Nền kinh tế có năng lực nội sinh sẽ hội nhập hiệu quả

Khánh An

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để nền kinh tế phát triển, cần phải hội nhập, nhưng để tận dụng hiệu quả của hội nhập, cần có năng lực nội sinh và tự chủ, tự cường.

clip_image002

Thưa ông, có thể hiểu thế nào về hàm nghĩa của nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng?

TS. Võ Trí Thành: Để nói đầy đủ vấn đề này, trước hết, cần làm rõ nghĩa đen của những từ này.

Thứ nhất, độc lập, tự chủ về mặt kinh tế là quyền được đặt ra chính sách, đường hướng và thực thi.

Thứ hai, hội nhập sẽ tùy thuộc vào những nấc thang khác nhau trong quá trình mở cửa để hiểu rõ nội hàm. Có thể là tham gia những cam kết với luật chơi, yêu cầu thực thi và cơ chế thưởng phạt như WTO, các hiệp định thương mại tự do. Cũng có thể là các quan hệ hợp tác với những giao kết mang tính tự nguyện hoặc các cơ chế tham gia để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển...

Về bản chất, tùy nấc thang hội nhập, khi đã tham gia các tổ chức có luật chơi, có sự ràng buộc, thì không gian tự chủ của người tham gia bị thu hẹp. Ví dụ, nhiều chính sách gắn với quá trình công nghiệp hóa trước đây rất khó vận dụng được trong bối cảnh hội nhập; không thể áp đặt mức thuế cao để bảo hộ sản xuất trong nước.

Hội nhập cũng có thể làm tăng thách thức cho tự chủ, tự cường, vì khi không gian rộng hơn sẽ có nhiều nhân tố, bối cảnh tác động không thuận, có nhiều rủi ro từ bên ngoài đưa vào.

Nếu nhìn ở nghĩa đen như vậy, thì về chữ nghĩa, hội nhập có phần không thuận với độc lập, tự chủ về kinh tế. Nhưng nếu nhìn theo nghĩa phát triển, dài hạn, nhìn theo sự vận động hiệu quả các nguồn lực, thì hội nhập cũng có thể mang lại nhiều tích cực, mà đằng sau đó là sự phát triển. Một nền kinh tế không phát triển, thì không thể tự chủ, tự cường được.

Ông có thể phân tích rõ hơn các khía cạnh này khi gắn với chặng đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành: Bản chất của công cuộc cải cách, đổi mới của Việt Nam là để phát triển, mở rộng không gian lựa chọn cho người dân làm ăn, kinh doanh. Cùng với đó là nâng cao năng lực lựa chọn không gian mới để phát huy tiềm năng của đất nước.

Thực tế cũng đã diễn ra như vậy. Đó là sự tham gia của các nguồn lực từ bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động xuất nhập khẩu, các hoạt động kinh tế khác, không chỉ hàng hóa, mà cả dịch vụ.

Với các nước đang phát triển như Việt Nam, thể chế đang trong quá trình đổi mới, cải cách, thì mở cửa, hội nhập đã cho chúng ta những bài học phát triển, thông lệ tốt, chưa kể áp lực của các cam kết với quá trình này.

Rõ ràng, quá trình đổi mới, cải cách của Việt Nam và sự vận động các nguồn lực phát triển gắn với hội nhập.

Như ông đã nói, một nền kinh tế càng hội nhập sâu rộng, thì càng va đập với nhiều rủi ro, cú sốc từ bên ngoài. Có thể thấy rõ điều này trong thời gian vừa qua, khi đại dịch, xung đột chính trị bên ngoài tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam...

TS. Võ Trí Thành: Đối với một quốc gia, rủi ro lớn nhất là không phát triển. Nếu không hội nhập, có thể ít rủi ro, nhưng không phát triển. Ngược lại, nếu mở cửa thì phải chấp nhận rủi ro để đi cùng thời đại, học hỏi những kinh nghiệm phát triển của loài người, mở rộng không gian trao đổi, kết nối..., dù không có nghĩa là cứ hội nhập thì mặc nhiên phát triển.

Thực tế đã có những bài học về việc này. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, không ít nền kinh tế đi theo con đường đóng cửa, bảo hộ và thay thế hàng nhập khẩu. Kết quả là, những nền kinh tế đó không những tăng trưởng chậm hơn, phát triển chậm hơn, mà còn thường xuyên rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng do các vấn đề về năng lực, nguồn lực cho phát triển, thậm chí là cạn kiệt tài nguyên, nếu sử dụng không hiệu quả.

Ngược lại, các nền kinh tế Đông Á chọn con đường hội nhập, hướng vào xuất khẩu và đã trở thành những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Vậy vấn đề là sự lựa chọn?

TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy. Và ở đây cần năng lực để dám hội nhập và biết cách hội nhập, tận dụng không gian mới để tạo nên năng lực cho mình, cho đất nước mình. Đó là ý nghĩa của nội lực, chứ không chỉ là dựa vào nguồn lực bên ngoài.

Bên cạnh đó, cải thiện nội lực cũng để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, rủi ro từ bên ngoài.

Với nền kinh tế Việt Nam, cải thiện nội lực gắn với bản chất của công cuộc cải cách, đó là năng lực thể chế, bên cạnh mở rộng không gian phát triển; năng lực quản trị của doanh nghiệp, của từng cá nhân.

Có thể hiểu, nếu mở cửa tự do thuần túy, có thể có không gian phát triển, nhưng dễ rơi vào bẫy tự do hóa thương mại. Đó là chỉ phát huy được lợi thế so sánh vốn có, như lao động giá rẻ, tài nguyên, chứ không tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi thế động gắn với thể chế, môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, gắn với chuyển giao, tiếp thu công nghệ và dần sáng tạo.

Ở Việt Nam, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển chính là hàm ý cải thiện năng lực nội sinh, năng lực tự chủ của nền kinh tế, đó là các nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút vốn FDI có chất lượng, nâng giá trị gia tăng trong quá trình xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Và đó cũng là năng lực để nền kinh tăng khả năng chống chịu, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, chịu nhiều tác động bất lợi từ các cú sốc bên ngoài.

Có nhiều bài học được rút ra.

Một là, để tăng khả năng chống chịu, cần ổn định kinh tế vĩ mô và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, tiền tệ, cùng cải cách, giám sát, vận dụng tốt chính sách tài khóa, tiền tệ.

Hai là, cần một cơ cấu kinh tế với sự tham gia của doanh nghiệp đủ đa dạng, đủ uyển chuyển.

Ba là, đảm bảo an sinh xã hội. Muốn làm được, cần có sự chủ động về hàng hóa cơ bản như năng lượng, lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, để khi cần huy động có thể thực hiện được. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bắt buộc phải tự sản xuất, nhưng phải có chiến lược để sản xuất, hợp tác với các đối tác tin cậy, chia sẻ lợi ích.

Bốn là, có cơ chế phản ứng với các cú sốc, đảm bảo chuẩn bị kịch bản, thực thi, giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực với các nguyên tắc đủ nhanh, đủ hiệu lực. Trong dịch bệnh vừa qua, có thể thấy sự quan trọng của cơ chế phối hợp giữa cấp trung ương và địa phương.

Xin cảm ơn ông!

K.A.

(Theo Đầu tư )

Nguồn: Nhà Đầu tư

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn