Nga đã đốt “căn cước văn hóa” của Ukraine như thế nào?

  • Lê Tây Sơn

    Làm rõ bản sắc văn hóa và dân tộc tính chống lại trò “đánh lận con đen” của đế quốc phương Bắc là cách người Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến lâu dài.

    “Cho đến ngày 24 Tháng Hai, 2022, tôi đã có được rất nhiều thứ – sinh viên Catarina Buchatskiy theo học khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Stanford ở tiểu bang California, đồng sáng lập tổ chức văn hóa Ukraine The Shadows Project bộc bạch – Là người Ukraine, tôi chỉ là một trong nhiều người được may mắn như thế”. Nhưng trong ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine, “phần Ukraine” trong danh tính của Buchatskiy (cái mà Putin bác bỏ) đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong cuộc tranh cãi về lịch sử dân tộc mình.

    Một sự rọi sáng lại vào tâm hồn dân tộc

    Cuộc sống của Catarina Buchatskiy ở trường đại học dường như không còn quan trọng nữa. Làm sao những người trẻ như Buchatskiy có thể vô tâm trước cảnh quê hương bị tàn phá? Làm sao cô có thể ngồi trong căn phòng ký túc xá để nhìn bức tường dán đầy những bức ảnh thời thơ ấu ở Kyiv, trong khi thành phố này và các khu vực lân cận bị tàn phá vì tên lửa Nga? Đau đau lòng nhất là khi danh tính và lịch sử đất nước Ukraine có nguy cơ bị xóa sạch. Thay vào đó là “danh tính Nga” và lịch sử Nga. Tuổi trẻ Ukraine không thể tiếp tục cuộc sống của mình cho đến khi họ có thể tồn tại một cách hòa bình với tư cách là “Người Ukraine”, chứ không phải người Nga. Vâng, “người Ukraine” với tất cả danh dự và lòng kiêu hãnh của một dân tộc.

    Khoảng một tuần sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, nhiều sinh viên Ukraine quyết định bỏ lại cuộc sống bình thường tại Stanford để trả lời câu hỏi quan trọng nhất: “Thực sự có một dân tộc Ukraine trên thế giới này?” và “Làm sao để chứng minh bảo vệ nó?”. Một số đặt vé bay đến Krakow, Ba Lan, để tham gia cùng những người bạn Ukraine trong các nỗ lực chống lại quân xâm lược. Tại thành phố này, không thiếu việc để làm cho đất nước mình, từ hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ các địa điểm văn hóa đến chăm sóc những người tị nạn mới đến.

    Một cuộc biểu tình chống Nga hóa (biểu ngữ ghi: Nói ‘không’ với Nga hóa và nói ‘có’ với Ukraine hóa); Kyiv, ngày 7 Tháng Bảy 2020 (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

    Họ hiểu mục đích tối hậu của cuộc chiến do Putin tạo ra là cướp đi sự tồn tại của Ukraine như một dân tộc và xóa sổ một đất nước có bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa riêng. Ngoài việc xâm chiếm lãnh thổ, vẽ lại bản đồ địa chính trị dưới chiêu bài “phi hạt nhân hóa”, “phi phát xít”, Putin còn thách thức sự tồn tại của chính Ukraine và người Ukraine với tư cách là một dân tộc độc lập, có chủ quyền. Cuộc xâm lược mới của ông ta thật ra chỉ là tiếp nối của cuộc chiến tranh khi nóng khi lạnh hàng thế kỷ mà người Nga áp đặt lên các thế hệ người dân Ukriane.

    Chiến lược “Nga hóa” (Русификация, Rusifikatsiya) có chủ đích

    Một trong những nỗ lực sớm nhất nhằm gây hỗn loạn Ukraine bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, khi Hiệp định Pereyaslav Articles được ký kết năm 1659 giữa những người Cossack Ukraine và Sa hoàng Nga. Hiệp định hạn chế quyền tự trị của Ukraine, cấm các lãnh đạo Ukraine được bầu hoặc tiến hành chính sách đối ngoại của riêng họ mà không có sự đồng ý trước của chính phủ Muscovite. Năm 1720, đợt tấn công đầu tiên của Nga vào tiếng Ukraine bắt đầu, với lệnh cấm in sách tiếng Ukraine ở một số thành phố.

    Chương trình cải cách giáo dục của Alexander I ban hành năm 1804 cấm dùng tiếng Ukraine trong các trường học, cả giảng dạy lẫn môn học. Những thế kỷ sau đó, các lãnh đạo Nga luôn tìm cách xóa bỏ bản sắc của người Ukraine; từ cấm dùng tiếng Ukraine, cấm văn học Ukraine đến đàn áp các nhà lãnh đạo văn hóa và phá hủy nỗ lực bảo tồn di sản Ukraine. Cuộc chiến lần này cũng thế, không có gì khác biệt mà chỉ là tiếp nối chính sách cũ. Các cuộc tấn công tàn bạo của Nga nhắm vào dân thường Ukraine và các di tích lịch sử văn hóa, một lần nữa, cho thấy “dân tộc tính” và lịch sử của Ukraine lại bị thách thức.

    Thông tư Valuev (tiếng Nga: Валуевский циркуляр, Valuyevskiy tsirkulyar; tiếng Ukraine: Валуєвський циркуляр, Valuievs’kyi tsyrkuliar) ngày 18 Tháng Bảy 1863 là một sắc lệnh bí mật (ukaz) của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đế chế Nga Pyotr Valuev, theo đó, nhiều ấn phẩm (tôn giáo, giáo dục và văn học…) bằng tiếng Ukraine bị cấm (Encyclopediaofukraine)

    Không chỉ Buchatskiy mà số đông người trẻ Ukraine bị “Nga hóa” mà không nhận ra đã có những năm tháng sống trên quê hương, mà không hiểu việc được làm người Ukraine (không phải người Nga) có ý nghĩa thế nào. Ra nước ngoài du học cũng thế, phần lớn những người họ gặp đều không biết Ukraine là gì. Họ chỉ ngờ ngợ nó “nằm cạnh Nga” hoặc “từng là một phần của Liên Xô”! Nga và Liên Xô dường như là phần duy nhất trong bản sắc của họ, trong lịch sử quốc gia mà họ có thể mường tượng được. Hàm lượng Ukraine bị người ta làm cho mờ nhạt một cách cố ý. Hàm lượng Nga chiếm ưu thế.

    Để hiểu rõ hơn về gốc gác mình, những người như Buchatskiy quyết định dành nhiều thời gian tìm hiểu vị trí của Ukraine và của dân tộc Ukraine trên thế giới. Họ bắt đầu gần như con số không, khó tin nhưng là sự thật. Một số tự hỏi: Các tác giả, nghệ sĩ, nhân vật văn hóa và chính trị của đất nước tôi là ai? Thành tựu của họ là gì? Nói một cách đơn giản, người Ukraine là ai? Không có nhiều tài liệu có sẵn. Vì vậy, việc tìm kiếm bản sắc và lịch sử của Ukraine đã trở thành một quá trình tự khám phá khá gian nan.

    Người dân Ukraine xuống đường kêu gọi chấm dứt tình trạng Nga hóa; Kyiv, ngày 9 Tháng Mười Một 2016 (ảnh: STR/NurPhoto via Getty Images)

    Viết lại một lịch sử bị bóp méo

    “Đại học Stanford đã cứu tôi khi nó có một môn học tìm hiểu lịch sử Ukraine. Ngày hôm đó chúng tôi thảo luận chủ đề ‘phong trào tiên phong của người Ukraine’ mà trung tâm là Kazimir Malevich, một họa sĩ sinh ra ở Ukraine, sáng lập phong trào Suprematist nổi tiếng” – Buchatskiy nhớ lại (Suprematist – trường phái Siêu việt; tiếng Nga: Супремати́зм).

    Malevich là một trong những họa sĩ biểu tượng nhất trong lịch sử hội họa thế giới. Những bức tranh của ông được mổ xẻ, nghiên cứu với sự tôn kính, nhưng ít ai biết ông sinh ra ở Ukraine. “Tôi không biết ông là… của chúng tôi. Khi biết Malevich là ai, tôi lập tức nhận ra bản sắc Ukraine đã ở bên tôi trong các phòng trưng bày, hiệu sách, bảo tàng và nhà hát. Tức là những thứ được đánh tráo và dán nhãn Nga mà nhiều nhân vật văn hóa gốc Ukraine là nạn nhân. Càng nghiên cứu về những người Ukraine bị xóa sổ di sản, tôi càng tức giận” – Buchatskiy nói.

    Một tác phẩm tự họa của họa sĩ Kazimir Malevich (được vẽ năm 1934, 11 tháng trước khi ông chết). Cho đến nay, báo chí Nga vẫn ghi Kazimir Malevich là “người Nga” – ảnh: Pavlo Conchar/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

    Người Nga xây dựng tượng đài các nhà lãnh đạo vĩ đại của Ukraine tại các thành phố của họ và xem đây là di sản văn hóa Nga. Họ viết về những nghệ sĩ Ukraine tiêu biểu nhất như thể đó là người Nga. Đánh tráo danh tính và bản sắc là thủ đoạn quen thuộc của các chế độ cai trị Nga nhưng làm sao Putin có thể lấy đi trái tim của người Ukraine khi họ đã biết sự thật? Làm sao người Nga có thể ăn cướp của người Ukraine những biểu tượng tự hào về đất nước mình? Làm sao họ có thể khiến người Ukraine tin họ là một phần của “gấu Nga vĩ đại, không có bản sắc văn hóa riêng, không có dân tộc tính và không có chút ảnh hưởng hoặc tiếng nói nào trên thế giới?

    Cuộc xâm lược Ukraine của Putin một lần nữa thách thức quan điểm cho rằng người Ukraine là một dân tộc riêng biệt. Nhưng ở thời đại ngày nay, khi thông tin độc lập được tiếp cận dễ dàng và dồi dào thì sự thật lịch sử sẽ luôn là sự thật và thế giới có cơ hội tốt hơn bao giờ hết để cuối cùng lật tẩy những “huyền thọai lịch sử” của Putin và củng cố chủ quyền của Ukraine như một quốc gia độc lập và một dân tộc riêng biệt, một lần và mãi mãi.

    Với nhiều người Ukraine bây giờ, họ tin rằng mỗi người dân Ukraine đều có vai trò trong việc phổ biến sự thật cho thế giới biết. Các cơ sở giáo dục, phòng trưng bày, bảo tàng và tổ chức văn hóa là nơi thuận lợi để người Ukraine và các nghệ sĩ Ukraine tuyên truyền bản sắc văn hóa và dân tộc tính của mình. Họ tin rằng tiếng nói của họ cần được lắng nghe và câu chuyện của họ về đất nước cần được kể một cách chính xác.

    Và vì vậy, để chống quân Nga xâm lược bây giờ và trong tương lai, họ muốn có nhiều cuộc trò chuyện khai sáng về đất nước Ukraine độc lập, không phải một phần của Nga. Họ muốn đưa văn hóa và lịch sử Ukraine thoát khỏi cái bóng của đế quốc phương Bắc kéo dài hàng thế kỷ. Đây là cách họ giành chiến thắng trong cuộc chiến lâu dài. “Các thành phố có thể thất thủ, lãnh thổ có thể bị mất, nhưng sự thật về Ukraine phải chiến thắng để làm nền tảng cho cuộc kháng chiến gian khổ, nếu nó xảy ra” – một nhà nghiên cứu nói.

    L.T.S.

    Nguồn: saigonnhonews.com

  • Sáng lập:

    Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

    Điều hành:

    Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

    Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

    boxitvn.online

    boxitvn.blogspot.com

    FB Bauxite Việt Nam


    Bài đã đăng

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn