Kêu than như vô can

Huy Đức

Hôm trước, nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trên tivi, tôi phải chạy vào coi có đúng ổng không. Từ 2008 - 2014, các bộ ngành Việt Nam đẻ thêm khoảng 7.000 giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Nhưng, theo tôi, chỉ cần Bộ Kế hoạch Đầu tư bỏ Luật Quy Hoạch và Luật Đầu Tư là đã đủ để người Việt Nam "làm như vũ bão".

Trong thời đại ngày nay, chậm đầu tư vài tuần đã là có thể mất cơ hội, thế nhưng ở Việt Nam, chỉ riêng xin chủ trương, các nhà đầu tư đã có thể đợi hàng năm.

Nhà nước làm sao nhạy bén thị trường bằng doanh nhân mà lên quy hoạch với phê duyệt đầu tư. Thay vì quy hoạch, nhà nước chỉ được đưa ra các nguyên tắc, ví dụ: Cấm làm nhà bám mặt tiền những con đường liên huyện, liên tỉnh; Cấm chuyển sang đất xây dựng ở những vùng "bờ xôi ruộng mật" nhằm đảm bảo an ninh lương thực; Cm công nghiệp gây ônhiễm ở đầu nguồn nước, gần khu dân cư...

Tách bạch đất đai thành tài sản công, tài sản tư. Đất công, thì nhà nước đấu giá [kèm theo điều kiện sử dụng đất]. Đất tư thì để doanh nghiệp tự nhận chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng xong là "đầu tư". Nhà nước không thu hồi đất và giao đất, không cấp giấy phép xây dựng, mà những công ty tư vấn thiết kế, giám sát đủ điều kiện hành nghề tự làm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư.

Giảm bớt tối đa những ngành kinh doanh có điều kiện mà nhà nước có thể quản lý bằng một số thủ tục.

Chỉ có cải cách theo hướng này thì mới có thể giải phóng môi trường đầu tư, cắt giảm biên chế, tăng lương và ngăn chặn sự nhũng nhiễu của bộ máy.

PSChỉ nửa tiếng sau khi tôi post bài này, một nhà đầu tư trong ngành hàng không gửi cho tôi ý kiến sau đây:

LUẬT ĐẦU TƯ ĐEO GÔNG CHO HÀNG KHÔNG 

Trước đây, để thành lập, xin giấy phép hàng không, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện theo một luật là Luật Hàng không, do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì và cấp giấy phép. Năm 2016 Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa giấy phép hàng không thành đối tượng của Luật Đầu tư, mặc dù hãng hàng không không sử dụng tý tài nguyên đất đai nào. 

Từ đó đến nay để thành lập hãng hàng không phải thực hiện theo 2 luật: đầu tiên theo Luật Đầu tư, rồi sau đó theo Luật Hàng không. 

Cả 2 quy trình thủ tục đều phải lên đến tận Thủ tướng để được chấp thuận chủ trương. Lần thứ nhất, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ KHĐT, rồi Bộ KHĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lần thứ hai, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ GTVT, rồi Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. 

Ở lần đầu, Bộ KHĐT lấy ý kiến của Bộ GTVT trước khi báo cáo Thủ tướng. Ở lần hai, Bộ GTVT lấy ý kiến của Bộ KHĐT trước khi báo cáo Thủ tướng. 

Ở Việt Nam, 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet chỉ có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vì khi họ thành lập thì Luật Đầu tư chưa "quản" việc cấp phép hãng hàng không. Hai hãng sinh sau đẻ muộn là Bamboo Airways, Vietravel Airlines có "những" 2 giấy phép: giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp (giống 3 hãng kia), cộng giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KHĐT cấp. 

Mặc dù có nhiều hơn các hãng cũ một giấy phép cho Bộ KHĐT cấp, nhưng giấy phép này không tạo lợi ích gì cho các chủ nhân của giấy phép, mà về bản chất là họ bị một vòng kim cô quàng lên đầu. 

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vô thời hạn, còn giấy chứng nhận đầu tư phải có thời hạn theo dự án đầu tư xin phép (30 năm, 50 năm), làm cho các hãng có giấy phép này bị "mất giá" so với các hãng không có nó. 

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không không giới hạn số lượng máy bay, còn giấy chứng nhận đầu tư giới hạn số lượng máy bay, hãng sử dụng hết quota lại phải xin giấy chứng nhận đầu tư mới rồi mới được tăng máy bay. 

Luật Đầu tư làm khổ các hãng thành lập sau rất nhiều so với các hãng thành lập trước ngày Luật Đầu tư "ôm" cấp phép hãng hàng không. 

Câu hỏi là 3 hãng hàng không không có giấy chứng nhận đầu tư vẫn hoạt động bình thường, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vậy Luật Đầu tư "quản" cấp phép thành lập hãng hàng không để làm gì???

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn