HRW nói về phiên xử Phạm Đoan Trang và nhân quyền Việt Nam

BBC Tiếng Việt

Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam, Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương, dự kiến sẽ hầu tòa trong hai phiên xử riêng biệt từ 14-15/12.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử hai nhà hoạt động đã bị hoãn một lần hồi đầu tháng 11, thời điểm ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, sang Vương quốc Anh tham dự hội nghị khí hậu toàn cầu.

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị cáo buộc cùng tội danh 'tuyên truyền chống Nhà nước'. Ông Trịnh Bá Phương bị cáo buộc tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước phiên tòa xét xử hai nhà hoạt động:

BBC: Từ khi bị bắt cho tới nay, Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương chỉ mới được gặp luật sư một lần và chưa được gặp gia đình lần nào. Ông nhận định như thế nào về việc này?

Phil Robertson: Việt Nam về cơ bản đã thất bại trong việc đảm bảo công bằng tại các phiên tòa công bằng - và điều này thì ai cũng biết. Những hạn chế mà họ áp đặt khiến luật sư bào chữa gần như không thể gặp thân chủ chỉ là một phần trong số đó.

Cơ quan tư pháp của Việt Nam bị Đảng Cộng sản kiểm soát triệt để nên khó có thể gọi nó là hệ thống tư pháp hay luật pháp vì các phán quyết đã được Đảng quyết định trước.

Ít nhất, người ta hy vọng rằng các nguyên tắc nhân đạo cơ bản như tạo điều kiện cho bị cáo gặp gia đình của họ sẽ được đảm bảo. Nhưng rõ ràng Đảng Cộng sản Việt Nam đang hướng tới một lập trường khắc nghiệt hơn nhiều đối với những người bất đồng chính kiến.

Các bản án tù nặng nề hơn sẽ được tuyên chóng vánh trong các phiên tòa kéo dài một ngày chỉ mang tính 'trình diễn'.

Nhiều người bị tạm giam trước khi xét xử tới hơn một năm. Trong thời gian đó, các quyền cơ bản của họ đều bị vi phạm, như một phần của cái gọi là 'giai đoạn điều tra'.

BBC: Sau khi các tổ chức và cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, một số nhà hoạt động đã được trả tự do và hiện đang sống lưu vong. Ông có cho rrằng Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương có thể có kết cục giống như vậy không?

Phil Robertson: Việt Nam đã sử dụng giải pháp 'trả tự do để lưu vong' này một cách vị kỷ, khiến những người bất đồng chính kiến nổi tiếng buộc phải rời khỏi đất nước mình, một phần bằng cách làm cho điều kiện sống trong tù không thể chịu đựng được.

Việt Nam hầu như không cho những người này quyền lựa chọn nào khác, khi mà họ thường đối mặt với các bản án tù dài hơn một thập kỷ trong các nhà tù khắc nghiệt, nơi quyền cơ bản bị vi phạm, mất vệ sinh và thiếu thốn chăm sóc y tế khiến họ có thể đối mặt với cái chết.

Các tù nhân chính trị cũng bị lính canh và các tù nhân 'được ủy thác' nhắm tới và đe dọa - đây cũng là một vấn đề nổi cộm đáng lo ngại.

Các chính phủ nước ngoài có thiện chí có thể nghĩ rằng họ đang làm đúng khi tham gia vào các thỏa thuận 'trả tự do để sống lưu vong' như vậy, nhưng đó thực sự là một tình huống mà Hà Nội vẽ ra để họ không phải đưa ra giải pháp tôn trọng quyền thực sự.

BBC:Ông có thể so sánh tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam với những năm trước đây?

Phil Robertson: Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang trở nên tồi tệ hơn mỗi năm, với nhiều nhà bất đồng chính kiến bị bắt và bị kết án tù nặng nề hơn. Cảnh sát và côn đồ cũng gia tăng sách nhiễu và đe dọa đối với các nhà hoạt động.

Rõ ràng, Việt Nam đã lợi dụng việc cộng đồng quốc tế thiếu chý ý trong thời gian Covid-19 để đàn áp các nhà hoạt động trên khắp cả nước, và đáng buồn là cộng đồng quốc tế hầu như không lên tiếng về điều này.

Người ta hy vọng rằng sẽ có nhiều tiếng nói bênh vực Phạm Đoan Trang tại phiên tòa xét xử cô, nhưng cho đến nay, một năm qua, chứng kiến sự đàn áp gia tăng ở Việt Nam, phần lớn chỉ im lặng.

Điều này không thể tiếp tục và các chính phủ trên thế giới cần kêu gọi Việt Nam lên tiếng vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

BBC:Trong khi các phán quyết hoặc quyết định của Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác không có giá trị ràng buộc vể mặt pháp lý, theo ông chúng ta có thể làm gì để chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền và tôn trọng tiếng nói đối lập?

Phil Robertson: Chính phủ Việt Nam có thể lúng túng trước những tuyên bố mạnh mẽ của các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ, và những nỗ lực mạnh mẽ hơn để gắn các vấn đề như lợi ích thương mại với việc thực thi nhân quyền.

Hà Nội cũng nhạy cảm với những chỉ trích mạnh mẽ từ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các báo cáo viên đặc biệt của tổ chức này. Nhưng Liên Hiệp Quốc đã quá ít chú ý đến bản chất ngày càng đàn áp và độc tài của chính phủ Việt Nam.

Vấn đề cơ bản là trong khi Việt Nam tiếp tục trượt dài thì 'thành tích' đáng nể về vi phạm nhân quyền của Việt Nam không nhận được sự chú ý cần có. Và nếu điều đó tiếp tục kéo dài, thì tình trạng vi phạm quyền nghiêm trọng sẽ xảy ra.

BBC:Ông muốn gửi thông điệp gì tới chính phủ Việt Nam trước phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương?

Phil Robertson: Việt Nam quyết định hoãn phiên tòa đột ngột có thể là kết quả của việc giới ngoại giao tại Hà Nội gia tăng áp lực đối với vụ án này. Cũng đã có một tuyên bố chung từ 28 tổ chức phi chính phủ, trong đó có chúng tôi - Human Rights Watch, về vụ việc của Phạm Đoan Trang.

Điều này cho thấy áp lực có thể tác động đến chính phủ Việt Nam, nhưng nỗ lực đó phải được duy trì.

Cả Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương đều không làm gì sai, và họ nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Những nhà hoạt động xã hội dân sự như thế này cần được khen ngợi vì sự trung thực, dũng cảm và cam kết hành động cho một nhà nước tốt đẹp hơn, chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền. Họ không nên bị trừng phạt như tội phạm.

Mỗi khi những nhà hoạt động như vậy bị bắt vào tù, người dân và đất nước Việt Nam lại yếu thế hơn.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn