Ân xá, đại xá, đặc xá… ai?

(Chỉ là ý kiến cá nhân. Dành cho người đọc chậm)

Nguyễn Nam 

“Ân xá thực sự bắt đầu không phải từ việc lãng quên (tội lỗi cũ) mà từ việc nhớ tới (những số phận trong tù!”.  

“Việc tha thứ không làm thay đổi quá khứ nhưng mở rộng tương lai”. Thể hiện lòng nhân đạo không phải là sự yếu đuối, mà chính là sức mạnh của toàn xã hội. 

Tất nhiên việc này thuộc thẩm quyền của đảng và chính phủ, nhất là của ngài chủ tịch nước. Nhưng “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” cơ mà, có ai không cho mình nói ra suy nghĩ, tâm tư đâu? Vậy nên tôi cũng xin bày tỏ tâm tư, hoàn toàn là suy nghĩ chủ quan của mình mà thôi. 

Dịp 80 năm ngày thành lập nước, dịp 2/9 năm nay chắc rất nhiều gia đình mong ngóng biết đâu thành viên đang chấp hành án – người cha, người con, người chồng, người vợ của mình – sẽ được về đoàn tụ. Nhưng theo các bạn thì những đối tượng nào xứng đáng hơn để được hưởng đặc ân này?

Xin mở đầu bằng một câu nói của một người vô danh, nhưng cực kỳ thâm thuý. «Ân xá thực sự bắt đầu không phải từ việc lãng quên (tội lỗi cũ) mà từ việc nhớ tới (những số phận trong tù)!”. Những con người đang mất quyền công dân, đang thụ án ở khắp đó đây trên quê hương chúng ta, không nhiều thì ít đều mắc những sai lầm, đã thực hiện những hành động tội lỗi đối với cộng đồng. Và việc cầm tù họ không chỉ có tác động trừng phạt, răn đe đối với chính họ mà còn có tác dụng răn đe với xã hội, với thế hệ trẻ. Nhưng nếu được chọn lựa giữa trừng phạt tối đa và tha thứ một phần tội lỗi, thì tôi sẽ nghiêng về vế thứ hai. Bởi nhân đạo, khoan hồng cũng có giá trị giáo dục và ảnh hưởng lớn lắm! “Chỉ có kẻ mạnh mới biết tha thứ, còn kẻ yếu đâu có làm được điều đó!” – Mohamet Ghandi đã nói vậy! Mà chính quyền của chúng ta mạnh mẽ mà, nhân dân ta có truyển thống cao cả là biết thứ tha, vậy tại sao không đẩy mạnh chuyện này?

Chúng ta cần biết tha thứ ngay cả với những người đã chịu hình phạt, dù họ có thể là những tội phạm ghê gớm nhất. Những phạm nhân tội nhẹ như Ngọc Trinh, Phương Hằng được tha sớm, tôi rất đồng ý, bởi họ đã thấm thía cái lỗi của mình rồi, đã gánh chịu hậu quả của sự trừng phạt rồi. Với Dũng THM tôi cũng thấy rất thoả đáng khi anh được ra sớm, vì một mặt anh đã khắc phục được hết hậu quả bằng tiền rồi, mặt khác tội lỗi của anh cũng chả phải lớn lao gì. Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng được tha trước hạn, dù không nhiều nhưng như thế tôi cũng rất mừng cho họ, và đó cũng là thể hiện của một quy luật rất hay: “Việc tha thứ không làm thay đổi quá khứ nhưng mở rộng tương lai”. Thể hiện lòng nhân đạo không phải là sự yếu đuối, mà chính là sức mạnh của toàn xã hội. 

Một số cựu cán bộ công an, sĩ quan cao cấp cũng được mãn hạn tù trước thời hạn, việc ấy có thể gây phản cảm trong ai đó, nhưng tôi cũng mừng cho họ. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” thì cơ quan công quyền có ưu ái người đã trong hàng ngũ, phục vụ lâu năm cũng chả có gì khó hiểu. Thời gian dù chưa đủ dài nhưng hơn ai hết, nó sẽ được cảm nhận sâu sắc nhất bởi những người “trong ngành”, còn lại thì “lòng tốt, sự bao dung và ân xá thường có tác dụng giáo dục sâu sắc hơn cả sự cứng rắn hay giận dữ”. 

Đợt sắp tới liệu những nhân vật nào đang thụ án sẽ được về với gia đình, xã hội? Hiển nhiên tôi cũng như các bạn, đều chỉ nghe những lời đồn đoán thôi, mặc dù khả năng lời của “bà hàng nước” hay “ông chú Viettel” ở nước mình đều chả có cơ sở quái gì, nhưng xác suất xảy ra lại rất cao. Rất nhiều người nói đến anh Đinh La Thăng (mặc dù gia đình có tuyên bố là không biết và không tác động bất cứ điều gì), theo tôi sẽ là tín hiệu tốt cho xã hội nếu anh được ân xá. Tội của anh không thể phủ định, anh đi tù cũng “xứng đáng”, nhưng với một cơ chế mà sau anh đến mấy tứ trụ đều bị kiểm điểm nặng nề như chúng ta mới biết, còn BCT thì còn nhiều hơn nữa, vậy anh cũng không phải là một ngoại lệ. Nhất là mọi sai phạm của anh không hề vụ lợi cho bản thân, như qua các phiên toà chúng ta đã biết. “Khi con người được đối xử một cách nhân văn, họ có nhiều khả năng thay đổi hơn”, thời gian trong tù của anh đã đủ dài để thấm thía hết cái hậu quả mà anh để lại. Nhưng những cái anh làm được cho đời hình như chưa hề được công nhận chính thức bao giờ thì phải… Nếu cứ bắt anh phải giải quyết hậu quả bằng những con số khô khan, thì người tù tay trắng làm sao khắc phục được 800 tỷ đây, nhất là vẫn đang còn phải ngồi tù tiếp. Nếu được hãy để anh ra, có thể anh không bao giờ khắc phục được đâu, nhưng niềm tin vào lòng nhân ái và tấm gương dám quyết, dám làm của anh sẽ có ý nghĩa lớn nhất vào lúc này! Nhớ tới anh, người ta mới thấy những tay nghị gật đáng chán đến mức nào…

Một quan chức cao cấp đã lãnh bản án cực nặng trong vụ việc AVG và xã hội dường như có định kiến rất xấu về ông, đó là Nguyễn Bắc Son. Án chung thân, bị coi là đầu vụ, còn bị người đời bêu riếu dài dài… Tôi không hề biết ông Son, càng chả có liên quan gì về công việc, nhưng khi trên toà ông xin toà xem xét giảm nhẹ án cho ông bộ trưởng Tuấn, và rất nhiều quan chức, đàn em khác tôi bắt đầu chú ý tới ông. Cùng có quá khứ trong quân đội, tôi thấy ông Son khác hẳn ông Tuấn về tính cách, chưa nói tới những công lao của ông Son trong suốt mấy chục năm lăn lộn nhiều chiến trường, trong và ngoài nước. Ông Tuấn chấp nhận án, không kháng cáo, từ đấy tôi đã thấy “bố này ranh ma phải biết”. Quả thật sau này tôi không ngạc nhiên nữa, khi ông Tuấn còn phải ra hầu toà thêm mấy vụ, ví dụ dính tới AIC của em Nhàn… Quay lại với trường hợp ông Bắc Son, tôi thấy án chung thân của ông hoàn toàn xứng đáng, nhưng với các công trạng của ông thì chúng ta có quyền hy vọng ông sẽ được giảm án, dù có thể không phải đợt 2/9 năm này. Tôi tìm được mấy ảnh có ông trên mạng, qua đó ta thấy được vai trò không nhỏ của ông trong hoạt động đối ngoại…

“Sự nghiêm khắc có thể khiến người ta sợ, nhưng chỉ có lòng tốt mới đánh thức được lương tâm”. Dù ý kiến xã hội có ghét bỏ tới đâu, nhưng việc Quyết FLC sức khoẻ thực sự có vấn đề tương đối trầm trọng và đã khắc phục được rất nhiều rồi, thì chúng ta cũng nên giảm án cho Quyết dưới góc độ nhân đạo. “Hãy để ân xá trở thành biểu tượng cho niềm tin vào con người và khả năng bắt đầu lại từ đầu!”. Nhưng cũng chớ nên quên những cái tên như Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn… (Hứa Thị Phấn thì mất lâu rồi). Cái án chung thân đối với họ khi trước hoàn toàn chấp nhận được, nhưng dưới góc độ các đại án thời nay như Trương Mỹ Lan thì theo tôi họ có quyền hy vọng ở việc giảm án, cả chục năm ngồi tù rồi có lẽ tác dụng răn đe hay mục đích giáo dục đã đạt được lâu rồi. Tôi được tiếp xúc với những tử tù rồi được khoan hồng, như Lê Minh Hải “Rô be” hay Liên Khui Thìn, thì thấy việc cho họ quay về với cộng đồng tốt hơn là “trừng phạt” biết bao nhiêu – đến bây giờ họ vẫn đang “cống hiến” nữa chưa thôi…

“Hãy để ân xá trở thành biểu tượng cho niềm tin vào con người và khả năng bắt đầu lại từ đầu” – có lẽ nhiều bạn Phây chờ tôi nhắc tới hai “ca khó” là Trần Hùng “chống hàng giả” và Kiên “đầu bạc”. Gọi là ca khó bởi vì họ bị nhận án nặng và rất nặng, mặc dù bản thân họ không đồng ý với bản án, không chấp nhận tội trạng của mình. Ở đây tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích “đúng, sai” của họ cũng như của các bản án, mà chỉ muốn nói về khía cạnh nhân văn. Một cựu cán bộ cấp cục, từng không ít lập công trong chống hàng giả, với một tội danh “nhận hối lộ 300 triệu” mà tù 9 năm (nhiều nhất vụ việc) thì có đáng để được xét giảm án hay ân xá không? Những gì anh làm, anh kêu gọi chính là những điều mà TBT, Thủ tướng đang chỉ đạo làm quyết liệt, chống làm giả và tiêu thụ hàng giả. Vậy nếu anh được về với nhân dân thì cũng là một dấu hiệu rất tốt cho xã hội đấy chứ, hay tôi có gì hiểu sai ở đâu à?

Với Kiên “ACB” việc nó lại phức tạp ở chỗ khác. Kiên sức khoẻ rất kém, đặc biệt là tim, có thể có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào, đã nhiều năm nay các bác sĩ, rồi hội đồng…. theo dõi kết luận như vậy lâu rồi. Tức là nếu vì lý do nhân đạo, thì Kiên phải được cho tại ngoại để chữa trị bệnh ở gia đình, chứ không thể để trong tù được. Nhưng theo câu chữ của luật, có cái nghị định số 92 thì phải (hay 63, có thể tôi nhớ nhầm), quy định những tù nhân có nhiều tội danh sẽ không thể được xét giảm án! Mà Kiên thì có 4! Cũng như mọi sự trên đời, luật lệ cũng không phải là hoàn hảo, chuyện chúng ta sửa đổi, cải tiến hệ thống luật pháp là chuyện Quốc hội làm thường ngày ấy mà, nhưng có làm không, bao giờ và thay đổi có tốt lên không thì còn ở thì tương lai, dù có thể đó là tuần sau hay 10 năm nữa… Xin kết thúc bài viết bằng một câu châm ngôn khác: “Hãy để xã hội của chúng ta không chỉ là nơi trừng phạt, mà còn là nơi cảm thông và hy vọng!”.

N.N.

---

Bàn thêm: 

Nguyễn Công Tiến

Ân xá, đặc xá… lựa chọn chính xác sẽ có tác dụng tốt, nếu lựa chọn không đúng người, mà cũng được ân xá thì sẽ hỏng xã hội.

Bí Ngô

Quan chức đi tù tốt nhất không được đặc xá, và nên phạt nặng vào. Còn doanh nhân chân chính thì khác, tùy vào từng án cụ thể mới phán được.

Cuong Duy Nguyen

Bí Ngô Quan đi tù cũng có nhiều loại bác ạ.

Có loại đi tù vì tham nhũng, có loại vì làm sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng, có loại vì phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, cũng có loại đi vì "làm đúng"...

Cho nên quan nào cũng "phạt thật nặng vào" thì có vẻ ko được nhân văn lắm bác ạ.

Học Naquoc

quan vốn được ngợi ca là tấm gương cho dân mà vào tù hóa ra còn mắc tội làm hư dân (tội làm hư dân là cách nói của nhà báo Vương Trí Nhàn :https://tuoitre.vn/toi-lam-hu-dan-257893.htm) đã ko bị kết tội đó ... mà nay lại ân xá như đồng bào bất đồng chính kiến (chỉ vì mở miệng phê phán cq) thì thành ra gián tiếp khuyến khích tạo ra các tấm gương xấu à???

Viet Hong Le

Có ông thầy giáo tự làm cái giá sắt, kệ sắt cho nhà trường, rồi mua hóa đơn hợp thức hóa có mấy triệu đồng tù 9- 10 năm thì so với chuyện những anh chị (không tính đội thương gia) kí 1 phát chỉ một ngón là cả trăm cả ngàn tỉ bốc hơi, rồi giờ bảo giảm án... nghe nó hề. Quan chức đi tù vì ăn hối lộ, cố ý làm sai, lẽ ra nên xử nặng, không xét giảm mới đúng, vì họ ở địa vị mà làm sai trái là gây hại cho hàng triệu người.

Pháp luật chỉ công bằng với kẻ giàu, kẻ có quyền thôi, với dân đen, công lý chỉ là cô Đẩu.

Hai Tran

Cả 2 ông Son và Thăng e đều đã có dịp tiếp xúc ăn nhậu trực tiếp và gián tiếp. Ông Son e ko ý kiến và cho rằng chết vì tham và cơ chế lúc ấy dễ dính quá nên chắc giờ cũng ân hận lắm rồi. Còn Thăng e vẫn đánh giá là chỉ hợp cán bộ đoàn: nói phét, hô to, rượu hay, đàn giỏi thích kiểu bầy đàn em út, ko có tư duy làm kinh tế nên thành phá hoại. Ân xá thì tùy ae nắm quyền giờ thấy còn nguy hiểm cho tương lai của ae ko hay vẫn phải triệt tận gốc như phế tiếp 3 cựu trụ vừa qua.

Nguồn: FB Nam Nguyen

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn