Việt Nam và Mỹ “trở về tương lai”

Nguyễn Quang Dy

“Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. 

Lord Palmerston

Việt Nam và Mỹ phải nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là tất yếu. Nhưng quá trình đó bị trì hoãn quá lâu, làm cho dư luận vừa hồi hộp vừa phấn khích như xem một vở kịch đang đến đoạn kết vui vẻ. Tuy không nên quá nôn nóng, nhưng lúc này là thời điểm tốt nhất để hai nước tiếp tục “trở về tương lai”. Trước bước ngoặt mới, nếu trì hoãn lâu hơn nữa sẽ mất nốt cơ hội.

Nhìn lại quá khứ 

Cách đây 10 năm, trong chuyến thăm Mỹ để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (23-26/7/2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao cho Tổng thống Barack Obama những bức thư và điện của Hồ Chí Minh gửi phía Mỹ. Trong hai năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã gửi 11 bức thư và điện cho Tổng thống Harry Truman và Ngoại trưởng James Byrnes. Nếu lúc đó Washington đáp lại thiện chí của Hồ Chí Minh, chắc lịch sử đã rẽ lối khác.

Trong bài báo đăng trên Washington Post (27/7/2013), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh “Hôm nay, khi tôi tới thăm đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, chúng ta cùng chia sẻ niềm vui vì ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm trước về mối quan hệ “hợp tác đầy đủ” giữa hai dân tộc nay đã thành hiện thực”.  Lịch sử quan hệ Vit-Mỹ đầy nghịch lý. “Tuy không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể thay đổi tương lai”.

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đặt tên “Việt Nam Độc lập Đồng minh” (Việt Minh) cho mặt trận dân tộc, để cộng tác với đồng minh chống phát xít Nhật. Tháng 3/1945, Hồ Chí Minh sang Côn Minh để bắt liên lạc với Charles Fenn (GBT) và tướng Lee Chenault (Tư lệnh không đoàn 14 “Hổ bay”). Sau đó, Archimedes Parti (OSS) đã thiết lập quan hệ với Việt Minh. GBT đã cử Frank Tan và OSS đã cử Dan Phelan tới Việt Bắc.

Tháng 7/1945, OSS đã cử nhóm “Con Nai” (Deer Team) của thiếu tá Allison Thomas đến Việt Bắc để huấn luyện cho các đơn vị Việt Minh. Nhóm “Con Nai” đã huấn luyện 40 người được chọn trong số 110 quân du kích của tướng Đàm Quang Trung. Hồ Chí Minh đã đặt tên cho đơn vị đó là trung đội “Bộ đội Việt-Mỹ”, được thành lập ngày 20/8/1945, do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tham gia chiến đấu chống Nhật tại Thái Nguyên.

Mặc dù tình hình Đông Dương lúc đó và nội bộ GBT, AGAS và OSS rất phức tạp, nhưng Hồ Chí Minh tranh thủ được cảm tình và ủng hộ của Charles Fenn và Archimedes Parti. Họ là những người bạn của Việt Nam lúc cách mạng còn non trẻ. Tuy tôi không gặp được Charles Fenn như đã hứa với anh Phạm Xuân Ẩn, nhưng đã gặp Archimedes Parti tại Bangkok năm 1990 khi ông tới Hà Nội dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cụ Hồ.

Lịch sử quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm đầy bi kịch. Sau chiến tranh Việt Nam, lẽ ra hai nước đã bình thường hóa quan hệ từ 1977-1978, nhưng Việt Nam đã để tuột mất cơ hội, do nhiều yếu tố. Vì vậy, Việt Nam đã bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (1979-1989). Chuyến thăm Mỹ lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng (6-10/7/2015) là một cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước để “bỏ qua quá khứ”.

Trở về tương lai

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài chuyến thăm của các đoàn Quốc hội và đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm 50 công ty hàng đầu do USABC tổ chức, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã sang thăm Việt Nam để tăng cường hợp tác giữa hai nước. Đó là Đại diện Thương mại Catherine Tai, Giám đốc CDC Rochelle Walensky, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp Thomas Vilsack, Bộ trưởng bộ Tài chính Janet Yellen.

Về ngoại giao, sau chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken (14-16/4/2023), Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung đã sang thăm Mỹ (28/6-2/7/2023) để chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo nhằm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Đặc biệt là chuyến thăm của ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vào giữa tháng 7 để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Biden (dự kiến ngày 10/9).

Trong điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 29/3, Tổng thống Biden đã khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự chủ và thịnh vượng. Hai nhà lãnh đạo đã nhận lời mời đi thăm lẫn nhau. Khi tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 15/4, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới”.

Trong dịp đến bang New Mexico để vận động tranh cử, Tổng thống Biden đã nói ngày 8/8: “Tôi sẽ sớm đến Việt Nam, vì Việt Nam muốn thay đổi mối quan hệ với chúng ta để trở thành một đối tác chủ chốt”.  Trước đó, ngày 28/7, Tổng thống Biden cho biết “Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam rất muốn gặp tôi để thảo luận việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác lớn, ngang hàng với Nga và Trung Quốc”.

Tuy báo chí trong nước không đưa tin vì những lý do tế nhị, nhưng báo chí nước ngoài đã loan báo mặc dù Nhà Trắng chưa thông báo chính thức. Theo báo chí, Tổng thống Joe Biden sẽ đến New Delhi dự Thượng đỉnh G-20 (9-10/9), sau đó sẽ đi Việt Nam, vì vậy sẽ không đến Jakarta dự Cấp cao ASEAN. Trước đó, ông Blinken đã nói tại Hà Nội ngày 15/4 rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ được nâng cấp “trong những tuần và những tháng tới”.

Việt Nam và Mỹ đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” vì những lý do nhạy cảm. Yếu tố Trung Quốc đã giảm thiểu sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc ngày 1/11/2022. Vấn đề nhân quyền được xếp sau lợi ích chiến lược song trùng. Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh được Mỹ tích cực giải quyết. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác kinh tế và khai thác tài nguyên, bao gồm đất hiếm.

Bước ngoặt mới   

Theo Kurt Campbell, Việt Nam là “một nước bản lề quan trọng” (a critical swing state) tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì có vị trí chiến lược, vai trò địa chính trị và địa kinh tế ngày càng quan trọng, kiên quyết chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc”. Năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đề xuất nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đặt vấn đề như vậy.

Nhưng trong nội bộ Việt Nam, những người bảo thủ vẫn lo ngại Mỹ “diễn biến hòa bình” khi ủng hộ nhân quyền và dân chủ. Họ sợ nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ mở cửa cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Đây chính là những gì mà Trung Quốc muốn, nhằm gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực để độc chiếm Biển Đông và giữ Việt Nam trong vòng tay của họ. Vì vậy, nếu Việt Nam quá lo ngại bị Trung Quốc trừng phạt, sẽ rơi vào bẫy của họ.

Việt Nam muốn làm đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó có Mỹ, nhưng đến nay quan hệ với Mỹ vẫn thấp nhất so với bốn nước kia. Đó là nghịch lý. Đối tác chiến lược Việt-Mỹ phù hợp với chủ trương đối ngoại của Việt Nam là “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ”. Đối tác chiến lược với Mỹ không chỉ là tượng trưng mà còn thực chất, để Hà Nội vận dụng “ngoại giao cây tre”.

Trung Quốc đã tin tưởng hơn vào sự trung lập của Việt Nam, để cho Việt Nam có thể mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước khác, trong đó có Mỹ. Việt Nam đã duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc với nguyên tắc “bốn không”. Ngoài ra, dù lo ngại “diễn biến hòa bình” vẫn còn nhưng đã giảm thiểu sau khi lãnh đạo Mỹ cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự chủ và thịnh vượng”.

Theo Chiến lược An ninh Quốc gia mới, Chính quyền Biden “sẵn sàng cộng tác với các chế độ chuyên chế không theo thể chế dân chủ nhưng ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”. Việt Nam nằm trong số đó. Nay Mỹ tìm cách để hóa giải những khác biệt với Hà Nội để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược.

Lời kết

Đến nayquan hệ hai nước đã có những bước tiến dài. Nhưng so với các cơ hội đã bị lỡ trước đây cũng như lợi ích chiến lược song trùng hiện nay, những gì đã đạt được vẫn còn “quá ít và quá chậm”. Nếu nhìn ngược lại lịch sử thì lẽ ra Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược từ lâu. Nhưng đáng tiếc là điều đó đã không trở thành hiện thực sớm hơn.

Người Hà Nội thích nói đùa “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng giới quan sát cho rằng hiện nay hai nước đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Điều này phải được thực hiện “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”. Đối tác Chiến lược Mỹ-Việt là tín hiệu tích cực và cơ hội tốt cho Việt Nam. Nó không chỉ mở rộng và làm sâu sắc liên kết kinh tế và ngoại giao, mà còn thúc đẩy hai nước cộng tác tốt hơn về an ninh quốc phòng.

——

Tham khảo:

1.    Ho Chi Minh: A Biographical Introduction, Charles Fenn, Studio Vesta, 1973

2.    TBT Trọng đi Mỹ: Chuyến đi mở cục diện mới, Alexander Vuving, BBC, July 5, 2015

3.    Đằng sau chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng, VietNamNet phỏng vấn ông Bùi Thế Giang và Ts Hoàng Anh Tuấn, 22/7/2015

4.    Trump-Trọng Summit Remains in Limbo, Nguyen Quang Dy, YaleGlobal, January 2, 2020

5.    Vietnam’s Relations with the United States: Time For an Upgrade, Phan Xuan Dung, Fulcrum, 12 January, 2023

6.    Biden Should Invite Vietnams Party Chief for a Visit, Murray Hiebert, CSIS, March 27, 2023

7.    Vietnam Party Chief and Biden agree to boost ties in phone call, Reuters, March 30, 2023

8.    US, Vietnam pledge to boost relations during Blinken’s visit to Hanoi, Reuters, April 15, 2023

9.    US–Vietnam Relations: Ready for a Strategic Partnership Upgrade?, Nguyen Khac Giang, Fulcrum, 20 April 2023

10. Trung Quốc âm mưu gì ở Biển Đông? Tuổi Trẻ, 27/5/2023

N.Q.D.

Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn