Đầu năm, Huệ Chi rảnh rỗi cùng Phạm Toàn

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết cho blogger Nguyễn Xuân Diện: công việc của nhóm Cánh Buồm là một ví dụ cảm động về hoạt động của trí thức trẻ. Nhà thơ và nghệ sĩ họ cảm nhận được cái gì là đúng đắn và tốt đẹp. Hệt như Charlie Chaplin với Albert Einstein vậy.

clip_image002

Phạm Toàn với Huệ Chi ngày 3-8-2012

Sáng sớm 1-1-2013, đang tính khai bút bằng cách mở vi tính chữa lại tập chuyên khảo văn học cổ làm đã mấy năm nay đang chờ được in thì có tiếng gõ cửa. Vợ thay chồng xuống mở cửa, chưa thấy người đã nghe giọng oang oang kèm theo một tràng cười, và rồi một cái đầu trọc nhô khỏi cầu thang: nhà giáo Phạm Toàn. Vui quá là vui! Hai anh em chúng tôi liền kéo nhau lên gác chuyện trò và cố nhiên con mắt long lanh đầu xuân của ông khách đã ngó nghiêng đến tủ rượu. Một buổi sáng đẹp trời, thật tuyệt, trong khi bên ngoài chừng 12 độ. Phạm Toàn vừa ở trong Nam ra, mặt mũi tươi tỉnh, không cau có thở ra những giọng bi quan như mọi khi. Có rượu vào, giọng ông còn hào sảng hơn.

Huệ ChiMột cuộc du hành vào nước Sè Goòng khí lâu đấy nhỉ. Có đi đến những đâu nữa không?

Phạm Toàn – Đi nhiều nơi nữa chứ. Gặp mặt hầu như đủ cả. Toàn bạn bè chí cốt quen nhau từ đã lâu nay mới gặp lại. Có người thì mới gặp lần đầu nhưng “kỳ thanh” trên mạng cũng đã từ lâu. Lên cả Đà Lạt. À mình đem quà Miền Nam cho ông đây. Ông có biết ai gửi cho không nào?

Huệ ChiCủa em A. chứ gì? Hay là Dạ Ngân, học trò yêu của tôi?

Phạm Toàn – Quý hơn em A. Em A. của ông chưa đi đến đâu. Cũng chẳng phải Dạ Ngân.

Huệ ChiThế của ai?

Phạm Toàn – Của quý vị trên Đà Lạt. Mai Thái Lĩnh gửi ông cuốn lịch. Hà Sĩ Phu gửi ông cuốn sách mua ở một cửa hàng sách kiêm hàng hoa sát trước lúc chia tay cốt để ký một chữ cho nhớ nhau. Các ông bà khác, Thanh Biên, Đoàn Nhật Hồng, Trần Minh Thảo, Huỳnh Hải, Huỳnh Tấn, Bùi Minh Quốc nữa… vui lắm, tất cả đều hỏi thăm ông…

Huệ ChiCông nhận cánh Đà Lạt tay nào viết cũng hay. Sâu, sắc sảo, quyết liệt… mà lại rất xây dựng… Chẳng kẻ nào đủ lý luận và bản lĩnh để bẻ lại! Ấy là nói bẻ mà người ta tâm phục. Còn cố mà bẻ cho bằng được hay dùng «ngục văn tự» để «bẻ» thì cũng đành... cười trừ. Nhưng làm thế chỉ càng cho thấy hình ảnh họ lừng lững, và đàng hoàng.

Phạm Toàn – Toàn cỡ học thật, không học giả nói bừa viết bừa. Nhất là rất lương thiện. Không như mấy thằng…

Huệ ChiBiết rồi! Thôi… Thế còn thăm thú đâu nữa không?

Phạm Toàn – À, có thăm Nha Trang, gặp em D.H... Ngồi trên lầu hưởng gió biển lồng lộng, chén với nhau rồi ra biển đi dạo.

Huệ ChiAnh ngắm nghía D.H. thấy thế nào? Có phảng phất ít nhiều hình ảnh của bà mẹ nhân vật Quỳ trong tiểu thuyết Hoa bươm bướm mà ông cụ thân sinh gửi tất cả kỷ niệm riêng tư vào đấy chứ? Đọc tiểu thuyết ấy bao giờ cũng nhớ về thời kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách nói về những gia đình và những thế hệ trí thức đầu tiên va động với cuộc cách mạng như tất cả mọi gia đình chúng ta.

Phạm Toàn – Chẳng biết nữa. Người cao, cao hơn tôi. Nhưng nàng đã chán mọi thứ thì phải. Truyền bá kiến thức cũng bỏ hết. Chỉ uống thuốc thì đều. Giờ nào uống loại gì... tuân thủ nghiêm nhặt.

Huệ ChiTuổi này phải thế mới được. Đến lúc không còn làm được gì nữa thì giữ cái mạng cũng là một việc quá tốt rồi.

Phạm Toàn – Như tôi đây, tôi bỏ hết thuốc, bỏ sạch. Để xem bệnh có đánh gục được cái thằng hơn bát tuần này không nào?

Huệ Chi Vừa nhìn chằm chằm vào ông khách đa bệnh vừa nói Yêng hùng quá nhỉ! Ừ thì mỗi anh một quan niệm «phòng thân» theo cách của mình. Mà thời buổi này lương chưa cầm đến đã xoẳn thì... «phòng bị gậy» cũng được. Riêng tôi nghĩ, sống được đến đâu cứ phải cố sống khỏe mạnh, để nói như Phan Bội Châu «Phùng xuân hội may ra ừ cũng dễ... ». Nhưng mà thôi... hẵng gác lại đã. Hôm nay nhân dịp đầu năm, tôi phỏng vấn anh đây. Để đưa lên trang nhà… Đột ngột thế này anh có chịu không?

Phạm Toàn – Hết đề tài rồi sao, lại phỏng vấn tôi?

Huệ ChiBao giờ cho hết đề tài! Hôm nay đầu năm, anh lại tới chơi, tự nhiên tôi nghĩ chuyện của anh có thể có ích, có thể có gợi ý cho bạn đọc…

Phạm Toàn – Thì thử coi. Nào,…

Huệ ChiBa năm nay anh làm những gì?

Phạm Toàn – Ba năm nay tôi thường xuyên làm chừng sáu bảy đầu việc. Này nhé … Một là dịch sách, vừa dịch bổ sung tái bản Cơ cấu trí khôn của Howard Gardner, đang dịch tiếp Trí khôn sáng tạo cũng của Howard Gardner… Hai là dịch và hiệu đính tủ sách Triết học cho thiếu niên của nhà Tri thức. Tủ sách này in 13 cuốn thì mình hiệu đính 10 cuốn và dịch 1 cuốn… Ba là lập nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm, làm cật lực ba năm nay được 16 cuốn, xong sách cho cả bậc tiểu học rồi... Rồi trang mạng của chúng mình, trang mạng hiendai.edu.vncanhbuom.edu.vn của nhóm Cánh Buồm… Rồi viết báo… Rồi viết đủ thứ…

Huệ ChiCó chuyện gì vui?

Phạm Toàn – Có chuyện vui và có chuyện tức cười… Chuyện vui là xong sách tiểu học, cái đó vui nhất. Chuyện vui là bà Nguyễn Thị Bình Quỹ Phan Châu Trinh và anh Vũ Ngọc Hoàng Phó ban Ban Tuyên Giáo Trung ương rất thích sách giáo khoa và không khí lao động sư phạm của nhóm Cánh Buồm. Chuyện vui là các em nhóm Cánh Buồm rất trưởng thành, bây giờ mình chết thì chúng nó cũng đứng được rồi. Chuyện vui còn nhiều… Có thích nghe chuyện tức cười không ?

Huệ ChiỜ, kể chuyện tức cười đi.

Phạm Toàn – Chuyện tức cười là ai đến thăm mình bây giờ cũng khuyên «già rồi, nghỉ ngơi đi, làm ít thôi, làm cả đời rồi, phải chơi nữa chứ?». Thế nhưng, trước khi ra về thường không quên, «em nhờ thầy, cháu nhờ bác, con nhờ cụ, mình nhờ ông…» nào đọc hộ chữa hộ dịch hộ đính chính hộ… đủ thứ hộ, và thường là từ dăm bảy trang đến trăm trang… Cô Mai Phương ở Canada sắp in sách ở nhà Tri thức cũng đang nhờ Giáo sư Ngô Vĩnh Long và tôi hiệu đính một quyển mấy trăm trang về Trẻ em…

Huệ ChiCô Canada này có khuyên ông nghỉ ngơi vui chơi không?

Phạm Toàn – Cũng thế! Toàn những người tốt bụng muốn mình giữ sức khỏe, vui vẻ, sống lâu… he he he…

Huệ ChiThế ông tưởng ông còn trẻ trai lắm đấy à? Ông kể chuyện sách Cánh Buồm đi.

Phạm Toàn – Soạn xong rồi! Sách Văn (Giáo dục nghệ thuật) từ lớp 1 đến lớp 5. Sách Tiếng Việt (Ngôn ngữ học) từ lớp 1 đến lớp 5. Sách Giáo dục Lối sống từ lớp 1 đến lớp 3. Sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 2. Xong Tiếng Anh lớp 3 rồi, nhưng hết tiền, không in được.

Huệ ChiSao lại hết tiền? Tôi nghĩ nhà Tri thức in cho các anh chứ?

Phạm Toàn – Tiếng là in ở nhà Tri thức, nhưng nhà xuất bản này làm gì có tiền? Họ cho mình cái «bao bì» thôi.

Huệ ChiThế tiền đâu? Ai cho?

Phạm Toàn – Trong báo cáo ở Hội thảo Em biết cách học ngày 6 tháng 10 năm 2012, tôi đã viết một mục Biết ơn ghi tên các Mạnh Thường Quân…

Huệ ChiSao không in ở Nhà xuất bản Giáo dục?

Phạm Toàn – Ông nghĩ là Nhà xuất bản Giáo dục sẽ in sách của chúng tôi à? Họ đang thực hiện Luật một chương trình – một bộ sách mà! Năm 2010, chúng tôi thử công bố thăm dò mấy cuốn lớp Một, thì bị hai ông ở Quốc hội và ở Vụ Tiểu học bắn tin cho «cơ quan chức năng» rằng chúng tôi phạm Luật. Sau rồi may sao được ông Lê Tiến Thành Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD) nói với báo chí là chúng tôi không phạm gì cả. Trên mạng xuất hiện một số bài viết cho rằng chúng tôi «không khoa học» (blog Nguyễn Xuân Diện và một vài blog khác nữa). Tôi và các em trong nhóm không trả lời. Lúc ấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết thư cho anh Nguyễn Xuân Diện, nói công việc của nhóm Cánh Buồm là một ví dụ cảm động về hoạt động của trí thức trẻ. Diện bèn thôi ngay.

Huệ ChiThế ông không chịu nghe phản biện sao? Như hôm họp ra mắt ở Nhà L’Espace tôi thấy hai chị Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào góp ý thẳng thắn và sâu đấy chứ, tôi cũng tán đồng với họ. Không chịu nghe thì kém lắm.

Phạm ToànVừa đáp lời bằng giọng hơi xẵng, tay vừa với chai rượu cognac, trong khi chủ nhân biết ý từ trước đã dịch chai rượu ra xa, chỉ sợ cái ông mới mổ tim vài năm nay quá chén quả tim lại sinh sự thì... đi toi cả bộ sách giáo khoa cùng với bao nhiêu ý tưởng mới mẻ mà ông chưa kịp hoàn thành – Giời ạ! Tôi không nói những ý kiến xây dựng như của hai chị Hạnh và Đào, những ý kiến ấy thì khác! Đây là chuyện người ta soạn sách vớ vẩn, rồi người ta thông qua Luật bảo vệ bộ sách đó. Và người ta cũng bảo đó là «khoa học». May mà dư luận làm um lên, khiến họ phải tuyên bố giảm tải này nọ. Giảm làm sao được? Có ở chỗ nào giảm được đâu? Chết con em. Chết tương lai dân tộc. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cần im lặng soạn và đưa ra cho xã hội thấy đủ bộ sách tiểu học đã. Rồi «khoa học» sau!

Huệ ChiSách tiểu học? Sao lại là tiểu học?

Phạm Toàn – Nếu ông theo dõi thì thấy: cuộc hội thảo giới thiệu toàn bộ sách tiểu học của chúng tôi năm 2012 có tên EM BIẾT CÁCH HỌC. Nghĩa là nhấn mạnh cho rõ: bậc tiểu học là bậc phương pháp học.

Huệ ChiSao không là bậc trung học hoặc đại học?

Phạm Toàn – Đến Trung học hoặc đại học mới học phương pháp học thì quá muộn!

Huệ ChiSao không là bậc Mẫu giáo?

Phạm Toàn – Bậc Mẫu giáo có sứ mệnh huấn luyện cho trẻ em hoàn thiện cơ bắp (để ít nhất cũng biết cầm bút cầm phấn cầm đũa hoặc xếp hàng đi đều), hoàn thiện các giác quan và bộ máy phát âm (nhìn tinh, nghe tinh, phát âm không ngọng…). Bậc Mẫu giáo chưa cần lắm đến tư duy khoa học (trừu tượng). Tư duy Mẫu giáo cứ cụ thể như người nguyên thủy cũng chưa chết ai. Nhưng từ lớp Một là phải rèn bằng được cái tư duy trừu tượng. Vì thế, học phương pháp học là bắt đầu từ lớp 1 và hoàn thiện ngay từ bậc tiểu học.

Huệ ChiSách cũ của Bộ Giáo dục có khuyết điểm gì khiến anh thấy cần soạn sách khác thay thế?

Phạm Toàn – Bộ Giáo dục đã tự nhận khuyết điểm là sách soạn ra quá nhiều tính Hàn lâm. Đó là cách nói lấy mẽ. Như bà Phó Đoan uốn éo tự phê bình với Vũ Trọng Phụng rằng «em chưa đạt tới tam cương ngũ thường của đồng chí Khổng». Nói thật nhé: nếu sách của Bộ Giáo dục (cái chương trình năm 2000 đang dùng này) mà có tí Hàn lâm nào thì đã phúc cho dân tộc! «Hàn lâm» mà thế, thì quả thật là nói không biết thẹn! Không! Đó là một bộ sách vớ vẩn.

Huệ ChiCái tiếng «không» chắc nịch thế khiến người tự tin đến đâu cũng phải giật mình đấy. Thế nào là sách vớ vẩn, anh định nghĩa coi.

Phạm Toàn – Là bộ sách không có tư tưởng, không có kỹ thuật thực thi tư tưởng, và không hấp dẫn cả người học lẫn người dạy.

Huệ ChiBộ sách của anh có tránh được điều đó không? Khéo lại như câu ca dao: «Chân mình đã... Lại còn đốt đuốc... »

Phạm Toàn – Thì tôi phải thấy là sản phẩm của mình hơn cái đang bán trên thị trường tôi mới làm cái khác chứ? Trên thị trường hôm nay có ít nhất ba bộ sách tiểu học. Bộ chính thống theo Luật, tôi cho 1 điểm. Bộ của Công nghệ Giáo dục, tuy tôi có phần đóng góp ở bộ này, song tôi cũng chỉ cho 4 điểm. Bộ của Cánh Buồm, tôi cho 5 hoặc 6 điểm.

Huệ ChiSao không cho 10 điểm?

Phạm Toàn – Không phải vì khiêm tốn. Vì khi soạn chúng tôi còn vội vàng – hơn hai năm, sáu người soạn 16 cuốn sách, lại soạn vào ngoài giờ kiếm sống. Chưa kể là các em trong nhóm Cánh Buồm còn trẻ, huấn luyện rất kỹ đấy, nhưng cách các em hiểu và soạn ra vẫn chưa mượt mà. Tôi thấy rõ nhất là các bài tập còn khô khan. Phần khái niệm thì tương đối tốt. Nhưng các bài luyện tập thì vẫn còn cần hoàn thiện nhiều. Lần tái bản năm 2014 hoặc 2015, sẽ cố sao cho sách Tiểu học Cánh Buồm đạt điểm 8.

Huệ ChiCó thì giờ rồi đó, sao anh không hoàn thiện sách ngay năm nay?

Phạm Toàn – Vẫn chưa có nhiều thì giờ. Năm nay, nhóm tập trung soạn sách sư phạm. Trong sách giáo khoa, chúng tôi đã soạn theo cách để người dạy và người học dùng chung. Thậm chí, cha mẹ thích dạy con cũng có thể dùng sách đó. Tức là phần kỹ thuật sư phạm đã được lồng ngay trong sách giáo khoa.

Huệ ChiCòn cần gì sách sư phạm nữa?

Phạm Toàn – Cần chứ! Sách sư phạm năm nay đang soạn sẽ giúp người giáo viên hiểu về lý thuyết vì sao sách lại thay đổi như thế.

Huệ ChiSách sư phạm của anh dày mấy nghìn trang nữa? Lại ôm thêm mấy tập khệ nệ thì lo lắm!

Phạm Toàn – Dại gì làm mấy nghìn trang? Nói giản dị và hấp dẫn, tại sao lại có một điều đúng đắn về tư tưởng khoa học, tại sao lại có thể có các kỹ thuật thực thi thích hợp, và hướng dẫn cách thực thi những điều hấp dẫn trong sách giáo khoa mới như thế nào, hà tất phải dài. Sau này, vài ba chục năm nữa, các nhà nghiên cứu sẽ bổ sung bằng những luận văn dài hơn, kỹ hơn, sâu hơn. Để đưa nền Giáo dục đi xa hơn.

Huệ ChiTôi biết anh bận làm sách và cũng lo với anh. Nên anh thấy đấy, phân công anh biên tập BVN rất nhẹ nhàng… Anh em cáng đáng cho cả. Bài tiếng Pháp tôi cũng phải gắng dịch hoặc nhờ bạn bè dịch.

Phạm Toàn – Khiếp, sao mà nhẹ nhàng! Chẳng phải lắm hôm nửa đêm ông gửi bài bắt dịch ngay trong đêm, rồi thỉnh thoảng lại tra khảo một vài điều hắc búa... Nhẹ nhàng! Dẫu sao cũng cám ơn Tổng biên tập đã ưu tiên rất nhiều. Ông tra khảo gì nữa nào?

Huệ ChiRiêng chuyện sách giáo khoa của anh, đủ để bàn bạc với nhau cả đời. Thỉnh thoảng tôi vẫn vào trang mạng của nhóm Cánh Buồm. Thấy anh huy động được cả những ông Hoàng Hưng, Dương Tường cùng tham gia, nghĩ bụng anh này thế mà cũng còn có sức lôi cuốn... cơ đấy! Thảo nào... hồi trước có lần ngồi chung với T.N. mắt anh gườm tôi đến nổ đom đóm.

Phạm Toàn – Bậy nào! Hoàng Hưng và Dương Tường tự ý vào nhóm đấy. Hoàng Hưng là nhà giáo giỏi, mà vẫn nói ở giữa Sài Gòn “tôi học lại mọi điều để làm việc với nhóm Cánh Buồm”. Nhờ Hoàng Hưng mà huy động được cả ông Nguyễn Xuân Khánh nữa. Chúng mình đang dịch sách tâm lý học giáo dục. Hy vọng tháng 5 - 2013 khi giới thiệu sách sư phạm Cánh Buồm thì cũng có sách dịch Piaget và Howard Gardner.

Huệ ChiSao không để sách tâm lý học cho các nhà tâm lý học làm?

Phạm Toàn – Xã hội chờ mỏi mắt sách của các vị Tiến sĩ và Viện sĩ tâm lý học. Nhưng có lẽ họ bận. Nhưng tôi nghĩ dịch Piaget hoặc Gardner cũng không dễ. Nếu dễ làm thì họ đã làm từ hàng chục năm nay rồi. Cũng như, ở một khía cạnh khác, nếu thấy trong sách giáo khoa của Cánh Buồm dù chỉ vài sai sót chết người (những điều “nhạy cảm” thời nay chẳng hạn) thì họ đã báo cáo đến chỗ cần báo cáo để tiêu diệt chúng tôi rồi. Theo đúng cung cách tốt nhất để “thi đua khoa học” ở các nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta chẳng lạ gì.

Huệ ChiChắc là các vị đó đang bận soạn lại sách giáo khoa…?

Phạm Toàn – Tôi trông chờ sách Cánh Buồm sẽ có tác động kích thích làm việc đó. Nhưng kích nổ rồi thi nhau soạn được những bộ sách giáo khoa đúng hơn, hay hơn, dễ thực thi hơn đâu có dễ! Nếu ai đó đủ sức làm ra bộ sách giáo khoa tốt hơn Cánh Buồm thì bao nhiêu năm nay họ đã làm rồi.

Huệ ChiMột câu hỏi cuối cùng: sắp tới Quốc hội mời góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 ý anh là thế nào?

Phạm Toàn – Nói thật, tụi mình không có thì giờ để bận tâm vào những việc... vừa trọng đại vừa biết trước kết quả ấy. Mình thì Cánh Buồm, ông thì các vị vua hiền triết và nghệ sĩ thời Lý Trần. Đánh cuộc với ông, góp ý chán chê rồi nhỡ toàn dân muốn thay đổi điều 4, các ngài có dám theo dân không nào? Thùng phiếu nước ta cần xức nước hoa!

Huệ ChiTrầm ngâm khá lâu Có lẽ... thế mà đúng. Lao vào chuyên môn mà làm một đôi việc cho có ích. Những ngày này nhìn đây nhìn đó thấy nhiều chuyện cứ rối tinh. Chính sách, ngân hàng, bất động sản... bão giá, thất nghiệp, giết chóc, bạo hành... Quan trọng nữa là cái cách con người cư xử với nhau, cái tình người hình như đã trống rỗng. Có nơi đâu mà hễ bước ra đường là có thể bị cướp dùng dao cứa cổ hoặc đâm ngay một nhát vào lưng để giật túi, giật điện thoại di động, mà xung quanh đành chịu? Chính con dâu của tôi cũng mới là nạn nhân cách đây chưa đến hai tuần – may mà nó chưa bị đâm, chỉ mới ngã sấp xuống và vì có đội mũ bảo hiểm nên đầu đập xuống hè mà chưa việc gì... Điều ám ảnh số đông bây giờ có dễ chưa phải là chọn được những câu những từ ưng ý về quyền con người, quyền công dân gì đó để thay cho một văn bản đã cũ. Những thứ ấy đối với dân mình e còn xa xỉ quá, mà lại... có vẻ như làm văn, nói như các cụ xưa là không phải cái học thực nghiệp. Chẳng biết có tác động gì đến thực tiễn hay không? Tôi nghiệm ra, trong thực tế hình như có nhiều khái niệm, giờ đây sau bao nhiêu thăng trầm, đã mất hẳn nghĩa gốc hoặc hoàn toàn biến nghĩa... Thôi thì con cắn rơm cắn cỏ lạy các quan... ban đêm xin các quan hãy có lòng nghĩ đến chúng con một chút, bớt đi chừng một phần năm những kẻ nuôi ăn để đàn áp biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, giao cho đám ấy đi xua cướp giùm chúng con. Chứ các quan nói trên tivi, tuyên bố này kia trên báo thì lúc nào cũng hay, ai nghe chả hả lòng hả dạ, khốn nỗi cướp nó bao giờ cũng tránh các quan. Thuở sinh tiền, GS Đinh Gia Khánh có nói với tôi, trước 1945 đêm đêm sinh viên Hà Nội ở “Việt Nam học xá” đã gần ngoại ô rồi mà đi dạo phố suốt đêm có hề hấn gì đâu... Ao ước của người Việt đại chúng xưa nay vốn thật là giản dị, vậy mà xem chừng trong lịch sử lại rất, rất ít khi đạt được: một đất nước thật sự thanh bình, ai đâu yên đấy không bị hạch sách quấy nhiễu, người dân có thể thở, có thể làm ăn, và có cái ăn để còn sống thủy chung tình nghĩa, đừng trở thành trơ lỳ như gỗ đá... Thế thôi. Nói xa xôi quá đâm thành những chàng lãng tử.

Phạm Toàn – Ừ... Mình nhiều tuổi rồi. Tập trung làm nốt một việc, thực chất là... chuẩn bị cho sự thay đổi căn bản đấy, không phải chuyện giảm tải hoặc tăng giảm kiến thức này nọ, mà là sự thay đổi nếp nghĩ và nếp sống của con trẻ. Chúng nó mới là tương lai quyết định vận mệnh đất nước. Hãy thế đã!

Huệ Chi Thôi nhé. Cám ơn anh đầu năm 2013 đã đến thăm nhờ đó có cuộc trò chuyện về sách giáo khoa mà chúng ta vẫn canh cánh lâu nay… Tôi muốn anh cho một ý nào đó để in đậm lên đầu bài này.

Phạm Toàn – Hè hè, ông có nghề báo rồi đấy! Tôi đề nghị dùng ý kiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết cho Nguyễn Xuân Diện: công việc của nhóm Cánh Buồm là một ví dụ cảm động về hoạt động của trí thức trẻ. Nhà thơ và nghệ sĩ họ cảm nhận được cái gì là đúng đắn và tốt đẹp. Hệt như Charlie Chaplin với Albert Einstein vậy.

Huệ ChiÔ kê, chọn ý đó. Nào, nâng cốc! Mừng 2013… Mừng Cánh Buồm… Mừng cuộc sống còn làm ta cảm thấy chưa đến nỗi vô ích…

Phạm Toàn – Hè hè, ba cốc rồi! Tôi phải đi thăm đạo diễn Bạch Diệp đây. Năm nay kiên quyết nghỉ một ngày 1 tháng 1 để mừng năm mới.

N.H.C. & P.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn