Xem lại cơ sở tính toán lãi dự án khai thác bô-xít

TS Nguyễn Thành Sơn

clip_image001

 

Công nhân công trường alumin Tân Rai tháng 10-2010 . Ảnh: Lữ Khách

 

TP - Từ những thông tin về cách tính giá thành, giá bán sản phẩm của chính những người có trách nhiệm của Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đưa ra, Tiến sỹ khoa học kỹ thuật mỏ Nguyễn Thành Sơn có bài viết riêng gửi Tiền Phong.

Bấp bênh giá thành

Năm 2009, theo số liệu của TKV, giá thành 1 tấn alumin (ôxýt nhôm) của dự án Tân Rai là 223 USD, và của dự án Nhân Cơ là 241 USD. Khi đó, Trưởng ban bô-xít của TKV Nguyễn Thanh Liêm cam đoan tại một hội thảo ở trụ sở Hiệp hội các Tổ chức khoa học kỹ thuật (VUSTA) là những con số trên đã được TKV tính toán chính xác, nếu cần TKV sẽ cung cấp số liệu và các cơ sở tính toán để chứng minh...

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến ngày 28-10 trên VnExpress, ông Liêm đại diện cho phía chủ đầu tư (TKV) cùng đại diện của cơ quan thẩm định (Bộ Công Thương) đưa ra 2 con số hoàn toàn khác: giá thành alumin của dự án Tân Rai là 265 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 287 USD/tấn. Chỉ mới sau 1 năm, giá thành alumin đã tăng tương ứng 42 và 46 USD/tấn ở cả hai dự án (một dự án gần xong - Tân Rai và một dự án còn trên giấy - Nhân Cơ).

Như vậy, mặc dù tổng chi phí đầu tư của dự án không thay đổi, và sau một khoảng thời gian ngắn (1 năm, so với đời dự án 50 năm), giá thành alumin của TKV đã tăng lên đáng kể (17-19%).

Điều này cho thấy ba vấn đề về đầu vào là: (i) số liệu của TKV về chi phí (đầu vào) để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án là không đáng tin cậy; (ii) cả hai dự án alumin của TKV đều có độ nhạy rất cao về hiệu quả kinh tế do các chi phí đầu vào có sự thay đổi rất lớn; và (iii) chi phí đầu vào của dự án thay đổi theo chiều hướng nghiêng về phía giảm hiệu quả kinh tế.

Nói một cách khác, qua số liệu đầu vào (chi phí) của chính chủ đầu tư đưa ra, ta thấy cần phải xem xét kỹ rủi ro về kinh tế của dự án.
Rủi ro giá bán

Cũng cách đây 1 năm, TKV dự kiến giá bán alumin của dự án Tân Rai là 362 USD/tấn, giá bán alumin của dự án Nhân Cơ là 310 USD/tấn. Hiện nay (sau khi bỏ ra 150 triệu VNĐ để mua thông tin như đương kim trưởng ban bô-xít của TKV khẳng định), TKV đưa ra giá bán alumin của dự án Tân Rai là 315 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 330 USD/tấn. Các số liệu này chắc cũng đã được Bộ Công Thương thẩm tra cẩn thận.

Xin nhắc lại rằng, trưởng ban bô-xít của TKV đã cam kết là số liệu này được TKV đưa ra sau khi bỏ hàng trăm triệu đồng để mua thông tin và có tham khảo đủ các tài liệu trên thế giới.

Nhưng qua các số liệu trên về giá bán (đầu ra) do TKV và Bộ Công Thương đưa ra, ta thấy rất rõ ba điều vô lý: (i) với cùng một sản phẩm là alumin được làm ra với cùng một công nghệ, chất lượng sản phẩm như nhau, do cùng một nhà thầu cam kết, tại cùng một thời điểm nhưng lại có giá bán rất khác nhau (chênh nhau từ 15 đến 52 USD/tấn); (ii) với cùng một thời gian dự báo, giá bán của dự án Tân Rai thì giảm 52 USD/tấn, còn giá bán của dự án Nhân Cơ lại tăng 20 USD/tấn (tức là chênh lệch tới 72 USD); và (iii) TKV đã cố điều chỉnh (chỗ thì tăng, chỗ thì giảm) số liệu đầu ra để cho cả hai dự án đều khả thi giống nhau về kinh tế.

Ngoài ra, như chúng ta đều biết, trên thị trường thế giới, tới 90-95% sản phẩm alumin được trao đổi (mua bán) thông qua các hợp đồng dài hạn với giá mua/bán được xác định dựa trên cơ sở của giá nhôm kim loại trên thị trường giao dịch kim loại Luân Đôn (LME).

Dự kiến, chỉ vài tháng nữa là dự án Tân Rai có sản phẩm để bán, nhưng cho đến nay, tối thiểu là đến cuối tháng 10, TKV vẫn chưa có hợp đồng bán alumin dài hạn được ký kết để có thể tự tin đưa ra số liệu về giá bán có lãi của mình.
Cung vượt cầu

Nhìn xuyên suốt lịch sử phát triển của ngành công nghiệp nhôm, chúng ta nhận rõ một điều là giá alumin luôn phụ thuộc vào giá nhôm. Nhưng so với nhôm, giá alumin giảm nhanh hơn rất nhiều. Nếu cách đây khoảng 30 năm, trong các sách giáo khoa về luyện kim nhôm ghi nhận giá alumin được xác định tới 42% giá nhôm, thì vào các năm đầu của thế kỷ 21, giá alumin giảm xuống còn khoảng 20-25% giá nhôm. Hiện nay, giá alumin thường được xác định ở mức 12-13% giá nhôm.

Đây là xu thế tất yếu bởi hai lý do: Trước hết, alumin chỉ được coi là một nguyên liệu, vì vậy, cũng như bất kỳ nguyên liệu khoáng sản nào khác, giá bán của nó phải chịu sự điều khiển của các nhà tư bản sản xuất nhôm theo hướng có lợi cho những nước có nền công nghiệp luyện nhôm phát triển và có hại cho những nước cung cấp nguyên liệu khoáng sản.

Lý do thứ hai, có thể hiểu là trong cơ cấu các chi phí để làm ra nhôm, chi phí năng lượng tăng lên đáng kể qua các thời kỳ khủng hoảng, chi phí bảo vệ môi trường đã tăng lên trong thời gian gần đây và chi phí chất xám trong giá bán của nhôm tăng mạnh đã cùng ép chi phí về alumin (nguyên liệu chính) trong giá thành của nhôm ngày càng giảm.

So với các số liệu đầu vào và đầu ra của dự án alumin của TKV, thị trường (hay mối quan hệ cung-cầu về sản phẩm) alumin của thế giới còn co giãn hơn nhiều.

Theo dự báo của Ralston Johnson chuyên gia tư vấn của Brook Hunt, năm 2011, tức là khi TKV dự kiến cho ra lò mẻ alumin đầu tiên, trên thị trường alumin thế giới cung sẽ lớn hơn cầu từ 1-1,5 triệu tấn và giá alumin bình quân dự báo khoảng 270 USD/tấn trong năm 2011.

Johnson dự đoán: “Sự dư thừa lớn đến mức những người mua có thể tin tưởng rằng họ sẽ có được alumin bất cứ lúc nào”.

Một chuyên gia thị trường khác là Nikhil Shah của tập đoàn CRU tin rằng, giá alumin sẽ không thấp hơn 250-260 USD/tấn. Trên thế giới, người ta thường có những đánh giá hay dự báo tương đồng và sát thị trường. Như vậy, sẽ không có cái giá mà TKV hy vọng.

Quan hệ cung - cầu về alumin trên thế giới phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng đáng kể nhất là phụ thuộc vào nhu cầu alumin của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà sản xuất nhôm lớn của thế giới. Nhu cầu nhôm cho ngành chế tạo xe hơi và cho ngành xây dựng của Trung Quốc rất lớn.

Các nhà cung cấp alumin lớn của phương Tây cũng phải nể mặt Trung Quốc - vừa là thị trường tiêu thụ lớn, vừa là nguồn cung cấp chủ yếu cả alumin và nhôm, và lúc nào cũng có thể có ảnh hưởng quyết định đến giá của cả hai loại sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Một nhà tư vấn độc lập khác là Djeim King tin rằng, nếu Trung Quốc không nhanh chóng giảm sản lượng (cung) alumin xuống, thì giá alumin trong thời gian tới có thể sẽ còn xuống thấp hơn 180 USD/tấn - mức giá alumina thời kỳ khủng hoảng trong tháng 3 vừa qua, thậm chí còn có thể xuống tới 130 USD/tấn.

Ông King nhận xét: “Các nhà sản xuất (alumin) của Trung Quốc phản ứng nhanh hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất phương Tây. Hành động của họ đã làm cho thị trường bình lặng. Có khả năng, nhờ vậy giá đang ở mức hiện hành” (giá bán alumin hiện nay khoảng 210 USD/tấn).

Tính từ nay đến năm 2013, thị trường thế giới sẽ có thêm 16 triệu tấn alumin, chủ yếu từ Trung Quốc, Úc, Ấn Độ và Brazil. Alumin của TKV sẽ chỉ làm tăng thêm khả năng dư thừa sản phẩm trong khu vực, và càng chẳng hy vọng gì có được giá bán cao như dự kiến.

Trong khi xác nhận giá alumin năm nay (2010) là 210 USD/tấn, không có bình luận gì và căn cứ gì, nhưng cả TKV lẫn Bộ Công Thương đều nhất trí cao ở chỗ tăng giá bán alumin năm 2011 lên tới 315 và 330 USD/tấn. Đi xa hơn nữa, không cần quan tâm đến quan hệ cung-cầu, TKV đã dự báo luôn cả giá bán của alumin ngày càng tăng.

Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết, lựa chọn công nghệ hiện đại; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường.

Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện.

Quá trình triển khai 2 dự án này cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác. Trên cơ sở kết quả của 2 dự án, tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Trích kết luận của Bộ Chính trị về bô-xít Tây Nguyên, 4-2009

N. T. S.

Nguồn: Tienphong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn