Transshipment là gì và vì sao hàng Việt có thể vẫn bị đánh thuế cao ở Mỹ?

LS Vũ Đức Khanh

Thảo cốc điền viên Ô Ta Hoa 

Ngày 2 tháng 7 năm 2025

Thái độ đúng đắn không phải là hoảng sợ hay chống đối, mà là nhìn rõ vấn đề để cải tổ mô hình kinh tế: giảm lệ thuộc vào đầu vào Trung Quốc, nâng năng lực sản xuất nội địa, và minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Tổng thống Donald Trump, hôm nay 2/7, vừa công bố một thỏa thuận thương mại “đột phá” với Việt Nam, trong đó nêu rõ: hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu thuế 20%, còn hàng nào bị nghi “transshipping” thì phải chịu tới 40%. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Transshipment là gì?”, và quan trọng hơn, “Hàng hóa ghi ‘Made in Vietnam’ liệu có thực sự là hàng Việt hay không?”.

Hãy cùng làm rõ vấn đề này qua ba bước: (1) định nghĩa và giải thích; (2) khung pháp lý hiện hành; và (3) minh họa bằng tình huống thực tế – để từ đó, mỗi người dân có thể tự đánh giá và đưa ra kết luận cho riêng mình.

Bước 1: Hiểu rõ khái niệm "transshipment" – tái xuất trá hình là gì

“Transshipment” là thuật ngữ tiếng Anh chỉ việc hàng hóa từ một nước (ví dụ Trung Quốc) được chuyển đến một nước thứ ba (ví dụ Việt Nam), rồi từ đó được tái xuất sang Mỹ hoặc nước khác, mà không trải qua quá trình sản xuất đáng kể tại nước trung gian (Việt Nam).

Cách nói dễ hiểu hơn: đó là hàng hóa “đi đường vòng” để tránh thuế. Khi Mỹ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc, một số công ty chuyển hàng sang Việt Nam để gắn nhãn “Made in Vietnam”, dù thực chất Việt Nam không làm gì nhiều ngoài việc lắp ráp, đóng gói hoặc thay bao bì.

Mỹ coi đây là hành vi gian lận thương mại. 

Đó là lý do vì sao ông Trump muốn áp thuế 40% lên hàng nào bị nghi là “transshipment” (hàng trung chuyển), dù có gắn nhãn “Made in Vietnam”.

Bước 2: Pháp luật quốc tế quy định thế nào là “hàng của Việt Nam”?

Trong thương mại toàn cầu, có những quy tắc rõ ràng để xác định một món hàng có thực sự là sản phẩm của một nước nào đó hay không. Quy tắc này gọi là “quy tắc xuất xứ” (Rules of Origin). Có hai cách tính phổ biến:

1. Theo tỷ lệ nội địa hóa – “giá trị gia tăng nội địa”

Hàng hóa được coi là “Made in Vietnam” nếu giá trị gia tăng thực sự tại Việt Nam đạt từ 40% trở lên trong tổng giá trị thành phẩm.

Phần nhập khẩu từ nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, không được vượt quá 60% giá trị sản phẩm.

2. Theo mức độ thay đổi cấu trúc sản phẩm – “chuyển đổi mã HS” (Harmonized System) 

Nếu hàng nhập về chỉ đóng gói lại, hay chỉ thay tem, thay bao bì thì không được coi là sản phẩm Việt Nam.

Nhưng nếu qua Việt Nam để được chế biến thực chất, ví dụ cắt, may, lắp ráp toàn bộ mới thành ra một sản phẩm mới, thì mới đủ điều kiện là hàng Việt.

Mỹ không chỉ căn cứ vào nhãn mác, mà xem xét kỹ hồ sơ nhập nguyên liệu, quá trình sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa, và bản chất công đoạn gia công tại Việt Nam. Nếu nghi ngờ, họ có quyền kiểm tra và áp thuế như hàng Trung Quốc.

Bước 3: Ví dụ thực tế – không phải cứ ghi “Made in Vietnam” là được yên tâm

Trường hợp 1: Hàng thực sự sản xuất tại Việt Nam

Một doanh nghiệp Việt nhập linh kiện từ nhiều nước (trong đó có Trung Quốc), nhưng thiết kế, sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, chiếm 60% giá trị. Trong trường hợp này, hàng hóa đủ điều kiện là “Made in Vietnam” và được hưởng mức thuế 20% theo thỏa thuận mới.

Trường hợp 2: Hàng “đi đường vòng”

Một công ty Trung Quốc đưa 80% linh kiện xe đạp sang Việt Nam, thuê một xưởng lắp ráp đơn giản rồi xuất sang Mỹ. Dù tem ghi “Made in Vietnam”, nhưng Mỹ sẽ xem đây là transshipment vì giá trị gia tăng tại Việt Nam quá thấp. Kết quả: hàng đó bị đánh thuế 40%.

Trường hợp 3: Vòng vèo qua nhiều nước

Một lô hàng gốc Trung Quốc được đưa sang Thái Lan, lắp ráp thêm một số bộ phận, rồi xuất sang Việt Nam để hoàn thiện. Tại Việt Nam, công ty Trung Quốc sở hữu 100% vốn lắp nốt phần cuối và dán nhãn “Made in Vietnam”. Dù nhìn có vẻ hợp lệ, nhưng khi Mỹ điều tra ra nguồn gốc và xác định bản chất chuỗi cung ứng vẫn thuộc Trung Quốc, hàng vẫn có thể bị xếp vào diện transshipment trá hình.

Tổng hợp và kết luận

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những yêu cầu rất cụ thể và nghiêm ngặt. Trong đó, việc phân biệt đâu là “hàng Việt thật” và đâu là “hàng giả mạo xuất xứ” trở thành vấn đề sống còn – không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho uy tín quốc gia.

Người dân không nên hiểu đơn giản rằng: “Miễn có ghi Made in Vietnam là được”. Thực tế chỉ nhãn mác không đủ – cái Mỹ (và các thị trường nghiêm ngặt khác) quan tâm là quy trình sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa, và mức độ làm chủ chuỗi cung ứng.

Thái độ đúng đắn không phải là hoảng sợ hay chống đối, mà là nhìn rõ vấn đề để cải tổ mô hình kinh tế: giảm lệ thuộc vào đầu vào Trung Quốc, nâng năng lực sản xuất nội địa, và minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Nếu Việt Nam làm được điều đó, không chỉ tránh được thuế cao, mà còn có thể từng bước khẳng định vị thế “cường quốc công xưởng sạch” trong một thế giới ngày càng khắt khe và minh bạch hơn.

Các bạn nghĩ sao? Rất mong nhận được tất cả mọi ý kiến đóng góp, phê bình và xây dựng. 

Trân trọng!

V.Đ.K.

Nguồn: FB Khanh Freedom Kinh VuDuc

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn