Lại thư của nông dân: Bị thu hồi đất, chúng tôi không phải chỉ mất đất mà còn mất cả tài sản, nhà cửa, nghề nghiệp và những giá trị tinh thần thiêng liêng tốt đẹp trong xóm ấp nơi sinh sống

Kính gởi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Bình Dương, ngày 5 tháng 8 năm 2010

Thưa Giáo sư,

Chúng tôi chân thành cảm ơn Giáo sư đã cho đăng bài “Tấn bi hài kịch tiếp dân…” lên trang mạng Bauxite Việt Nam. Vậy là chúng tôi đã được nói, nói trực tiếp; thay vì trước đây họa hoằn lắm mới thấy có bài báo do người khác nói về chuyện liên quan chút đỉnh tới mình. Mừng quá, chúng tôi đã giành nhau mà đọc.

Hôm nay xin gởi tiếp đến trang mạng một bài, cũng là những suy nghĩ kiểu nông dân về những vấn đề thiết thân với mình.

Chúng tôi hy vọng bài sẽ được đăng, như là những tiếng nói của nông dân góp phần lạm bàn cùng với trí thức.

Xin cảm ơn và chúc giáo sư luôn khỏe mạnh.

Kính,

NÔNG DÂN BÌNH DƯƠNG

BVN xin trích ra đây một đoạn, chưa phải là đoạn xúc động nhất nhưng dồn nén trong đó hai câu hỏi bức bối nhất của người nông dân đối với chính sách trái khoáy của Nhà nước ta hiện nay trong việc thu hồi vô tội vạ đất đai của dân, gây nên vô số tấn thảm kịch mà lá thư chỉ mới nói được một phần:

“Thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, quy hoạch xây dựng các thành phố mới hiện đại bằng cách giải tỏa tràn lan, giải tỏa bừa bãi, giải tỏa vô tội vạ… xâm phạm các quyền tự do cơ bản của người dân, đẩy người dân vào cảnh bần cùng, mất cả nhà cửa, ruộng vườn, mất hết công ăn việc làm, cuộc sống khó khăn, làng mạc cũng không còn, người bị hại phải phẫn uất với chế độ … Đó phải chăng là giải pháp phát triển bền vững? Người dân không đồng tình, khiếu kiện, kêu cứu… Chính quyền đã thấy sai, nhưng vẫn phải làm “vì lợi ích của đất nước” (hay của cá nhân và bè phái mình?), tiếp tục dùng vũ lực trấn áp để giải quyết các trở lực, đối xử với người dân như đối với kẻ thù. Đó là giải pháp phát triển bền vững?

Xâm phạm quyền sở hữu đất đai nhà cửa ruộng vườn, quyền cư trú ổn định và quyền lao động để kiếm sống của người dân là gây xáo trộn và phá nát nền móng của cả một cái xã hội vốn hơn 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Nhà nước không thể tiếp tục việc lấy đất của nhân dân một cách tùy tiện (cấp nào cũng được quyền lấy, lấy như thế nào cũng được, lấy lúc nào cũng được …) nếu không muốn trở thành một chính quyền đối đầu với nhân dân”.

Bauxite Việt Nam

1 - Là người Việt Nam, ai cũng biết, đối với gia đình nông dân, đất đai là tài sản chính. Với nông dân nghèo, đất là tài sản duy nhất của gia đình họ. Và gần như ở hầu hết các hộ nông dân, tài sản này không phải được tạo lập bởi thế hệ hiện tại (tự mua sắm, khai phá, chuyển nhượng). Đa số đất đai là do tổ tiên, ông bà tích lũy từ nhiều đời để lại cho con cháu. Đây là tài sản quý giá mà người nông dân được thừa hưởng từ mồ hôi, nước mắt, kể cả xương máu của ông cha họ. Nên dù ít dù nhiều, họ luôn chăm chút, giữ gìn. Nghèo đói, đau bệnh thập tử nhất sinh không có tiền chữa chạy cũng không bán đất. Phải hết sức nâng niu cất giữ mảnh đất hương hỏa ấy, có điều kiện thì bồi bổ thêm để lại cho con cháu. Như thế mới là người sống có hiếu nghĩa với tiền nhân.

Đất đai của mỗi gia đình còn là nơi khắc ghi những kỷ niệm, truyền thống của một gia tộc. Cái cây này có từ đời Ông Cố; cái giếng này do Ông Nội tôi đào; đây là phần mộ của Ông Sơ…; đây là nơi tôi được sinh ra; đây là cây cột cha tôi lấy từ rừng mang về làm nhà khi tôi lên tám.. Chỗ này, xưa Cha tôi cấy lúa; đám ruộng kia trước là một hố bom, cả nhà phải xới lên thu lượm từng miểng đạn và lấp lại; ao cá này có từ thời Bác hai tôi mới đẻ…

Vì vậy, ai xâm phạm vào đất đai là đụng vào những giá trị tinh thần thiêng liêng của dòng tộc. Người nông dân phản ứng quyết liệt đối với những kẻ xâm phạm đất đai của gia đình họ.Bao nhiêu cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, nông dân tòng quân để bảo vệ đất nước, cũng chính là để bảo vệ đất đai, tài sản của gia đình. Trong suốt thời kỳ chiến tranh vừa qua, chẳng phải khẩu hiệu “bám đất, giữ làng” đã được nhắc nhở thường xuyên hay sao?

Vậy mà giờ đây, khi chiến tranh kết thúc, chính quyền lại đi “thu hồi” hết đất của nông dân, trong đó có cả những người ngày xưa đã từng đào hầm để che giấu và lén lút mang từng hạt gạo để nuôi những người kháng chiến. Không phải chỉ lấy đất canh tác, mà nhà cửa làng mạc cũng bị phá nát, mồ mã ông cha cũng bị đào bới mang đi. Người nông dân “bị thu hồi đất” đồng thời bị mất đi toàn bộ di sản tinh thần quý giá của gia đình. Họ sẽ suy nghĩ gì về chính quyền này? Tâm tư, tình cảm của họ sẽ ra sao, có khi nào những người ra lệnh lấy đất của nông dân nghĩ đến hay không?

2 - Với nông dân nghèo, đất là tài sản duy nhất của gia đình họ. Mất đất là mất tất cả. Cho dù có nhà cũng có truyền hình, xe máy, tủ bàn… nhưng đáng giá gì đâu so với đất. Vài sào đất, mấy công ruộng mới là cái thứ mà khi mất đi, không bao giờ họ tạo lập lại được. Với lại, khi không còn đất thì hằng loạt những dụng cụ hằng ngày của họ cũng trở thành vô dụng. Cái cày, con trâu, chiếc xe bò, sàn nia, cuốc xuổng, máy cày, máy bơm, máy xới… để làm gì khi không có đất. Đó là những thứ mà người nông dân phải tích góp, mua sắm trong cả đời để phục vụ cuộc sống cho cả gia đình. Bị lấy hết đất, bỗng chốc toàn bộ những của này trở thành của nợ; đau nhất là đối với những người phải di dời vào những căn nhà nhỏ hẹp trong khu tái định cư.

Mặc dù Luật đất đai quy định “khi thu hồi đất, Nhà nước bồi thường sát giá thị trường” là để người nông dân có thể mua lại được quỹ đất tương đương với số đất mình bị lấy; nhưng đã có nơi nào bồi thường đúng giá, và mấy người có thể dùng tiền bồi thường mua lại được đất. Vài ba chục phần trăm, thậm chí hai ba phần trăm giá trị thực tế đã được chính quyền coi là thỏa đáng. Còn trâu bò, cày cuốc… có ai đền cho đâu! Vậy là cái tài sản duy nhất của gia đình, cái của cải tích lũy từ nhiều đời mới có, tự dưng bị mất hết, hoặc gần hết. Vĩnh viễn không bao giờ người nông dân tìm thấy lại được tài sản này nữa.

Có những gia đình, lẽ ra con cháu họ, khi lớn lên, lập gia đình, mỗi người có chỗ cất một căn nhà để ở trên đất của Ông Bà để lại. Khi bị thu hồi đất, tiền bồi thường một hecta không đủ mua lại nửa cái nền nhà ngay trên diện tích đất của mình vừa bị thu hồi; vậy là phải lang thang đi ở trọ trong nhũng “căn nhà” chỉ rộng bằng cái chuồng gà!

Họ phải cam chịu đứng nhìn đất đai bị cướp hết, nếu không muốn trở thành kẻ tù tội vì “chống người thi hành công vụ”, hoặc trở thành “gia đình chống lại chủ trương chính sách của nhà nước”.

Tâm trạng của họ sẽ như thế nào, khi đứng nhìn chính đất đai của họ được cắt ra từng mãnh, bán lại với giá cao gấp trăm lần, thậm chí gấp nghìn lần cái giá họ được bồi thường? Chỉ cách nhau một con đường chưa đầy năm mét bề ngang, đất bên kia đường nằm ngoài khu quy hoạch. Chủ đất phân lô, bán nền; chỉ cần bán vài trăm thước vuông là có tiền mua xe hơi, xây nhà lầu. Còn tiền bồi thường của người có đất bị quy hoạch, dè sẻn lắm, một hecta chỉ ăn được vài năm là hết. Người dân “bị thu hồi đất” sẽ nghĩ gì khi đi ngang qua những khu rừng cao su bạt ngàn, rộng đến vài trăm mẫu, của những quan chức Nhà nước? Chính pháp luật cũng phải thừa nhận quyền sử dụng đất là một thứ tài sản của người dân, được quyền cầm thế, chuyển nhượng, thừa kế. Quyền “sở hữu quyền sử dụng đất” đã không được Nhà nước bảo hộ và tôn trọng, trái lại, Nhà nước đã tước đoạt một cách trắng trơn khi quyết định thu hồi đất mà không bồi thường thỏa đáng cho nông dân.

3 - Con nhà nông, từ lúc chưa mười tuổi đã theo cha mẹ ra đồng.Tới khi đi học, thì cũng một buổi ở trường, một buổi ngoài đồng. Học được ba chữ, nghỉ ở nhà làm nông phụ cha mẹ. Cả đời, người nông dân sống với ruộng đồng. Có người già bảy tám mươi tuổi vẫn làm việc trên đồng ruộng. Ông ngoại tôi trước khi chết, bị tai biến không còn làm việc được, nhưng ngày ngày vẫn cố chống gậy ra ngồi trên bờ ruộng, nhìn mông mênh rồi khóc vì không còn sức để cầm cuốc cầm cày. Trồng trọt, cấy hái, chăn nuôi gia súc… là công việc chính của nhà nông. Nghề nghiệp của họ gắn liền với đất đai. Khi “bị thu hồi đất”, người nông dân đồng thời cũng bị tước bỏ nghề nghiệp của mình. Luật đất đai coi đất đai là sở hữu toàn dân và giành cho Nhà nước cái quyền thu hồi đất bất cứ lúc nào, đã là bất hợp lý. Còn cái quyền tự do nghề nghiệp của người dân, nhất là cái nghề truyền thống của nông dân có từ nhiều đời nay, luật nào cho phép Nhà nước “thu hồi”. Không thu hồi, không cấm, nhưng lấy hết đất thì có khác gì không cho nông dân được tiếp tục hành nghề để nuôi sống gia đình? Mỗi năm có hằng triệu lao động nông nghiệp trở thành thất nghiệp vì “bị thu hồi đất”; Ai chịu trách nhiệm về việc đó? Trên thực tế, những chữ “cố gắng đào tạo, giải quyết việc làm”, “hỗ trợ, chuyển nghề cho người bị thu hồi đất…” vẫn còn nằm nguyên vẹn trên các văn bản của Nhà nước. Theo quy định, khi “bị thu hồi đất”, mỗi người trong độ tuổi lao động được hỗ trợ một triệu đồng tiền chuyển đổi nghề nghiệp. Đưa cho người “bị thu hồi đất” một triệu đồng, chính quyền đã làm xong trách nhiệm của họ rồi đó. Còn tiếp theo thì sống chết mặc bay… Mà người nông dân không có đất sẽ chết thật, như con cá bị bắt ra khỏi nước. Cả đời làm nghề nông, nay với hai bàn tay không, biết phải làm gì để sống!

Quyền tự do nghề nghiệp, tự do lao động của người nông dân “bị thu hồi đất”, như vậy là có bị xâm phạm hay không? Đây là nhân quyền hay dân quyền? Có phải chính sách thu hồi đất của chính quyền hiện nay, đã và đang xâm phạm cái quyền tư hữu và quyền tự do nghề nghiệp của mấy mươi triệu nông dân Việt Nam?

4 - Ngày xưa, thực dân Pháp thực hiện biện pháp chỉ định nơi cư trú đối với những nhà cách mạng mà họ cho là nếu để những người nàầy được tự do cư trú sẽ có hại cho họ. Ngày nay, hàng triệu người dân, đang có chỗ ở hợp pháp bỗng dưng bị buộc phải tháo giỡ nhà cửa và bị chỉ định phải vào cư trú trong các khu tái định cư. Sự bắt buộc này, nhiều lúc được ban hành ngay, trong khi các khu tái định cư đó chưa được xác định là sẽ xây dựng tại chỗ nào và khi nào mới xây! Người Việt Nam có câu: “hai lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”, có an cư thì mới lạc nghiệp. Thế mà có những xóm làng, người dân đã ở yên từ mấy trăm năm nay, đột nhiên chính quyền ra lệnh di dời, giải tỏa để làm khu tái định cư! Có quái đản không, khi mà nhà người ta đang ở, phải tháo giỡ, di dời đi để chính quyền san nền, phân lô, cấp cho người khác đến để xây nhà ở? Còn người bị thu hồi đất thì đi đâu chưa biết. Đây là một sự thật 100% đã diễn ra vào những năm 2003-2005 tại ấp Vĩnh Trường, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đến hôm nay vẫn còn đầy đủ vết tích và nhân chứng.

Nhưng quan trọng nhất là khi giải tỏa nhà để thu hồi đất, chính quyền đã xâm phạm vào quyền tự do cư trú của người dân, xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của mỗi hộ gia đình bị giải tỏa; gây ra vô vàn khó khăn trong cuộc sống ổn định của người dân. Có nhiều nơi, cách tiến hành còn mang tính tàn bạo như bọn giết người, cướp của thời Trung cổ.

5 - Tuy nhiên vấn đề thu hồi đất, nhất là tại các khu dân cư hiện hữu, đã kéo theo một hệ quả nguy hại nhất mà ít người đề cập đến là nó đã phá vỡ mối quan hệ gắn bó của một cộng đồng dân cư trong xóm ấp và trong mỗi gia tộc.

Ở mỗi cộng đồng dân cư ổn định tại thôn quê đã hình thành một khối tình cảm, một sự gắn kết lâu đời rất quan trọng. Nhiều nơi, nhà cửa trong xóm làng không cần rào, khóa; nhưng không một kẻ lạ nào xâm nhập vào xóm để trộm cắp mà qua khỏi sự quan sát, theo dõi phát hiện của người dân. Chính mối quan hệ đoàn kết gắn bó này là sức mạnh đảm bảo an ninh thôn xóm. Và cũng chính từ những tình cảm này mà tình yêu quê hương, yêu đồng bào, Tổ quốc phát sinh và trưởng thành trong tâm hồn của từng người dân Việt.

Việc giải tỏa các khu dân cư hiện hữu, xé lẻ từng hộ dân, đưa họ vào các khu định cư khác nhau, cắt rời họ ra khỏi những cảnh quan đã từng gắn bó họ với hồn quê thiêng liêng đã được hun đúc suốt cả mấy đời người… là đẩy con người vào tình cảnh bơ vơ, cô đơn của những kẻ lạc loài vì bị đánh mất quê hương. Phải chăng khi nhiều cộng đồng dân cư lâm vào tình trạng như vậy thì sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc cũng bị sút giảm? Và đó là một nguy cơ của đất nước trước họa ngoại xâm?

Nhiều nơi tổ chức bồi thường giải tỏa thu hồi đất còn dùng thủ đoạn chia rẽ các thành viên trong mỗi hộ gia đình, để họ tranh chấp nhau và phải lấy tiền bồi thường chia cho nhau mỗi người một ít. Việc tranh chấp đất đai, thưa kiện, đánh nhau, chém giết nhau trong gia đình đã diễn ra kháp nơi; có trách nhiệm của chính quyền hay không?

Thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, quy hoạch xây dựng các thành phố mới hiện đại bằng cách giải tỏa tràn lan, giải tỏa bừa bãi, giải tỏa vô tội vạ… xâm phạm các quyền tự do cơ bản của người dân, đẩy người dân vào cảnh bần cùng, mất cả nhà cửa, ruộng vườn, mất hết công ăn việc làm, cuộc sống khó khăn, làng mạc cũng không còn, người bị hại phải phẫn uất với chế độ … Đó phải chăng là giải pháp phát triển bền vững? Người dân không đồng tình, khiếu kiện, kêu cứu… Chính quyền đã thấy sai, nhưng vẫn phải làm “vì lợi ích của đất nước” (hay của cá nhân và bè phái mình?), tiếp tục dùng vũ lực trấn áp để giải quyết các trở lực, đối xử với người dân như đối với kẻ thù. Đó là giải pháp phát triển bền vững?

Xâm phạm quyền sở hữu đất đai nhà cửa ruộng vườn, quyền cư trú ổn định và quyền lao động để kiếm sống của người dân là gây xáo trộn và phá nát nền móng của cả một cái xã hội vốn hơn 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Nhà nước không thể tiếp tục việc lấy đất của nhân dân một cách tùy tiện (cấp nào cũng được quyền lấy, lấy như thế nào cũng được, lấy lúc nào cũng được …) nếu không muốn trở thành một chính quyền đối đầu với nhân dân. Nhà nước phải giải quyết ngay hậu quả của những việc lấy đất trái pháp luật đã xảy ra trong mấy năm vừa qua, nếu không muốn nông dân trên cả nước trở thành một lực lượng chống lại chế độ này. Tham nhũng đất đai là tham nhũng xương máu của nhân dân. Vì mục đích tham nhũng mà nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp pháp luật, dẵm bừa lên quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân, xâm phạm cả quyền sống và tính mạng của người dân, làm sao nhân dân có thể chấp nhận được.

Lòng dân đang muốn nhìn thấy những kẻ tham nhũng đất đai của dân phải bị trừng trị, đất của dân phải trả lại cho dân. “Nhà nước của dân vì dân” có chịu hiểu và làm như thế hay không? Chắc là “Nhà nước của dân vì dân” còn phải chờ xem ý Đảng như thế nào cái đã!

Nông dân Bình Dương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn