Mỹ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh: Thêm bước lùi trong quan hệ với Trung Quốc

Kiều Anh

Ảnh minh họa: Reuters

Việc Mỹ không cử quan chức chính phủ tới Olympic Bắc Kinh 2022 là một bước lùi trong quan hệ Mỹ - Trung giữa vòng xoáy căng thẳng hiện nay, đồng thời mở ra khả năng tẩy chay ngoại giao tập thể khi các quốc gia khác cũng cân nhắc hành động như Washington.

Sử dụng mọi mặt trận để phản ứng với Trung Quốc

Mỹ thông báo ngày 6/12 rằng nước này sẽ không cử các quan chức chính phủ tới Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 nhằm phản đối các hành động liên quan đến nhân quyền của Trung Quốc.

Việc tẩy chay ngoại giao dù không ngăn cản các vận động viên Mỹ tham gia thi đấu nhưng đã đánh dấu một bước leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước lao dốc trên một loạt lĩnh vực từ vấn đề nhân quyền, những bất đồng liên quan đến Đài Loan và các biện pháp thuế quan.

Hồi tháng 4/2021, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ có "phản ứng mạnh mẽ" nếu Mỹ tiến hành tẩy chay toàn bộ Thế Vận hội, sự kiện dự kiến bắt đầu vào tháng 2/2022.

Ngày 6/12, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao hoặc quan chức chính phủ nào tới dự Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 và Paralympic" nhằm phản ứng trước các hành động của Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Tân Cương.

"Các vận động viên trong đội tuyển Mỹ vẫn có đầy đủ sự ủng hộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ở phía sau cổ vũ cho họ 100% từ quê nhà. Chúng tôi tin rằng các vận động viên Mỹ, những người đang tập luyện, hy sinh máu, mồ hôi và nước mắt chuẩn bị cho những kỳ Thế Vận hội này, nên được thi đấu".

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang hồi đầu năm nay khi Mỹ đưa những cáo buộc với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Trước khi thông báo tẩy chay ngoại giao được phía Mỹ thông báo, Trung Quốc đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden đang chính trị hóa một sự kiện thể thao.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của Axios/Momentive hoàn thành vào tháng 8/2021, gần một nửa người dân Mỹ được hỏi bày tỏ phản đối việc Trung Quốc tổ chức Thế Vận hội.

Nhà quan sát Victor Cha thuộc Đại học Georgetown, người từng là cựu giám đốc các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định: "Động thái này được thực hiện nhằm gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc nhằm phản ứng trước các động thái liên quan đến nhân quyền của nước này ở Hong Kong và Tân Cương".

"Đây là một động thái tẩy chay chính trị, tức là điều đó sẽ không ảnh hưởng đến các vận động viên, khác với những gì xảy ra năm 1980 khi chính quyền Tổng thống Carter tẩy chay Olympic Moscow".

Mở đường cho nỗ lực tẩy chay ngoại giao tập thể Olympic Bắc Kinh 2022?

Các nghị sĩ Mỹ, vốn từ lâu đã kêu gọi Tổng thống Biden lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến nhân quyền, bày tỏ sự hoan nghênh động thái trên. Thượng nghị sĩ Bob Menendez kêu gọi "các đồng minh và đối tác khác của Mỹ chia sẻ chung những giá trị với chúng tôi hãy tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực tẩy chay ngoại giao này".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang tham vấn các đồng minh và đối tác về "hướng tiếp cận chung" với Thế vận hội Bắc Kinh liên quan đến những mối lo ngại của họ.

Dù vậy, ông Bob Menendez, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của EU cho biết hôm 3/12 rằng, sau cuộc gặp với các quan chức Mỹ ở Washington, việc gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương là điều quan trọng, song bất kỳ động thái tẩy chay nào là quyết định tùy thuộc vào từng quốc gia chứ không phải chính sách ngoại giao chung của EU.

Michael McCann, giám đốc Viện nghiên cứu Luật Thể thao và Giải trí tại Đại học New Hampshire nhận định, quyết định của Mỹ có ý nghĩa nhất định bởi từ trước đó, Mỹ đã sử dụng Olympic để thể hiện những quan điểm chính trị. Tuy nhiên, ông McCann cho rằng, hiện chưa rõ việc tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh có tạo nên khác biệt lớn hay không nếu các vận động viên Mỹ vẫn được tham gia thi đấu.

"Việc này không giống như khi các vận động viên phải ở nhà. Trên thực tế, Nhà Trắng muốn đảm bảo các vận động đã dành nhiều thời gian tập luyện vẫn có cơ hội để thi đấu. Đây có thể coi như một nỗ lực nhượng bộ", nhà phân tích này bình luận.

Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết cơ quan này tôn trọng quyết định của chính phủ Mỹ ngày 6/12.

"Sự hiện diện của các quan chức chính phủ và ngoại giao là quyết định mang tính chính trị của mỗi chính phủ và IOC, với lập trường trung lập về chính trị, hoàn toàn tôn trọng việc này", người phát ngôn của IOC cho hay.

Ngày 7/12, New Zealand cũng thông báo sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng tham dự sự kiện do lo ngại về tình hình dịch Covid-19. Dù vậy, Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson khẳng định, động thái trên không phải do quyết định của Mỹ.

Bộ trưởng Việc làm Australia Stuart Robert cũng cho biết, động thái tẩy chay ngoại giao cũng đang được chính phủ này cân nhắc. Bộ trưởng Thể thao Canada Pascale St-Onge bình luận sau thông báo của Mỹ rằng, chính phủ nước này đang trao đổi với các quốc gia khác về vấn đề trên, song chưa có quyết định nào được đưa ra.

Nhật Bản cũng sẽ đưa ra quyết định liệu có cử các quan chức tới Thế vận hội Bắc Kinh 2022 hay không dựa trên các lợi ích quốc gia, Thủ tướng Kishida Fumio cho hay.

K.A.

Nguồn: Soha

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn