40 năm Bộ Tộc Tà Ru

Bùi Ngọc Tấn

Xin nói ngay cái bộ tộc này không có tên trong danh sách các bộ tộc thuộc xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên tôi được nghe nói đến là từ một người nước ngoài, ông André Menras trong cuộc gặp tại một quán cà phê thành phố Hồ Chí Minh do Hoàng Dũng mời, ông bắt tay tôi thật chặt và nói bằng tiếng Việt:

- Anh em mình thuộc dân tộc, à quên, bộ tộc Tà Ru.

Thấy tôi ngơ ngác, Hoàng Dũng cười phá lên. Ông Tây cũng cười. Rồi ông nói: Tức là bộ tộc Tù Ra.

Qua câu chuyện bên tách cà phê, tôi mới biết André Menras đã bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù vì treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phản đối chiến tranh Việt Nam, về Pháp lại bị chính quyền Pháp cắt lương hưu. Đã được Hoàng Dũng cho biết trước trước về tôi, ông tự giới thiệu mình như vậy. Ngày ấy ông mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Tên tiếng Việt của ông là Hồ Cương Quyết. Ông nói vui với tôi, người cùng bộ tộc: "Thế là sau lưng tôi có hai cánh cửa nhà tù".

clip_image002

André Hồ Cương Quyết và Bùi Ngọc Tấn

clip_image004

André Hồ Cương Quyết, Bùi Ngọc Tấn và Hoàng Dũng

Nhưng hôm nay tôi không nói chuyện André Menras Hồ Cương Quyết, mà nói chuyện tôi.

Đầu tháng 4 vừa rồi, vợ tôi nói tôi phải sang phường (ngay bên kia đường) để ký trước mặt ủy ban giấy ủy nhiệm cho vợ tôi lĩnh lương hưu hộ tôi, một việc không thể chối từ, mặc dù cho đến bây giờ tôi vẫn rất sợ đến những chốn công quyền, hơn thế chân lại đang trong giai đoạn đau kịch phát, một lỗi lầm khi tôi sử dụng chiếc đèn chiếu tia hồng ngoại không đúng quy cách (để đèn quá gần, trong khi lẽ ra phải cách xa từ 60 đến 80 cm, mỗi lần chiếu không quá 12 phút, tôi lại chiếu đến nửa giờ, một ngày không quá 3 lần thì tôi lại chiếu liên tục...) Tóm lại Nhiệt tình + Ngu dốt = Một sự giết người.

Tôi rạch sang bên kia đường, lên vỉa hè, tới trụ sở, leo từng bậc cấp, đau đớn, mệt mỏi, vã mồ hôi, như chinh phục Everest vậy.

Tôi điền vào đơn, tới mục ngày tháng năm bỗng ngạc nhiên, thấy con số mình vừa viết sao quen quen: Ngày 3 tháng 4 năm 2013. Nhìn đi nhìn lại. Đúng. Những con số đã gặp ở đâu rồi. Ngày 3 tháng 4 là ngày gì nhỉ. Còn con số 3 cuối cùng của năm 2013 nữa. Rất quen. 2013 và 1973! Thế là từ thẳm sâu ký ức dãy số 3-4-1973 hiện ra! Ngày mồng 3 tháng 4 năm 1973. Ngày tôi được ra tù! Đến hôm nay là tròn 40 năm. Tôi giật mình. Đã chẵn 40 năm!

Rạch về nhà, vội bấm điện thoại gọi cho những bạn bè thân thiết: Công Nam, Dương Tường, Đỗ An Bình, Phạm Xuân Nguyên, Vũ Thị Hải, Hoàng Dũng..., báo cho các bạn biết về cái ngày hôm nay là thế nào đối với tôi. Tất cả đều mong gặp tôi. Vũ Thị Hải bảo em vẫn nhớ chứ, định mời anh chị đi ăn nhưng hôm nay em phải theo dõi xử án Đoàn Văn Vươn, còn Hoàng Dũng bảo nếu anh ở đây thế nào cũng có cuộc gặp mặt thật vui, mừng ông anh Tà Ru. Thế là nhớ đến André Menras. Gọi điện cho người cùng bộ tộc Hồ Cương Quyết nhưng không được.

Tôi vốn không chú ý đến những mốc thời gian của cuộc đời mình. Đã 80 tuổi, tôi chưa một lần tổ chức sinh nhật. Chưa một lần tổ chức đám cưới bạc đám cưới vàng, mặc dù đã đạt tới và vượt qua những mốc ấy. Tôi luôn nghĩ ngày sinh cũng như ngày cưới của những người như mình quá bình thường, chẳng có gì đáng để ý, những thân phận sâu kiến nhỏ nhoi bất hạnh. (Với lại cũng chỉ là hình thức mà thôi. Điều chính yếu là chất lượng, là độ đậm đặc của thời gian yêu và thời gian sống.) Nói gì đến ngày ra tù. Nhưng 40 năm ra tù, 40 năm Tà Ru thì thật đáng nhớ. Đã 10 năm Tà Ru, 20 năm Tà Ru, 30 năm Tà Ru trôi qua không dấu tích, không nhớ được những ngày ấy xảy ra như thế nào nữa. Năm Tà Ru thứ 40 này phải có chút gì ghi lại. Bởi có thể đây là năm Tà Ru chẵn cuối cùng. Bởi khó đạt đến mốc Tà Ru thứ 50. 50 năm Tà Ru xa vời vợi và cũng đến rất nhanh, đáng sợ vô cùng! Đáng sợ bởi già yếu, ốm đau, bệnh tật. Đa thọ đa nhục.

Nhưng cũng chỉ nhớ chỉ nghĩ trong óc vậy thôi.

Cứ tưởng ngày Tà Ru lần thứ 40 cũng sẽ im lặng trôi qua thì ông bạn Đỗ An Bình đi tập ghé nhà. Liền sau đó là hai bạn đọc từ Đức, vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình đến.

Vừa uống xong chén nước, hiểu rõ ý nghĩa của buổi chiều đặc biệt này, Phong, Bình cùng đứng lên: "Để chúng cháu đi mua cái gì về liên hoan với cô chú." Can ngăn thì bảo: "Khi đến cô chú, chúng cháu đã định thế rồi, nhưng phải biết chắc cô chú có nhà không đã. Chúng cháu đi mua bê thui. Bò nướng. Ngay đây thôi. Phố Ga ấy mà." Chỉ nói với theo được một câu: "Đừng mua thức uống. Nhà có rượu bia rồi". Hai bạn đã xuống thang. Nửa giờ sau trở về tay xách những túi ni lông to bự với vẻ mặt rạng rỡ và nụ cười của những thiếu niên. Rất nhanh nhẹn Bình, Phong vào bếp lấy đĩa bát bày trên bàn như những người chủ gia đình.

Thế là có một buổi tối thật vui. Ngẫu hứng. Không chuẩn bị trước. Ngoài dự kiến. Cô nhà báo Vũ Thị Hải cũng tạm lùi công việc viết tin lại, mua hoa đến. Một bó hoa thật đẹp. Tặng hoa. Nâng cốc. Rượu Hennessy tôi xách tay từ Pháp về năm 2004 đã có dịp dùng đến trong buổi tối đầy tình cảm này. Và Vang. Monte Verdi cho các bạn nữ. Chuyện. Cười. Như pháo nổ. Chúng tôi, nghĩa là tôi và vợ tôi tràn ngập hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã tặng tôi một buổi tối tuyệt vời. Một cuộc gặp mặt kỷ niệm một ngày trong cuộc đời tôi. Món quà tặng không tiền nào mua được.

clip_image006

Nhà báo Vũ Thị Hải và Bùi Ngọc Tấn

clip_image008

Vợ chồng Bùi Ngọc Tấn

clip_image010

Chụp với vợ chồng Phạm Hồng Phong và Hoàng Thị Thúy Bình

clip_image012

Từ trái qua: Hoàng Thị Thúy Bình, Vũ Thị Hải, Đỗ An Bình, Bùi Ngọc Tấn và vợ

Thật may cho ngày ra tù thứ 40. Có một cái gì để nói. Để mà nhớ lại.

Và may hơn là đã làm được một số việc và vẫn còn sống (nhiều bạn tù chết lắm rồi, có thể nói gần hết rồi). Dù đau yếu bệnh tật. Dù bị theo dõi lâu đến thế. Theo dõi tới tận hôm nay.

Nếu tính từ năm người ta bắt đầu theo dõi 1967 đến nay là 46 năm. Vâng. Theo dõi tới tận hôm nay. Thì mới mấy ngày trước thôi, hai cán bộ an ninh còn đến nhà hỏi: "Anh ký vào Kiến nghị 72 đấy à?" Tôi đã trả lời ngay: "Có. Anh có ký. Ghi rõ: Bỏ điều 4 Hiến Pháp. Bởi cái gì độc quyền cũng đều suy thoái".

40 năm Tà Ru không chỉ vui mà còn buồn. Buồn vì tuổi tác. Vì cuộc đời sắp kết thúc của mình thật chẳng ra làm sao. Điều mình mong ước vẫn chỉ là mong ước. Mà có cao xa gì cho cam. Rất đơn giản: Được sống thật giữa mọi người sống thật. Được nói thật giữa mọi người nói thật. Chỉ vậy thôi.

B. N. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn