Lý do Ukraine nên và có thể chiếm lại được Crimea

Andriy Zagorodnyuk, “The Case for Taking Crimea,” Foreign Affairs, 02/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tại sao Ukraine có thể – và nên – giải phóng bán đảo Crimea?

Đối với người Ukraine, 2022 là năm của cả bi kịch và thành tựu lịch sử. Vào tháng 2, Nga xâm lược Ukraine với gần 190.000 quân, gây ra sự tàn phá không kể xiết và giết chết hàng chục nghìn người. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân đội Ukraine đã chặn được đà tấn công, rồi sau đó buộc người Nga phải lùi lại. Kể từ tháng 8, Ukraine đã giành lại hơn một nửa lãnh thổ mà Nga chiếm được, làm tiêu tan hy vọng thành công của Moscow. Nhằm cố gắng chứng minh thành tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine – Donetsk, Kherson, Luhansk, và Zaporizhzhia – vào cuối tháng 9. Nhưng việc làm đó là vô nghĩa. Vào thời điểm Putin đưa ra tuyên bố của mình, Nga không có toàn quyền kiểm soát bất cứ tỉnh nào trong số này, và kể từ lúc đó, lực lượng của nước này thậm chí còn mất nhiều lãnh thổ hơn.

Tuy nhiên, Nga vẫn kiểm soát một tỉnh của Ukraine: Crimea. Năm 2014, Nga đã chiếm giữ bán đảo này bằng một hành động vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng. Putin tích cực khai thác quan điểm cho rằng việc Liên Xô chuyển giao Crimea cho Ukraine vào năm 1954 là một “sai lầm”. Khi chiếm bán đảo này, Putin tin rằng ông vừa sửa chữa sai lầm, vừa cải thiện vị thế quốc tế của Nga, đưa đất nước trở lại vị thế cường quốc.

Nhưng những tiền đề đó đều sai. Crimea có một lịch sử phong phú và độc đáo; vùng đất này đã không còn là một phần của Nga từ xa xưa. Nó đã trở thành một bộ phận hợp pháp của Ukraine độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc năm 1991, trong đó người Ukraine – bao gồm phần lớn cư dân Crimea – đã bỏ phiếu giành độc lập khỏi Liên Xô. Cũng dễ hiểu tại sao người Crimea muốn độc lập. Liên Xô là một quốc gia độc tài, trong khi Ukraine đang trên đường trở thành một nền dân chủ đa nguyên. Chế độ cai trị hiện tại của Moscow đã làm sống lại nhiều hoạt động độc tài của Liên Xô ở Crimea, bao gồm việc đàn áp các nhóm thiểu số và buộc người dân phải nghe theo truyền thông nhà nước chuyên tuyên truyền. Moscow đã biến khu vực này thành một khu vực đồn trú quân khổng lồ và nguy hiểm, mà sau đó được sử dụng để xâm lược Ukraine. Chừng nào bán đảo còn nằm trong tay Điện Kremlin, thì Ukraine – và người dân Ukraine – sẽ không thể thoát khỏi sự xâm lược của Nga.

Các quốc gia phương Tây đều tin rằng việc sáp nhập Crimea năm 2014 là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Mỹ và các đối tác của họ đã do dự trước việc ủng hộ bất kỳ kế hoạch nào nhằm trao Crimea lại cho Ukraine. Nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây cho rằng Kyiv không thể thành công trong một chiến dịch quân sự nhằm giành lại tỉnh này. Ví dụ, vào tháng 11, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết khả năng Ukraine đánh đuổi người Nga ra khỏi Crimea là “không cao.” Các nhà phân tích khác tin rằng việc người Crimea tái hòa nhập với người Ukraine là rất khó, hoặc tin rằng một cuộc tấn công vào Crimea sẽ thúc đẩy trả đũa hạt nhân. Họ gợi ý rằng, tốt hơn hết, Ukraine không nên chiến đấu vì bán đảo. Một số thậm chí còn nói rằng Kyiv nên dùng nó để đổi lấy hòa bình.

Nỗi sợ hãi của phương Tây không hoàn toàn vô căn cứ. Nga đã sáp nhập Crimea được 8 năm và đã xây dựng sự hiện diện quân sự đáng kể ở bán đảo này. Crimea cũng có ít nhất 700.000 cư dân Nga chuyển đến sau năm 2014 (trong tổng số 2,4 triệu dân): một thực tế sẽ làm phức tạp bất kỳ nỗ lực tái hòa nhập nào. Thế giới không bao giờ có thể loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi nước này được điều hành bởi Putin. Đây là tất cả những lý do chính đáng giải thích tại sao Ukraine nên cẩn trọng với việc giải phóng Crimea.

Nhưng chúng không phải là lý do để Ukraine từ bỏ bán đảo hoàn toàn. Chưa kể, có muôn vàn lý do khác khiến Crimea phải được trả lại. Chẳng hạn, chính sự hiện diện quân sự của Nga ở Crimea là một lý do để chiến đấu vì bán đảo, vì một trận chiến tại đây sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng Nga tiến hành chiến tranh và khủng bố Ukraine hoặc các quốc gia khác. Những quan ngại về khả năng Ukraine chiếm lại bán đảo và khả năng xảy ra tấn công hạt nhân đều đã bị thổi phồng. Sau nhiều tháng thành công trên chiến trường, rõ ràng là Ukraine có khả năng giải phóng Crimea. Dù một số người Crimea có thể muốn tiếp tục là một phần của Nga, nhiều người trong số họ sẽ rất vui nếu thoát khỏi sự kìm kẹp của Điện Kremlin. Và luận điệu hạt nhân của Putin có thể chỉ là dọa suông. Suy cho cùng, ông đã từng nói sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột, nhưng rồi lại rút lui. Do đó, Ukraine nên lên kế hoạch giải phóng Crimea – và phương Tây nên lên kế hoạch giúp đỡ họ.

CRIMEA LÀ UKRAINE

Một trong những dòng quan điểm quan trọng của Nga, đã được Moscow thúc đẩy trong nhiều thập niên và được nhiều nhà quan sát quốc tế nhắc lại, là Crimea có mối liên hệ lịch sử đặc biệt với Nga. Đúng là Sevastopol từ lâu đã là căn cứ hải quân của Nga và bờ biển phía nam của nó là nơi có nhiều cung điện của giới quý tộc Nga hồi thế kỷ 19. Hầu hết người dân trên bán đảo nói tiếng Nga. Thế nên Putin đã lập luận rằng, khi lấy lại Crimea, ông đã sửa chữa một sai lầm lịch sử.

Tuy nhiên, lịch sử Crimea phong phú và đa dạng hơn nhiều so với những gì quan điểm trên nói đến. Bán đảo chỉ trở thành một phần của Nga sau khi nước này xâm chiếm nó vào năm 1783; trước đó, nó đã được cai trị bởi nhiều đế chế trong suốt cả thiên niên kỷ. Crimea có hàng ngàn địa danh độc đáo không có mối liên hệ nào với Nga và là nơi sinh sống của nhiều nhóm sắc tộc. Phiên bản của người Nga về quá khứ của Crimea là một phiên bản có chủ ý, và họ biện minh cho cuộc xâm lược của mình bằng giả định lố bịch rằng sự cai trị trong quá khứ và ngôn ngữ trao cho một quốc gia quyền chiếm đất của nước láng giềng. Vương quốc Anh đã cai trị Ireland trong nhiều thế kỷ, và dưới sự cai trị của London, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên hòn đảo. Nhưng điều đó không có nghĩa là Anh có quyền chiếm giữ Ireland.

Một đánh giá trung thực về lịch sử cho thấy rõ rằng Crimea nên là một phần của Ukraine, không phải của Nga. Bán đảo được toàn thế giới – kể cả Nga, cho đến năm 2014 – công nhận về mặt pháp lý là lãnh thổ của Ukraine. Crimea đã được Kyiv điều hành trong 60 đến 70 năm qua, vì vậy, hầu hết cư dân ở đây trước tiên đều xem nó là một bán đảo của Ukraine. Trong suốt thời gian đó, khu vực này đã đi từ nền kinh tế suy thoái sang nền kinh tế trung lưu vững chắc, nhờ có nguồn cung cấp nước, năng lượng của Ukraine và – sau khi Ukraine độc lập – sự bùng nổ hoạt động du lịch. Putin có thể đúng khi cho rằng hàng triệu người Nga yêu thích vùng lãnh thổ này, nhưng hàng triệu người Ukraine cũng vậy – vì họ đã từng đến thăm hoặc sống ở đó. Phải có lý do thì đại đa số các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới lên án mạnh mẽ việc sáp nhập Crimea và coi tuyên bố đó là vô hiệu.

Nga sẽ không bao giờ cho phép một cuộc trưng cầu dân ý thực sự về tương lai của bán đảo, theo đó, không thể biết chính xác suy nghĩ của người dân Crimea. Một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện vào năm 2019 cho thấy phần lớn cư dân bán đảo muốn Crimea là một phần của Nga. Nhưng thật khó để tin vào những cuộc thăm dò được thực hiện ở một quốc gia độc tài, và Nga đã hình sự hóa hành động phản đối việc sáp nhập Crimea. Những người Crimea được thăm dò ý kiến có thể sợ phải thừa nhận rằng họ muốn là một phần của Ukraine. Ngoài ra, có nhiều lý do để cho rằng một cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng về tình trạng của Crimea ngày nay sẽ mang lại kết quả tương tự như cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 1991. Một cuộc trưng cầu dân ý như vậy, trước hết, phải bao gồm hơn 100.000 cư dân Crimea mà Nga đã đe dọa, quấy rối, và thậm chí hành hung cho đến khi họ rời bán đảo. Rất nhiều người trong số này đã chấp nhận bán lỗ nhà cửa và từ bỏ công việc kinh doanh của họ. (Hầu hết các công ty và cơ sở lớn của Ukraine trên bán đảo cũng bị mất tài sản.) Những người di cư Crimea này gần như chắc chắn sẽ chọn chính quyền Ukraine, tạo cho nhóm ủng hộ Kyiv một bước khởi đầu vững chắc. Nhiều cư dân còn đang sống trên bán đảo cũng sẽ bỏ phiếu cho Ukraine, cũng như một số người mới đến muốn sống ở một quốc gia tự do hơn. Cư dân Crimea đã từng phàn nàn về cách Nga đối xử với môi trường của bán đảo, cũng như sự gián đoạn kinh tế do lệnh trừng phạt gây ra.

Giải phóng Ukraine sẽ đặc biệt được ủng hộ bởi – và có ý nghĩa lớn với – hàng trăm nghìn người Tatar ở Crimea, một nhóm đã bị Moscow đàn áp dữ dội. Không giống như người Nga, họ đã sinh sống trên bán đảo từ đầu thời Trung cổ. Trong nhiều thế kỷ, người Tatar ở Crimea thậm chí còn có nhà nước riêng của mình. Crimea là quê hương duy nhất của họ. Nhưng dưới sự cai trị của Liên Xô và Nga, họ đã bị đàn áp tàn bạo. Chẳng hạn, vào năm 1944, họ đã bị trục xuất và chỉ được phép quay trở lại vào cuối những năm 1980, khi Liên Xô sắp sụp đổ. Dưới thời Putin, họ lại bị ép rời đi một lần nữa. Những người ở lại thường xuyên bị cấm lao động, bị bắt giữ vô cớ, bị giam lỏng dù không làm gì sai. Một số thậm chí bị bắt cóc. Một số di tích văn hóa của họ hiện đang bị tháo dỡ. Họ xứng đáng được chứng kiến chế độ toàn trị của Nga chấm dứt.

ĐIỀU PHẢI LÀM

Ukraine phải chiếm lại Crimea vì những lý do vượt ra ngoài công lý. Nga đã biến Crimea thành một căn cứ quân sự lớn để phát động cuộc xâm lược của mình. Nhờ bán đảo này nên người Nga đã chiến đấu thành công hơn ở miền nam Ukraine so với ở miền bắc. Nga tiếp tục sử dụng Hạm đội Biển Đen đóng tại Crimea và các căn cứ không quân trên bán đảo để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa. Thái độ hiếu chiến này cho thấy rõ rằng Ukraine không thể an toàn hoặc xây dựng lại nền kinh tế của mình chừng nào Crimea còn ở trong tay Nga, và vì vậy Kyiv sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi giành lại được tỉnh này.

Việc Nga kiểm soát Crimea không chỉ là rủi ro an ninh đối với Ukraine. Việc Moscow nắm giữ bán đảo sẽ gây nguy hiểm cho toàn thế giới. Từ Crimea, sức mạnh của Nga có thể vươn khắp châu Âu và Trung Đông, đe dọa sự an toàn của nhiều quốc gia khác. Bằng cách chiếm đóng bán đảo, Nga đã kiểm soát cả Biển Đen và Biển Azov, nơi mà quân đội Nga hiện đang bao quanh hoàn toàn. Nắm giữ hai vùng nước này đã là mục tiêu của Putin trong nhiều năm: hai vùng biển này là một tuyến đường vận chuyển khổng lồ cho đủ các loại sản phẩm trên lục địa Á-Âu. Bằng cách chiếm đóng Crimea, Nga có thể kiểm soát việc tiếp cận nhiều cảng và tuyến đường biển, mang lại cho nước này quyền kiểm soát nguồn cung của nhiều loại hàng hóa, bao gồm than đá, quặng sắt, sản phẩm công nghiệp và ngũ cốc từ Ukraine. (Các cảng Berdyansk và Mariupol của Ukraine đã mất gần như toàn bộ lưu lượng hàng hóa sau khi Nga bắt đầu hạn chế tiếp cận Biển Azov vào năm 2018.)

Để hiểu tại sao quyền lực của Nga đối với Crimea lại vô cùng nguy hiểm đối với phần còn lại của thế giới, hãy xem xét cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện tại – do cuộc xâm lược của Nga gây ra. Nếu không có bán đảo, Nga sẽ không thể đe dọa vận chuyển hàng hải ở Biển Đen và Biển Azov vì phần lớn các tuyến đường biển này nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Moscow chắc chắn sẽ không thể sử dụng các vùng lãnh hải và hải cảng của Ukraine để phô trương sức mạnh. Nhưng bằng cách chiếm đóng Crimea, Nga đã thống trị các vùng biển này và các cảng của chúng.

Chiếm đóng Crimea cũng giúp Nga gia tăng quyền kiểm soát với nguồn cung năng lượng của thế giới. Biển Đen là nơi có nhiều tài nguyên, bao gồm cả các mỏ khí đốt tự nhiên lớn mà Ukraine từng chuẩn bị khai thác. Trên thực tế, ngay trước khi Nga bắt đầu chiếm đóng Crimea, Exxon Mobil đã ký một biên bản ghi nhớ với Kyiv để khoan các mỏ khí đốt tự nhiên trị giá 6 tỷ USD ở đó, và đây chỉ là một trong nhiều công ty hợp tác với Ukraine để tiếp cận tài nguyên. Nếu các dự án này được thông qua, bản đồ năng lượng châu Âu sẽ mãi mãi thay đổi và lục địa này có thể dễ dàng thoát khỏi năng lượng của Nga. Nhưng khi Moscow đưa quân vào Crimea năm 2014, các công ty đều hủy bỏ dự án của họ. Chừng nào tỉnh này và các khu vực khác của Biển Đen vẫn nằm trong tay Nga, hoạt động kinh doanh sẽ không thể quay trở lại.

LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Vậy Ukraine sẽ giải phóng Crimea như thế nào? Lý tưởng nhất, việc đó sẽ được thực hiện thông qua ngoại giao. Putin sẽ không bao giờ cân nhắc việc rời khỏi bán đảo trong hòa bình, nhưng nếu ông bị phế truất, những người kế nhiệm ông có thể có những tính toán khác. Họ sẽ kế thừa một quốc gia bị trừng phạt nặng nề với quân đội suy yếu nghiêm trọng. Họ vẫn phải chiến đấu với lực lượng vũ trang tài giỏi của Ukraine – và do đó sẽ nhận thêm nhiều thất bại. Cuối cùng, họ sẽ phải đối mặt với các vụ kiện quốc tế do Ukraine khởi xướng, đòi bồi thường thiệt hại hàng trăm tỷ đô la. Moscow nhiều khả năng sẽ thua trước tòa và các quốc gia phương Tây sẽ khiến chính phủ nước này phải trả giá, đơn giản bằng cách chuyển tài sản bị phong tỏa của Nga sang cho Kyiv. Khi đối mặt với một tình huống như vậy, Điện Kremlin có thể đề nghị trả lại Crimea như một phần trong thỏa thuận giúp Nga không bị phá sản, và ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước vốn có thể nảy sinh nếu nền kinh tế rơi vào hỗn loạn.

Nhưng Ukraine không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi lãnh đạo ở Nga. Họ cũng không thể dựa vào việc nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga sẽ sẵn sàng cho hòa bình. Do đó, Kyiv cần duy trì lựa chọn quân sự và phải bắt đầu chuẩn bị để giành chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy.

Dù việc chiếm lại Crimea sẽ không dễ dàng, nhưng Ukraine đủ khả năng làm điều đó – một thực tế mà phương Tây đang bắt đầu thừa nhận. Theo NBC News, vào tháng 12, một quan chức chính quyền Biden nói với Quốc hội rằng Kyiv sẽ có thể giải phóng bán đảo. Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói rằng Ukraine có cơ hội giải phóng Crimea vào cuối mùa hè tới.

Có một lý do về quân sự cho những dự đoán này. Vào thời điểm các lực lượng Ukraine sẵn sàng tấn công bán đảo, hầu hết các năng lực của Nga đã bị tổn hại nghiêm trọng. Những người lính sống sót của Nga sẽ kiệt sức và kho dự trữ tên lửa chính xác của nước này sẽ cạn kiệt. Các căn cứ hải quân, không quân, và các tuyến đường tiếp tế tới Crimea sẽ bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Ukraine. Vì Crimea chỉ được kết nối với lục địa Á-Âu bằng một eo đất hẹp, dễ bị tổn thương và một cây cầu, nên một khi quân đội Ukraine tiến vào khu vực, lực lượng còn lại của Nga sẽ bị mắc kẹt, khiến các căn cứ quân sự của Nga càng dễ bị Ukraine tấn công hơn. Và dù có vai trò rất quan trọng, Bán đảo Crimea thực chất cũng là đất liền: một địa hình nơi quân đội Ukraine đã rất thành công trong việc giành lại.

Tất nhiên, Ukraine sẽ phải xem xét khả năng của Hạm đội Biển Đen, lực lượng giữ vai trò then chốt trong sự hiện diện quân sự của Nga ở Crimea. Đó là một lực lượng mà Ukraine không thực sự có năng lực tương đương. Nhưng dù lực lượng hải quân nhỏ của Ukraine không đủ sức chống lại Nga, Hạm đội Biển Đen không hẳn là một trở ngại lớn như người ta vẫn tưởng. Hạm đội này bao gồm khoảng 20 tàu cũ, tất cả đều rất dễ bị tấn công, nên Nga đã giấu chúng cách xa bờ biển Ukraine. Nhưng Ukraine vẫn có thể mua hoặc sản xuất đủ phương tiện không người lái và hệ thống tên lửa để tiêu diệt chúng. Chưa kể, Hạm đội Biển Đen đã nhỏ hơn so với khi bắt đầu chiến tranh do các cuộc tấn công của Ukraine. Ukraine đã thành công trong việc đánh chìm soái hạm của hạm đội. Lính Ukraine sẽ không gặp khó khăn gì trong việc đánh tiêu hao Hải quân Nga trong những tháng tới, chí ít cũng ở mức độ mà Hải quân Nga không thể chặn họ một cách hiệu quả. Xét cho cùng, Ukraine đã có thành tích tốt trong việc đối phó với Hạm đội Biển Đen. Nếu Hải quân Nga không thể bảo vệ Đảo Rắn rộng chưa đầy 0,1 dặm vuông ở Biển Đen, thật khó để tưởng tượng nước này sẽ ngăn cản Ukraine băng qua eo đất vào Crimea như thế nào.

Cuối cùng, thách thức lớn nhất của chiến dịch giành lại Crimea có lẽ không phải là đánh bại quân Nga, mà là giành được lòng tin của những người dân địa phương đang ủng hộ Moscow. Bất chấp những hành động đàn áp của Điện Kremlin, Crimea là nơi có nhiều người ủng hộ Putin hơn hẳn các vùng khác của Ukraine, đặc biệt là bởi vì cư dân bán đảo gồm một lượng lớn người Nga và họ đã trải qua nhiều năm nghe Nga tuyên truyền không ngừng nghỉ. Sẽ rất nguy hiểm nếu Kyiv cho rằng quân đội Ukraine sẽ được chào đón ở Crimea như đã từng ở Kherson. Ukraine sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng những chính sách mà họ nên áp dụng, bao gồm các chính sách về tài chính, ngân hàng, và hành pháp. Họ cũng cần tìm cách bồi thường cho những người Crimea đã bị chính phủ Nga tước bỏ công việc và tài sản. Họ sẽ phải cải cách các dịch vụ công của bán đảo, đặc biệt là giáo dục, mà nhiều năm qua đã sử dụng chương trình giảng dạy dựa trên tuyên truyền của Nga. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng những cư dân ủng hộ chế độ độc tài của Nga sẽ không muốn gây bất ổn cho bán đảo, và phải đảm bảo rằng các công dân tuân thủ luật pháp có một chính phủ cân bằng, công bằng, và dân chủ.

GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG

Dù phương Tây đã lên án việc Nga sáp nhập Crimea một cách nhất quán và đúng đắn, nhưng về cơ bản họ vẫn chấp nhận hành động của Moscow. Phản ứng hữu hình duy nhất mà Mỹ và Châu Âu đã đặt ra là một chế độ trừng phạt với vô số kẽ hở, cho phép nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển. Thật vậy, ngay cả các quốc gia tham gia trừng phạt vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ kinh doanh của họ với Moscow, bao gồm việc tăng sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Điện Kremlin cảm thấy họ có thể xâm lược phần còn lại của Ukraine. Người Nga đang muốn chiếm đất và mở rộng phạm vi ảnh hưởng để có thể khôi phục đế chế của mình. Khi Moscow nhận thấy có sự yếu kém, họ sẽ xuất quân. Đây là lý do tại sao Kyiv không thể đổi Crimea để lấy hòa bình, như một số nhà phân tích phương Tây đã gợi ý. Điều đó sẽ chỉ tưởng thưởng và khuyến khích sự hiếu chiến của Putin. Ngoài ra, một thỏa thuận như vậy cũng không hiệu quả. Chừng nào Putin còn điều hành chính phủ Nga, Điện Kremlin sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình trong đó Ukraine “chỉ” từ bỏ mỗi Crimea. Họ muốn và sẽ tiếp tục chiến đấu để có được nhiều hơn nữa. Thật vậy, nếu phương Tây tỏ ra do dự trong việc ủng hộ các mục tiêu của Ukraine ở Crimea, Nga sẽ cố gắng tận dụng điều đó bằng cách chia rẽ các quốc gia ủng hộ Kyiv.

Do đó, Kyiv và các đồng minh của mình phải tiếp tục, chiến đấu cho đến khi có thể buộc Moscow bàn giao Crimea thông qua đàm phán, hoặc cho đến khi quân Ukraine đủ khả năng tách bán đảo này khỏi sự kiểm soát của Moscow. Đây là cách duy nhất có thể gây ra một thất bại đủ lớn để khiến Nga từ bỏ tham vọng đế quốc và bắt đầu tuân thủ các quy tắc và luật pháp quốc tế. Mỹ và châu Âu nên hiểu rằng họ cũng sẽ được hưởng lợi từ chiến thắng toàn diện của Ukraine. Chiến thắng đó sẽ vĩnh viễn chấm dứt sự xâm lược của Nga, thổi luồng sinh khí mới vào trật tự thế giới tự do.

Giải phóng Crimea cũng sẽ thiết lập một tiền lệ lịch sử quan trọng cho thế giới. Nếu Ukraine không chiếm lại Crimea – nghĩa là Nga có thể sáp nhập lãnh thổ của nước khác mà không bị trừng phạt – các quốc gia khác sẽ có động cơ tiến hành chiến tranh xâm lược. Họ sẽ tìm cách chiếm lãnh thổ của nước láng giềng, tin rằng họ có thể thoát tội nhờ một kiểu chiếm đất nào đó. Vì vậy, chiến thắng ở Crimea là điều cần thiết để ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai và cản trở việc quay lại với làn sóng chinh phạt.

Andriy Zagorodnyuk là Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Quốc phòng. Từ năm 2019 đến 2020, ông là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine.

Nguồn: nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn