Trao đổi ý kiến “Tiên học lễ hậu học văn” - Chữ Lễ của đạo Nho: HỌC hay BỎ?

Hương Thủy

Nhìn lại sự thăng trầm của “Tiên học Lễ, hậu học Văn”

- Đạo Nho và câu “Tiên học Lễ”... Khi hình thành đầy đủ, đạo Nho gồm 9 tác phẩm: Bốn sách, năm kinh (trong 5 kinh có kinh Lễ). Cái câu 6 chữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” dễ hiểu, dễ nhớ, đọc lên êm tai - vì viết dưới dạng câu đối - chắc chắn có mặt rất sớm trong đạo Nho, để nhắc nhở lớp-lớp nho sinh thấy sự quan trọng của kinh Lễ - so với những kinh và sách còn lại, được gọi gộp là Văn. Khi đạo Nho được du nhập vào nước ta để chiếm vị trí độc tôn trong giáo dục, câu này cũng có vị trí trang trọng tương ứng.

TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN

Sau hàng ngàn năm. khi đạo Nho hết vai trò lịch sử (năm 1905 ở Trung Quốc và năm 1919 ở Việt Nam) cái câu 6 chữ này cũng đi theo đạo Nho để thành di sản. Nghĩa là, nó phải được đối xử như mọi di sản. Nó phải tồn tại ở dạng giữ nguyên lời văn và nội dung vốn có. Xin nói thêm: Đó là Luật.

Chưa chịu lặn hẳn vào quá khứ. Ở nước ta, bản án dành cho đạo Nho được công bố năm 1943, là thời điểm cụ Trường Chinh viết ra Đề cương Văn hóa theo đường lối cách mạng vô sản. Tuy nhiên, dường như bản án vẫn chưa thể thi hành, vì đạo Nho đã thấm quá sâu vào tâm thức Việt. Bằng chứng là sang thế kỷ 21 mà nhiều người còn tiếc rẻ nó. Còn cái khẩu hiệu sáu chữ gắn với đạo Nho cũng ba chìm bảy nổi: Có lúc nó biến đi mất tăm, ví dụ sau cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc; có lúc nó sống lại, nhảy lên chỗ cao sang nhất trong các trường phổ thông. Rồi nó chỉ còn xuất hiện lác đác vì bị thay thế bằng những khảu hiệu thời thượng khác.

Và rất gần đây (cuối tháng 11 năm 2021 vừa qua), đã có cuộc cãi vã: Bỏ dạy Lễ hay vẫn giữ lại nó. Gọi thế, vì nó hỗn độn, mạnh ai nấy mói, không ra một cuộc thảo luận, không thấy diễn đàn.

Té ra, ý kiến đòi giữ lại “dạy Lễ” vẫn thắng áp đảo nhờ dư luận.

Người đề xuất bỏ dạy Lễ là GS. Trần Ngọc Thêm. Nếu chịu khó đọc lại lập luận của ông (ví dụ, ở đoạn trích này) sẽ thấy ông có thái độ rất đúng đối với di sản. Do vậy, ông nhận định sẽ gây tác hại nếu vẫn “học Lễ” - nếu tôn trọng nội hàm gốc của khải niệm này. Do vậy, muốn thắng ông, người ta chỉ cần thay đổi nội hàm của Lễ. Sẽ nói tiếp ở dưới.

Thực trạng hiện nay. Cái khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” dẫu có treo lên hay hạ xuống, vẫn chẳng ảnh hưởng gì đáng kể tới chất lượng và mục tiêu của giáo dục ở nước ta. Đó là điều đang diễn ra trên thực tế. Có thời, khẩu hiệu này xuất hiện nhan nhản, có thời chỉ còn lác đác, nhưng những lời than phiền về chất lượng và mục tiêu giáo dục vẫn kéo dài, tính bằng những thập niên, vẫn không chấm dứt.

Nguyên nhân? Hoặc là do khẩu hiệu cứ treo cao, nhưng chẳng ai biến nó thành hiện thực. Nếu vậy, lỗi không do nó mà do người sử dụng nó lúng túng (hoặc bế tắc) khi thực hiện khẩu hiệu (học Lễ là học gì?). Hoặc là, chính bản thân khẩu hiệu này chẳng còn ý nghĩa, chẳng phù hợp, chẳng ai có thể lấy lại được vai trò của nó như cái thuở ban đầu, khi nó mới ra đời. Muốn biết do nguyên nhân gì, phải có một cuộc thảo luận khoa học, nhưng chưa hề có. Nếu vậy, nó sẽ còn phải “chết đi, sống lại” nhiều lần nữa.

Xin mời bạn đọc quan sát hình dưới. Cái khẩu hiệu to quá cỡ so với diện tích lớp học và so với tầm mắt các cháu (các cháu đọc gần, rất hại mắt). Còn nội dung khẩu hiệu? Nó chứa tới 2 chữ “học” chính là để buộc các cháu phải tự thấy bản thân phải làm gì. Khốn nỗi, tuổi này, các cháu hiểu sao nổi “học Lễ” là làm gì và kiếm đâu ra thầy dạy Lễ để mà học… Tất cả, chỉ nói lên sự tuyên truyền và sự áp đặt thứ vô tích sự lên đầu lũ trẻ.

Với tình trạng này, việc “thảo luận” học Lễ hay bỏ học Lễ (như vừa qua) là vô ích, vô bổ. Bởi chính người lớn còn cãi nhau bất tận “lễ là gì”.

Thái độ nghiêm túc và lương thiện đối với di sản

- Hậu thế không được phép sửa câu chữ và ý của HỊCH TƯỚNG SĨ do đức Hưng Đạo Vương viết ra. Đây là di sản Lịch Sử và Văn Hóa. Nếu dịch văn bản này sang quốc ngữ cũng phải bám sát lời văn và ý tưởng của tiền bối.

Mọi di sản khác, như Bình Ngô đại cáo, Ngư-Tiều vấn đáp, Tuyên Ngôn Độc Lập… Rồi, những sách và kinh của đạo Nho mà tổ tiên ta đã chọn lựa và sử dụng, kèm theo đó là “tiên học Lễ”… khi đã hết sứ mệnh lịch sử cũng phải được đối xử như vậy.

Nếu tuân thủ như trên, sẽ không cần cãi cọ “Lễ là gì” (như vừa qua). Đơn giản, Lễ là những gì ghi trong kinh Lễ mà nho sinh thuở xưa phải học, phải thi… để biết cách ứng xử với mọi hạng người trong xã hội tùy theo vị thế của mỗi bên.


- Thời xưa, tổ tiên ta “học Lễ” chính là học nội dung kinh Lễ, vì đây là tài liệu độc nhất để học - nay đã thành di sản.

- Thời nay: Cấm bất cứ ai sửa hoặc gán nghĩa mới cho chữ Lễ trong di sản

- Thời nay, kinh Lễ đã được dịch ra tiếng Việt, dành cho nghiên cứu. Nếu bộ Giáo Dục muốn học sinh “học Lễ” chỉ cần coi nó là sách giáo khoa, rồi đào tạo thầy, xếp thời khóa biểu và cho thi hết môn. Di sản hồi sinh, có cuộc sống mới.

Không quên cảm ơn. May mắn, kinh Lễ đã từ rất lâu được biên dịch sang tiếng Việt. Người dịch có quyền chọn dịch phần nào, chương nào phù hợp, nhưng phải bám sát văn và ý. Người dịch cũng có quyền chú giải để làm rõ những chỗ cần thiết, nhưng không được phép đưa lới chú giải của mình vào nội dung của văn bản. Vậy, xin được tỏ lòng khâm phục và biết ơn cụ Nguyễn Tôn Nhân (1948-2011) khi biên dịch và chú giải kinh Lễ sang tiếng Việt, cụ đã làm đúng như vậy.

Duy trì dạy Lễ bằng thay nội hàm và định nghĩa của từ ngữ

Việc này liên quan tới thái độ (nghiêm túc và lương thiện) với di sản. Do vậy, xin bàn dưới dạng những chuyện vui cho bớt căng thẳng.

- Chuyện vui. Trong một cuộc thăm dò ý kiến về có nên giữ thói quen ăn thịt chó (mà nhiều nước đã bỏ). Hai bên đối lập tha hồ nêu lý do dể tự bảo vệ quan điểm riêng. Nhưng có một nhóm rất… sáng tạo – bằng cách đưa ra định nghĩa mới. Vi dụ: Con vật sủa gâu gâu là con gà; hoặc con vật kêu ẳng ẳng là con bò. Họ cứ ăn thịt chó, nhưng bắt mọi người phải hiểu rằng họ đang ăn thịt gà, thịt bò. Liệu mọi người có vui nổi?

- Chuyện vui khác. Có người mượn cái mẫu của câu “tiên học Lễ, hậu học Văn”, để viết ra một câu khác, có cấu trúc na ná. Ví dụ: Nàng tiên học lễ phép, hoa hậu học văn chương. Đáng khen cho sự thông minh và hài hước. Chữ Lễ trong câu này không phải Lễ trong “tiên học Lễ”… Nó cũng không đụng chạm gì tới nội hàm của chữ Lễ trong đạo Nho. Vậy: OK!

- Chuyện vui mới. Có người sáng kiến: Thay định nghĩa chữ Lễ (ví dụ: Lễ chính là Đạo đức). Nếu vậy, tất nhiên phải duy trì dạy Lễ rồi. Chỉ có điều… từ nay, Lễ chỉ là cái vỏ (cái nhãn hiệu), còn cái lõi của nó chính là đạo đức. Nhưng… liệu có ai dám “vui” với sự đánh tráo? Dạy Đạo đức cứ nói thẳng ra là “dạy đạo đức”, cần gì núp bóng một danh ngôn? Thành thật, tôi không dám nói chuyện “đầu dê, thịt chó” ở đây, vì mất vui.

- Chuyện vui mới hơn. Có vị tỏ ra hết sức âu lo cho 100 triệu đồng bào trong xã hội ta vì đạo đức sẽ xuống cấp - nếu bỏ dạy Lễ. Cái bài Đạo đức xã hội sẽ ra sao khi bỏ "Tiên học lễ…" được đăng ở rất nhiều nơi, nói lên mối lo to lớn cỡ nào và dai dẳng xiết bao. Khốn nỗi, đây vẫn chỉ là chuyện coi Lễ là đạo đức (như chuyện trên).

Dẫu vậy, vẫn xin nêu cách giải quyết khiến tác giả đẹp lòng. Chỉ cần ngân sách có đủ tiền để mời tác giả đi thăm vài chục nước Âu Mỹ để thấy nền giáo dục ở đó rất tiên tiến, trẻ em xử sự rất văn hóa mà chẳng bao giờ phải “dạy Lễ”. Té ra, họ dạy cái khác, nhưng chúng ta không thèm biết. Nếu chuyện này thành hiện thực, sẽ lập tức có ngàn vạn người khác cũng đòi đi kỳ được - vì họ đều tự nhận nỗi lo của họ còn lớn gấp bội mức lo của tác giả. Chúng ta chưa có máy đo nỗi lo.

- Còn nhiều chuyện vui khác, chỉ cần hỏi google bằng từ khóa “học lễ” và 2021, ta sẽ có hàng trăm bài và ý kiến, đọc rất vui cho tới khi chán ngấy thì thôi. Ví dụ, một vị mới tý tuổi đầu, nhưng kết luận đanh thép rằng: Dạy Lễ vẫn giá trị trong mọi thời đại (!). Theo vị này, “thời đại” dài mấy năm?

Suốt ngàn năm, Lễ và Văn được tổ tiên hiểu đúng, làm đúng

- Ở trên đã nói, nội dung đạo Nho thể hiện trong 9 tác phẩm cổ điển, gồm bốn Sách, năm Kinh (trong đó có kinh Lễ). “Tứ thư, ngũ kinh” là thành ngữ Hán-Việt rất thông dụng trước đây, mỗi khi nói, viết.

Để có thể vượt qua các kỳ thi nghiêm khắc, mọi nho sinh tất nhiên phải thuộc làu làu và phải hiểu thấu đáo mọi nội dung trong các kinh, sách. Nhưng điều quan trọng nhất, là phải vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã học và thể hiện thật tốt điều này trong bài thi.

Như vậy, trong mọi cuộc thi nho học… thí sinh đều phải làm Văn, trong đó lời văn phải thích hợp với đầu bài. Ngôn từ trong bài văn về Lời mẹ dặn con gái khi về nhà chồng (của Lê Quý Đôn?) rất được đời sau khen ngợi. Tất nhiên, nó phải khác với ngôn từ ngoại giao, nếu đề thi là hãy soạn thảo một văn bản thuyết phục tướng giặc đầu hàng. Nếu thi đỗ và đỗ cao, sẽ được làm quan, dân ta gọi rất đúng: Đó là quan… văn. Ví dụ, quan án sát (đứng dầu tư pháp của một tỉnh), hay quan dinh điền sứ phụ trách khai hoang (cụ Nguyễn Công Trứ) đều là quan văn. Tóm lại, tổ tiên ta đã nghĩ, nói và làm… đều trung thành với nội hàm của khái niệm.

Ngày nay, thiếu gì từ ngữ mà phải xuyên tạc nội hàm xa xưa của chữ Văn trong câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”? Có vị cứ sưng sưng coi “Văn” là chuyên môn, nghĩa là “Văn” gồm cả Toán, Hóa, Sinh… và các nghề nghiệp của thời nay.

Còn thay nội hàm của Lễ lại càng không thể chấp nhận. Dưới đây sẽ đưa ví dụ cụ thể dể thấy sự nực cười.

Mục tiêu cao nhất của học “Lễ”

Học Lễ, chính là học tất cả những gì mà các bậc thánh hiền của đạo Nho đã đúc kết trong kinh Lễ, truyền tới hôm nay. Kinh Lễ trong Nho giáo là cuốn sách dày ghi chép mọi phép tắc về giao tiếp, nhằm để nho sinh (và độc giả nói chung) biết cách ứng xử phù hợp với mọi hoàn cảnh, với mọi hạng người trong cộng đồng mà mình có dịp gặp gỡ, sao cho phù hợp với vị thể xã hội của mình và của đối tượng.

Quan hệ giữa người trần với thần linh, vua-tôi với nhau; thầy – trò; cha – con; anh – em, chồng – vợ, hay bạn bè với nhau… đều nhất nhất phải tuân theo những quy định của Lễ.

Mục tiêu cao nhất của Lễ là mọi người phải ứng xử, sao cho “trên ra trên, dưới ra dưới”, để xã hội khỏi loạn – nghe thì hợp lý, nhưng xin nhớ kỹ: Kinh Lễ đòi hỏi người dưới phải tuyệt đối phục tùng bề trên. Cấm ngặt chuyện “bất đồng ý kiến” với bậc trên. Cấm tiệt chuyện cãi lại bậc trên. Khải niệm “phản biện” không tồn tại trong Lễ. Ngay giữa hai anh em ruột, dẫu cách nhau một tuổi, cũng phải có trên, có dưới. Bởi vì, nếu người cha từ trần thì người em phải nhất nhất tuân theo người anh (chứ không phải tuân lời mẹ). Có câu: “quyền huynh thế phụ” (quyền anh thay cha).

Không thiếu những vụ án “nạn nhân chưa hề cãi lại, vẫn chết”. Một vị quan nhất phẩm trong triều nếu can vua (hoàn toàn vì quyền lợi của vua) mà thiếu khéo léo vẫn có thể bị giết. Cụ Nguyễn Văn Thành, công thần khai quốc thời vua Gia Long vẫn bị vị vua đời sau bức tử vì con trai cụ bị nghi “chống đối” (!).

Tóm lại, học Lễ để tạo ra thứ trật tự mà chế độ quân chủ rất cần, để đức vua mãi mãi thay trời trị dân. Chính nhờ Lễ mà chế độ quân chủ kéo dài lê thê ở châu Á, chỉ chấm dứt khi có sự xâm lược từ phương Tây. Cũng chính nhờ chế độ này tồn tại quá dài mà các quốc gia châu Á mất độc lập khi bị phương Tây xâm lược.

Nhắc lại lần nữa vẫn không thừa, vì đó là lý do bài này được viết ra: Học Lễ, chính là học (và hành) tất cả những điều đã ghi trong kinh Lễ.

Đứa trẻ 6 tuổi vừa mới cắp sách tới lớp, tuy chưa nhập tâm được chữ nào của thánh hiền, đã phải biết cách ứng xử với thầy và bạn. Học Lễ trước học Văn là do vậy. Tuy nhiên, “tiên học Lễ, hậu học văn” không có nghĩa là học Lễ xong suôi rồi mới học tới Văn.

Một trang trong Kinh Lễ (bản chữ Hán trước năm 907). Nho sinh học mệt nghỉ.

Một ví dụ cụ thể: Lễ đã quy định thế nào khi cha mẹ từ trần

- Đây là những quy định giúp con cái thể hiện đạo hiếu trước sự quan sát của đám người dự lế tang.

Do vậy, cần nói qua về chữ Hiếu. Cứ tưởng, nếu con cái phụng dưỡng chu đáo các bậc sinh thành, là đủ để được gọi là Hiếu. Nhưng… chưa đâu.

Các bậc thánh hiền của đạo Khổng lý luận rằng: Thân thể ta là tinh huyết của cha mẹ tạo nên. Ta phải có nghĩa vụ truyền nó cho thế hệ sau, để dòng giống nhà ta mãi mãi tồn tại trên cõi đời này. Do vậy, chăm sóc cha mẹ mới chỉ là bề nổi của Hiếu. Còn chuyện không sinh được con (phải là con trai) để tiếp nối mới thật là “đại bất hiếu”. Quan niệm này khiến bà vợ có bổn phận cưới vợ lẽ cho chồng, nếu bản thân bà không sinh được con trai..

- Việc chăm sóc cha mẹ già được thực hiện ở nhà, trong buồng, nên người ngoài khó thấy, Dịp cha (hay mẹ) mất, mới là cơ hội để thiên hạ thấy được chữ Hiếu trong tâm can con cái. Trong đám tang phụ mẫu, những người con phải “diễn” y như kinh Lễ quy định, để khán giả thừa nhận mình quả là có hiếu. Trai, gái, dâu, rể phải diễn đúng vai của mình, không lẫn lộn. Con trai đau buồn tới mức đứng không vững, phải có cái gậy. Cái gậy cũng không được phép “đẹp” vì nó phải thể hiện sự vội vã tạo ra nó. Con gái phải vật vã, lăn lộn, khóc nấc từng hồi sao cho váng tai thiên hạ…

Dưới đây chỉ xin đưa một đoạn ngắn trong Kinh Lễ được dịch ra tiếng Việt, để quý vị nào chủ trương học Lễ có thể tự áp dụng khi gặp dịp hoặc để dặn dò các con khi chính mình lâm sự.

KINH LỄ

Tác giả: Khổng Tử

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI NĂM

VẤN TANG
http://phapmontinhdo.vn/kinh-le-chuong-thu-ba-muoi-nam-van-tang-613574--2

PHIÊN ÂM CHỮ HÁN

1. Thân thủy tử, kê tư đồ dực, cực thượng nhẫm, giao thủ khốc. Trắc đát nhi tâm, thống tật chi ý, thương kiên, càn can, tiêu phế, thủy tương bất nhập khẩu.

Tam nhập bất cửu hỏa, cố lân lý vi chi mi chúc dĩ ẩm thực chi. Phù bi ai tại trung, cố hình biến ư ngoại dã. Thống tật tại tâm, cố khẩu bất cam vị, thân bất an mỹ dã.

Tam nhật nhi liễm, tại sàng viết thi, tại quan viết cữu. Động thi cử cữu, khốc dũng vô số. Trắc đát nhi tâm, thống tật chi ý, bi ai chí muộn chí thịnh, cố đản nhi dũng chi, sở dĩ động thể an tâm hạ khí dã. Phụ nhân bất nghi đản, cố phát hung, kích tâm, tước dũng, ân ân điền điền, như hoại tường nhiên, bi ai thống tận,chi chí dã!

Cố viết: Tị dũng khốc khấp, ai dĩ tống chi, tống hình nhi vạng, nghênh tinh nhi phản dã.

DỊCH NGHĨA

1. Khi người thân mới chết, người con hiếu phải bỏ mũ gỡ trâm, chân đi đất, vạt áo vén lên, hai ay đan chéo khóc lóc thảm thiết.

Lòng phải đau đớn, ý phải khổ sở như bị tổn thương trong gan dạ, không uống nước. Ba ngày không đốt lửa nấu ăn chỉ ăn chút cháo do hàng xóm đem qua.

Ôi! Trong lòng bi ai nên hiện ra ở ngoài. Đau khổ trong lòng nên miệng không biết ngon ngọt, thân thể không yên ổn vậy.

Ngày thứ ba nhập liệm, lúc xác còn nằm trên giường gọi là Thi lúc cho vào áo quan rồi gọi là Cữu. Lúc động tới Thi hoặc tới Cữu phải khóc lóc thật nhiều. Tấm lòng thương sót, ý đau khổ dãy dụa khóc lóc, cho nên có vùng vẫy khóc mới giảm bớt đau đớn trong lòng vậy.

Đàn bà không thể cởi bỏ áo trong lúc khóc lóc dãy dụa, nên chi để lộ áo ngoài, đấm vào ngực dãy dụa thiết tha đau đớn, như bức tường đổ, như vậy mới là bi ai đau khổ cực điểm!

Cho nên nói: Hãy vùng vẫy khóc lóc lấy bi ai mà đưa tiễn người chết. Đưa tiễn là đưa tiễn cái hình thể, còn tinh thần vẫn có thể về như lúc nào cũng ở bên cạnh vậy.

PHIÊN ÂM CHỮ HÁN

2. Kỳ vãng tống dã, vọng vọng nhiên, cấp cấp nhiên, như hữu truy nhi phất cập dã. Kỳ phản khốc dã, hoàng hoàng nhiên, nhược hữu cầu nhi phất đắc dã, Cố kỳ vãng tống dã như mộ, kỳ phản dã như nghi.

Cầu nhi vô sở đắc chi dã, nhập môn nhi phất kiến dã, thượng đường nhi phất kiến dã, nhập thất nhi phất kiến dã, vong hĩ, tang hĩ, bất khả phục kiến dĩ hĩ. Cố khốc khấp tịch dũng, tận ai nhi chỉ hĩ.

Tâm trướng yên thương yên, hốt yên khí yên, tâm huyệt chí bi nhi dĩ hĩ. Tế chi tông miếu, dĩ quỷ hưởng chỉ, nhiễu hạnh phục phản dã.

Thành khuếch nhi quy, bất cảm nhập xử thất, cư ư ỷ lư, ai thân chi tại ngoại dã. Cố khấp khốc vô thời, phục cần tam niên, tư mộ chi tâm, Hiếu Tử chi chí dã, nhân tình chi thực dã.

DỊCH NGHĨA

2. Khi đưa tang nhìn theo quan cữu đi trước, buồn rầu đau đớn như muốn đuổi theo mà không kịp. Khi quay trở về, khóc lóc bang hoàng như tìm cái gì mà không được.

Cho nên khi đưa tang thì như thương tiếc mà khi trở về thì như còn ngờ vực chưa biết người thân đã thực chết hay chưa.

Tìm cầu mà không được, vào cửa mà không thấy người thân, bước lên thềm cũng không trông thấy, vào nhà cũng không trông thấy, mới biết thực đã mất, đã chết rồi vậy, không thể trông thấy được nữa vậy. Cho nên khóc lóc dậm chân hết sức đau đớn,

Lòng hoảng hốt đau thương, bàng hoàng giận dỗi, lòng đã đến chỗ buồn thảm cùng cực vậy. Tế ở miếu họ cho Quỷ Thần hưởng mong cầu may mắn hồn Cha Mẹ quay trở về, tuy ngủ trên gối đệm lại buồn rầu vì người thân đang ở dưới đất.

Nên lúc nào cũng than khóc, phục tang đủ ba năm để hết lòng nhớ thương, đó là lòng chí của người con hiếu và là tình người vậy.

* * *

Tìm hiểu Nho giáo (Khổng giáo)

Nho giáo là cái toàn thể, còn kinh Lễ (và tiên học Lễ) chỉ là bộ phận và chi tiết. Nếu hiểu cái toàn thể, chúng ta càng hiểu rõ cái chi tiết.

Người lớn chỉ cần đọc tài liệu dưới (theo link) là đủ hiểu căn cốt của Nho giáo.

https://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/tim-hieu-ve-nho-giao-khong-giao-1440.html

Tuy vậy, chưa cần đợi lớn, các cháu lớp 10 đã chính thức được dạy về vai trò của Nho giáo trong môn Lịch Sử. Chỉ cần dẫn ra hai câu hỏi trắc nghiệm và đáp án là đủ thấy chế độ ta coi Nho Giáo là phản động cỡ “đại”. Điều mâu thuẫn là những nhà lãnh đạo (cũng cỡ “đại”) của bộ Giáo Dục lại quyết duy trì học “Lễ”.

Lịch Sử lớp 10. Câu hỏi trắc nghiệm môn học

Vì sao Nho giáo sớm được chế độ phong kiến lấy làm hệ tư tưởng của giai cấp thống trị?

https://lazi.vn/edu/exercise/vi-sao-nho-giao-som-duoc-che-do-phong-kien-lay-lam-he-tu-tuong-cua-giai-cap-thong-tri

Vì Nho giáo đã:

A. Góp phần củng cố quyền lực của giai cấp thống trị
B. Được phổ biến rộng rãi trong nhân dân
C. Nội dung dễ tiếp thu
D. Chung sống hoà bình với các tín ngưỡng dân gian

Tại sao Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc và một số nước phương Đông khác, trong đó có Việt Nam?

https://luyentap247.com/hoi-dap/tai-sao-nho-giao-lai-tro-thanh-he-tu-tuong-thong-tri-tr/

Vì Nho giáo:

A. Có tác dụng giáo dục con người phải thực hiện bổn phận.

B. Phù hợp với tư tưởng đạo đức truyền thống của người phương Đông.

C. Nội dung tư tưởng có tính tiến bộ, nhân văn.

D. Là công cụ sắc bén phục vụ cho nhà nước phong kiến tập quyền.

Số phận “Tiên học Lễ” ở miền Bắc và miền Nam

Một bậc trưởng thượng sống ở miền Bắc (từng học dưới thời nước ta thuộc Pháp) cho biết: Ở bậc tiểu học, phía trước lớp Trung đẳng (I) có các khẩu hiệu được đưa từ bên Tây sang ta:

- Tự do – Bình đẳng – Bác ái (tiếng Pháp)

- Cần lao – Gia đình – Tổ quốc (tiếng Pháp)

Ở hai bên và phía sau lớp học có các khẩu hiệu của Nho giáo:

- Tiên học Lễ, hậu học Văn

- Ngọc bất trác, bất thành khí (ngọc không mài giũa, không dùng được)

Nhân bất học, bất tri lý (người không học, không biết lý)

- Ấu bất học, lão hà vi (bé không học, già làm gì)

Đó là dưới thời nước ta thuộc Pháp. Như vậy, có một thời khẩu hiệu Nho giáo cùng tồn tại với các khẩu hiệu của cách mạng tư sản Pháp.

Nho giáo lúc này đã như bóng hoàng hôn, nhưng còn lâu mới rút hẳn vào quá khứ. Nguyên nhân? Đó là do thời gian thấm sâu của nó vào tâm hồn Việt (tiểu nông, phong kiến) đã trải ngàn năm, với hàng trăm thế hệ theo học. Cụ Trần Trọng Kim – chủ biên các sách giáo khoa tiểu học thời đó – rất am hiểu đạo Nho.

Còn nền tân học do người Pháp mang sang ta, mới chỉ là ánh bình minh, chưa kịp lan tỏa. Nếu chế độ thực dân kéo dài thêm nữa, chắc chắn Nho học sẽ bị thanh toán.

Sau năm 1945, các khẩu hiệu Nho học vẫn còn lác đác, sẽ mất hẳn ở miền Bắc sau khi ĐCS tiến hành cải cách ruộng đất (diệt phong kiến).

Nhưng ở miền Nam vẫn còn “tiên học Lễ” cho tới 1975. Các vị thụ hưởng nền giáo dục này (nay 60-70 tuổi) vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về nó.

Tuy nhiên, khi hai chữ “Khai Phóng” – rất hiện đại và tiến bộ - trở thành nguyên lý giáo dục và ngày càng phát huy ảnh hưởng, nhất định sẽ xuất hiện mâu thuẫn với Tiên học Lễ. Đây là mâu thuẫn không thể dung hòa. Tiên học Lễ vẫn phải lùi vào dĩ vãng, giống như chế độ quân chủ phải nhường vị trí cho chế độ tư bản.

Xin nêu quan điểm của vị trưởng thượng từng học trước 1945 để rộng đường thảo luận.

Dư luận ồn ào

- Có vẻ xảy ra một cách tự phát, khi GS Trần Ngọc Thêm đề nghị “bỏ học Lễ” – một chi tiết rất nhỏ nằm trong một báo cáo khoa học thuộc chủ đề rộng lớn hơn nhiều. Dường như điều này đã chạm vào chỗ nhạy cảm của nền giáo dục nước ta. Phản ứng xảy ra tưc thời và đống loạt. Ồn áo, hỗn độn.

- Cũng có lẽ không hẳn như trên. Mở đầu, kích thích dư luận bùng phát khi báo chí rất nhanh nhẹn phỏng vấn hai “cây đa” trong ngành giáo dục: Cụ Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng và cụ Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương Trình bậc phổ thông và Sách Giáo Khoa. Cả hai cụ đều khẳng định: Dạy Lễ chính là dạy đạo đức, sao có thể bỏ? Đáng chú ý là bài phỏng vấn được rất nhiều trang web đăng lại, kể cả các trang ở cấp tỉnh.

- Vị thứ ba, coi như “cây đề” của ngành GD, nói hơi khác khi trả lời phỏng vấn, nhưng vẫn cùng chiều với hai cụ trên. Vị này thuộc ngành Sử, khẳng định rằng Văn và Lễ thời nay có nội dung mới, không còn như thời phong kiến nữa.

Câu hỏi: Vậy ai đã vứt nội dung cũ của chữ Lế, để thay bằng nội dung mới?

Sau khi được một vị trưởng thượng đọc bài, góp ý và cấp thêm tư liệu, tác giả tự quyết định cố viết bài dưới dạng nghiên cứu và chờ dư luận xẹp xuống mới xin đăng bài ở trang thích hợp. Kính trình. ĐTH

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn