Sự thật và tính vững bền của một Nhà nước

Khánh Trâm

Thế là đã giữa tháng Ba, ở Tây Nguyên là “mùa con ong đi lấy mật”, còn ở thành phố lớn nhất và đông dân nhất cả nước là TP HCM thì toàn dân đang “nô nức” đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo hiến pháp của Quốc hội (được phát đến tận hộ gia đình, có yêu cầu ghi tên, số điện thoại và địa chỉ rõ ràng) và phải hoàn thành trong 1-2 ngày, khẩn trương như đi đánh giặc, trong khi thời hạn góp ý được gia hạn đến 30/9/2013.

Tháng Ba năm nay chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử bởi những sự kiện bất thường:

– Ngày 8/3/2013 trang điểm tin số 1 Việt Nam “Anhbasam.wordpress.com” bị hacker đánh sập.

– Ngày 14/3/2013 – lần đầu tiên sau 25 năm – sự kiện quân đội Trung Quốc nã súng vào bộ đội hải quân Việt Nam TAY KHÔNG VŨ KHÍ, gây ra trận thảm sát Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988 được báo Nhà nước đưa tin.

Đó là những sự kiện khiến tôi lan man nghĩ đến 2 chữ SỰ THẬT.

Người đời nói rằng con người ta có ba thứ vô tận: dối trá, lòng tham và sự ngu xuẩn. Trong đó sự “dối trá” được đặt lên hàng đầu. Thế mới biết, khi phải sống trong “dối trá” triền miên, con người thèm khát sự thật đến đâu, và sự thật quan trọng đến đâu.

Cách đây không lâu, GS Ngô Bảo Châu đã viết trên blog của mình: “Thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật” và ông đau đớn thốt lên: “ Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình... Thế nhưng, người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn, vì sự thật nhiều khi không có lợi hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi...”.

SỰ THẬT có cách biểu đạt Hán Việt khác là CHÂN LÝ, mặc dù SỰ THẬT là những bước cụ thể để con người đi tới CHÂN LÝ - cái SỰ THẬT cuối cùng. SỰ THẬT rất độc lập và có sức sống trường tồn. Và, ai yêu ai ghét cũng không làm nó thay đổi. SỰ THẬT vừa là vật thể, vừa là phi vật thể nên mới có câu nói: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật”. Điều này đã được thừa nhận bởi nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm: “ Có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử do nhà sử học viết ra”. Hiện tượng Lê Văn Tám trong lịch sử Việt Nam là một thí dụ. Người viết bài này suốt thời thơ ấu và những năm cắp sách đến trường đã vô cùng thần tượng nhân vật không có thật này, và cái tên “Lê Văn Tám” gần đây đã được nhà sử học Phan Huy Lê bạch hóa trên tạp chí “Xưa và Nay” của Hội Sử học.

Khi nói đến sự thật, chúng ta đều phải thừa nhận rằng, vì sự thật tồn tại độc lập nên nếu ai đó muốn dấu nó đi hay muốn bóp méo nó, hay muốn vừa che vừa mở he hé... thì đến một lúc nào đó, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”. Ở thế kỷ 21 này, thời đại INTERNET kết nối toàn cầu, nhân loại không chỉ “không cô đơn, cũng không bầy đàn” mà còn biết rất nhiều sự thật: nào là ông Stalin ra lệnh thảm sát hơn 20.000 sỹ quan Ba Lan ở khu rừng Katyn trong chiến tranh thế giới thứ 2, nào ở đất nước Trung Quốc người ta dùng xe tăng đàn áp sinh viên rất dã man để “giữ vững chế độ” nơi quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989... Đấy là nói chuyện thế giới, còn ở Việt Nam thì bây giờ chúng ta được biết rất nhiều chuyện… Ví như chiếc xe tăng 384 không phải là chiếc đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập; dưới chế độ VNCH cuộc sống của người dân không phải hoàn toàn bị “Mỹ ngụy kìm kẹp” mà là một nền cộng hòa non trẻ theo thể chế tam quyền phân lập nên các sinh viên tranh đấu mới có điều kiện “xuống đường”... Nói ra những sự thật này, chúng ta lại nhớ đến cả một thời gian dài, người dân chỉ có nguồn thông tin duy nhất là chiếc loa phóng thanh (bà con dân tộc gọi là “cán bộ trên cây” để phân biệt với cán bộ dưới đất), cái ngày chưa có INTERNET và người ta chỉ nói theo định hướng thì ngày đó sự thật vẫn còn được ngủ yên và thậm chí được dấu diếm thật kỹ chẳng hạn như “Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, hay “Hiệp định biên giới” Việt Nam - Trung Hoa.

Sự thật tự nó toát lên giá trị vốn có, chẳng cần ai tô hồng hay bôi đen cả. Thế kỷ 21 hôm nay, chỉ cần một cú nhấp chuột là “cả thế giới hiện ra trước mắt chúng ta”, cho ta tiếp cận, sàng lọc, hiểu biết thông tin. Đây là cái quyền sở hữu trí tuệ được INTERNET cung cấp rất đắc lực và hiệu quả. Cũng nhờ thông tin trên mạng mà chúng ta biết được những sự thật được hiện diện trên nhiều lĩnh vực.

Về ngoại giao:  mặc dù chính quyền luôn ca ngợi mối quan hệ láng giềng hữu hảo với Trung Quốc, nhưng nhân dân lại biết và hiểu “sự thật” này theo hướng tiếp cận thông tin cũng rất sự thật là Trung Quốc đang bao vây Việt Nam và đất nước ta đang lâm nguy. Ở biên giới, mất Ải Nam Quan, mất một phần thác Bản Giốc. Ở Biển Đông mất quần đảo Hoàng Sa và 2/3 quần đảo Trường Sa (mà nguyên Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo là “tạo thế xôi đỗ rất nguy hiểm”), trên Tây Nguyên với 2 dự án bauxite họ đã làm chủ nóc nhà Đông Dương...

Về truyền thông: Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969 nhưng được đưa tin là mất ngày 3/9 (chưa kể người ta còn cắt sửa di chúc của ông). Và sự thật là có một cuộc chiến tranh biên giới 1979, 1984 nhưng truyền thông gần như không được phép đưa tin, không được phép tưởng niệm các chiến sỹ và nhân dân vô tội đã hy sinh. Trong vòng hơn 2 thập kỷ, ngày thành lập quân đội NDVN hàng năm đều có ôn lại những “chiến công hiển hách, vang dội non sông” chống Pháp, chống Mỹ nhưng không hề nhắc đến chống bành trướng Bắc Kinh. Thế nhưng người dân vẫn thường nhắc bảo nhau: “Ta không thể nào quên/ biên giới tháng Hai những ngày khói lửa/pháo địch nổ rền chém đổ những cây xanh/ sao lại quên đi một cuộc chiến tranh/ khi những người đàn bà chân mềm tay yếu/ bị quân thù tàn sát dã man...”. Vì thế cho nên ngày 17/2 và 14/3 vừa qua, nhân sỹ, trí thức, nhân dân đã đứng ra tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở hai đầu đất nước. Gần đây, sự kiện 3 tàu chiến Trung Quốc đậu ở  cảng Sài Gòn (ngày 7, 8, 9/1/2013) nhưng phải 48 giờ sau khi các chiến hạm đó rời bến TTXVN mới đưa tin...

Về kinh tế: Chính phủ điều hành rất thiếu minh bạch khiến người dân cứ phải hiểu ngược lại. Chẳng hạn, hôm trước tivi đưa tin xăng không tăng giá, thì ngay hôm sau giá đã khác (thậm chí giá còn được điều chỉnh vào ban đêm), hay ông Nguyễn Sinh Hùng lên truyền thông khẳng định chứng khoán sẽ đi lên và khuyên người dân mua ngay kẻo phí thì liền sau đó các mã chứng khoán cứ thi nhau xuống dốc không phanh... Thế nên bức tranh kinh tế dày đặc một màu xám xịt, chưa kể tham nhũng ngự trị ở mọi lãnh vực, là quốc nạn, là “bầy sâu” đục khoét nền kinh tế, dẫn đến sự thật là các doanh nghiệp nhà nước nợ 60 tỷ USD, các Vina bê bết nợ nần, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân phá sản, nền kinh tế thoi thóp, mỗi người dân Việt Nam (kể cả trẻ sơ sinh) bị gánh 800 USD nợ công, ấy vậy mà có quan chức đánh cờ bạc tỷ. Sự thật là số đông người dân rất cơ cực, rất đói nghèo. Trẻ em vùng núi thèm thịt (chất đạm) phải ăn thịt chuột. Nước ta tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng học sinh phải ăn khoai đến trường, và cũng thật bi hài khi những hộ dân thấy mình “may mắn” được xếp diện nghèo để có chút trợ cấp. Nhưng ở một số nơi, cái khoản trợ cấp ít ỏi này cũng bị những kẻ bất lương thuộc chính quyền cắt xén.

Về văn hóa, y tế và giáo dục: Báo đài đưa tin và tự hào là nước ta là “nước hạnh phúc đứng thứ hai trên thế giới”, nhưng thực tế có thể nói chưa bao giờ văn hóa Việt Nam lại phải đối mặt với những sự thật rất đau lòng như con cái, cha mẹ, anh em, vợ chồng tranh chấp nhau về của cải dẫn đến giết cả người thân. Trong cuộc sống hàng ngày con người hầu như mất niềm tin, thần thánh bị lợi dụng, thần linh bị mặc cả, nhiều hành vi văn hóa xấu xa, đạo lý suy đồi đến tận đáy như trò đánh thầy, hiệu trưởng môi giới bán dâm học trò, học giả bằng thật, cái gì cũng mua được bằng tiền (kể cả quyền chức...), số lượng GS TS trên 9000 người nhưng có bao nhiêu người có công trình nghiên cứu? Có nhiều tiến sỹ vừa bất tài, vừa dốt. Phát minh khoa học của nước ta lại đứng ở tốp dưới trong khu vực. Nhìn vào các công trình xây dựng thì thấy nơi nơi dư thừa các tòa nhà bất động sản nhưng lại thiếu bệnh viện, để đến nỗi 2-3 trẻ chung nhau một giường bệnh; hiện tượng lương y không còn như từ mẫu, người bệnh phải phong bao cho thầy thuốc, bác sỹ trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đến nỗi Bộ Y tế phải hô lên “nói không với phong bì”... Giáo dục thì nặng bệnh thành tích và học sinh thì suốt mấy thế hệ bị biến thành “vật thí nghiệm”. Người ta dạy học trò không nhằm mục đích là ra trường biết làm việc mà lại dạy các em “lớn lên trở thành người có ích cho xã hội” nghe rất mù mờ...

Ở các nước dân chủ văn minh, người dân được tiếp cận thông tin bằng rất nhiều nguồn và họ cũng được biết sự thật từ những nguồn thông tin được truyền tải ấy. Từ những SỰ THẬT, người dân và chính quyền nước họ mới có điều kiện xây dựng để phát triển đất nước phồn vinh và quản lý tốt xã hội.  Còn ở nước ta, chính quyền chỉ cho người dân được biết tin tức theo định hướng và rất sợ người dân biết sự thật (nên mới có thuật ngữ “nhạy cảm”, và cứ cái gì “nhạy cảm” là bị cấm tiệt!). Internet bị dựng tường lửa, báo tư nhân không có (còn thua cả thời thực dân Pháp), báo Nhà nước bị kiểm duyệt. Thế là “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ câu trả lời thật không dễ dàng chi...”, hay một đất nước mà “người tốt nhiều hơn sao kẻ xấu mạnh hơn?” thì chúng ta cần phải đặt dấu hỏi trách nhiệm này thuộc về ai? Đây cũng chính là lý do cho sự tồn tại bức tranh xã hội xám xịt kể trên.

Khi sự thật bị bưng bít và người tốt không có điều kiện nắm bắt sự thật (chưa kể sự thật bị bóp méo) thì nó chính là mảnh đất màu mỡ để những kẻ xấu thỏa sức chà đạp. Một nhà nước luôn che dấu sự thật lại thuộc về những kẻ có quyền, có tiền và đứng trên luật pháp thì một nhà nước như thế không thể vững bền, bởi người dân luôn đòi hỏi “Sự thật phải đong đầy: con tôi hỏi cái gì mắc nhất/ tivi hay tủ lạnh, hon đa?/ mai con lớn rồi con sẽ hiểu/ mắc nhất trên đời là sự thật con ơi!/ một nửa bánh mỳ vẫn là chất bánh/ một nửa dòng sông vẫn có đôi bờ/ một nửa vầng trăng vẫn thành nỗi nhớ/ một nửa cái hôn vẫn thấy ngọt ngào/ còn sự thật, con ơi một nửa/ người trung kiên vẫn chết gục giữa đường/ kẻ bất lương vẫn trên ngôi thần thánh/ thằng lưu manh vẫn khoác áo anh hùng!/ sẽ muôn đời là dối trá, dối trá/ khi sự thật chẳng đong đầy”.

K.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn