Lịch sử Ukraine không phải như Putin bóp méo

March 1, 2022

Mai Phi Long / Người Việt (tổng hợp)

KIEV, Ukraine (NV) – Trong bài diễn văn công nhận độc lập hai khu vực ly khai Luhansk và Donetsk vào hôm Thứ Hai, 21 Tháng Hai, Tổng Thống Nga Vladimir Putin bóp méo lịch sử và phủ nhận chủ quyền của Ukraine để biện minh cho âm mưu tách hai vùng lãnh thổ trên khỏi quốc gia này.

Bất chấp sự thật lịch sử, ông Putin tuyên bố quốc gia Ukraine là một “sản phẩm” được ông Vladimir Lenin, lãnh tụ đầu tiên của đảng Cộng Sản Liên Xô, tạo ra.

Tổng Thống Vladimir Putin của Nga bóp méo lịch sử và phủ nhận chủ quyền của Ukraine để biện minh cho hành động xâm lăng. (Hình minh họa: Phill Magakoe/AFP via Getty Images)

“Ukraine ngày nay hoàn toàn được Nga, cụ thể là nước Nga thời Bolshevik, tạo ra,” ông Putin khẳng định. “Quá trình này bắt đầu ngay sau cuộc khởi nghĩa năm 1917, và ông Lenin và các đồng chí cộng sự đã thực hiện theo cách tùy tiện nhất có thể – đó là chia cắt nước Nga thành nhiều vùng lãnh thổ.”

Khẳng định này quá sai lệch so với lịch sử, ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn của ông Putin, một cựu điệp viên KGB, từng tuyên bố rằng sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20, theo nhật báo The New York Times (NYT).

Nguồn gốc anh em của Ukraine và Nga

Ukraine và Nga có chung gốc rễ từ vương quốc Kievan Rus được người Viking thành lập vào thế kỷ 9.

Kiev, thủ đô của vương quốc này, được coi là cái nôi của nền văn hóa, tôn giáo, và ngôn ngữ của cả Nga và Ukraine ngày nay.

Do đó, lịch sử và văn hóa của Nga và Ukraine thực ra có mối liên hệ sâu xa.

Thánh đường Saint Sophia Cathedral, biểu tượng giáo hội Chính Thống Giáo Ukraine, tại Kiev. (Hình: Joern Pollex/Getty Images)

Trên thực tế, trong 1,000 năm qua, nhiều biến đổi phức tạp đã xảy ra, từ sự thay đổi lãnh địa, biên giới, hòa nhập các sắc dân, kể cả thay đổi quốc giáo, lịch sử Ukraine và Nga là hai con đường cách biệt.

Tuy nhiên, ngay từ thời gian phong kiến dưới thời thịnh trị của chế độ Sa Hoàng, phía Nga luôn cho rằng Ukraine chỉ giống như “một người em trai” nên biết thân biết phận của mình.

Nhưng mối quan hệ này không tốt đẹp như ông Putin khẳng định.

Tuy một phần lãnh thổ của Ukraine nằm trong vương quốc Nga suốt hàng trăm năm, các phần còn lại nằm về phía Tây bị đế quốc Áo-Hung, Ba Lan và Lithuania kiểm soát.

Bà mẹ Ukraine ôm con chạy loạn ngồi ở một ga xe lửa tại Liviv hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Hai. (Hình: Daniel Leal/AFP via Getty Images)

Chỉ có vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine chịu ảnh hưởng văn hóa Nga nặng hơn, nên phần lớn người dân ở vùng này nói tiếng Nga và trung thành với Moscow.

“Khẳng định của ông Putin rằng toàn bộ Ukraine ngày nay từng thuộc về Nga là không đúng,” ông Cliff Kupchan, chủ tịch Eurasia Group, một tổ chức tư vấn rủi ro chính trị, nói với NYT.

Chế độ Xô Viết với dã tâm tiêu diệt ý chí độc lập và sự tồn vong của dân tộc Ukraine

Chính quyền Xô Viết được ông Lenin thành lập sau đó đã gần như đập nát sự độc lập của Ukraine thông qua các chính sách xóa sổ ngôn ngữ Ukraine khỏi trường học và nền văn hóa của họ thu gọn lại trong chiếc quần phùng ống bó trên hình tượng người Cossack.

Kinh khủng nhất là chế độ Xô Viết Ukraine để cho ít nhất từ 7 đến 10 triệu người dân xứ này, theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, chết trong nạn đói được gọi là Holodomor, hay là Terro-Famine, hồi năm 1932-1933.

Năm 2006, Ukraine và 15 quốc gia công nhận nạn đói Holodomor được chế độ Xô Viết thi hành để diệt chủng người Ukraine, theo tài liệu Liên Hiệp Quốc ghi nhận ngày 7 Tháng Mười Một, 2003.

Người đi lánh nạn, người ở lại chiến đấu, hình ảnh một đôi lứa chia tay tại sân ga trung tâm Kiev hôm Thứ Hai, 28 Tháng Hai. (Hình: Dimitar Dilkoff/AFP via Getty Images)

Những lập luận bịa đặt quanh co của Putin

Nhận định của ông Putin cho rằng chính phủ Xô Viết suy tàn dưới thời ông Mikhail Gorbachev đã “cho phép” Ukraine thoát khỏi Liên Bang Xô Viết mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào cũng không đúng với lịch sử.

Ukraine độc lập vào năm 1991 không phải do Moscow “cho phép,” mà do chính người dân Ukraine bỏ phiếu chọn tách khỏi Liên Bang Xô Viết trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Khó có thể nói liệu ông Putin có thật sự tin vào phiên bản lịch sử Ukraine đầy méo mó này, hay đây chỉ là một câu chuyện thần thoại được ông tổng thống độc tài này dựng lên để biện minh cho mọi hành động sắp tới, nhưng quan điểm Ukraine là một phần của Nga, cả về lịch sử và văn hóa, là điều mà ông Putin luôn khẳng định bấy lâu nay.

Vào mùa Hè năm 2020, ông Putin công bố một bài diễn văn dài 5,300 từ, trình bày chi tiết nhiều chủ đề mà ông nhấn mạnh lại trong bài phát biểu của mình hôm Thứ Hai, 21 Tháng Hai, bao gồm cả ý kiến cho rằng các quốc gia phương Tây “bất chính” đã thao túng “ép buộc” Ukraine thoát khỏi Nga.

Trên thực tế chẳng có ai tin rằng ông Putin quan tâm đến tính chính xác hay muốn mở ra một cuộc bàn luận về lịch sử khi đưa ra những lời biện minh này.

Tuy nhiên, có vẻ như trong tâm trạng hoang tưởng và tự cô lập, ông Putin tin vào những câu chuyện hoang đường của chính mình, như chuyên gia Paul Stronski nhận xét.

“Vấn đề không phải vì vị trí lãnh thổ Ukraine ảnh hưởng tới địa chính trị, mà chính ông Putin, tin vào câu chuyện này. Tôi cho rằng điều không hay là chính ông tự cô lập và quá xa rời thực tại, khi chỉ nuối tiếc hào quang của Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ,” ông Stronski nói với nhật báo The Washignton Post.

Binh sĩ Ukraine trên đường chuyển quân tại thủ đô Kiev ngày Chủ Nhật, 27 Tháng Hai. (Hình: Aris Messinis/AFP via Getty Images)

Putin luôn sẵn sàng dùng giải pháp quân sự để áp chế Ukraine

Ông Joshua Tucker, giáo sư khoa học chính trị tại đại học New York University và là chuyên gia về Nga, cho rằng mục tiêu của ông Putin là đưa ra cơ sở để khẳng định rằng Ukraine hiện không hề có bất kỳ quyền lợi nào của một quốc gia có chủ quyền, tức là mọi hành động can thiệp quân sự của Nga không vi phạm chủ quyền bất kỳ quốc gia nào.

Phía Moscow cam kết sẽ tôn trọng chủ quyền của Ukraine với điều kiện quốc gia này phải từ bỏ việc phát triển vũ khí nguyên tử sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, nhưng có vẻ ông Putin không hề có ý định giữ lời, theo các chuyên gia phân tích.

Năm 2014, sau khi các cuộc biểu tình làm suy yếu quyền lực của chính quyền Kiev được Nga hậu thuẫn, ông Putin ra lệnh cho quân đội của mình chiếm bán đảo Crimea và kích động một cuộc chiến tranh ly khai dẫn đến việc Ukraine mất đi hai lãnh thổ ở phía Đông.

Một nữ quân nhân Ukraine tuần tra tại quảng trường Maidan, Kiev, hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Hai. (Hình: Aris Messinis/AFP via Getty Images)

Ngay trong hôm Thứ Hai, ông Putin chính thức công nhận chủ quyền và điều quân đến “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” và “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Luhansk,” hai vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine.

Nhưng các nỗ lực nhằm thâu tóm Ukraine của tổng thống Nga phần nào phản tác dụng.

Ukraine thể hiện tinh thần độc lập và hướng tới giá trị Dân Chủ phương Tây

Tại Ukraine, một quốc gia từng có mối quan hệ từ trung lập đến thù nghịch với NATO, các cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân hiện nay ủng hộ việc gia nhập khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Người dân tại Kiev, Ukraine, cảm thấy phẫn nộ và lo sợ trước bài phát biểu của ông Putin.

Bà Kristina Berdynskykh, một nhà báo chính trị nổi tiếng, được NYT trích lời nhận định: “Bài diễn văn của ông Putin thể hiện thái độ hiềm khích với toàn thể đất nước Ukraine và nôn nóng trả thù do quốc gia này hướng đến EU và NATO, cũng như tiếp cận với nền dân chủ phương Tây.”

Cảnh Tổng Thống Volodymyr Zelensky tuyên thệ nhậm chức tại Quốc Hội Ukraine ngày 20 Tháng Năm, 2019. (Hình: Genya Savilov/AFP via Getty Images)

Khi những hoả tiễn và pháo binh Nga bắn vào thủ đô Kiev cùng những thành phố, hải cảng của Ukraine ngày 22 Tháng Hai, thế giới sững sờ chứng kiến cảnh quân đội Nga với gần 200,000 binh sĩ tấn công toàn diện vào quốc gia này. Một cuộc chiến tranh không tuyên bố.

Không ai ngờ một hành động xâm lăng một quốc gia có chủ quyền lại xảy ra vào thời đại truyền thông mạng toàn cầu, tuy nhiên cả thế giới lại ngạc nhiên và ngưỡng mộ tinh thần quả cảm bảo vệ quốc gia của người Ukraine trước lực lượng quân sự khổng lồ của Putin.

Tổng Thống Volodymyr Zelensky, xuất thân là một nghệ sĩ, nhưng cho thế giới thấy tinh thần độc lập và ý chí của dân tộc Ukraine khi từ chối lời đề nghị di tản của Mỹ với câu nói: “Tôi không cần một chuyến xe quá giang, tôi cần vũ khí đạn dược.”

Ý chí của dân tộc Ukraine qua hình ảnh của Tổng Thống Zelensky là một minh chứng rõ ràng cho thấy câu chuyện lịch sử quốc gia này trong bài diễn văn của ông Putin hôm Thứ Hai, 21 Tháng Hai, là một câu chuyện hoang đường do nhà lãnh đạo Nga hư cấu.

M.P.L.

Nguồn: nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn