Tại sao phải gồng mình với "công nghiệp hiện đại"?

Nguyễn Duy Nghĩa

(VEF) - Nửa thế kỷ trước đã có đường lối "biến nước ta thành nước có nền công nghiệp hiện đại"... nhưng đến nay mới chỉ là "tạo nền tảng"... "để cơ bản"... "theo hướng hiện đại". Tại sao cứ phải đi con đường mà càng đi càng hun hút, càng trong thế rượt đuổi với tiến bộ của công nghiệp thế giới?

LTS: Sau bài phỏng vấn TS. Vũ Minh Khương "Việt Nam khó phồn vinh nếu trọng phát đạt hơn phát triển", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Duy Nghĩa cũng xuay quanh chủ đề này.

Tác giả cho rằng, tại sao Việt Nam cứ phải theo đuổi mục tiêu "công nghiệp hiện đại" mà không phải là các lợi thế cạnh tranh? Tại sao chúng ta không tận dụng để buộc thế giới phải mua gạo, ăn cá, uống cà phê Việt Nam, phải sử dụng dịch vụ cảng biển Việt Nam trên đường hàng hải quốc tế, phải tới Việt Nam để thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên trời phú... Từ đó, mới quay sang phát triển công nghiệp?

Tôn trọng tính đa chiều, VEF trân trọng giới thiệu bài viết này. Mời độc giả tham khảo và cùng tranh luận.

Mục tiêu tổng quát tới năm 2015 là "tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại" sao mà vòng vo tam quốc. "Tạo nền tảng", nôm na chỉ là làm móng. Mức nào được xem là "cơ bản". Sao không khẳng định là "hiện đại" mà chỉ là "theo hướng hiện đại"

"Hiện đại" theo tiêu chí nào, sánh với ai (?), các nước G8, các nền kinh tế mới nổi hay các con rồng châu Á. Còn so với chính mình khi nào chả tiến thêm một bước.

Mưu sự bất thành

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện đường lối "biến nước ta thành nước công nghiệp hiện đại..." , đã có chủ trương "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý... ". Thực hiện chủ trương đó, được viện trợ của Liên Xô, ta đã xây dựng tại Hà Nội Nhà máy Cơ khí Trung quy mô. Rồi với sự giúp đỡ của Trung Quốc, ta lại có nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà cũng tại Hà Nội.

Lần lượt các địa phương cũng mọc lên hết nhà máy này đến công xưởng nọ, với điểm nhấn là nhà máy cơ khí. Song số phận của những "tượng đài" đó thế nào ai cũng rõ.

Trước vận hội mới, từ 1990 đã đề ra chiến lược công nghiệp hoá và hiện đại hoá trong 10 năm (1991-2000) rồi (2001 -2010). Qua 20 năm, đã đạt nhiều thành tựu, nhưng việc tạo "nền tảng của nền công nghiệp theo hướng hiện đại" thì chưa, mà với mục tiêu trên đã tự thừa nhận điều đó.

Công nghiệp nặng chủ yếu là khai khoáng thô, gia công, lắp ráp bằng máy móc với quy trình đơn giản, lạc hậu, thải loại. Công nghệ chính xác, tinh vi là thứ xa xỉ. Khu công nghệ cao Hoà lạc dóng dả khoanh vùng từ lâu, nay mới có 689/1.432 ha cần giải phóng mặt bằng. Công nghiệp phụ trợ mới mạnh ở quyết tâm. Chiếc kim khâu, lưỡi dao cạo râu, khuy bấm, bấm móng tay..., phải rước từ bên ngoài. Hứa hẹn thành cường quốc đóng tầu mà que hàn cũng phải nhập.

Công nghiệp nhẹ sản xuất ra hàng tiêu dùng cũng chỉ cho ra những sản phẩm thường thường bậc trung. Sản phẩm công nghiệp hàng đầu của đô thành bậc nhất chỉ là màn tuyn và bóng đèn - phích nước.

Trong số 63 tỉnh, thành phố chỉ vài địa phương trong hạ quyết tâm trong  nhiệm kỳ tới sẽ "cơ bản có công nghiệp hiện đại".

Nhưng điều bao trùm cả nền công nghiệp nước ta qua ngần ấy năm mà vẫn phụ thuộc, càng phụ thuộc thái quá vào bên ngoài. Thiết bị toàn bộ, dây chuyền sản xuất, máy móc đơn chiếc, phụ tùng thay thế, nguyên nhiên, vật liệu (kể cả rác phế liệu), sáng chế phát minh... hầu hết phải nhập khẩu.

Nhưng đáng tiếc là dù được trang bị như vậy, sản phẩm làm ra vẫn không thuyết phục được chính đồng bào ta, nhất là những hàng có giá trị cao và với lớp người lắm của nhiều tiền. Cơ man hàng công nghiệp nước ngoài giá "tiền nào của ấy" rải khắp nơi, mọi chốn. Hàng ngoại xịn, từ chiếc chảo chống dính đến ô tô khủng, ai chưa cập nhật thì đã có các phương tiện thông tin - truyền thông hào phóng quảng bá kịp thời trên sóng truyền hình, vào những giờ vàng. Bệnh xính dùng hàng ngoại trầm kha, lây lan là thế và phải vận động ta ưu tiên dùng hàng của ta cũng vì thế.

Đi tiếp vẫn khó

Để xây dựng một nền công nghiệp bình thường chí ít cần đến 5 yếu tố: vốn lớn - nguồn năng lượng dồi dào - cơ sở hạ tầng phát triển - trình độ công nghệ cao và nguồn lực con người giỏi. Với một nền công nghiệp hiện đại, từng yếu tố đều phải nâng cấp. Đối chiếu với hiện trạng của ta  yếu tố nào cũng bất cập.

1. Nguồn vốn tập trung tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân rất mỏng manh. Thu ngân sách chủ yếu dựa vào thuế nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô. Chi thì khoản nào cũng hoành tráng, mục tiêu nào cũng cấp bách, bội chi là phải. Lạm phát cao. Nhập siêu triền miên. Thâm hụt cán cân thành toán vãng lai cũng không kém cạnh. Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP, và dư nợ công bằng 56,7%, không biết đến mức nào mới hết chỉ giới an toàn. Chỉ riêng Vinashin đã "bổ" cho mỗi đầu người 1 triệu đồng tiền nợ.

Nước nghèo song vốn trong dân lại dồi dào. Vàng hàng nghìn tấn. Đô la nặng hầu bao. Có đại gia sẵn sàng bỏ vài trăm triệu đến bạc tỷ để có được một biển số xe đẹp. Nhưng tiền còn để lướt sóng trên sàn chứng khoán, nhảy múa tại chợ vàng, "tăm tia" quy hoạch để kinh doanh bất động sản, nhắm địa điểm "ngon" mở dịch vụ cao cấp, thu tiền tươi thóc thật, gửi nhà băng, mua nhà ở ngoại quốc. Ít ai mặn mà với công nghiệp hiện đại.

Năng suất lao động thấp, mới đạt 2.000 USD /người, bằng nửa Philippines, Indonesia, chưa bằng một phần ba Thái Lan, gần một phần mười Malaysia, gần một phần ba mươi Singapore.

Qua hơn 20 năm, để có "vé vào cửa", nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết rõ nhiều, nhưng thực làm thật ít, có năm rất ít. 10 năm (1991-2000), đăng ký 43,9 tỷ USD, thực hiện 19 tỷ USD, tỷ lệ là 43%. Các số tương ứng của thời kỳ 2001 - 2010, là: 167 tỷ  - 58 tỷ USD - 34%. Trong đó năm 2008 đăng ký kỷ lục tới 71,7 tỷ USD nhưng chỉ thực hiện 11,5 tỷ USD, có 16%. Tỷ trọng đầu tư cho công nghiệp và xây dựng năm 2001 là 85%, năm 2009 chỉ còn 22%; khu vực dịch vụ - bất động sản từ 7% lên 77%. Chỉ thấy cao ốc sang trọng, khách sạn lắm sao, sân gôn nhiều lỗ, khu nghỉ dưỡng cao cấp... mọc lên như nấm. Lĩnh vực nông nghiệp bị phơt lờ, nếu năm 2001 chiếm 8% tổng số vốn đầu tư nước ngoài thì đến 2009 vẻn vẹn 1%.

2. Mải mê xuất khẩu than, trong khi than cho nội địa đang thiếu. Ngày phải nhập than không còn xa. Điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, ngay cả cho thắp sáng. Chất lượng lưới điện xoàng, tỷ lệ tổn thất cao. Hiện cả nước còn 86 hồ thuỷ điện có công suất dưới 30 MW. Vận hành các công trình này đang gây lo lắng vì xả lũ làm ngập lụt nhiều vùng. Điện hạt nhân mới có chủ trương. Điệp khúc cắt điện vẫn còn réo rắt.

Nguồn quặng vốn chẳng dồi dào, nhưng nơi thì bị "quặng tặc" hoành hành, nghênh ngang tải qua biên giới, vùng thì gọi nước ngoài vào bóc cho nhanh, vì "về lý thuyết bùn đỏ vẫn an toàn".

Năng lượng tái tạo đang là xu hướng của thế giới trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang cạn kiệt dần, nhưng hiện ở ta năng lượng tái tạo chỉ chiếm hơn 1% tổng mức năng lượng tiêu thụ và vẫn chỉ dừng ở... tiềm năng.

Nguồn nước sạch chưa được đầu tư thích đáng, quản lý khai thác đồng bộ. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp vừa thiếu, vừa kém chất lượng, Môi trường bị dồn vào chân tường. Công nghệ xử lý môi trường lạc hậu hoặc cho qua. Nhiều nhà máy đổ trực tiếp nước thải, bức tử các dòng sông.

3. Mật độ giao thông tính bình quân trên 1.000 dân thấp xa so với các nước xung quanh, chất lượng lại kém. Nạn kẹt xe ngày càng nan giải. Loại hình vận tải nào cũng bất cập về năng lực, về thông tin và quản lý dẫn đến chi phí vận tải cao. Đường mới nhiều, nhưng vừa cờ quạt khánh thành đã lộ ra những hố tử thần, cọc tiêu vỡ mới hở cốt tre.

4. Mặt bằng trình độ công nghệ của ta hiện chỉ tương đương với Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỷ XX. Malaysia là những năm 70, Hàn Quốc là những năm 60, Nhật Bản là những năm 20.

Trên bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam vẫn là một điểm trũng.

5. Với nền đào tạo "thừa thầy, thiếu thợ"; bệnh bằng giả, thi hộ đã di căn; chế độ lương không ra lương, thưởng không đến nơi đến chốn; quản lý yếu; vận hành một một nền công nghiệp đặc trưng là gia công, lắp ráp, chuyên gia chẳng cần sáng chế, phát minh, công nhân chẳng thể có tay nghề  cao.

Tại sao cứ phải gồng mình "công nghiệp hiện đại"?

Nửa thế kỷ trước đã có đường lối "biến nước ta thành nước có nền công nghiệp hiện đại"... nhưng đến nay mới chỉ là "tạo nền tảng"... "để cơ bản"... "theo hướng hiện đại". Tại sao cứ phải đi con đường mà càng đi càng hun hút, càng trong thế rượt đuổi với tiến bộ của công nghiệp thế giới

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, phân công lao động quốc tế đã đến từng ngõ ngách của đời sống kinh tế của mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, có nhất thiết nền kinh tế nào cũng phải có công nghiệp hiện đại, nhất là ở mặt bằng thấp như nước ta. (!).

Khá nhiều nước, vùng lãnh thổ khai thác lợi thế so sánh của mình về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, biệt tài của nguồn nhân lực và biết lượng sức mình, không đi theo con đường công nghiệp hoá mà phát triển các ngành khác đặc biệt là thương mại - dịch vụ - du lịch..., thực sự đã trở thành nền kinh tế mạnh, thu nhập quốc dân theo đầu người cao, thế giới phải ngưỡng mộ.

Lúc đó muốn họ sự dụng bất cứ thành quả tân tiến nhất của công nghiệp thế giới để hiện đại hoá đất nước cũng không muộn.

Việt Nam tuy chậm phát triển, nhưng tiềm năng về bờ biển, hải đảo, về nông nghiệp trù phú với gạo, cà phê, hạt tiêu, điều đứng thứ hạng rất cao trên thế giới; về các di sản nguyên sơ thiên nhiên ban tặng, về bề dày lịch sử... nhiều nước ao ước.

Như vậy có thể chấp nhận thế đôi công, quan hệ có đi có lại: chủ động chấp nhận phụ thuộc vào công nghệ của thế giới, nước ta thành thị trường cạnh tranh của mọi nền công nghệ; ngược lại buộc thế giới phải mua gạo, ăn cá, uống cà phê Việt Nam, phải sử dụng dịch vụ cảng biển Việt Nam trên đường hàng hải quốc tế, phải tới Việt Nam để thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên trời phú...

Làm được như vậy, nông dân không bị tiếp tục mất ruộng; có đất, có tiền làm bệnh viện, xây trường học; tài nguyên không bị tiếp tục bị bòn rút, môi trường bình yên cho những cánh cò bay lả sớm chiều.

N. D. N.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn