Triển vọng bang giao Hoa Kỳ với Afghanistan trước các tranh chấp nội tình

Đỗ Kim Thêm

Taliban übernehmen Afghanistan: Die letzten Tage von Kabul - taz.de

Lãnh tụ Taliban chính thức ra mắt báo giới tại Kabul @ taz.de

Sau khi các nước ngoài rút quân ra khỏi Afghanistan, lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban đã lên nắm quyền. Ngay trong lễ mừng chiến thắng, Taliban lo ráo riết chuẩn bị thành lập chính phủ và thành phần các nhân vật tham gia có thể được công bố trong thời gian tới. Nhưng có nhiều suy đoán cho là trong nội các mới nữ giới sẽ có ít và nắm giữ các chức vụ khiêm nhường, điều chắc chắn đặc biệt nhất là những người đã phục vụ trong chế độ cũ sẽ không được trọng dụng.

Nhưng vụ đánh bom tại phi trường Kabul hôm 26/8 khiến cho ít nhất 180 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ cho thấy một sự thật khác hẳn: Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) chủ động khủng bố và đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Mỹ đã đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan, và kết quả là nhà lãnh đạo IS trong "tỉnh Khorasan" (IS-K) đã bị giết.

Diễn biến này đã chứng minh là Taliban không phải là nhóm duy nhất, mà có nhiều các phe khác tham chiến và IS-K là một trong số các nhóm thánh chiến hoạt động hoàn toàn dị biệt. Tất cả các lực lượng đang thi nhau tranh quyền.

Nhìn chung, cho đến nay, Taliban được xem là một thế lực có ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng tất cả có thể đoàn kết để hoà giải quốc gia và hoà hợp dân tộc hay không là một vấn đề chưa rõ ràng. Trong bối cảnh hỗn độn của buổi giao thời này, triển vọng bang giao của Afghanistan với Hoa Kỳ càng thêm mờ mịt.

Taliban

Kể từ khi Mỹ rút quân, phe Taliban trở lại nắm quyền quốc gia sau gần 20 năm. Đối với thế giới bên ngoài, Taliban nổi bật hơn tất cả và được xem là lực lượng lớn nhất. Khi đang nỗ lực lèo lái Afghanistan trong bối cảnh mới, Taliban muốn được xem là như là một chính phủ chính danh và có thực quyền.

Do đó, ít nhất trong hiện nay, giới lãnh đạo Taliban cũng tỏ ra ôn hòa hơn so với các lực lượng khác. Trước mắt, Taliban muốn tìm cách để cho phương Tây có thể duy trì hỗ trợ tài chính trong các chương trình tái thiết hậu chiến cho Afghanistan và sẽ nắm giữ vai trò chính thức trong lâu dài.

Vì nhận ra tầm quan trọng này, các phe phái khác sẽ phải buộc lòng giao tiếp với Taliban, nếu không muốn bị đẩy khỏi chính trường hoặc phải chịu lui vào bóng tối trong một quy mô nhỏ.

Từ lâu, Taliban coi ISIS là kẻ thù và đánh đuổi họ ra khỏi tỉnh Nangarhar. Khi thất thủ, ISIS đành phải rút lui sâu hơn vào vùng núi. Giống như Mỹ, Taliban muốn ngăn sức mạnh ISIS để không thể tiếp tục tấn công.

Hiện tại, có khó thể tiên đoán được là có sự hợp tác trực tiếp và toàn diện giữa Mỹ và phe Taliban trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng có thể sẽ có những thỏa thuận trong một số chuyên đề, thí dụ như việc đưa người di tản đến phi trường.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin xác nhận: "Chúng tôi đã làm việc với Taliban về một số vấn đề rất kỹ lưỡng, và đó chỉ là để đưa càng nhiều người đi càng tốt trong khả năng của chúng tôi".

Khi được hỏi về triển vọng hợp tác trong tương lai, Tướng Mark Milley của Mỹ cho biết Taliban là một nhóm tàn nhẫn và không rõ liệu có thay đổi hay không. Milley bày tỏ dè dặt: "Mỹ có khả năng phối hợp trong các hoạt động chống khủng bố trong tương lai. Trong chiến tranh, bạn làm những gì bạn phải làm để giảm rủi ro cho sứ mệnh và lực lượng, chứ không phải làm thứ mình muốn".

Austin cũng không khác hơn Milley khi không muốn đưa ra bất kỳ dự đoán nào, nhưng sẽ "làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng chúng tôi vẫn tập trung vào IS-K, để tìm hiểu mạng lưới đó và vào một thời điểm mà chúng tôi chọn trong tương lai, buộc họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã gây ra".

Trước mắt, Washington đang cố gắng phân loại những bộ phận của Taliban có liên quan đến khủng bố quốc tế và tìm cách tách rời ra phần còn lại của Taliban, với ý định làm việc với phần ôn hoà của Taliban, để chống lại Al-Qaeda và chống lại IS.

"Nhà nước Hồi giáo" IS-K

Nhà nước Hồi giáo (IS) là một chi phái của tổ chức khủng bố Salafist. Kể từ năm 2014, nhóm này đã thực hiện nhiều vụ tấn công và giết người, họ tự xưng là "Nhà nước Hồi giáo của Tỉnh Khorasan", viết tắt IS-K. Khorasan là một khu vực lịch sử từ thế kỷ thứ VII ở Trung Á, trải dài qua các khu vực rộng lớn mà ngày nay gọi chung là Afghanistan, Iran, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan.

Khu vực chính của IS-K chiếm đóng nằm ở phía Đông Bắc và cũng là ngay biên giới với Pakistan. Nhóm này hoạt động xuyên qua nhiều biên giới và có nhiều thành viên không phải là người Afghanistan mà từ các nước láng giềng khác, trong đó có Pakistan và Trung Á.

Tuy nhiên, IS-K hoạt động ở Afghanistan chỉ với vài trăm người, Trong cuộc tấn công ở phi trường Kabul, IS-K muốn chứng tỏ đã tham gia vào cuộc thánh chiến chống Mỹ và muốn ghi công là "người Mỹ rút lui dưới làn đạn của IS-K".

IS-K hiện đang gây xôn xao dư luận khi tuyên bố tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thánh chiến trong tương lai. Với sự thành công trong cuộc tấn công ở phi trường Kabul, IS-K tin rằng cơ hội đã tăng lên.

Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chiến lược phương Tây, IS-K không đặc biệt nguy hiểm, ít nhất là chưa, vì nhóm này quá nhỏ để nắm trọn quyền trong khu vực Hindukush. Nhưng có một nguy cơ khác là IS-K hiện đang tạo ra tình trạng hỗn loạn như ở Libya và Iraq.

Cụ thể, phe này tạo ra các điều kiện là không ai thành công trong việc có quyền kiểm soát thực sự, tương tự như nội chiến, chỉ có hỗn loạn, không có chính phủ và lực lượng dân quân. Bất cứ nơi nào có hỗn loạn, thì ở đó IS-K trở nên mạnh mẽ.

Sức mạnh của ISIS là có thể liên tục chiêu mộ những tân binh tình nguyện – bất chấp những thất bại. Lý tưởng thánh chiến của ISIS đặc biệt thu hút đối với các chiến binh trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới. ISIS không khoan nhượng cho bất cứ ai và muốn áp dụng luật Hồi giáo Sharia và thành lập các quốc gia Hồi giáo bất kể là nhỏ đến mức nào. ISIS tuyên truyền là: “Chúng tôi có một lãnh thổ nhỏ ở đây, hãy đến tham gia quân đội, chiến đấu chống lại Taliban, Mỹ và các dân tộc thiểu số ở Afghanistan, kết quả là đã có rất nhiều người trẻ tuổi đã nghe theo".

Vì nhiều lý do khác nhau, giới lãnh đạo Pakistan cũng quan tâm đến việc ISIS sao cho hùng hậu hơn. Chính giới Pakistan quan niệm là khi Taliban được thành lập và củng cố trong nước, Pakistan có thể không còn kiểm soát Taliban được nữa. Khi ISIS mạnh cũng có thể là động lực khiến cho Taliban tỏ ra ôn hòa.

Rõ ràng có những điểm liên hệ giữa IS-K và Taliban. IS-K đang hợp tác với mạng lưới Haqqani. Lực lượng này được coi là một phần của Taliban, nhưng lại có tổ chức là một mạng lưới cực kỳ chặt chẽ với các phần tử khủng bố quốc tế.

Al Qaeda

Al-Qaeda là mạng lưới khủng bố hoạt động trên toàn thế giới bao gồm nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan, chủ yếu là tông phái Sunni. Với cuộc tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, mạng lưới khủng bố này đã gây được tiến vang khắp nơi. Vào thời điểm đó, Mỹ đã tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và yêu cầu Afghanistan dẫn độ thủ lĩnh của Al Qaeda là Osama bin Laden. Taliban, phe cai trị Afghanistan vào thời điểm đó, đã không đáp ứng yêu cầu này.

Trước tình thế bất trắc này, chưa đầy một tháng sau cuộc tấn công, NATO tuyên bố "thành lập liên minh" và bắt đầu hoạt động quân sự ở Hindukush. Vào cuối năm, Taliban đã bị đánh bại thông qua các cuộc không kích trong quy mô lớn và sự trợ giúp của Liên minh phương Bắc, một liên minh của nhiều lãnh chúa Afghanistan. Với sự sụp đổ của Taliban, khu vực do Al-Qaeda chiếm đóng trở nên tương đối yên tĩnh.

Vào tháng 4 năm 2021, Annegret Kramp-Karrenbauer (CDU) Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức đã nhận định về sứ mệnh Afghanistan là một sự cân bằng tích cực: "Chúng ta đã đạt được mục tiêu mà al-Qaeda chắc chắn không còn hoạt động quốc tế ở mức độ như 11/9".

Hiện nay, một kiểu tác động lẫn nhau giữa các phe nhóm đang phát triển mà trong đó phe IS và al-Qaeda đang tranh giành vị trí tối cao. Nhưng cũng không thể loại trừ được khả năng là các phe nhóm nhỏ sẽ xuất hiện và thảo luận về tương lai của Afghanistan.

Mức độ tranh chấp nội bộ còn gay gắt, hoàn toàn không dựa trên việc hoạch định chính sách hay luật pháp mà là tùy thuộc vào ý muốn của lãnh chúa địa phương và lý tưởng tôn giáo. Nhưng để giải quyết nhu cầu bang giao của Afghnistan với Hoa Kỳ trong bối cảnh mới, tất cả các phe phái sẽ có thể tìm cách để thoả hiệp tối thiểu tạm thời.

Trong khi có nhiều lý giải khác nhau về tình hình mới, thực ra có rất ít bằng chứng trong thực tế, tất cả các loại suy đoán từ các nguồn tin tình báo hải ngoại cần có thời gian kiểm chứng.

Nhưng kinh nghiệm của Việt Nam có thể mang lại một lý giải mang sức thuyết phục đặc biệt. Sau 46 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã thất bại trong nỗ lực hoà giải quốc gia và hoà hợp dân tộc, nhưng đạt được những kỳ tích trong việc tái lập bang giao với kẻ cựu thù. Đó cũng sẽ là một trường hợp tương tự cho Afghanistan.

Đ. K. T.

Bài liên quan:

Tại sao việc xây dựng quốc gia tại Afghanistan thất bại?

Mối quan hệ mới của Iran và Hoa Kỳ sau thảm họa Afghanistan*

Bình luận về thảm họa Afghanistan (I)

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn