Tham nhũng có hai lý do chính: cần và có thể

Thái Hạo

Nước nghèo, bộ máy hành chính và các hội đoàn đu bám lại quá cồng kềnh, ngân sách bị chia nhỏ, công chức thu nhập thấp, không đủ sống thì phải “kiếm thêm”. Đó là lý do “cần tham nhũng”.

Khi đã sẵn có quyền lực trong tay, lại ở một cơ chế kiểm soát không hiệu quả, thì tham nhũng tất yếu diễn ra trên diện rộng, trở thành quốc nạn. Đó là lý do “có thể tham nhũng”.

Bản chất của con người là tham lam, đói lại càng tham, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt thì tham nhũng lan tràn. Không thể viện đến vấn đề đạo đức để tìm nguyên nhân tham nhũng, vì đạo đức rốt cuộc cũng chỉ là sản phẩm của giáo dục, của pháp luật và cơ chế. Đạo đức không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó là con đẻ của xã hội. Mặt khác, văn minh có mối quan hệ mật thiết với “dục tính”. Không phải khi nào triệt tiêu lòng tham cũng là tốt, nếu con người không còn tham muốn/tham vọng nữa, xã hội sẽ trở nên bất động, đóng băng. Một nền tảng quản trị tốt phải kích thích được lòng tham chính đáng và chặn đứng được lòng tham sai trái.

Muốn thật sự chống được tham nhũng, nếu khi chưa giải quyết được cái gốc, thì mấy việc sau đây cũng sẽ đưa đến hiệu quả:

1. Tuyển dụng minh bạch, công bằng

Chừng nào mà một chân công chức còn phải mua bằng tiền trăm, tiền tỉ thì việc chống tham nhũng trở nên bất lực. Vì đã bỏ tiền ra mua thì ngay lúc đó cả bên bán lẫn bên mua đều đã vứt bỏ đạo đức, và mua thì phải thu hồi vốn. Tham nhũng đẻ ra tham nhũng, xoay vần không dứt.

Cần tuyển dụng dựa trên năng lực và phẩm chất, bất kể người đó có phải đảng viên hay không, miễn làm được việc. Ví dụ, hiệu trưởng mà do giáo viên trực tiếp bầu lên, giám sát và phế truất, thì nạn cửa quyền, tham nhũng tại trường học sẽ giảm theo chiều thẳng đứng ngay. Với cách thức bổ nhiệm như lâu nay, việc chạy chọt, mua bán tất yếu biến môi trường giáo dục thành chợ đen.

2. Tăng lương

Tăng lương phải đủ sống chứ không phải như hiện nay, không đủ bù trượt giá. Muốn tăng được lương thì phải tinh gọn bộ máy hành chính, giải thể bớt các hội đoàn ăn lương nhưng không có vai trò đối với sự phát triển của xã hội, tiết kiệm nguồn lực – cấm lãng phí vào chuyện xây tượng đài, cổng chào, hội nghị hình thức…, dồn ngân sách để trả lương cho đội ngũ công chức – viên chức có chất lượng để họ toàn tâm toàn ý với công việc.

Về lâu dài, phải tập trung cho phát triển kinh tế đất nước: giải thể, cổ phần hóa, tư nhân nhân hóa các tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân làm ăn tử tế ở tất cả các quy mô. Tập trung cho phát triển nông nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực đất đai và con người, xây dựng nông thôn giàu có bằng nội lực của chính nó. Việt Nam, dựa trên các điều kiện lý tưởng của mình, cần xây dựng được một nền nông nghiệp mạnh trước khi nghĩ đến công nghiệp. Mấy nghìn km bờ biển mà mỗi năm phải nhập khẩu hàng tỉ đô la tiền muối, đó là một điều phi lý không thể biện minh được về mặt chính sách. Song song với kinh tế, là phát triển giáo dục, khoa học-kỹ thuật. Nếu không có cái nền về con người và khoa học, thì không bao giờ có được một nền kinh tế bền vững, ổn định.

Nước giàu rồi thì không lo không có đủ tiền trả cho công chức.

3. Pháp luật phải nghiêm minh

‘Nghiêm’ nhưng phải ‘minh’, không minh thì cũng khó mà nghiêm. Kết quả của phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đã làm thất vọng không ít trong dân, vì cách áp dụng luật pháp méo mó và hình phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe. Chờ xem vụ Việt Á có lặp lại điều đáng buồn của “chuyến bay giải cứu” hay không.

Cần một bàn tay sắt và một trái tim thấu hiểu để vừa thẳng tay đập tan những ung bướu, vừa tận tụy chăm lo cho con người.

Phải có cách thức khoa học để công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, từ cấp xã trở lên. Nắm chặt các giao dịch dân sự, truy nguyên tài sản không rõ nguồn gốc, tịch thu tài sản do phạm pháp mà có. Tổ chức thi tuyển nhân sự công bằng, lấy cho được người có năng lực vào làm trong bộ máy nhà nước; xây dựng cơ chế kiểm soát và giám sát độc lập để ngăn chặn từ trong trứng nước nạn tham ô và lợi ích nhóm.

Tạm kết: Tham nhũng không phải chỉ đơn thuần là việc mất mát một số tiền, mà nghiệm trọng hơn thế, nó phá nát mọi nền tảng xã hội, từ sự công chính, đạo đức con người đến pháp luật quốc gia. Công chức suy thoái, người dân hư hỏng, họ mất hết niềm tin và ý thức làm ăn chân chính. Thay vì nỗ lực học tập, lao động để tạo ra giá trị, trong một xã hội vận hành trên nền tảng của tham nhũng thì mọi ý chí và động lực chính đáng sẽ bị triệt tiêu. Đó là một sự phá hoại mang tính tổng thể, không thể không chặn đứng ngay từ bây giờ bằng những giải pháp có tính chiến lược.

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn