Hoạt động của tàu Bắc Điều 996: Lựa chọn cho Việt Nam

Phạm Thanh Vân và nhóm thực địa | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

June 30, 2025 

Bắc Điều 996 vẫn đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa mở rộng của Việt Nam theo mô hình mạng lưới dày đặc. Ảnh: Hoàng Việt Hải/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Tóm tắt

Bài viết là một nỗ lực để giải quyết câu hỏi về nghĩa vụ và quyền lợi của Việt Nam, nghĩa vụ và quyền lợi của tàu nghiên cứu/khảo sát Bắc Điều 996 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và khi nào Việt Nam có thể phản ứng với hoạt động của Bắc Điều 996 phù hợp với luật quốc tế. 

Theo UNCLOS, các tàu thuyền có quyền tự do hải hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Quốc gia ven biển. Đây là nút thắt của vấn đề khi nào Việt Nam có thể phản ứng với hoạt động của tàu Trung Quốc. Trong khía cạnh tự do hải hành, tồn tại những tranh luận học thuật và thực tiễn thực hành quốc gia khác nhau về việc khảo sát thuỷ văn dân sự, với sự tiến hoá của công nghệ, liệu có còn gói gọn trong phạm vi phục vụ an toàn hàng hải. Như trong phần trước đã đề cập, trong quá trình xây dựng UNCLOS, khảo sát thuỷ văn là khái niệm tách biệt với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo thời gian, sự tiến hoá công nghệ đã khiến cho hai hoạt động có những tương đồng về mặt kỹ thuật trên thực tế, và dữ liệu khảo sát thuỷ văn đã không chỉ có ý nghĩa phục vụ an toàn hàng hải mà có tiềm năng kinh tế. 

Để đảm bảo tính đầy đủ của vấn đề được xem xét, bài viết bởi vậy thảo luận cả về khảo sát thuỷ văn, một khía cạnh mà ngày càng nhiều nước có thiên hướng muốn quản lý theo quy chế xin phép hoặc thông báo như hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng chưa được luật hoá một cách rõ ràng và tạo vùng xám trong lập luận về hoạt động của tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lưu ý rằng trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các hoạt động dân sự, không bao hàm khảo sát quân sự.

Trong phần này, chúng tôi lập luận rằng khi chuyển động của tàu Bắc Điều 996 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không theo đường thẳng mà thay vào đó theo các mô hình có hệ thống do thiết bị điều khiển – đặc trưng bởi tốc độ chậm, đường đi song song hoặc dạng lưới, đi qua nhiều lần và dừng tại một vị trí không thường xuyên – những chuyển động bất thường này có thể tương đương với nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS. Việt Nam bởi vậy có căn cứ pháp lý để yêu cầu tàu Bắc Điều 996 cung cấp thông tin về bản chất hoạt động bất thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việc yêu cầu cung cấp thông tin không nhất thiết phải cứng nhắc với mọi quốc gia mà tùy từng trường hợp và diễn biến trên thực địa. Trong trường hợp Trung Quốc, một quốc gia tuyên bố có quyền tài phán chồng lấn với một phần lớn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và có những dữ liệu cho thấy không tự do hải hành theo logic thông thường, việc yêu cầu tàu cung cấp thông tin là chính đáng. Bên cạnh đó, bài viết thảo luận những hậu quả nếu Việt Nam không thể ngăn chặn hoạt động của tàu Trung Quốc, và đề xuất các cách tiếp cận có tính thực tế.

Tải bản PDF toàn văn hai phần bài viết ở đây

Các trích dẫn cho bài viết được ghi trong bản PDF.

1- Lựa chọn pháp lý cho Việt Nam 

Quy định của Việt Nam về nghiên cứu khoa học biển và khảo sát thủy văn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 

Điều 24(1g) trong Luật Biển Việt Nam đề cập hai khái niệm “nghiên cứu khoa học biển” và “khảo sát thuỷ văn” một cách riêng biệt, cho thấy Việt Nam phân biệt hai khái niệm này. Luật Biển Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan thiết lập một khung pháp lý chi tiết điều chỉnh hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bám sát các điều khoản của UNCLOS. Tuy nhiên, cũng tương tự UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam không có các quy định về hoạt động khảo sát thuỷ văn của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế. Mặc dù vậy, Việt Nam có những điều khoản pháp lý khác liên quan đến kinh tế, an ninh mà Việt Nam có thể căn cứ để đặt vấn đề đối với những hoạt động khảo sát/nghiên cứu dân sự của nước ngoài. Sự tiến hoá và hội tụ công nghệ khiến dữ liệu khảo sát thuỷ văn có tiềm năng kinh tế và khó phân biệt với nghiên cứu khoa học cho phép các quốc gia ven biển có căn cứ để ít nhất yêu cầu quốc gia nước ngoài cung cấp thông tin về bản chất hoạt động họ đang tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hoạt động mơ hồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam: Trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp thuộc về Trung Quốc

Có thể nhận định một cách hợp lý rằng các tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc hoàn toàn không xin phép Việt Nam trước khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bởi theo lập trường của Trung Quốc, đó là những vùng biển thuộc quyền tài phán của họ trong khuôn khổ yêu sách đường lưỡi bò. Bởi vậy, Việt Nam có thể không được phía Trung Quốc cung cấp thông tin về các hoạt động của họ trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của Việt Nam.  Việc xác định hoạt động của tàu nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam là tự do hải hành hay nghiên cứu/khảo sát sẽ cần có thời gian và phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tàu trực tiếp – một khả năng có thể thấy rõ ràng là khó khăn đối với tàu Trung Quốc. Dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều công cụ pháp lý theo luật quốc tế và luật quốc nội, kết hợp với các công cụ nhận thức miền hàng hải để khẳng định và bảo vệ các quyền lợi của mình.

Giám sát trên biển và từ xa

Hệ thống radar bờ, vệ tinh viễn thám, tàu tuần tra ven biển và máy bay tuần thám có thể ghi nhận hành vi tàu chuyển động trong một khu vực nhất định thay vì đi theo đường thẳng, để có cơ sở nghi vấn tàu đang tiến hành hoạt động thay vì chỉ tự do hải hành.

Hệ thống nhận dạng tự động trong thời gian thực có thể cung cấp các thông số kỹ thuật liên quan đến hoạt động của tàu, bao gồm tốc độ, mô hình di chuyển. Những thông số này cho phép suy luận một cách hợp lý khả năng tàu đang thực hiện hoạt động nghiên cứu/khảo sát chứ không phải chỉ đi qua vô hại thuần tuý. 

Hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao hoặc SAR có thể phát hiện việc triển khai trang thiết bị cho các hoạt động nghiên cứu/khảo sát.

Cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu thông tin

Khi chuyển động của tàu Bắc Điều 996 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không theo đường thẳng mà thay vào đó theo các mô hình có hệ thống do thiết bị điều khiển – đặc trưng bởi tốc độ chậm, đường đi song song hoặc dạng lưới, đi qua nhiều lần và dừng tại một vị trí không thường xuyên – những chuyển động bất thường này có thể tương đương với nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS. 

Sơ đồ hoạt động của tàu Bắc Điều 996 đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa mở rộng của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Việt Hải/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Sau khi đã có những dữ liệu giám sát cho phép nghi ngờ hợp lý tàu đang tiến hành hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam, cùng với thông tin về những thiết bị hiện đại được trang bị trên tàu Bắc Điều 996 cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động có tiềm năng phục vụ mục đích kinh tế, Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin dựa trên nguyên tắc Việt Nam có quyền tài phán đối với những hoạt động như vậy. Theo Điều 58(3) của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ phải “tôn trọng thích đáng quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển,” ngụ ý họ có nghĩa vụ xem xét lợi ích chính đáng của quốc gia ven biển và tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin về các hoạt động bất thường. Việt Nam cũng có thể viện dẫn điều 300 của UNCLOS, trong đó quy định các quốc gia thành viên phải thực hiện các quyền và tự do hải hành một cách thiện chí và theo cách không được coi là lạm dụng quyền. 

Thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin các biện pháp thực thi quyền tài phán

Bắc Điều 996 là tàu dân sự thuộc quản lý của chính phủ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam bởi vậy có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp chi tiết về mục tiêu nhiệm vụ, thiết bị và kế hoạch hoạt động của Bắc Điều 996 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phù hợp với các điều khoản của UNCLOS. 

Việt Nam cũng có các biện pháp như thực thi quyền lên tàu và kiểm tra tàu, yêu cầu tàu tạm dừng mọi hoạt động nghi ngờ cho đến khi tàu cung cấp đầy đủ thông tin hoặc giấy phép phù hợp; và mạnh mẽ hơn, Việt Nam có thể yêu cầu tàu rời khỏi vùng biển của Việt Nam, viện dẫn nguy cơ xâm phạm chủ quyền quốc gia. Cần lưu ý là mọi biện pháp thực thi phải đảm bảo tính tương xứng của tình huống cụ thể.

Kịch bản phản hồi từ phía Trung Quốc

Có thể dự đoán được, Trung Quốc sẽ khẳng định các hoạt động của Trung Quốc được thực hiện trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Tới bước này, Việt Nam có thể khẳng định tàu Trung Quốc đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, và yêu cầu tàu rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Các lựa chọn khi Trung Quốc bất tuân

Nếu tàu Trung Quốc không tuân thủ các yêu cầu của Việt Nam bằng con đường đối thoại song phương đằng sau hậu trường, Việt Nam vẫn còn các biện pháp sau đây:

– Gửi công hàm phản đối chính thức theo kênh ngoại giao, thông qua truyền thông để yêu cầu một cách công khai Trung Quốc phải minh bạch hoặc chấm dứt hoạt động của mình, phê phán các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam.

– Tăng cường triển khai các lực lượng trên biển để giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc, yêu cầu tàu rời khỏi vùng biển Việt Nam, nhằm củng cố vị trí pháp lý của mình.

– Thu thập dữ liệu, thông tin, hình ảnh về các hoạt động của tàu Trung Quốc nhằm xây dựng hồ sơ pháp lý, chuẩn bị cho vận động quốc tế cũng như giải quyết tranh chấp trước một Toà án quốc tế.

– Có thể đưa vấn đề tới các diễn đàn đa phương như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, hoặc các nền tảng của Liên Hợp Quốc, nhằm xây dựng áp lực đa phương, chủ động đưa ra các sáng kiến thúc đẩy việc tuân thủ các quy định của UNCLOS (đặc biệt khi hoạt động của tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc đã trở thành một sự thường xuyên, hệ thống trên khắp Biển Đông trong thời gian dài).

2. Cân bằng giữa quyền lực pháp lý và thực tế tương quan lực lượng, Việt Nam nên làm gì?

Bất kể những nỗ lực tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trong những năm gần đây, có một thực tế rằng Trung Quốc vẫn chiếm áp đảo về số lượng cũng như quy mô và tính hiện đại của các lực lượng trên biển. Sự hiện diện thường trực của tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho phép những tàu này có thể nhanh chóng tạo lớp bảo vệ xung quanh tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc, khiến cho việc tiếp cận, lên tàu kiểm tra của phía Việt Nam khó có thể thực hiện, tiềm ẩn leo thang xung đột nếu tính toán sai lầm. 

Trong bối cảnh đó, bên cạnh sự bình tĩnh và kiên quyết trên thực địa, Việt Nam có các lựa chọn phản đối ngoại giao, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, và hợp tác tuần tra khu vực với các quốc gia cùng lập trường. Những phương cách khả thi này có thể được kết hợp theo nhiều cách để giúp Việt Nam khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.

Việt Nam có thể chưa công khai các nỗ lực tìm giải pháp qua con đường ngoại giao để thể hiện thiện chí không làm căng thẳng tình hình và coi trọng quan hệ Việt-Trung. Trong giai đoạn này, việc Việt Nam không ngăn cản các nỗ lực minh bạch hàng hải của các nhóm nghiên cứu độc lập sẽ gửi đi thông điệp rằng những hành vi không tôn trọng luật quốc tế và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam không bị rơi vào bóng tối, và vẫn đang được công luận biết đến và theo dõi. Trách nhiệm duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, giữ gìn hình ảnh là một cường quốc có trách nhiệm và tôn trọng luật quốc tế thuộc về phía Trung Quốc.

3- Hậu quả nếu Việt Nam không thể ngăn chặn hoạt động của tàu Trung Quốc 

Khi Việt Nam không thể ngăn chặn hoặc răn đe hiệu quả các hoạt động trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam phải đối mặt với những hậu quả pháp lý, kinh tế, an ninh và vị thế thương lượng trên bàn đàm phán ngoại giao.

Thứ nhất, điều này sẽ làm xói mòn quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của mình. Việc Việt Nam không thể ngăn chặn việc khuyến khích Trung Quốc lặp lại và mở rộng các cuộc xâm nhập cũng như mạnh bạo hơn trong việc thực thi kiểm soát thực địa trên thực tế, làm xói mòn nguyên tắc “tôn trọng thích đáng” đối với quyền của quốc gia ven biển theo Điều 58(3) UNCLOS.

Thứ nhì, Trung Quốc đã từng thành công trong việc sử dụng các tàu nghiên cứu/khảo sát thực hiện các chiến dịch dài ngày trên vùng biển Việt Nam, nhằm gây áp lực buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động dầu khí trên các mỏ mới, gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho Việt Nam. Sự hiện diện liên tục của tàu Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh tế của Việt Nam, gây khó khăn cho sinh kế của ngư dân.

Thứ ba, trong khi Việt Nam nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và tránh leo thang xung đột, các hoạt động trái phép lặp đi lặp lại khiến các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc trở thành bình thường mới, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố đụng độ, tính toán sai lầm, dẫn tới leo thang thành đối đầu vũ trang.

Thứ tư, việc không ngăn cản được các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình có thể làm suy yếu uy tín lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN và khả năng thu hút sự ủng hộ quốc tế, làm giảm sức mạnh thương lượng của Việt Nam trong các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử đang diễn ra với Trung Quốc, cũng như trong các cuộc đàm phán pháp lý hoặc ngoại giao trong tương lai.

Thứ năm, sự tiếp diễn các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam có thể thúc đẩy áp lực công luận trong nước buộc chính phủ phải có hành động quyết liệt hơn để không bị coi là nhún nhường. Áp lực từ công chúng có thể hạn chế các lựa chọn chiến lược của Hà Nội, khiến chính phủ có các biện pháp mang tính đối phó thay vì chủ động, và hạn chế khả năng theo đuổi ngoại giao tinh tế để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Và cuối cùng nhưng quan trọng về khía cạnh an ninh quốc phòng, sự luân phiên hoạt động của các tàu nghiên cứu/khảo sát đặt ra những câu hỏi về những kết quả mà phía Trung Quốc thu thập được từ các hoạt động đó. Nhà nghiên cứu Trần Bằng từ Thuỵ Điển đặt câu hỏi: Tại sao các tàu của Trung Quốc chọn các khu vực khảo sát nhất định như vậy? Việt Nam đã khảo sát kĩ những khu vực mà Trung Quốc nghiên cứu/khảo sát hay chưa? Liệu có thể liên quan đến việc khảo sát hoạt động tàu ngầm (khu vực Cam Ranh, khu vực phía bắc Biển Đông gần Hoàng Sa, v.v)? Hay liên quan đến chặn thu tín hiệu và phá hoại kết nối mạng viễn thông quốc tế qua cáp ngầm dưới biển? Thậm chí liệu các hoạt động của tàu Trung Quốc có dẫn đến việc lập bản đồ ngầm cho một cuộc phong tỏa Việt Nam trong tương lai? Liệu Trung Quốc có lập bản đồ tài nguyên trong lòng Biển Đông để đi trước nhiều bước, dễ bề khống chế, không cho phép Việt Nam triển khai các biện pháp thăm dò, khai thác đáy biển và lòng biển? 

4- Giải pháp vững bền: Thẳng thắn đối mặt thực tế, quyết liệt nâng cao năng lực quốc gia 

Có lẽ mong muốn chung của người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, là một môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế, sau thời gian vắt kiệt các nguồn lực để chống chịu dịch COVID-19. Không ai muốn có bất ổn và chiến tranh, ngay cả những người sẵn sàng ra tiền tuyến đối mặt với lằn ranh sinh tử khi đất nước cần. Những biến động thế giới và sự lên ngôi của chủ nghĩa hiện thực trên chính trường quốc tế càng khiến Việt Nam cần phải gắn kết thành một khối vững mạnh để có thể vượt qua biến động.

Dù vậy, việc hạn chế sự hiểu biết về diễn biến thực sự cũng như né tránh thảo luận về các quyền hợp pháp của Việt Nam không phải là biện pháp tránh leo thang căng thẳng một cách sáng suốt, mà ngược lại có thể tạo môi trường phát triển thuyết âm mưu, thúc đẩy những nghi ngờ, suy nghĩ tiêu cực trong công luận, trong bối cảnh các công nghệ viễn thám ngày càng được dân chủ hoá, và Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế.  Trong những cuộc thảo luận giữa người Việt, tồn tại một số lập luận phổ biến như: Trung Quốc có quyền tự do hải hành, Việt Nam cần phải có bằng chứng trực tiếp là Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu hay đặt mũi khoan trên thềm lục địa thì mới có đủ cơ sở pháp lý để phản đối Trung Quốc, v.v. Những lý lẽ này vô hình chung làm suy yếu những nhận thức đúng đắn về quyền lợi hợp pháp của Việt Nam, củng cố lợi thế của đối phương đang bình thường hóa tham vọng biến vùng đặc quyền kinh tế không thể tranh chấp của Việt Nam thành vùng biển tranh chấp.

Thay vì các biện pháp mang tính tình thế, Việt Nam có thể chọn tư thế sẵn sàng chấp nhận thực tế còn tồn tại những hạn chế, điểm yếu để có thể thực thi đầy đủ các quyền của mình. Chấp nhận thực tế này là chuẩn bị một tâm thế đúng đắn nhằm đối mặt và giải quyết vấn đề một cách thực chất: đó là phát triển nội lực, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực kinh tế và quân sự của Việt Nam, phát triển nền kinh tế tự chủ vững bền dựa trên khoa học công nghệ để có sức mạnh thực chất bảo vệ chủ quyền quốc gia, hoà nhập vào các giá trị giúp sáng tạo và phát triển mà các nước tiên tiến đi trước đã thành công. 

Thực tế cho thấy mối đe dọa từ bên ngoài có thể là động lực đổi mới sáng tạo để xây dựng sức mạnh quốc gia, mà Israel là một ví dụ điển hình. Mối đe dọa có tính sống còn đã tạo ra những áp lực độc đáo, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ của quốc gia nhỏ bé để giải quyết các thách thức thực tế, ​đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về trình độ khoa học công nghệ. Hàn Quốc và Đài Loan cũng là những nước phát triển trong bối cảnh đối mặt với mối đe dọa an ninh hàng ngày và không hề che giấu. Việt Nam cũng có thể tận dụng thực tế về thách thức từ Trung Quốc ngoài Biển Đông, tạo ra nghịch cảnh với cường độ áp lực vừa phải để kích thích công dân của mình vươn mình phát triển kinh tế và tích luỹ hiểu biết. Từng công dân mạnh sẽ khiến quốc gia mạnh.

Song song với đó, Việt Nam không thể bảo vệ Biển Đông trong cô đơn mà cần tích cực hợp tác với các quốc gia cùng ý chí để hỗ trợ lẫn nhau trong tuần tra chung và nâng cao năng lực nhận thức miền hàng hải.

Luật pháp thường nhiều lần phát triển chậm hơn thực tiễn, và vì vậy tồn tại không ít những vùng xám, ví dụ sự thiếu vắng các quy định điều chỉnh bắt kịp với sự phát triển công nghệ. Vùng xám có thể là rào cản đối với những quy trình máy móc, nhưng cũng có thể là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, định hình sự phát triển của luật quốc tế để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Dù luật pháp quốc tế không phải là công cụ vạn năng, nhưng thiếu vắng luật quốc tế, các nước nhỏ hơn sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

七六〇所. (2022, March 31). 深海装备综试验996”首航开赴海南三中国船舶集有限公司. Retrieved June 18, 2025, from http://www.csic.com.cn/n5/n21/c22360/content.html

996. (2025, June 1). In Baidu Baike. Retrieved June 18, 2025, from https://baike.baidu.com/item/%E5%8C%97%E8%B0%83996/60669335

Baird Maritime. (2022, July 22). Vessel review: Bei Diao 996 – New Chinese-built deep-sea research and testing support ship. Retrieved June 18, 2025, from https://www.bairdmaritime.com/work-boat-world/research-environment-training/vessel-review-bei-diao-996-new-chinese-built-deep-sea-research-and-testing-support-ship

Mehnazd. (2021, January 10). What is a SWATH Ship? Marine Insight. Retrieved June 18, 2025, from https://www.marineinsight.com/types-of-ships/what-is-a-swath-ship

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. (1982, 10 tháng 12). 1833 U.N.T.S. 397. https://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf

Luật biển Việt Nam 2012 số 18/2012/QH13 áp dụng 2024 mới nhất 

Sam Bateman (2005) Hydrographic surveying in the EEZ: differences and overlaps with marine scientific research. Marine Policy 29: 163-174.  

Daniel, T. (2005, October). Legal aspects of marine scientific research (MSR) and Part XIII of the UN Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) [Conference paper]. Fourth Meeting of the Advisory Board on the Law of the Sea, International Hydrographic Organization. https://legacy.iho.int/mtg_docs/com_wg/ABLOS/ABLOS_Conf4/DanielPaper.pdf 

Bateman, S. (2009). Hydrographic surveying in exclusive economic zones: Is it marine scientific research? In M. H. Nordquist, T. T. B. Koh, & J. N. Moore (Eds.), Freedom of seas, passage rights and the 1982 Law of the Sea Convention (pp. 105–128). Brill.

Connon, B. D., & Nairn, R. (2010, April 11-16). Economic impact of hydrographic surveys. FIG Congress 2010: Facing the Challenges – Building the Capacity, Sydney, Australia.

International Tribunal for the Law of the Sea. (2024, May 21). Request for an advisory opinion submitted by the Commission of Small Island States on Climate Change and International Law (Advisory Opinion No. 31). 

———-

Bản thảo được gửi đi phản biện và góp ý ngày 19 tháng 6, và được chỉnh sửa, hoàn thiện bản cuối vào ngày 30 tháng 6. 

Chúng tôi xin cảm ơn những nhà nghiên cứu đàn anh về luật quốc tế, chính trị quốc tế, nghiên cứu sinh Trần Bằng, TS. Nguyễn Khắc Giang và TS. Nguyễn Trịnh Đôn đã đọc, góp ý và phản biện bài viết với những ý kiến rất có giá trị. Xin cảm ơn những nhà tài trợ trong và ngoài nước đã gửi những khoản tài trợ kịp thời và đầy ý nghĩa cho dữ liệu AIS vệ tinh và một số dữ liệu phải trả phí khác.

Mọi sai sót trong bài viết thuộc về nhóm tác giả.

TS. Phạm Thanh Vân, TS. Nguyễn Khắc Giang và TS. Nguyễn Trịnh Đôn cùng một số nhà nghiên cứu khác là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Hoàng Việt Hải và nhóm thực địa là các cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguyên tắc hoạt động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tồn tại dựa trên tài trợ của cộng đồng. Nếu quý độc giả muốn có một nguồn thông tin tri thức khách quan, đa chiều dựa trên chiều sâu chuyên môn và dữ liệu có hệ thống, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một địa chỉ mà mọi người có thể tin tưởng. Hãy chung tay cùng với chúng tôi duy trì Dự án bằng cách tài trợ cho Dự án, và khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp cùng tài trợ Dự án. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

P.T.V. và cộng sự 

Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn