Thử bàn về công tác tổ chức

Bình Tâm

I. Về bộ máy tổ chức

Con người được coi là vượt trội hơn cả về mọi mặt so với các loài động vật khác chỉ nhờ ở năng lực tư duy và năng lực hành động.

Năng lực tư duy thể hiện qua việc con người luôn có ý thức, có mục đích, có ý đồ trong hầu hết mọi hoạt động thực tiễn của mình.

Năng lực hành động thể hiện qua việc con người biết tổ chức và biết làm việc có tổ chức trong hầu hết mọi hoạt động để thực hiện mục đích, ý đồ trong công việc. Một người không có năng lực hành động sẽ không thể đạt được mục đích đã đề ra trong cuộc sống.

Năng lực hiệp tác lao động giữa người với người, hay năng lực làm việc tập thể là yếu tố chủ yếu và căn bản nhất thể hiện năng lực hành động của con người, tức làm việc có phân công, phân nhiệm, có phối hợp qua cơ chế vận hành và qui chế điều hành của khối người làm việc chung đó nhằm đạt mục đích đã định.

Đối với công việc ngẫu nhiên và nhất thời thì việc phân công, phân nhiệm và phối hợp qua qui chế điều hành trong quá trình hiệp tác lao động – hay quá trình làm việc tập thể – cũng xảy ra một cách ngẫu nhiên và nhất thời cho đến khi xong việc thì thôi; khi nào cần thiết hay có dịp thì người ta mới tập hợp lại. Chất lượng của kết quả công việc ở trường hợp này cũng tùy thuộc một cách ngẫu nhiên vào kinh nghiệm và năng lực tổ chức của người điều hành, cũng như trình độ thạo việc những người tham gia công việc.

Đối với một mục tiêu lớn có tính lâu dài, hay một công việc đã định hình và thường xuyên lặp đi, lặp lại thì tùy qui mô của nội dung công việc mà việc phân công, phân nhiệm có thể được duy trì lâu dài thành nhiều bộ phận chức năng chuyên trách từng khâu, từng phần công việc tương ứng với qui mô của nội dung công việc.

Các bộ phận chuyên trách được phân công, phân nhiệm lâu dài thành những bộ phận chuyên môn thạo việc và hoạt động thông qua những cách thức nhất định sẽ hợp thành một bộ máy, tức một tổ chức để thực hiện công việc vì những quyền lợi và mục đích chung của những con người trong bộ máy ấy (từ đây gọi bộ máy này là bộ máy tổ chức, nhằm phân biệt với bộ máy cơ học hay bộ máy sinh học).

Kết quả công việc trong trường hợp có phân công chuyên trách và được chuyên môn hóa này sẽ có năng suất và chất lượng cao hơn, ổn định hơn rất nhiều so với trường hợp không có phân công chuyên trách và chuyên môn hóa trong quá trình hiệp tác làm việc.

Có những động vật sống theo bầy đàn cũng biết hoạt động một cách có tổ chức chặt chẽ, cũng có phân công phân nhiệm và cũng biết phối hợp hành động như của cá heo, cá voi và chó sói trong các cuộc săn mồi; thậm chí có vẻ như hoạt động của chúng cũng được điều hành một cách rất có qui củ như cách của con người, ví dụ như ở hoạt động của các loài ong, kiến và mối. Song đó chỉ là những hoạt động bản năng mang tính di truyền theo giống loài và tập tính riêng của từng bầy đàn.

Biết phân công, phân nhiệm giữa người với người để hình thành một bộ máy tổ chức và sử dụng nó như một công cụ, nhằm thực hiện mục đích, ý đồ của mình là nét đặc trưng chỉ có ở loài người.

Bộ máy tổ chức này là một công cụ được cấu tạo hoàn toàn bằng những con người với sự phân công, phân nhiệm và những qui chế, những quan hệ ràng buộc cùng với cơ chế vận hành riêng của nó, nhưng khi phát huy tác dụng thì có thể so sánh với một cỗ máy cơ học, hay bộ máy sinh học ở cơ thể các sinh vật.

Việc con người biết sử dụng những vật thể tìm thấy trong thiên nhiên để làm công cụ làm việc là bước đột phá đầu tiên đưa con người ngày càng tiến xa khỏi đời sống của loài cầm thú. Tiến tới việc con người biết liên kết nhau lại để tự biến mình thành công cụ của chính mình, nhằm thực hiện mục tiêu chung được nhắm tới đã làm hình thành tách bạch ranh giới giữa lao động chân tay và lao động trí óc qua việc phân công, phân nhiệm trong quá trình hợp tác lao động, đã tạo điều kiện thuận lợi để kết hợp một cách có hiệu quả giữa hai loại lao động ấy; đây là một bước bứt phá ngoạn mục giúp nâng con người lên một tầm cao mới trong việc tác động vào thiên nhiên và các mặt hoạt động thực tiễn khác của xã hội, đồng thời khẳng định vĩnh viễn vị trí thượng đẳng và ưu việt bất khả cạnh tranh của con người trong thế giới động vật. Điển hình về loại hình bộ máy tổ chức này là các đội hay phường săn thú rừng thời sơ khai và thời hiện đại, các vạn cày, vạn cấy trong sản xuất nông nghiệp thời trước chủ nghĩa tư bản, các tổ chức phường hội nghề thủ công, các nhà máy, xí nghiệp, các đồn điền nông nghiệp, các công ty và tập đoàn sản xuất, kinh doanh, kể cả các bệnh viện, trường học, nhà giữ trẻ, v.v. Biểu hiện ở trình độ cao của bộ máy tổ chức loại này là tổ chức quân đội, tổ chức của các chính đảng, các đoàn thể chính trị, kinh tế hay xã hội và các tổ chức tôn giáo, v.v. Nhưng điển hình nhất, tinh vi nhất, có vị trí cao nhất và có sức mạnh hơn tất cả các tổ chức khác là tổ chức bộ máy nhà nước.

II. Tính vật chất của bộ máy tổ chức & vai trò con người trong bộ máy tổ chức

Với tư cách là một công cụ của con người, trong một xã hội sản xuất hàng hóa, ở phần lớn các trường hợp, bộ máy tổ chức cũng có vị trí và vai trò như một hàng hóa, tức cũng có giá trị và giá trị sử dụng, cũng có giá trị hữu hình và giá trị vô hình, cũng thuộc sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể, sở hữu công cộng, sở hữu công quyền và cũng có thể trao đổi, mua bán, sang nhượng quyền sở hữu đối với nó. Cũng với tư cách là một công cụ của con người, nhưng nhờ chất lượng của vật liệu cấu tạo (yếu tố 1), nhờ cấu trúc và công năng đã được thiết kế (yếu tố 2), nhờ phương thức vận hành (yếu tố 3), cỗ máy tổ chức có thể làm tăng vượt bậc một cách không ngờ năng lực tư duy lẫn năng lực hành động – tức sức mạnh ưu việt vốn có của con người – trong việc tác động vào thiên nhiên và xã hội khi sử dụng cỗ máy ấy. Giống như một cỗ máy cơ học, chất lượng và độ bền của cỗ máy tổ chức này cũng phụ thuộc vào chất liệu cấu tạo nên nó. Chất lượng của những con người với tư cách là chất liệu cấu tạo nên bộ máy sẽ quyết định chất lượng của bộ máy tổ chức ấy. Chính con người với động cơ tư tưởng và động cơ lợi ích cùng với vốn tri thức và năng lực sử dụng thành thạo các công cụ và phương tiện vật chất kỹ thuật, cũng như năng lực hiệp tác, hiệp đồng và ý thức kỷ luật đã tạo nên tính đa năng, đa diện cùng với tính đắc dụng, đắc lợi đến không ngờ và giá trị to lớn của bộ máy tổ chức này. Thiếu bất cứ một trong bốn yếu tố này đều khiến tính đắc dụng, đắc lợi và tính đa năng, đa diện của bộ máy bị giảm thiểu tương ứng. Các yếu tố động cơ tư tưởng và động cơ lợi ích cùng với vốn tri thức và năng lực sử dụng thành thạo các công cụ và phương tiện vật chất kỹ thuật nói lên bản chất và trình độ của con người cấu thành tổ chức ấy; còn năng lực hiệp tác, hiệp đồng và ý thức kỷ luật nói lên kỹ năng và ý thức con người của tổ chức ấy. Niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng – tức động cơ tư tưởng và động cơ lợi ích – và ý thức kỷ luật tự giác đã làm cho các tổ chức tôn giáo, cũng như các tổ chức cách mạng tiềm ẩn trong mình chúng những sức mạnh phi thường mà các loại hình tổ chức khác khó lòng có được. Vì thế hầu như mọi tổ chức đều ra sức đề cao và quảng bá mục đích, tôn chỉ của tổ chức – tức mục đích và nguyên tắc hành động – để có được chính danh (xem phần sau) và để luôn củng cố, nâng cao những sức mạnh tiềm ẩn đã nói trên của yếu tố niềm tin và ý thức tự giác – những yếu tố có thể tạo nên sự diệu kỳ – đối với tổ chức của mình, dù có khi đó chỉ là những yếu tố vay mượn, hoặc chỉ tồn tại trong quá khứ và trong ký ức của người đời. Mục đích, lý tưởng của tổ chức một khi đã trở thành lẽ sống, hay điều kiện sinh tồn, đặc biệt khi lý tưởng ấy trở thành niềm tin mãnh liệt mang yếu tố tâm linh thì sẽ trở thành một sức mạnh phi thường mang tính xây dựng to lớn, hoặc mang tính phá hoại khủng khiếp mà ta đã từng chứng kiến trong lịch sử các cuộc cách mạng nông dân (hoặc những phong trào xã hội bị chi phối bởi tư tưởng nông dân), trong lịch sử các tôn giáo nói riêng và trong lịch sử loài người nói chung. Thiếu hai yếu tố này (niềm tin và ý thức tự giác) thì một tổ chức không bao giờ có thể chiến thắng được bất cứ ai, tuy nhiên những yếu tố này chỉ có thể giúp cho một tổ chức nào đó nhất thời chiến thắng một thế lực to lớn, hùng mạnh hơn mình rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ giúp được kẻ chiến thắng trưởng thành hơn so với đối phương sau chiến thắng đó, nếu chỉ đơn thuần bằng hai yếu tố ấy. Đề cao hai yếu tố này sẽ chỉ là sự tuyên truyền thuần túy mang tính duy tâm và mị dân, nếu tổ chức đó không được bổ trợ bởi những yếu tố còn lại đã được kể trên. Vấn đề còn lại quyết định ai có khả năng để có một tổ chức mạnh hơn ai giữa các loại hình tổ chức đó sẽ thuộc về tổ chức nào có cách giải quyết tốt hơn các yếu tố về trình độ nhận thức và kỹ năng của con người trong tổ chức ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để một tổ chức thực sự phát huy được đầy đủ các lợi thế tiềm ẩn do điều kiện cần nói trên đã tạo ra thì nhất thiết tổ chức ấy phải được cấu trúc một cách hợp lý – tức phải xác định được các bộ phận chức năng tối cần thiết, đảm bảo không thừa và không thiếu bất cứ bộ phận nào cùng với các tính năng, tác dụng và vị trí, vai trò của từng bộ phận, xác định mối quan hệ tương hỗ và tương quan thứ bậc giữa các bộ phận đó tức quan hệ ngang và dọc, trên và dưới cùng với các chức trách cụ thể của từng bộ phận trong các mối quan hệ đó, xác định cơ chế vận hành và qui chế điều hành tương thích với cấu trúc của bộ máy, tức nhằm đảm bảo phát huy tối đa công năng và tác dụng của bộ máy trong việc thực hiện mục đích, ý đồ – tức lợi ích cơ bản – của người sở hữu, hoặc sử dụng bộ máy ấy. Công năng và tác dụng của cỗ máy tổ chức này cũng phụ thuộc vào cấu trúc và cách vận hành của tổ chức đó như ở cỗ máy cơ học. Nếu không có cấu trúc thì bất thành bộ máy, vì không thể vận hành. Nếu không có cơ chế vận hành thì bộ máy sẽ trở nên vô dụng vì không phát huy được công năng. Nếu không có qui chế điều hành thì bộ máy sẽ trở nên phản tác dụng trong các trường hợp khi cần đi nhanh mà không tăng tốc được, khi lỡ trớn, quá đà mà không kìm hãm được, hoặc khi lệch hướng mà không bẻ lái, bẻ ghi được, hoặc khi hỏng hóc và xuống cấp mà không sửa chữa và nâng cấp được, hoặc khi chức năng rối loạn mà không chỉnh đốn được, hoặc khi quyền lợi mâu thuẫn mà không điều hòa được. Xác định công năng bộ máy thuộc phạm vi quyền hạn của chủ sở hữu. Xác định cấu trúc và cơ chế vận hành thuộc chức năng của người thiết kế bộ máy. Xác định qui chế điều hành thuộc phạm vi quyền hạn và chức năng của người chỉ huy điều hành bộ máy, tức cấp điều hành trực tiếp của bộ máy (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Xác định cụ thể và chi tiết các qui chế điều hành thuộc phạm vi quyền hạn của cấp thừa hành khi thực hiện công việc (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Độ tinh vi và tinh xảo của bộ máy tổ chức này cũng giống như cỗ máy cơ học, tức cũng phụ thuộc vào tính chuyên trách và tính chuyên dụng của bộ máy ấy. Nhưng:

Sẽ không có độ tinh vi và tinh xảo nếu người đứng đầu bộ máy không chuyên nghiệp và đội ngũ thừa hành không thạo việc.

Sẽ không có sự chính xác nếu người đứng đầu bộ máy không có năng lực điều hành và đội ngũ thừa hành không có ý thức tự giác và tinh thần kỷ luật.

Phẩm chất đạo đức và thiên kiến của con người sẽ trở nên vô nghĩa một cách tương đối, một khi đã phụ thuộc vào sự ràng buộc của cơ chế và thể chế vận hành nhằm thực hiện chức năng của bộ máy tổ chức ấy; nếu một thành viên nào làm sai qui chế, trái với mục đích và lợi ích chung của tổ chức thì sẽ bị cơ chế giám sát của thể chế ấy xử lý ngay tương ứng với nội dung qui định của hình thức chế tài và mức độ sai phạm của người ấy; sự chế tài được thực hiện thông qua biện pháp hành chính và tổ chức qui ước nội bộ lẫn biện pháp gây sức ép thông qua sức mạnh của dư luận nội bộ mà các thành viên của tổ chức ấy đã cam kết, giao kèo hay tuyên thệ khi gia nhập tổ chức. Tuy nhiên loài người là động vật sống theo bầy đàn, vai trò của con đầu đàn vô cùng quan trọng và có tính quyết định đối với sự phát triển và tồn vong của bầy đàn, của tổ chức; vì vậy cách thức xác định và kết quả lựa chọn người đứng đầu tổ chức, hay đứng đầu một quốc gia là hệ trọng biết nhường nào. Phẩm chất đạo đức, năng lực, độ từng trải, tầm nhìn và thiên kiến của con đầu đàn, tức cái tâm, cái tầm và năng lực của người đứng đầu bộ máy sẽ quyết định trước tiên đến chất lượng hoạt động của bộ máy, hệ quả sau đó là quyết định đến mức độ ảnh hưởng và tác dụng, cũng như vị trí và vai trò của bộ máy ấy đối với mục tiêu tác động (tức đối với khối quần chúng) mà tổ chức ấy nhắm đến. Cái tâm thể hiện ở động cơ tư tưởng và động cơ lợi ích; cái tầm bao gồm cả tầm vóc lẫn tầm nhìn; tầm vóc muốn nói ở đây là đẳng cấp về vị trí xã hội lẫn cả bề dày của vốn tri thức, của uy tín và mức độ ảnh hưởng cá nhân đối với cộng đồng; năng lực thể hiện ở trình độ thạo việc, trình độ tổ chức, điều hành, xử lý công việc lẫn khả năng qui tụ và đoàn kết đối với các thành phần trong và ngoài tổ chức… Giống như cỗ máy cơ học ở thời tự động hóa và bộ máy sinh học của các loài sinh vật phát triển cao, độ nhạy bén và linh hoạt của bộ máy tổ chức này cũng phụ thuộc vào tốc độ và chất lượng thu nhận thông tin của các cơ quan chức năng, cùng với năng lực xử lý và phản hồi thông tin đã nhận được của cơ quan đầu não. Cũng giống như cỗ máy cơ học, nếu được tái cấu trúc bằng cách gá lắp, thêm bớt những bộ phận hay thiết bị cần thiết một cách hợp lý, hoặc được thay đổi cấu trúc theo mức độ và ý đồ người thiết kế thì công năng, tác dụng của bộ máy cũng sẽ thay đổi tương ứng; cũng giống như cỗ máy cơ học, tùy thuộc mức độ tương thích giữa cơ chế vận hành với công năng, tác dụng của bộ máy mà bộ máy sẽ trở nên đắc dụng, hay phản tác dụng so với ý đồ thiết kế. Kẻ dốt nát và kẻ phá hoại sẽ đem lại kết quả cuối cùng giống nhau cho tổ chức, nếu những người đó thành công trong 3 việc sau đây: duy trì một cấu trúc đã lạc hậu lỗi thời của bộ máy so với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới (yếu tố 1); thay đổi cơ chế vận hành không tương thích với cấu trúc của bộ máy (yếu tố 2), hoặc thay đổi cấu trúc của bộ máy không tương thích với yêu cầu của thức tế khách quan (yếu tố 3). Chỉ có khác là cỗ máy cơ học và các cỗ máy sinh học thì vận hành một cách tự thân độc lập và có phạm vi tác động đối với tự nhiên, cũng như đối với xã hội rất hạn chế, có thể nói hầu như không thể tạo nên một phạm vi tác động trực tiếp đến toàn xã hội. Còn cỗ máy tổ chức thì vận hành phải thông qua tác động của con người, đồng thời tập thể con người trong tổ chức ấy lại biết sử dụng các bộ máy cơ học (phương tiện vật chất), lẫn các bộ máy sinh học (con người, súc vật) làm phương tiện nên có phạm vi tác động đối với tự nhiên và xã hội rộng lớn hơn gấp nhiều lần so với các cỗ máy cơ học và các cỗ máy sinh học. Đặc biệt khi mục tiêu tác động – tức đối tượng bị tác động – lại là một cộng đồng người, hoặc toàn xã hội thì tính đa năng, đa diện cùng với tính đắc dụng, đắc lợi và giá trị to lớn của bộ máy tổ chức này sẽ không lường hết được; bởi khi con người với tư cách là đối tượng bị tác động, bị o ép, bị vắt kiệt, bị tước đoạt, bị khuất phục là điều kiện để đem lại quyền lực, danh vọng và lợi ích vật chất cho người sở hữu hay sử dụng cỗ máy tổ chức này; đó là giá trị vô hình (xem phần sau) của cỗ máy ấy.

Trong xã hội sản xuất hàng hóa, bộ máy tổ chức cũng có thể được sùng bái hay khiếp sợ giống như đối với hàng hóa, hay giống như con người đã từng một thời tôn sùng, thờ phụng bái vật Linga và Yoni vậy (Linga là “con chim” – tức dương vật của nam giới – và Yoni là “cái bướm” – tức âm vật của nữ giới. Theo tiếng Phạn, Linga là “Chiếc gậy thiêng liêng của ánh sáng”, Yoni là “Chốn thiêng liêng”); chỉ khác là hình thức vật chất ở bộ máy tổ chức này được biểu hiện bằng những con người sống biết tư duy, biết sử dụng công cụ, có kỹ năng lao động và kỹ năng ứng xử chứ không phải những vật thể vô tri vô giác như các dạng vật chất khác. Biểu hiện cụ thể về sự sùng bái hay khiếp sợ đối với các bộ máy tổ chức là sự sùng bái hay khiếp sợ của con người đối với các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội cùng với người thiết kế, người lãnh đạo, hay người sở hữu bộ máy ấy; cụ thể hơn là sự sùng bái, hay khiếp sợ đối với người sáng lập, lãnh tụ, hay những người lãnh đạo, hoặc những người có đặc quyền chi phối quyền lực và lợi ích trong một tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội nào đó. Tính đa năng, đa diện cùng với tính đắc dụng, đắc lợi của công cụ tổ chức này tạo nên giá trị to lớn cùng với sự huyền diệu kỳ bí của các tổ chức ấy chứ không có gì là thần thánh ở đây cả. Chỉ vì con người không hiểu, hay cố tình không hiểu điều này nên đã sùng bái và khiếp sợ nó một cách cực đoan và thái quá. Cũng vì tính đa năng, đa diện cùng với tính đắc dụng, đắc lợi của công cụ tổ chức này mà người ta tranh giành nhau không khoan nhượng, bất chấp cả liêm sỉ, nhân nghĩa và đạo lý để có quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với các tổ chức ấy, nhằm thỏa mãn động cơ hám quyền, hám danh, hám lợi mà công cụ đó có thể đem đến cho họ. Ngược lại, người ta cũng ra sức bảo vệ và giữ lấy công cụ tổ chức này với tất cả tâm hồn và thể xác, với tất cả trí tuệ và sức lực, với tất cả sinh mạng và sự nghiệp của đời mình bất chấp cả liêm sỉ, nhân nghĩa và đạo lý, nếu công cụ đó là đem lại quyền lực, danh vọng và quyền lợi cho họ.

Giống như một hàng hóa:

- Giá trị hữu hình của bộ máy tổ chức ấy là giá trị thực tế kết tinh để tạo nên bộ máy ấy, cụ thể là các giá trị thực tế tạo nên trí tuệ và năng lực thực tiễn được kết tinh trong những con người (đặc biệt là của nhóm người đầu não và nhóm người nòng cốt của tổ chức ấy), lẫn giá trị thực tế của những nổ lực, những hi sinh cụ thể đã bỏ ra để cấu tạo, xây dựng, duy trì và bảo vệ bộ máy ấy;

- Giá trị sử dụng của bộ máy tổ chức là giá trị của những lợi ích cụ thể mà cỗ máy tổ chức ấy có thể mang lại cho người sở hữu hay sử dụng nó (thông qua tính năng, tác dụng, thông qua uy tín, truyền thống, lẫn chính danh của tổ chức ấy, cũng như phạm vi và đối tượng tác động cùng những qui chế ràng buộc và cơ chế vận hành riêng của tổ chức đó).

- Giá trị vô hình của bộ máy tổ chức là khả năng sinh lợi từ mức độ và phạm vi tác động lên con người trong hoạt động thực tiễn của họ mà bộ máy ấy có thể mang lại cho chủ sở hữu, hay người sử dụng trong quá trình vận hành của nó.

III. Thực chất ý nghĩa & tác dụng của bộ máy tổ chức

Chính danh là tên thật, và thực chất cũng là thương hiệu của một tổ chức (dù người ta cố tình cải chính, hay bác bỏ khi đánh đồng chính danh với thương hiệu của một tổ chức chính trị, hay tôn giáo nào đó). Một tổ chức có chính danh là tổ chức có tên đúng với nội dung, ý nghĩa thật sự của tổ chức đó. Chính danh của một tổ chức thể hiện qua tôn chỉ, mục đích và hoạt động thực tiễn của tổ chức đó. Chính danh của một tổ chức chỉ có ý nghĩa thật sự khi được quần chúng thừa nhận chứ không phải là sự tự nhận của tổ chức đó.

Một tổ chức – dù là một tổ chức chính trị, kinh tế, hay xã hội – nếu mất đi chính danh thì coi như tổ chức ấy chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, cũng tức là tổ chức đó đã đánh mất giá trị và giá trị sử dụng của nó. Sự bảo vệ, hay tranh chấp chính danh cũng chính là sự vảo vệ hay tranh chấp thương hiệu, uy tín và phạm vi ảnh hưởng của tổ chức đó đối với thương trường và quần chúng, tức đối với đối tượng mà tổ chức đó đang gây ảnh hưởng. Vì vậy sự giả mạo và đánh cắp chính danh là điều phổ biến xưa nay giữa các tổ chức trong nền kinh tế hàng hóa, kể cả trên thương trường lẫn chính trường, dù đó là tổ chức nào đi nữa.

Khi nói về tính thiêng liêng và sự cao cả, hay tính bẩn thỉu của tổ chức nào đó, thực chất chỉ là một khẳng định nặng tính tuyên truyền. Với tư cách là một công cụ thuần túy, khi chưa được vận hành thì cỗ máy ấy chưa phát huy tác dụng nên cũng không khác nào những bộ máy cơ học lúc nằm yên. Vì vậy, khi con người không có trong tay, hay có mà không vận hành được bộ máy tổ chức ấy thì con người đó khó có khả năng và sức mạnh vượt trội hơn những người bình thường khác, và cũng chỉ khi vận hành bộ máy thì tính thiêng liêng và sự cao cả, hay tính bẩn thỉu, tức cũng là tính chính danh của nó mới bộc lộ thực sự.

Có nhiều định nghĩa hiện hành về chính trị, nhưng với những phân tích về bộ máy tổ chức ở đây cho thấy còn thêm một định nghĩa theo cách khác nữa:

Chính trị thực chất là sự tranh giành và bảo vệ quyền sở hữu, hay quyền sử dụng bộ máy tổ chức về kinh tế, chính trị xã hội của con người, để làm công cụ đem lại và bảo vệ quyền lực, danh vọng và lợi ích vật chất cho người sở hữu hay sử dụng cỗ máy tổ chức này trong bối cảnh một chế độ xã hội nhất định.

Có người nói:

– Người có ý chí mạnh mẽ bởi một đức tin từ một mục đích chính nghĩa hay vì một lý tưởng cao đẹp, thường đạt được thành công;

– Người có sức mạnh vượt trội hơn về điều kiện phương tiện vật chất, kỹ thuật thường sẽ chiến thắng;

– Người trí tuệ cao hơn, loài nào có bộ não phát triển hơn thì sẽ có nhiều cơ hội để chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn;

– Người có năng lực tổ chức cao hơn sẽ có cơ hội chiến thắng nhiều hơn;

– Người giỏi đánh thì không thua;

– Người khéo thua thì không chết.

Tất cả các ý trên chỉ đúng khi công việc được thực hiện thông qua một tổ chức phù hợp cùng với một phương pháp tổ chức đúng.

Bộ máy tổ chức thực chất chỉ là công cụ, là phương tiện không hơn không kém để con người thực hiện mục đích. Trong thực tiễn đời sống xã hội thì hiệu quả cuối cùng của công việc mới là mục tiêu nhắm đến trong mọi hoạt động có ý thức của loài người. Nếu chỉ vì một lý do nào đó mà bám lấy cấu trúc và cơ chế vận hành cũng như các thể chế lỗi thời của bộ máy tổ chức, bất chấp những hậu quả nặng nề mà quá trình thể nghiệm của nó đã đem lại cho xã hội thì quả là một sự mù quáng lớn lao và một tội lỗi không thể biện minh được trước lịch sử.

Đó là sai lầm: Lấy phương tiện để thay thế và biện minh cho mục đích.

Cách phá hoại hữu hiệu nhất đối với một sự nghiệp lớn là xui giục người đứng đầu sự nghiệp ấy sử dụng phương tiện – tức sử dụng một tổ chức – không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn mà hệ quả tất yếu của nó là sẽ dẫn đến phương pháp áp dụng không phù hợp. Bắt đầu của âm mưu này là phá hoại về nhân sự. Tiếp theo của sự phá hoại nhân sự là phá hoại về cơ cấu bộ máy. Tiếp theo nữa là sự phá hoại về cơ chế vận hành. Cuối cùng là sự phá hoại về thể chế điều hành.

Sự phá hoại về nhân sự sẽ dẫn đến sự sa sút và kém cỏi về nhân sự; sự sa sút và kém cỏi này sẽ tiếp tay đắc lực cho các âm mưu phá hoại tiếp theo sau đó. Nếu các âm mưu đó của kẻ phá hoại thành công thì tổ chức ấy sẽ không còn tồn tại trên thực tế, hoặc mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp ấy chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được, dù tổ chức ấy vẫn tồn tại trên danh nghĩa.

Những nhà tổ chức dày dạn kinh nghiệm đều hiểu rất rõ tinh thần của nội dung đã được cố tổng bí thư Lê Duẩn diễn đạt như sau:

Cốt lõi và linh hồn của công tác tổ chức là vấn đề nhân sự.

Trong mọi thành bại của công việc thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ công tác tổ chức.

Một phương pháp sai không bao giờ đem lại một kết quả đúng.

B.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(Kỳ sau: Thử bàn về cải cách hành chính – hay cải cách thủ tục hành chính)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn