Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 118)

Tương Lai

Hà Nội mùa thu

Cây cơm nguội vàng

Cây bàng lá đỏ

Nằm kề bên nhau

Phố xưa nhà cổ.

Mái ngói thâm nâu… (Trịnh Công Sơn)

Ở Hà Nội hơn nửa đời người, hàng ngày đi dưới tán cây cơm nguội, cây bàng, cây sấu và đứng trú mưa dưới hiên nhà cổ mái ngói đã chuyển sang màu thâm nâu… mỗi nét sống đều ghi lại một hoài niệm. Nhưng gắn kết những rời rạc ấy thành một “tổng hợp biểu tượng, khắc hoạ một bức tranh về Hà Nội” qua cảm nhận với con mắt nghệ sĩ tinh tường và sáng tạo của Trịnh Công Sơn thì lại đang nhói vào tim tôi nỗi xốn xang nhớ về Hà Nội trong những ngày tháng 10 đầy ắp kỷ niệm này.

Ngày 10 tháng 10 giải phóng Thủ Đô khỏi ách thực dân thuộc địa ngót trăm năm:

trùng trùng quân đi như sóng

lớp lớp đoàn quân tiến về…

…Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào,

chảy dòng sương sớm long lanh (Văn Cao)

Khoảng cuối năm 1954, chỉ còn một tuần nữa thì khoá học kết thúc, tôi được anh Việt Phương gọi về Tổ công tác do anh Hà Thế Ngữ phụ trách, thêm anh Nguyễn Hữu Dũng và tôi gồm ba người nhằm chuẩn bị gấp một số công việc cho anh Việt Phương phải thực hiện nhiệm vụ mới, ba chúng tôi chuẩn tư liệu mà anh ấy yêu cầu.

https://scontent-bos3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.6435-9/p526x395/247401670_2999680966941922_3463463880019385947_n.jpg?_nc_cat=109&ccb=1-5&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=GQmzM8j3IskAX9nrI_w&_nc_ht=scontent-bos3-1.xx&oh=cf6781b35b95e7d166fde95fb8c313ba&oe=6196EB02

Thế rồi chúng tôi được hoà mình vào trong khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng trở về Thủ Đô buổi ấy. Để rồi hôm nay chỉ thầm hát trong tim

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu…

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay. Những xuân đời mỉm cười vui hát lên… (Văn Cao)

Thầm thì trong sâu thẳm nhịp đập của trái tim, vì tôi biết rằng sẽ còn phải vượt qua bao truân chuyên, khổ hạnh mới có thể thực hiện được khát vọng cháy bỏng của người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất ấy.

Hà Nội của nỗi nhớ

những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
(Nguyễn Đình Thi)

Mùa thu đã đi qua, mùa đông đã rải lá trên những bậc thềm, trên những đường phố Hà Nội. Và rồi tôi lại phải sải bước chân trên những “đường phố dài xao xác hơi may”, những bậc “thềm nắng lá rơi đầy” ấy mà gõ cửa từng nhà để “thực hiện một công việc đầu tiên cực kỳ quan trọng của việc tiếp quản Thủ Đô từ tay địch để lại” như lời giải thích của người phụ trách công tác “điều tra hộ khẩu nhằm lập sổ hộ tịch[1] cho cư dân Hà Nội. Phải chăng đây là khởi đầu của việc học theo mô hình “chuyên chính vô sản” của “Nhà nước kiểu Xô viết Stalinist”, “nhà nước công nông kiểu Maoít”?

Cho dù tự hào được xác định là những chiến sĩ ưu tú đáng tin cậy nhất, và là một trong hai người trong số 25 đội viên, được trao cho một khẩu súng lục Đức hiệu Mauser để đi làm nhiệm vụ ở địa bàn “phức tạp và nguy hiểm nhất” nhưng trong tôi vẫn băn khoăn với khẩu súng dắt trong bụng, phủ áo ra ngoài. Hình như có màu sắc “định mệnh” ở đây? Khẩu súng này bắn ai và đề phòng ai bắn?

Lúc 14 tuổi, được anh tôi trao cho khẩu súng lục nhỏ vừa tầm tay của Đức, cũng nhãn hiệu Mauser, chỉ để bắn một phát lên trời khi phát hiện có “thám báo” sục vào làng mà không kịp chạy về báo tin. Mặc dầu được trao nhiệm vụ “chỉ được bắn chỉ thiên” rồi quẳng ngay súng xuống ao, sẽ mò xuống lấy lại khi bọn thám báo đã rút đi nhưng trong đầu tôi vẫn trăn trở một mối hận tên V., viên thám báo độc ác nhất, đã treo ngược anh tôi lên mà đánh trước mặt mẹ và chị tôi.

Và cũng chính hắn đã tóm được tôi đang “ngồi chơi” ở quán nước đầu làng mà hắn biết rằng tôi đang làm nhiệm vụ cảnh giới, đã tát tôi một bạt tai nổ đom đóm mắt, gãy hai cái răng. Nếu lại gặp nó thì khẩu súng này sẽ không chĩa lên trời mà nhằm thẳng vào ngực kẻ thù. Tên V. vốn là “đồng chí” của anh tôi, từng về nhà tôi và chỉ cho tôi cách sử dụng khẩu Colt 12 mà nó vẫn nhét vào bụng. Nhưng khẩu súng quá to và nặng, tôi không cầm nổi. Thế rồi hắn “hủ hoá” sao đó, bị kỷ luật. Hắn nhảy về đầu hàng địch, trở thành nhân viên đắc lực của “Phòng Nhì” (Deuxième Bureau) của mật thám Pháp ở Huế vì hắn thông tỏ mọi hoạt động của ta. “Liên đoàn Công chức Kháng chiến Thuận Hoá” đã khốn đốn vì hắn. Còn hắn, thì sẽ còn nhiều cán bộ “nằm vùng” của ta bị bắt, phong trào sẽ dễ bị tan vỡ.

Khi tôi lên đường ra Việt Bắc, vì không được phép mang súng đi, tôi đành phải chôn khẩu súng đã bôi một lớp dày dầu mỡ, gói kỹ bằng giấy dầu chôn ở gốc nhãn trong vườn. Nhưng rồi một phần tư thế kỷ phiêu bạt, đầu năm 1976 mới quay trở về, thì vật đổi sao dời, không sao tìm thấy súng. Cây nhãn cũng bị bom đạn và mấy lần lũ lụt lớn đã bật gốc trôi đi. Thẫn thờ ngồi bên góc vườn, nghĩ đến khẩu súng nhỏ nhắn vừa tầm tay với bao ký ức buồn vui, phẫn nộ… Chuyện này tôi đã có dịp kể trong “Mênh mông thế sự” cách nay cũng đã khá lâu.

Gợi lại sự kiện này khi đã bước vào tuổi 86 với những suy ngẫm mông lung. Cũng là khẩu súng Mauser “định mệnh”, cách nay nửa thế kỷ, câu chuyện “bắn ai” và “ai bắn” thật rõ ràng, minh bạch, chẳng phải dằn vặt, phân vân: phải bắn vào kẻ thù nếu không để chúng bắn mình. Nhưng giờ đây khi tôi gõ cửa từng nhà dân, những người vừa được “giải phóng” khỏi ách của kẻ thù, những người vừa “đón mừng đoàn quân tiến về như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh tôi vẫn phải dắt một khẩu súng lục vào bụng, thì câu hỏi “bắn ai” và “ai bắn” lại rất mập mờ và rất khiên cưỡng – ít nhất là trong sâu kín dằn vặt tâm tư tôi – suốt cả một chặng đường dài cho đến tận hôm nay. Trong suốt thời gian Kiểm tra hộ khẩu, lập sổ hộ tịch”, tôi chưa hề nghe thấy một tiếng súng nổ, một hành động bạo lực chống đối nào. Khi trả lại khẩu súng cho “Đội Công tác đặc biệt” tôi thật sự thấy mình được tự do, được giải phóng. Vậy cớ sao “những người chiến thắng” trở về “giải phóng” quê hương lại phải hoảng sợ những người vừa được giải phóng, vừa được tự do? Chính những người ấy là động lực thúc đẩy những “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, song sâu thẳm đáy lòng họ vẫn khắc khoải: “Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội, Trở về, trở về…

Phải chăng nỗi ám ảnh của luận điểm Stalinist: “Chủ nghĩa xã hội càng tiến tới thì sự chống đối của kẻ thù càng gia tăng, cuộc đấu tranh giai cấp càng quyết liệt” đã khiến cho một số không nhỏ những người lãnh đạo hốt hoảng thổi phồng sự “chống đối” của “kẻ thù” mà không nghĩ rằng chính họ đang phá vỡ chỗ dựa của họ là lòng dân. Đúng là Marx đã tiên đoán rằng sau khi giành thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ gặp hai mối nguy, một là phản ứng chống trả của giai cấp bị lật đổ, hai là bộ máy quan liêu của chính mình. Thực tiễn cho thấy ở Miền Bắc đã từng có cả hai nguy cơ đó, song nếu dám nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật, thì nguy cơ thứ hai là nguy hiểm và có sức tàn phá đất nước tàn khốc hơn nhiều.

Đã tiên đoán khả năng sinh sôi và nảy nở của bộ máy quan liêu ăn bám, nhưng nhà lý luận Marx không thể nào ngờ được rằng, những người nắm quyền lực lại sử dụng cái gọi là “sở hữu toàn dân” hay “sở hữu tập thể” để thoả mãn sự tham lam vô độ của một giai tầng của giai cấp mới đã hình thành.

Trần Độ, người chiến sĩ kiên cường, từng là chính uỷ của Mặt trận Hà Nội của cái ngày đất trời bốc lửa. Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”, vào tù ra tội, lần lượt giữ những trọng trách trong Đảng, trong Quân đội, trong lĩnh vực Văn hoá Tư tưởng đã thẳng thắn chỉ ra “Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả… Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng… phải có những chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin. Như thế tự do làm ăn mới thực hiện được[2]. Với tư cách là Trưởng Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương của Đảng, ông đã phê phán công khai đường lối toàn trị phản dân chủ từng dìm chết sự tự do sáng của văn nghệ sĩ: “Văn hoá mà không có tự do là văn hoá chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hoá bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hoá và những nhà văn hoá đích thực”.[3]

Tác giả của cuốn sách Giai cấp mới – Milovan Djilas – đã chỉ ra rằng: “Giai cấp mới khai thác sức mạnh, đặc quyền tư tưởng và thói quen từ một hình thức sở hữu đặc thù. Đấy là sở hữu tập thể, nghĩa là cái sở hữu mà nó có quyền quản lý và phân phối nhân danh dân tộc, nhân danh xã hội. Tự bản năng, giai cấp này nhận thức được rằng toàn bộ tài sản quốc gia thực ra đã là của nó, còn những nhãn hiệu như “tài sản xã hội chủ nghĩa”, “tài sản Nhà nước”, “tài sản xã hội” chỉ là những khái niệm giả tạo về mặt pháp lý. Nó cũng nhận thức được rằng nếu tính toàn trị của nó bị phương hại thì tài sản của nó cũng bị đe doạ. Chính vì thế, nó chống lại mọi đòi hỏi về tự do nhân danh bảo vệ “chủ nghĩa xã hội”. Những lời phê phán phương pháp quản lý độc tài cũng làm nó hoảng loạn vì nó sợ mất chính quyền…”

Rõ ràng là, “Hạt nhân và cơ sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lợi của đảng và của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động, đầy sáng kiến, thì nay với những người cầm đầu giai cấp mới, đảng đã biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới và đẩy những người vẫn tin và dấn thân cho lý tưởng ra.

Vậy là, “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở. Giai cấp thì mạnh lên, trong khi đảng thì suy yếu đi. Đấy là số phận không thể cưỡng lại được của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền”.[4]

Để dễ dàng chứng minh, hãy đối chiếu những điều vừa dẫn với thực tiễn của hai thập kỷ gần đây, khi mà bên tai luôn ra rả những lời “răn dạy”: “phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị. Chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, những bức xúc, khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp và ứng phó nhanh với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống; tuyệt đối không được chủ quan để bị động, bất ngờthanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”…[5]

Những kẻ thù” bị thanh kiếm kia vung lên chém “đúng lúc, đúng đối tượng” sao mà nhiều thế, tầng tầng lớp lớp, cứ như những đợt sóng trào?

Oái oăm thay, nghe những lời hoạnh hoẹ doạ nạt kia, trong óc tôi cứ vấn vương hình ảnh “trùng trùng quân đi như sóng” của những ngày chúng tôi dạt dào niềm vui và khát vọng cuốn theo lớp sóng tự do “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần”! Cũng chính vì lẽ đó mà giữa năm 1950, tôi khoác ba lô vượt Trường Sơn leo qua U Bò, Ba Rền mất sáu tháng trời để đến được Việt Bắc, “thủ đô gió ngàn” nhằm được hít thở bầu không khí tự do. Vậy thì, giờ đây tự do đang ở đâu?

Đó là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp trong tôi và chắc cũng trong tuyệt đại bộ phận những người trí thức yêu nước muốn dấn thân vì nghĩa lớn.

Vì sao mà “chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt”, có sự lãnh đạo tài tình, để từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khiến cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay” như ông Nguyễn Phú Trọng ngạo nghễ tuyên bố, mà “địch” nhiều thế, tham nhũng, tiêu cực nhiều thế, kẻ thoái hoá, tự chuyển hoá, bọn “diễn biến hoà bình” nhiều thế?

Nhiều đến độ ông phải trao “thanh bảo kiếm rắn rỏi và sắc bén” và đòi phải dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng”. Không những thế, còn phải “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt” trong hành động “chém đúng đối tượng” như ông vừa hạ lệnh. “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng và dọc ngang thông suốt” như thế, mà sao càng “chém” (hoặc cho vào lò) thì tham nhũng và tiêu cực càng tăng.

Tăng đến dễ sợ, tăng hàng loạt như vừa rồi. Làm “tan hoang cả lực lượng Cảnh sát Biển” (đài BBC 2.10.2021). Cả một giàn chỉ huy từ trên xuống dưới của lực lượng cảnh sát biển gồm 11 tướng lĩnh từ Tư lệnh, Bí thư, Phó Bí thư và cả Ban Thường vụ Đảng uỷ cùng bị kỷ luật. Bí thư Quân uỷ Trung ương Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sao mà tài tình thế! Ông đã tạo ra một con “số lớn nhất bị kỷ luật từ trước đến nay trong lịch sử quân đội”! (Tuổi Trẻ 2.10.2021). Cảnh sát Biển là lực lượng cơ động, được trang bị khá hiện đại đang giữ một vai trò đặc biệt trong bối cảnh phức tạp hiện nay, khi mà kẻ thù đang xâm lược lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, chúng đang hung hăng diễu võ giương oai ngoài Biển Đông, tàu chiến của chúng đang áp sát các đảo chìm, đảo nổi của ta, uy hiếp ngư dân ta. Ngân sách của một nước nghèo, phải chắt chiu từng đồng tiền thuế của dân để có được một lực lượng cơ động và hiện đại như vậy là một cố gắng rất lớn của sự huy động sức dân. Để diễn ra một sai lầm thất thoát lớn trong lịch sử quân đội như vừa qua là một tội ác.

Ai là người phải chịu trách nhiệm về tội ác ấy?

Có một sự thật phũ phàng là, kế tiếp việc “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về thì những lưỡi lê lấp lánh sáng ngời từng chĩa vào kẻ thù cướp nước nay lại được chĩa vào một lớp trí thức, văn nghệ sĩ trong “Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm” đòi tự do tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật, cỡi bỏ những ràng buộc, gò ép cưỡng bức theo mệnh lệnh của người cầm quyền. Họ đang áp dụng mô hình chuyên chính vô sản và bạo lực của chuyên chính vô sản đã huỷ hoại sự nghiệp vẻ vang “đem vinh quang sức dân tộc trở về với chiến thắng Điện Biên Phủ 7.4.1954.

Gắn liền với phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm là những sai lầm nặng nề của Cải cách ruộng đất”, rồi cuộc sửa sai” làm đảo lộn đời sống kinh tế và đời sống tinh thần, băng hoại đạo lý xã hội ngàn đời của dân tộc.

Nói băng hoại đạo lý truyền thống là nói “phương pháp” tiến hành Cải cách ruộng đất được các cố vấn Tàu chỉ dẫn và áp đặt nhằm tạo nên thảm cảnh “con đấu cha, vợ đấu chồng, em đấu anh, hàng xóm láng giềng đấu nhau”. Đội cải cách phải bằng mọi cách đạt chỉ tiêu “địa chủ, cường hào, ác bá” trong phạm vi phụ trách theo quy định của cấp trên, cũng có nghĩa là phải đẩy tới cuộc đấu đá nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Bao trùm lên tất cả là sự nghi ngờ lẫn nhau, phá nát mối quan hệ tối lửa tắt đèn có nhau, một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ

Võ Tàu thật quá thâm độc! Lũ hậu duệ của các “thiên triều Trung Quốc” còn nham hiểm, xảo quyệt và tàn ác hơn cha ông chúng rất nhiều. Nếu xưa kia Minh Thành Tổ lệnh cho tên tướng viễn chinh xâm lược Đại Việt thực hiện chính sách tiêu diệt văn hoá của nước bị xâm lược: “phải đốt sạch sách vở tìm thấy được, từ ca lý dân gian cho đến sách dạy trẻ nhỏ một chữ chớ để còn, những tấm bia do Trung Quốc dựng thì để lại còn các tấm bia do An Nam dựng thì đập nát…” thì mưu kế của bọn “cố vấn Tàu” với chủ trương “Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức” trong những năm 50 và những gì chúng đang làm, còn thâm độc gấp vạn lần. Đau đớn hơn nữa, hệ luỵ của nó kéo dài cho đến hôm nay, thấm vào từng tế bào trong cơ thể đất nước.

Cùng với “Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức”, Hà Nội và một số đô thị ở Miền Bắc lúc ấy còn phải gánh chịu thêm đợt sóng “Cải tạo Tư sản” và “Công tư hợp doanh”. Phố phường Hà Nội xơ xác. Suốt dãy Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào… chỉ còn những tấm biển nhỏ liêu xiêu gượng gạo đặt trước một cái bàn nhỏ hay một chiếc máy khâu đã cũ với những dòng chữ kỳ quái và hài hước: “Bơm mực bút bi”, “Lộn cổ áo sơ mi”, “Nhận làm bánh quy mặn”…! Tệ hại hơn là “đợt sóng” này lại cuốn theo nó những con người! Một số học sinh, sinh viên “con nhà tư sản” hoặc “lý lịch có vấn đề” dù học giỏi không được sử dụng, bị ngược đãi hoặc đẩy đi những nơi khó khăn nhất tạo nên một bầu không khí “khủng bố tinh thần” đè nặng lên các tầng lớp nhân dân. Vẻ thanh bình và duyên dáng của Hà Nội bị phôi pha để thay vào đó là hừng hực khí thế lao động xã hội chủ nghĩa!

Cô nhân viên của cửa hàng mậu dịch bỗng nhiên được có giá, trở thành “mơ ước” của không ít gia đình mong con cái thành “cô mậu dịch quyền thế”, được ban phát và quát tháo khách hàng, và khi ra về thì cái làn xách tay đậy kín những món hàng béo bở. Còn những người là khách hàng thì tay nắm chặt những “tem phiếu” đang lo lắng, vừa xếp hàng vừa nghểnh cổ nhìn, chỉ sợ đến lượt mình thì hết cái để mua, hoặc chỉ còn đồ ôi thiu.

Nhà ở cách cửa hàng mậu dịch không xa, nên tôi được vợ trao nhiệm vụ là buổi sáng phải dậy thật sớm để ra xếp hàng. Tưởng mình là người đến sớm, nhưng vừa đến thì đã thấy một dãy gạch, guốc hỏng, giỏ rách… xếp ngay ngắn trước cửa. Hiểu ra ngay “sáng kiến vĩ đại” này, tôi vội tìm một tảng bê tông vỡ khá “xinh xắn” làm vật thế mạng cho mình đặt ngay ngắn và “nghiêm chỉnh xếp hàng”.

Vui một điều là bà con lối phố đều tôn trọng cái “Luật im lặng” ấy nên hiếm lắm mới có chút cãi cọ: “Chiếc guốc hỏng tôi đặt sau cái giỏ rách kia, bị ai đó đá ra ngoài, nên chỗ của tôi là phải đứng trước ông “giỏ rách” kia…”. Và cuộc dàn xếp cũng nhanh chóng ổn thoả, vì cũng là “người biết điều” quen biết nhau cả nên không xảy ra cuộc “chiến tranh xếp hàng” như một vài nơi.

Cũng nên có đôi lời về cái “đẳng cấp xếp hàng”. Cũng là xếp hàng, nhưng ở “cửa hàng Tôn Đản” có cách xếp hàng khác với “cửa hàng Vân Hồ” hay “cửa hàng Nhà Thờ” được đặt theo tên phố nơi cửa hàng toạ lạc. Theo xếp đặt của dân gian thì: “Tôn Đản là chợ vua quan”, “Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần”, “ Đồng Xuân là chợ thương nhân”, “Vỉa hè là chợ của Nhân dân anh hùng”. Khi cầm cuốn sổ “bìa C” đi Vân Hồ, vợ tôi vừa dắt xe đạp ra cổng vừa nói: “Chẳng thú vị gì khi ông từ nay chính hiệu là ‘trung gian nịnh thần’”!

(Tiện thể nói thêm một chuyện về “cô mậu dịch”. Vốn là học sinh vừa tốt nghiệp nhưng chưa xin được việc làm, cô tạm làm Phụ trách thiếu nhi ở Phường, con gái tôi cũng có thời gian được cô “phụ trách”. Rồi cô theo mẹ ra phụ bán hàng ở cửa hàng mậu dịch để được “cải thiện hơn”. Khi cô sinh em bé, vợ tôi có đem biếu chục trứng gà. Cô nhã nhặn cám ơn: “Em xin” và giúi nhanh vào ngăn kéo đựng tem phiếu. Chắc cũng do sự nhanh nhẹn và nhã nhặn ấy, cô lọt được vào mắt xanh của ai đó. Và cứ thế thăng tiến từ Phường, lên Quận, rồi Quận lên Thành Phố, và từ Thành phố vào Trung ương.)

Nhưng rồi, lịch sử rất sòng phẳng và minh bạch. Sự vận động của đời sống tuân theo một quy luật nội tại rất bền vững. Vòng xoay của số phận có khi đưa trả những thân phận bị xua đuổi hoặc ngược đãi để đặt họ về đúng quỹ đạo của nó! Tôi nghiệm ra rằng những học trò của tôi, những người không được vào đại học vì “thành phần, lý lịch”, những sinh viên ưu tú dù được tốt nghiệp, vẫn bị đẩy đi những vùng sâu, vùng xa… cuối cùng họ lại trở về đúng chỗ của họ, Hà Nội lại ríu rít những cuộc họp mặt của bạn bè tứ xứ trở về.

Các nhà “tư sản” từng bầm dập với làn sóng “cải tạo” và “công tư hợp doanh” lại được đón chào và tung hô với “ngày Doanh nhân 13.10”. Các tỉnh, thành lại đang trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư. Đương nhiên cũng không hiếm những nhà tư bản ký sinh, sân sau của những nhóm quyền lực hoặc dựa thế quyền lực để làm ăn bất chính. Loại này thì thiên hình vạn trạng.

Có lần tôi hỏi anh Văn Cao (hôm ấy có cả chị Băng và Trịnh Công Sơn nhân anh chị Văn Cao đến thăm Sơn vừa từ Sài Gòn ra đang ở một khách sạn trên đường Lê Duẩn gần ga Hàng Cỏ): “Khi tại Chợ Đại, anh dự cảm ngày quân ta trở về Hà Nội năm năm trước khi những dự cảm kia trở thành hiện thực và bị ông Trường Chinh phê là “lạc quan tếu” nên dù “Tiến về Hà Nội” đã được nhạc sĩ Tạ Phước dàn dựng để biểu diễn ra mắt tại Thái Bình, công chúng hào hứng đón nhận và bài hát được lan toả rộng rãi, vẫn bị chững lại và “lãng quên”. Nhưng rồi hiện thực lại diễn ra sít sao đến từng chi tiết dự cảm của anh, anh nghĩ thế nào?”.

Anh Văn cười hồn hậu, đặt ly rượu đang uống dở xuống bàn: “Thì cũng thế thôi, cũng cụt hứng tí chút, không vui nhưng cũng chẳng buồn. Thì cũng các ông ấy cả chứ có ai đâu. Ông Lê Quang Đạo lúc ấy là Bí thư Hà Nội thúc giục mình sáng tác, cảm khái và tâm huyết lắm. Còn ông Trường Chinh là Tổng Bí thư lại cho là “tiểu tư sản, lạc quan tếu”. Họ có quyền nói, mình có quyền nghe hay không nghe. Tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng của nó chứ”. Trịnh Công Sơn ngồi cười, không nói gì. Có lẽ anh đã thấm thía với trải nghiệm của chính mình về những gì Văn Cao vừa nói.

Đời sống văn hoá của dân tộc nói chung và những sáng tạo của văn nghệ sĩ nói riêng vì thế mà bị thui chột dần đi với chế độ toàn trị phản dân chủ. Nói như tác giả của Giai cấp mới: “Nếu tính toàn trị của nó bị phương hại, thì quyền lực của nó cũng bị đe doạ. Chính vì thế, nó chống lại mọi đòi hỏi về tự do”. Đó là nguyên nhân sâu xa vì sao không thể có những tác phẩm lớn đúng tầm vóc của một hiện thực sống động của sức sống và bản lĩnh dân tộc trong hơn nửa thế kỷ quật cường khi bước vào kỷ nguyên mới? Không có tự do thì làm sao có cảm hứng sáng tạo với những phút thăng hoa để cho ra đời những tác phẩm lớn.

Khi đã “Đem bục công an đặt giữa trái tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước” (thơ Lê Đạt) thì làm sao có xúc cảm, làm sao có những phút thăng hoa của sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật chỉ còn là bản sao nhạt nhoà những khẩu hiệu, những chỉ thị nghị quyết, chuồi theo những mệnh lệnh, những “khẩu vị”, những thích thú về món ăn tinh thần của cấp trên! Quả đúng như lời Trần Độ: “Văn hoá mà không có tự do là văn hoá chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hoá bấy nhiêu”.

Nhìn lại chặng đường dài hơn nửa thế kỷ từ ngày theo bước chân “quân đi như sóng” về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, để rồi hôm nay xốn xang nỗi nhớ Hà Nội trong mông lung những day dứt suy tưởng:

”Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương” (Chính Hữu)

Những người Hà Nội “trở về” trong vòng tay ấm áp của những người Hà Nội “ở lại” – những ông bà, những cha mẹ, những chị em từng sát cánh với các chiến sĩ “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” đã không tiếc máu xương, của cải, đồ đạc, bàn ghế, tủ chè, sập gụ, kể cả hoành phi câu đối… đều được đem ra làm “chướng ngại vật” cản xe tăng, xe bọc thép của địch. Đấy là lòng dân.

Liệu để giải đáp thật triệt để “câu hỏi lớn chưa có lời đáp” nêu ở trên khi nghe tiếng gọi của những người Hà Nội có cần phải có một cuộc “trường chinh mới”? Và chắc rằng trong hành trình mới này sẽ không phải “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm. Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

(SẼ CÒN TIẾP KỲ SAU)

Ngày 20.10.2021

T. L.

Tác giả gửi BVN.


[1] Ông Lê Quốc Thân, Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó.

[2] Nghĩ về hiện tượng Trần Độ. Tương Lai gửi BBC ngày 9 tháng 8 2013. Đã in trong Cảm nhận và Suy tư.

[3] Nt.

[4] Milovan Djilas, Giai cấp mới, Phạm Nguyên Trường dịch, nxb Giấy Vụn, 2010, tr. 6.

[5] Nguyễn Phú Trọng. Diễn văn tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15 tháng 9 năm 2021.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn