguyên nhân nào đã dẫn tới tình trạng xét nghiệm đại trà lãng phí như trên. Trong số nhiều nguyên nhân, có 3 nguyên nhân chủ đạo.

Nguyên nhân thứ nhất là nhân sự. Dịch Covid đã phơi bày sự yếu kém của nhiều nhân sự cấp cao. Nhân sự cấp cao là của Đảng. Lưạ chọn nhân sự cấp cao là công việc của Bộ chính trị.

Nguyên nhân thứ hai là sở hữu nhà nước. Vì ngân sách nhà nước mới dẫn đến cách tiêu tiền như vậy. Nếu là sở hữu tư nhân thì đã không có giá xét nghiệm cao và đã không mua nhiều xét nghiệm đến thế.

Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế. Cơ chế mới dẫn đến cách mua bán thiết bị Y tế và cách xét nghiệm diễn ra như thế.

IV. Chấm dứt xét nghiệm đại trà

Trong đại dịch vẫn nhiều người muốn kiếm lời to. Vaccine là nguồn lợi lớn. Nhưng bộ xét nghiệm còn là nguồn lợi nhanh hơn, nhiều hơn.

Đã tiêm vaccine rồi thì không phải xét nghiệm nữa. Đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì được lưu thông khắp mọi nơi trong nước. Chỉ đối với nước ngoài thì phải tuân thủ theo luật của nước sở tại. Chẳng hạn đến châu Âu thì tiêm 2 mũi Vero Cell của Trung Quốc không có giá trị và phải xét nghiệm nhanh tại chỗ.

Một điều giản đơn cần nắm rõ, là khi đã tiêm 2 mũi vaccine thì xác suất lây nhiễm lại cũng tương đương với xác suất sai sót của xét nghiệm. Vì thế xét nghiệm cho người đã tiêm vaccine là lãng phí. Người đã tiêm vaccine, dẫu bị nhiễm lại thì ít nặng bệnh và khả năng tử vong nhỏ hơn nhiều so với khi chưa tiêm vaccine.

Cần phải chấm dứt cách xét nghiệm đại trà toàn thành phố. Tốn kém vô ích. Đó là kiểu Maoixt. Tầu làm được không có nghĩa là Việt Nam cũng làm được. Lịch sử mấy chục năm gần đây cho thấy, học theo Maoixt điều gì là tai hoạ điều ấy.

V. Thứ tự ưu tiên tiêm vaccine

Không xét nghiệm đại trà mà ưu tiên tiêm vaccine. Trong hoàn cảnh nguồn vaccine được cung cấp theo từng đợt thì cách tiêm vaccine sau đây là phù hợp.

1. Tiêm cho lớp người 65 tuổi trở lên, có bệnh nền tiêm trước.

2. Tiếp đến tiêm cho lớp tuổi 50-64, có bệnh nền tiêm trước.

3. Sau nữa là lớp tuổi 18-49, có bệnh nền tiêm trước.

Đó là cách mà nhiều nước Âu châu đã tiến hành. Cách này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và và tỷ lệ tử vong trong khi chưa đủ vaccine cùng một lúc để vaccine hoá cộng đồng. Nó phù hợp với năng lực cung cấp vaccine trong thực tiễn. Nó không dẫn đến tình trạng hoảng loạn về vaccine.

Thứ tự tiêm vaccine trên đây là cách tốt nhất cho các tỉnh đang ít bị lây nhiễm tránh được tình thế hoảng loạn vaccine, mà sử dụng vaccine kém chất lượng. Đó là cách có được các loại vaccine hàng đầu như Pfizer, Moderna, AstraZeneca sẽ về vào cuối năm để tiêm cho người dân trong tỉnh. Đó là cách không phải hoảng loạn để tiêm các loại vaccine bị xếp hạng thấp hơn hay độ tin cậy thấp.

VI. Chống tham nhũng quan trọng nhưng cải cách thể chế còn quan trọng hơn

Không ai phủ nhận tính cần thiết và mặt tích cực của chống tham nhũng. Nhưng thực tiễn của Việt Nam cho thấy, không thể chấm dứt tình trạng tham nhũng dẫu bỏ tù thêm cả ngàn kẻ tham nhũng nữa, khi mà cơ chế đẻ ra tham nhũng chưa cải cách.

Đất nước khốn đốn vì đaị dịch, nhưng thiết bị Y tế nhập về để chống dịch đã bị nâng giá lên 5,7 lần. Bỏ tù hàng loạt cán bộ nhưng không đe doạ được ai. Hàng chục triệu bộ xét nghiệm lại tiếp tục bị thổi giá lên 5,7 lần. Chỉ trong vòng mấy tuần, hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước bị chi tiêu lãng phí, nhiều chục triệu người dân bị đẩy vào tình trạng phải xét nghiệm nhiều lần với chi phí đắt đỏ.

Dù đẩy mạnh chống tham nhũng đi bao nhiêu nữa cũng không làm bớt tệ nạn tham nhũng. Phải có cách tiếp cận khác về chống tham nhũng. Đó là tiêu diệt nguồn sinh ra tham nhũng.

Cải cách thể chế là phương thức hữu hiệu để tiêu diệt nguồn sinh ra tham nhũng. Trong cải cách thể chế thì cách mạng phương thức tuyển chọn nhân sự quản trị quốc gia là ưu tiên số 1. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải cách mạng phương thức tuyển chọn nhân sự.

Phàm những điều quan trọng nhất phải được quyết định bởi số đông. Tập hợp nào thì số đông tập hợp đó quyết định.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn