Thuyết phục hay khuất phục?

Lưu Hà Sĩ Tâm

Cái mốc ban đầu của 3 tháng, mà Đảng và Quốc hội dành cho nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã sắp đến. Nhờ ý kiến từ nhân dân, cái mốc đã được cho phép dời đến hết tháng 9/2013. Chúng ta cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn từ những luồng ý kiến và thông điệp mới mẻ, xuất phát từ trong dân gửi đến Đảng và Quốc hội. Tính mới mẻ thu hút sự quan tâm chú ý, là bởi hàm lượng trí tuệ cao, tạo nên sự khác biệt trên diện rộng cũng như tầm cao về khoa học kinh tế - xã hội - công nghệ so với tư duy lý luận truyền thống, bởi sự thẳng thắn dũng cảm của từng cá nhân cũng như của các giới trong xã hội. Đó là nói về phía quần chúng mà Đảng vẫn đang lãnh đạo. Còn khi đã có rất nhiều ý kiến và thông điệp từ lòng dân, khác với ý Đảng, thì Đảng sẽ chọn “phương pháp cách mạng” nào đối với quần chúng: thuyết phục hay khuất phục?

Đảng muốn thuyết phục quần chúng, nhưng bất khả thi

Để thuyết phục quần chúng, Đảng phải đóng vai trò của người thuyết phục. Đối với người được thuyết phục là quần chúng, để tăng cường khả năng thuyết phục, người thuyết phục cần có thế mạnh 4P, đó là: Power, Positioning, Performance, Politeness.

Power nghĩa là sức mạnh/quyền lực (đối với quần chúng). Trong thời kỳ 1930 - 1975, đối với quần chúng mà khát vọng khi ấy là đổi đời nhờ giành được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, và cần dùng đến bạo lực của chuyên chính, thì Đảng tỏ ra có sức mạnh của lực lượng lãnh đạo (trong từng thời kỳ nhất định), cho dù số lượng Đảng viên không nhiều. Đó là nhờ chất lượng của đảng viên, nhờ kỷ luật và tính chặt chẽ của tổ chức, nhờ phương pháp sống và làm việc cùng quần chúng, nhờ Đảng không tìm lợi ích nào khác ngoài lợi ích của quần chúng. Tình hình đó giờ đây đã biến chuyển theo xu hướng ngược lại. Tuy là Đảng tìm cách gia tăng số lượng đảng viên bằng mọi cách, tuy là Đảng cố tình để có quyền lực toàn diện và tuyệt đối, nhưng sức mạnh thực sự của Đảng đối với quần chúng đã và đang bị sa sút nghiêm trọng. Hơn nữa, sức mạnh của Đảng, biểu hiện bằng sự ngạo mạn trước sự sợ hãi của quần chúng (do bị đe dọa và đàn áp không nương tay), chỉ là sức mạnh của “voi” mà quần chúng phải “tránh”, nên chỉ có giá trị ngắn hạn mà thôi.

Positioning là khả năng định vị (trong tâm trí và tình cảm của quần chúng). Đã có những giai đoạn trước đây, Đảng đạt được điều đó ở mức độ nhất định. Nhưng gần 40 năm qua, tình cảm và niềm tin mà quần chúng dành cho Đảng ngày càng giảm sút nếu không muốn nói là đã hết, bởi họ phải sống trong hoàn cảnh buộc phải chấp nhận những gì Đảng sắp đặt hay ban cho. Đảng thực sự đã trở thành lực lượng cai trị quần chúng, chứ không phải là lãnh đạo quần chúng như trước nữa. Người ở vị thế cai trị có rất ít khả năng thuyết phục.

Performance nghĩa là hoạt động/làm việc (với khả năng và kết quả nhất định). Trước đây, khi lãnh đạo và cùng quần chúng tiến hành sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Đảng đã tích cực hoạt động từ bí mật đến công khai với hiệu quả tốt và cùng toàn dân đạt được một số thành công nhất định. Khi ấy, vào những tình huống cụ thể, Đảng đã làm công tác dân vận thành công, bởi tính thuyết phục thông qua việc làm và kết quả, tạo được sự tin tưởng trên cơ sở tương đồng về lợi ích vật chất và tinh thần. Nhưng gần 40 năm qua, những thất bại liên tiếp và kéo dài trên mọi mặt (kinh tế, tổ chức xã hội/hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ…) khiến cho Đảng lâm vào thế bế tắc về mặt lý luận, hoảng hốt khi thực tiễn diễn ra ngược lại với lý luận. Quần chúng mất lòng tin vào người muốn thuyết phục. Đảng và chính quyền làm sai, làm hỏng, tham nhũng, mất cơ sở của lý lẽ, không còn có thể tự tin mà gây ảnh hưởng tích cực, nên Đảng và chính quyền mất dần khả năng thuyết phục quần chúng.

Politeness nghĩa là sự lịch thiệp, trên cơ sở tôn trọng (đối với quần chúng, để thuyết phục họ). Đảng và chính quyền cần phải đối xử với quần chúng một cách nhã nhặn và thể hiện tôn trọng họ, mới có thể khiến họ có động lực muốn đóng góp cho mục tiêu Đảng và chính quyền đề ra. Quần chúng hiển nhiên có nhu cầu cảm thấy quan trọng và được tôn trọng. Trong hoạt động cách mạng trước đây, Đảng làm được điều đó, vì lễ độ và quý trọng dân. Các đảng viên giỏi dân vận, có kỹ năng thuyết phục nên biết cách tiếp nhận những ý kiến phản ứng từ dân. Thay vì xem đó là sự đối nghịch, cần xem nó là một phần tự nhiên và có giá trị của quá trình thuyết phục. Họ dùng mối bận tâm của người dân để mở ra cuộc đối thoại, một cơ hội trao đổi ý kiến và khám phá ra nhưng điều mới mẻ. Họ làm cho cuộc đối thoại thuyết phục trở nên trôi chảy bằng cách giải quyết các bất đồng chính kiến. Những năm qua, sự lễ độ và quý trọng dân không những giảm sút một cách tệ hại, mà Đảng còn không chấp nhận phản biện từ dân.

Đã trở thành nỗi nhục của dân tộc, khi mà Đảng cầm quyền một mặt tảng lờ đối thoại để thuyết phục quần chúng, một mặt chọn phương án mạt sát/đả kích/quy chụp những người khác chính kiến. Chúng ta tưởng rằng đã có thể qua rồi cái thời túm tụm đài báo để mạt sát, đả kích (bằng lời và bằng tranh vẽ) những “thằng” tổng thống Giôn-sơn, Nic-sơn, Ri-gân, Diệm, Thiệu... và những “thằng” khác hợp tác với những “thằng” ấy, với đủ mọi méo mó dị dạng về hình thể, về nhân cách, về lời nói, về đời tư… Vậy mà giờ đây trong Đảng, thói quen thiếu văn hóa đó lại trỗi dậy để nhằm vào chính những người đồng bào mình, vào cả những đồng chí của mình. Đảng đã bố trí những kẻ bồi bút, thiếu nhân cách và sự hiểu biết vô cùng thấp kém, để làm điều đó trên các báo và các trang mạng (websites) của Nhà nước… Giá như Đảng và các vị lãnh đạo cao cấp ấy biết được rằng, người đọc khi đọc những nội dung như thế thì chỉ phì cười khi nghĩ về tác giả của những nội dung ấy, bởi ít nhiều thấy bóng dáng kiểu cách của lý lẽ tăm tối, du côn của nghị Phước, người mà bà con cô bác TP HCM đã không may mà “bầu” thành “đại biểu” trong Quốc hội. Thực tế nói trên có nghĩa là Đảng đã đánh mất sự lịch thiệp và văn hóa tối thiểu, để có thể thuyết phục quần chúng.

Đảng muốn hướng đến việc khuất phục quần chúng

Không thể nói rằng Đảng không muốn thuyết phục quần chúng. Nếu lý luận của Đảng là có các cơ sở cần thiết, nếu Đảng lại có những “sáng tạo lý luận” nào đó, nếu Đảng tự thấy còn sức mạnh nhất định, nếu Đảng có những thành công nhất định trong lãnh đạo, nếu Đảng còn giữ được ít nhiều lòng dân và đủ lịch thiệp với quần chúng, thì chẳng có lý do gì mà Đảng không thuyết phục quần chúng.

Nhưng vì đối với Đảng, việc thuyết phục quần chúng ngày càng tỏ ra bất khả thi, nên Đảng quen dùng cách ép buộc/áp đặt đối với quần chúng. Hơn nữa, Đảng lại muốn hướng đến việc khuất phục quần chúng.

Đảng muốn khuất phục quần chúng, bởi Đảng có thế mạnh và kinh nghiệm trong phương pháp cách mạng dùng chuyên chính, nghĩa là dùng bạo lực. Công cụ chuyên chính vô sản đã là công cụ hữu ích cho Đảng trong suốt thời kỳ 1930 - 1975, khi lãnh đạo quần chúng trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Thời bấy giờ, công cụ bạo lực không chỉ là chủ yếu nhằm vào kẻ thù bên ngoài hệ thống (là thực dân kiểu cũ và mới, và là một phần của dân tộc không theo ý thức hệ Mác-Lê), mà còn nhằm vào “kẻ thù” bên trong hệ thống chính trị do Đảng xây dựng (là những cán bộ đảng viên có quan điểm cấp tiến, với xu hướng dân chủ hóa trong Đảng và ngoài xã hội).

Đảng muốn khuất phục quần chúng, bởi Đảng nắm trong tay lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân quân,…). Người quen dùng bạo lực, muốn công cụ này có hiệu quả, thì luôn có xu hướng muốn biến các đối tượng của bạo lực phải là “kẻ thù”, là “thế lực thù địch”. Khác với trước đây, đối với Đảng và chính quyền, giờ đây các đối tượng này xuất hiện khắp nơi khắp chốn, vì đó lại chính là đồng bào trên toàn quốc và nhiều đồng chí ngay trong Đảng, không tuân phục hoặc khác chính kiến với Đảng.

Đảng muốn khuất phục quần chúng, bởi tư tưởng chuyên chính một khi đã ngấm vào máu lực lượng vũ trang, thì trong rất nhiều trường hợp, chính lực lượng này kích thích trở lại đến quyết định dùng bạo lực của các lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Đảng muốn khuất phục quần chúng, cũng còn vì số đông dân chúng qua những năm tháng đằng đẵng đau khổ trong chiến tranh, nên chỉ muốn yên thân sống và làm ăn, mà cam chịu sự đè nén, đe dọa và đàn áp của Đảng và chính quyến. Nếu không vì như thế, số lượng người dân ký vào mỗi bản Kiến nghị hay Công bố vừa qua không phải chỉ hàng chục ngàn người, mà là vài chục triệu người.

Hệ lụy

Khi Đảng và chính quyền mất khả năng thuyết phục và chỉ muốn khuất phục quần chúng, nhiều hệ quả tồi tệ sẽ đến.

Đảng và chính quyền sẽ mất đi một trong các cầu nối liên hệ với dân thông qua các quá trình thuyết phục. Hệ thống lý luận của Đảng sẽ trở nên xơ cứng với tốc độ nhanh hơn, do mất động lực thuyết phục không chỉ đối với quần chúng, mà còn cả đối với các đảng viên trong Đảng nữa. Khủng hoảng lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chính quyền sẽ trở nên trầm trọng hơn, vì người dân không còn được thuyết phục bởi những lý lẽ thấu tình đạt lý. Xuất hiện xu thế mất động lực của quần chúng trong việc hưởng ứng, ủng hộ và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền.

Xu hướng khuất phục quần chúng nhân dân bằng bạo lực làm sai lệch mục đích tồn tại của các lực lượng vũ trang trước hết là để phục vụ và bảo vệ nhân dân. Khi thực hiện các nhiệm vụ bạo lực để đe dọa, trấn áp, đàn áp quần chúng, các cán bộ sĩ quan và chiến sĩ lực lượng vũ trang bị suy thoái đạo đức nhân cách một cách nghiêm trọng. Dùng bạo lực, sự thắng thế đối với quần chúng không có vũ khí (và không chủ trương dùng bạo lực) chỉ là thắng thế tạm thời. Quần chúng khi bị đè nén và đàn áp, sẽ trở thành chiếc lò xo vĩ đại đang bị nén lại, tích lũy năng lượng khổng lồ để bung ra vào thời điểm nhất định, đánh bật trở lại và hạ gục thế lực cố tình nén nó một cách bừa bãi.

Thái Bình, 17/3/2013

L.H.S.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn