Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 21)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Giải quyết Xung đột Bàn Tròn Ba Lan: Đàm phán sự Thay đổi Hệ thống?

(tiếp theo)

Mark Chesler

IV. Các vai trò của bên thứ ba hay “người can thiệp” hữu ích là gì?

Đã cần đến một bên thứ ba để tạo thuận lợi cho quá trình đến với Bàn Tròn…và tiếp tục gặp nhau và thương lượng? Một phần đáng kể của tài liệu về giải quyết xung đột đề cập đến sự có ích của sự can thiệp bên thứ ba: theo thuật ngữ của Rubin et al., “một bên thứ ba là một cá nhân hay một tập thể mà ở bên ngoài sự tranh chấp giữa hai hay nhiều người và người đó đã thử giúp họ đạt thỏa thuận.”[1] Vai trò của bên thứ ba có thể là chính thức (được ký hợp đồng và được dàn xếp) hay phi chính thức (nổi lên), tư vấn và tạo thuận lợi hay hướng dẫn và ép buộc, và thiên vị hay không thiên vị. Trong lý thuyết và thực tiễn, sự cần thiết của một bên trung gian là vấn đề tranh cãi, mặc dù nhiều người tham gia đã có vẻ đồng ý rằng đã cần đến nó trong tình hình Ba Lan. Sự khảo sát biên bản của Bàn Tròn Ba Lan là trái ngược về liệu một bên thứ ba thự sự đã có bao giờ hiện diện, nói chi đến nếu sự hiện diện như vậy đã là cần thiết và hữu ích hay không.

Orszulik (một thành viên của bộ máy thứ bậc của Giáo hội) cho rằng bất kỳ hai bên nào đều cần đến một bên trung gian, và rằng Giáo hội đã đóng vai trò này. Có vẻ Giáo hội không thực sự “đã làm trung gian cho” Bàn Tròn theo nghĩa chính thức, nó cũng đã không đứng ngoài các cuộc đàm phán, nó cũng đã chẳng trung lập. Tính trung lập là một dấu xác nhận phẩm chất của lối nói hoa mỹ về sự trung gian hình thức, nhưng trong thực tế nó thường được định nghĩa lại như một cảm giác về công bằng mà nhận được sự tin cậy của các bên khác nhau.[2] Ít người tán thành một sự nghiệp họ tin là công bằng có bao giờ tin hoàn toàn vào người trung gian, một người không có một lập trường, cho dù họ đồng ý người trung gian đã là có ích và giúp ích.

Đúng hơn, có vẻ rằng Giáo hội đã tạo thuận lợi cho các bên khác nhau và đã có khả năng làm vậy bởi vì tất cả các bên đã có mức độ hiểu biết và tin cậy nào đó vào Giáo hội, bất chấp những lời xác nhận thẳng thắn của nó về sự ủng hộ Đoàn kết và vai trò tích cực của nó trong sự chuyển đổi được dàn xếp. Thực vậy, Orszulik gợi ý rằng Giáo hội đã là, “một loại ốc đảo an toàn nào đó, một loại bảo đảm an toàn nào đó.”[3] Các nhóm Đoàn kết đã gặp nhau trong Giáo hội; Giáo hội đã dùng những lời loan báo giáo khu để ủng hộ Đoàn kết và đến lượt đã được Đoàn kết tin cậy bởi vì sự liên minh đạo đức này và sự ủng hộ thẳng thắn của Giáo hoàng. Mặt khác, Giáo hội cũng đã làm việc với chính phủ: chế độ đã muốn Giáo hội giúp để làm bớt chủ nghĩa tích cực Đoàn kết và đã gặp các lãnh đạo Giáo hội một cách bí mật để khuyến khích việc này trước các năm 1980. Như Ciosek nói, chế độ đã tin cậy và hiểu Giáo hội kỹ hơn với tư cách “một cấu trúc mạnh (chuyên quyền?), hơn là một Đoàn kết được thả lỏng mà chỉ trong tình trạng mới nổi lên.”[4] Ông ủng hộ lý lẽ của Orszulik rằng Giáo hội đã làm trung gian giữa những người cộng sản và Đoàn kết. Như thế, Giáo hội đã có vẻ như một “nhà môi giới lương thiện,” người có khả năng giao tiếp với cả chính phủ và Đoàn kết, và để tạo thuận lợi cho sự giao tiếp của họ với nhau, nhưng không phải là người đứng ngoài cuộc tranh đấu hay không thiên vị theo bất kỳ nghĩa nào.

Phần lớn tài liệu về giải quyết xung đột liên quan đến các bên thứ ba tập trung vào một bên trung lập bên ngoài; ở đây chúng ta thấy sự phát triển của một bên thứ ba bên trong, không trung lập, và chúng ta có thể tưởng tượng ra các biến thể khác. Thí dụ, trong tình huống Nam Phi, có vẻ rằng Nelson Mandela đã đóng một vai trò trung gian cốt yếu giữa ANC và Chính phủ, đồng thời là thành viên của một trong các bên và rõ ràng là một người vận động không trung lập cho sự chuyển đổi lớn. Trong cuộc đấu tranh gần đây quanh các vấn đề của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Đại học Michigan, giữa các sinh viên phản đối và Chính quyền, Jesse Jackson đã đóng một vai trò bên thứ ba hữu ích; không ai đã phải tự hỏi sự trung thành của Jackson nằm ở đâu, nhưng ông đã là một bên thứ ba bên ngoài (ít nhiều) được tin cậy, nhưng không trung lập.

Như là điển hình cho các bên dính líu những người cũng tích cực như “những người đi giữa,” “các nhà môi giới” hay các nhà trung gian, Orszulik cho biết rằng đôi lúc các động cơ làm trung gian của Giáo hội bị ngờ vực. Hơn nữa, ông thừa nhận rằng quả thực Giáo hội đã được lợi, đã tăng tính chính đáng của chính nó với tư cách một định chế xã hội quan trọng, như một kết quả của vai trò trung gian của nó. Trong một số cuộc xung đột leo thang nghiêm trọng khác, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng đã đóng những vai trò then chốt trong việc “làm trung gian” giữa, hay tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa, các chế độ và các bên thách thức. Gidron et al. thảo luận một biến thể cá biệt của các NGO này hoạt động ở Cộng hòa Nam Phi và trong các cuộc xung đột Israeli-Palestin và Bắc Ireland.[5] Được giọi là “Peace and Conflict Resolution Organizations” (P/CRO – các Tổ chức Hoà bình và Giải quyết Xung đột), chúng tìm được cách để nhóm họp các bên xung đột, chẩn bị cho việc hòa giải và tăng cường quá trình giải quyết xung đột; đôi khi họ cũng dính líu trực tiếp vào công việc giám sát xung đột, tự tiến hành công việc hòa giải, và đào tạo người về các chiến thuật giải quyết xung đột. Tính trội của Giáo hội với tư cách một P/CRO ở Ba Lan, kết đôi với bản chất độc quyền của nhà nước xã hội chủ nghĩa vis-à-vis (đối diện với) các tổ chức tình nguyện và khu vực thứ ba, có thể đã che khuất hay đã cản trở sự công nhận vai trò của các NGO khác đã đóng trong tình huống Ba Lan.

V. Làm sao Các Bên Xung đột Đi đến Tin cậy nhau Đủ để Đàm phán?

Nhiều người thảo luận chỉ ra những cách mà theo đó họ đã quen (và có lẽ vẫn) nhìn “bên kia” tại Bàn Tròn dưới dạng stereotype (khuôn mẫu định kiến). Những stereotype này, thường được sinh ra từ kinh nghiệm đau đớn trực tiếp với nhau, giúp xác nhận rằng các đối thủ là ác và cuộc đấu tranh như là giữa các lực lượng của “ánh sáng” và “bóng tối,” và chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp để huy động những người ủng hộ cho cuộc đấu tranh kéo dài và rủi ro.[6] Đồng thời, khi các cuộc đàm phán là có thể, sự ma quỷ hóa các đối thủ như vậy có thể khiến cho là không thể để nhìn thấy họ với khuôn mặt người và để giao tiếp hay thương lượng một cách hiệu quả.

“Tình trạng thù địch” thường là một yếu tố then chốt trong các cuộc xung đột leo thang mà cần đến các cuộc đàm phán, cho dù nó làm cho việc đi đến bàn đàm phán khó khăn hơn. Như Michnik lưu ý, ông đã đi đến bàn để thương lượng với những kẻ thù[7] (không phải những kẻ thù tưởng tượng mà là những người đã gây hại nặng cho ông và các lợi ích của ông). Quả thực, muộn hơn ông cho rằng đối với các cuộc đàm phán thật, người ta phải có các kẻ thù thật,[8] không chỉ các đối thủ. (Có một câu chuyện thực sự hoàn toàn chua chát và đau đớn mà Michnik kể về mong muốn của ông không bắt tay với một người cộng sản khét tiếng tham gia Bàn Tròn – ông đã cảm thấy vợ ông sẽ không để cho ông vào nhà nếu ông làm vậy – nhưng bất chấp sự cố gắng của ông nấp trong phòng tắm để tránh phải đối mặt và chào người này, ông đã rơi vào thế buộc phải bắt tay.)

Cả “hai bên” (một từ bản thân nó gây ấn tượng) trước đó đã sử dụng ẩn dụ về kẻ thù để tập họp các đội quân của riêng mình hoặc để phi pháp hóa bên kia. Thí dụ, Lityński phát biểu rằng Đoàn kết đã cố ý “đối xử với chính phủ như một khối, nếu chúng ta từ chối để phân biệt giữa những người cứng rắn và tự do, thì phía chính phủ sẽ phải cho phép các nhóm xuất hiện mà sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán.”[9] Nhưng đôi khi các đảng viên đã không phải làm mấy để đạt được điều này, như Bujak lưu ý rằng chính phủ đã thử, “đẩy chúng tôi (Đoàn kết) vào vị trí khủng bố…như loại tội phạm, kẻ tấn công có vũ trang nào đó.”[10]

Khá tương tự, Dembowski gợi ý rằng ông (và Giáo hội) đã không có kẻ thù nào, nhưng “các nhà chức trách Ba Lan đã đặt họ đối lập với tôi.”[11] Mặt khác, Rakowski muốn làm rõ rằng ông phản đối ý kiến rằng, “những ý định của (chính phủ) chúng tôi đã là ác và tất cả chúng (tôi) đã là ác ….tôi được cho là một loại người Ba Lan tồi hơn, và tôi dứt khoát không thể chấp nhận điều đó.”[12]

Nhiều người tham gia đã cho biết rằng họ đã thử, và hiển nhiên vẫn đang thử, để giảm bớt lối nói và ý thức thù địch. Thí dụ, Ciosek cầu xin mọi người hãy thừa nhận, “giá trị nào đó về phía (chính phủ) chúng tôi và để ý rằng thành công Ba Lan được làm từ thiện ý của cả hai bên, chứ không phải chỉ một bên.”[13] Và Dembowski cho rằng Giáo hội đã quan tâm đến các đối thủ trong chính phủ.

Một số nhà bình luận nhận thấy, khi các cuộc gặp nhau tiến triển, một số trong những kẻ thù này đã có được một bộ mặt con người thế nào và sự tương tác trực tiếp đã tạo ra các mối quan hệ con người ra sao mà đã cho phép cuộc đàm phán thực và thỏa thuận cuối cùng. Jankowska cho biết rằng Bàn Tròn, “đã cho phép chúng tôi nhìn vào các đối thủ, vào các đối tác, và bắt đầu hiểu họ. Và đây là khi các liên kết được tạo ra, và chúng đã rất cần thiết để hiểu những người đó khác đi và để cố hiểu động lực của họ, cách họ suy nghĩ.”[14] Trong khung cảnh của Bàn Tròn, khi đó, “đấy đã là những kẻ thù của chúng tôi … (nhưng chúng tôi cho họ thấy) một thái độ tôn trọng con người (Hall).”[15] Và như Reykowski tường thuật về những người Đoàn kết, “và sợ chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chính thống của họ. Và tôi đã hết sức ngạc nhiên… tôi đã phát hiện ra rằng đó là một nhóm người rất biết điều, những người đã được chuẩn bị kỹ và với họ chúng tôi có thể cùng nhau suy nghĩ làm thế nào để tìm các giải pháp cho tình hình Ba Lan.” [16] Ciosek lặp lại lập trường của ông rằng tại Bàn Tròn “cả hai bên đã hành động theo thiện ý”[17] – nhưng quan trọng để nhớ rằng không phải mọi người đều đã cảm thấy như vậy (nhiều người tham gia Đoàn kết đã cho rằng chính phủ đã không đàm phán với thiện ý!).

Quan niệm rằng Ba Lan đã là nhà nước tay sai của những người Soviet đã dẫn nhiều người đến lý lẽ rằng chế độ đã không phải là bản địa chủ nghĩa (nativist) mà là nước ngoài (cho dù họ đã là những người Ba Lan) và là dấu hiệu của một cường quốc chiếm đóng hơn là một chế độ độc tài nội địa. Quan điểm đó dẫn nhanh hơn đến sự không tin cậy cơ bản, ủng hộ các quan niệm thù địch của chế độ, làm yếu sự cam kết với bất bạo động, và phá vỡ lực hợp nhất (đã được nhắc đến trước đây) của tất cả những người tham gia được coi (bởi bản thân họ và những người khác) trước hết như những người Ba Lan. Nghiều khía cạnh về “việc xây dựng những kẻ thù,” đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh lạnh, là sẵn có trong số đặc biệt của Tạp chí các Vấn đề xã hội, số đặc biệt “Hình ảnh của Kẻ thù” - The Journal of Social Issues, “The Image of the Enemy.”[18] Là lý thú để xem xét các vấn đề về “sự đối lập” và “tình trạng thù địch” leo thang khi những người tranh chấp cũng từ các nhóm quốc gia/sắc tộc/chủng tộc/tôn giáo khác nhau (và đấu tranh với nhau về mặt lịch sử). Khi đó chúng ta đã thấy người ta, các bên và các quốc gia đi xa hơn tình trạng thù địch để sử dụng các từ thậm chí còn bất trị hơn như “những kẻ ngoại đạo,” “bọn xảo quyệt nước ngoài,” các thành viên của một “đế chế ác quỷ,” và “phi/dưới-con người” (như quan điểm ở Mỹ trong Chiến tranh Thế giới II về người Nhật, vân vân).

Bàn Tròn chắc chắn đã không xóa những sự khác biệt, hay ác ý, và thậm chí những thảo luận tại bản thân hội thảo đôi khi đã nêu lại những cảm xúc mạnh của sự giận dữ và thương tổn.[19] Những người tham gia cho các bên khác nhau đã tiếp tục biện luận – đôi khi một cách công khai và đôi khi một cách tế nhị hay gián tiếp – về sự phổ biến và tính qua lại của thiện chí; nói chung những người tham gia chính phủ/Đảng Cộng sản đã nói rằng có nhiều thiện chí và đã là chung, và nói chung điều này đã bị tranh cãi bởi những người tham gia Đoàn kết/đối lập. Như Michnik nói rõ, “một sự ân xá, được, chứng mất trí nhớ, thì không.”[20] Cuối cùng, Ciosek nhận xét, “Mỗi bên đã sử dụng ngôn ngữ riêng của mình gửi đến nhóm cử tri của mình và sử dụng bộ máy khái niệm thích hợp cho nhóm cử tri đó.”[21] Không ngạc nhiên có các câu chuyện khác nhau để kể về các xung đột nghiêm trọng: không chỉ những người từ các vị trí xã hội/chính trị khác nhau nhìn thấy các thứ khác nhau, mỗi người trong số họ nói về những cái họ thấy bằng những ngôn ngữ khác nhau.

Sự phát triển của loại nào đó về sự tin cậy trong các đối thủ, hay các kẻ thù (trước kia) của ta, là thiết yếu cho quá trình đàm phán. Nhưng sự tin cậy có những ý nghĩa khác nhau, và sự hấp dẫn giữa các cá nhân hay tình bạn là thành phần ít quan trọng nhất trong khung cảnh giải quyết xung đột. Quan trọng hơn là khả năng để tính đến (sự tin cậy) việc đối thủ của ta ứng xử theo một cách đáng tin cậy và có thể tiên đoán được, hy vọng nhưng không nhất thiết theo cách nhất quán với những tuyên bố công khai của họ, và cam kết để thực hiện thỏa thuận. Rubin, Pruitt và Kim cho rằng các yếu tố then chốt của sự tin cậy trong các tình huống đàm phán là những sự nhận thức rằng bên kia quan tâm đến các lợi ích của ta, thừa nhận sự phụ thuộc lẫn nhau, và sẵn sàng để nhường hay thỏa hiệp tại điểm nào đó.

Là phổ biến sau các cuộc đàm phán khó khăn đối với những người tham gia để nói tốt về các đối thủ trước kia của họ trong một lúc, như thế để lát nền cho hòa bình, cho sự sẵn sàng của các cử tri khác nhau của họ để chấp nhận một thỏa thuận, và cho khả năng của họ để tiếp tục làm việc với nhau. Cũng phổ biến trước, trong, và sau các cuộc đàm phán khó khăn đối với những người tham gia để tiếp tục mô tả đặc trưng các đối thủ hay kẻ thù của họ theo cách ít nịnh hót hơn; vì sự tranh đua lớn hơn (và cơ bản) vẫn tiếp tục, và những sự mô tả đặc trưng này (không kể đến giá trị thật của chúng) là một phần của cuộc chiến đấu còn tiếp tục vì các nguồn lực tượng trưng.

VI. Các cuộc Đàm phán Có thể, và Có thể Dẫn Thế nào đến Thay đổi Hệ thống?

Mục tiêu của đàm phán một phần là để biến đổi một quá trình của sự thay đổi không có kế hoạch, gây tranh cãi và bị phản kháng (và có tiềm năng dữ dội) sang một quá trình của sự thay đổi có kế hoạch, hợp tác hơn (và tương đối hòa bình). Chắc chắn điều này đã xảy ra trong tình huống Ba Lan. Nhưng bao nhiêu sự thay đổi hệ thống đã được thỏa thuận và/hoặc được thực hiện, hay như kết quả của Bàn Tròn Ba Lan? Một mặt những kết quả cụ thể của Bàn Tròn Ba Lan là âm u và không rõ. Không ai đã hoàn toàn chắc chắn liệu và các thỏa thuận nào được thi hành – bởi chế độ hay bởi Đoàn kết. Cũng đã chẳng rõ về liệu mỗi bên chính đã có đủ mạnh để “kiểm soát” các yếu tố bất đồng chính kiến bên trong hay ngoài hàng ngũ riêng của họ. Mặt khác là rõ, rằng đã có sự chuyển đổi ở Ba Lan sang một chế độ dân chủ ít nhiều ổn định hơn, các các yếu tố của sự mở cửa và tăng trưởng kinh tế. Đã có những thay đổi được dàn xếp, thậm chí những chuyển đổi lớn, nhưng đã không hoàn toàn là một cuộc cách mạng.

Thử thách của bất kỳ cuộc đàm phán hay quá trình thay đổi nào là ở hành động thực hiện xảy ra tiếp sau, chứ không phải trong cuộc thương lượng (hay thậm chí trong các thỏa thuận thành văn của nó). Tài liệu về nhiều hình thức của “công lý không chính thức,” và thậm chí “công lý chính thức” (tức là, được quyết định bởi các tòa án), đầy rẫy các thí dụ về các thỏa thuận đạt được và không được thi hành. Các nhà hoạt động da đen Hoa Kỳ như Wilcox[22] cung cấp các thí dụ về các cuộc đàm phán về trường học cộng đồng và các quyền dân sự khác mà đã bị vi phạm hay bị phá hoại ngay lập tức sau khi chúng được ký kết hoặc đã bị phủ quyết bởi các chính quyền cao hơn bên ngoài các cuộc đàm phán. Có tranh luận vẫn tiếp tục tại Đại học Michigan về liệu Đại học đã có bao giờ thực hiện các điều kiện mà đã được thương lượng một cách rõ ràng như một phần của sự chấm dứt đình công của Phong trào Hành động Đen (Black Action Movement) trong đầu các năm 1970 về các mục tiêu tuyển sinh người da Đen và người thiểu số khác (và cuộc tranh luận này đã là một phần của sự kích động cho các cuộc biểu tình, các cuộc phản đối, hoạt động phản-phản đối và sự không tin cậy chung). Và ngay cả các quyết định của tòa án liên bang Hoa Kỳ về sự xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong trường học, chẳng hạn (được cho là được ủng hộ bởi quyền lực chính thức của luật và nhà nước), thường đã chẳng bao giờ được thực hiện.[23] Chúng ta có thể dễ dàng nhân các thí dụ về hiện tượng này lên và rồi hỏi một cách hợp lý, các điều kiện nào (đối với Bàn Tròn hay bất kỳ quá trình khác nào) là các điều kiện mà tối đa hóa khả năng (likelihood) thi hành các thỏa thuận đã ký.

Nhiều nhà nghiên cứu đã thử nêu ra các điều kiện mà dưới đó các thỏa thuận được thương lượng có lẽ có khả năng nhất để được thực hiện …và được thi hành.[24] Fisher và Ury nhấn mạnh tầm quan trọng của “những cam kết thực tế,” và Susskind và Cruikshank cũng nhấn mạnh tiêu chuẩn khả thi: “Những người tham gia…phải không được tiến hành một giao dịch thỏa thuận mà họ không có khả năng thực thi.”[25] Susskind và Cruikshank cũng gợi ý rằng một quá trình giám sát được thiết lập để xác nhận các quá trình thực thi, và rằng một thỏa thuận phải chứa một điều khoản cho việc xem xét lại và khả năng đàm phán lại. Vấn đề ở đây không chỉ là liệu các bên của một sự giải quyết được thương lượng đã hay sẽ hành động theo thiện ý hay không: một thỏa thuận không được thi hành và thất bại sẽ nhóm lại ngọn lửa bất mãn và ngờ vực, làm cho các thỏa thuận tương lai và sự ổn định của hệ thống còn ít có khả năng hơn.

Hệt như đã có những thay đổi lớn ở Ba Lan kể từ Bàn Tròn, cũng đã có những giới hạn đối với những kết quả vật chất và tượng trưng đã hy vọng có được; như Kaczyński lưu ý, vẫn còn nhiều công việc chính trị và kinh tế cần phải làm. Nền kinh tế vật lộn, và Janowski cho rằng Đoàn kết đã bỏ qua cộng đồng nông thôn (và các nông dân) và đã kiêu kỳ và ngạo mạn đối với họ. Và như Michnik kết luận, “Đó là thời điểm tốt để nhớ về những người đã mất, những người thất nghiệp và vô gia cư, những người nghèo và bị chôn vùi trong sự thờ ơ, những người không tham gia vào các cuộc bầu cử, những người tổ chức các cuộc đình công và phong tỏa đường, không chắc chắn về ngày sắp tới… Số phận của họ phải là mối quan tâm của tất cả chúng ta, từ tất cả các phe phái chính trị.”[26]

Thêm vào (hặc có lẽ dưới và sau) thảo luận này về những thay đổi nào đã thực sự xảy ra trong xã hội Ba Lan trong mười năm qua, là câu hỏi liệu bản thân Bàn Tròn có chịu trách nhiệm về bất kỳ của những thay đổi này hay không. Chúng sẽ đã xảy ra dẫu sao đi nữa? Bàn Tròn đã có cần thiết? Chrzanowski gợi ý rằng nếu giả như đã không có Bàn Tròn thì đã vẫn có thay đổi lớn thuộc loại giải phóng và dân chủ hóa. Theo quan điểm của ông Bàn Tròn đã ảnh hưởng đến cách thay đổi quyền lực (hòa bình và hòa giải hơn là dữ dội và trừng trị) hơn là sự thực về bản thân sự thay đổi. Davis, giữa những người khác, cho rằng hệ thống đã đang sụp đổ dẫu sao đi nữa. Tuy vậy, Ciosek đã phản lại, cho rằng hệ thống Ba Lan đã không tự sụp đổ và đã cần đến Bàn Tròn để đưa ra một thỏa hiệp tốt. Theo quan điểm của ông phương pháp của Đoàn kết đến tương lai đã không rõ ràng và tuy chế độ đã biết sự thay đổi là cần thiết nhưng nó đã không biết làm cách nào để khiến cho nó xảy ra. Và Michnik cũng nghi ngờ liệu chế độ có tự đổ hay không, mà không có sự giúp đỡ của Bàn Tròn.

Một Lưu ý Phương pháp luận và Chiến lược về Ký ức và Huyền thoại

Việc tạo ra các câu chuyện và các huyền thoại về Bàn Tròn Ba Lan là một cách khác nữa để “kể chuyện lịch sử” và “tranh luận việc kể chuyện lịch sử.” Vì hồ sơ lịch sử là một nguồn mà được diễn giải, diễn giải sai và được dùng trong các cuộc đấu tranh xã hội, chúng ta có thể kỳ vọng rằng kỷ yếu hội thảo[27], cũng, sẽ được tranh cãi. Bản thân nó là một câu chuyện, một câu chuyện được tranh giành và được sử dụng trong các cuộc chiến đấu tiếp tục. Hơn nữa, trong phân tích này và những phân tích khác chúng ta làm việc từ ký ức mà được cụ thể hóa trong các tài liệu và trong việc người dân kể lại các câu chuyện của họ. Ký ức có thể là sai. Ký ức có tính chất đảng phái. Ký ức làm cho nó hiển nhiên rằng cuộc đấu tranh (cả vật chất và tượng trưng) vẫn còn. Ký ức và sự tạo huyền thoại là các nguồn lực mà được dùng một cách chiến thuật (đôi khi chủ ý và đôi khi không chủ ý) trong các cuộc đấu tranh xã hội cơ bản và đang xảy ra mà trong đó các cuộc đàm phán là một yếu tố nhất thời.

Chúng ta thấy một số tranh luận tiếp tục về Bàn Tròn được phản ánh trong những nhận xét mở đầu của Michnik về sự muốn để thách thức/tránh các huyền thoại về, “về lòng nhân từ của các lãnh đạo đảng (Cộng sản)… (và) âm mưu của bọn đỏ với bọn hồng.”[28] Hall nhận diện cùng những huyền thoại theo ngôn ngữ hơi khác, được bày tỏ như liên quan tới, “truyền thuyết đen mà mô tả Bàn Tròn như một sự phản bội …(và) rằng cả hai bên, Đoàn kết và chính phủ, được trình bày như đã quan tâm ngang nhau đến nhu cầu biến đổi Ba Lan.”[29] Nhiều người tham gia của Đoàn kết bình luận về các vấn đề này, thường không đồng ý về lòng nhân từ, thiện ý và sự tham gia tự nguyện của Đảng Cộng sản vào Bàn Tròn. Các bình luận cũng được đưa ra bởi một số thành viên Đoàn kết liên quan đến những lo ngại của họ về sự cộng tác của chính bên họ với chế độ (“sự gặp gỡ của bọn đỏ và bọn hồng”).

Các huyền thoại, mà những người tham gia trong một cuộc đấu tranh thử ngăn ngừa, cắt bớt hay chỉnh sửa, biểu thị cuộc đấu tranh tiếp tục trên những vấn đề cơ bản và những nhận thức được miêu tả trong kỷ yếu hội thảo và bị rủi ro trong kinh nghiệm Ba Lan. Như Hall lưu ý, trong khi tôn trọng và thừa nhận một số ứng xử tích cực của các đại diện của chính phủ, “chúng ta không thể tạo ra ấn tượng rằng những khác biệt cơ bản này đã được làm mờ đi và thiết quân luật, với các nạn nhân của nó, và toàn bộ bảng cân đối của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan đã bị lãng quên.”[30] Có vẻ có ít nguy hiểm về việc đó xảy ra, căn cứ vào bản chất của các quan điểm được bày tỏ tại hội thảo (không chỉ từ sân khấu mà thường từ khán phòng), nhưng ý kiến rằng hòa bình và thiện ý ngự trị hay đã ngự trị đã có thể không nghi ngờ gì thừa nhận sức mạnh huyền thoại trong tâm trí của một số người (đặc biệt khi thiếu những tiếng nói ngược lại rõ ràng).

Một yếu tố huyền thoại nữa liên quan đến vị trí của Bàn Tròn trong lịch sử của những chuyển đổi được thương lượng trong khối cộng sản. Ciosek cho rằng Ba Lan (tức là, Bàn Tròn), “đã đi trước các sự kiện bên ngoài” (thí dụ perestroika) và “đã có một tác động thực sự và rất rõ rệt lên diễn tiến của các sự kiện ở Liên Xô,”[31] cũng như trong các nhà nước khác trước kia của Liên Xô. Mặt khác, những người khác cho rằng chính sự yếu, sự sụp đổ sắp xảy ra, hay sự tự do hóa của Liên Xô mà đã mở đường cho Bàn Tròn.

Ciosek đặt một khuôn phương pháp luận lên vấn đề về các huyền thoại, gợi ý rằng việc kể lại câu chuyện Bàn Tròn là có vấn đề trừ khi người ta nhấn mạnh, như hội thảo này đã nhấn mạnh, lời chứng của các nhân chứng (trực tiếp) đối lại các tư liệu (mà đã được tạo ra vì các lý do chính trị), mà không phản ánh, “những cuộc trao đổi phi chính thức …nơi cuộc đấu tranh thực đã diễn ra.”[32] Nhưng người ta cũng phải nêu câu hỏi về tính khách quan và tính tư lợi của các nhân chứng tại hội thảo, vì họ có thể đã tiếp tục thử biện minh cho vai trò của riêng họ và của nhóm cử tri của họ trong những hồi tưởng này.

Cho nên ai nói “sự thật” liên quan đến một số tranh luận này hoặc những nhận thức và ký ức bất đồng? Và, rốt cuộc, có ý nghĩa không?

Một số Khả năng Quan trọng cho So sánh

Nhiều tình huống xung đột hơi giống nhau, các quá trình giải quyết xung đột, và các cuộc đàm phán có thể được khảo sát để cung cấp một cơ sở so sánh cho những quan sát này và quan sát khác. Một tập hợp hiển nhiên của những sự so sánh có thể xảy ra với những tình huống khác mà trong đó các cường quốc thực dân hay chiếm đóng (hoặc cái mà một số bên có thể coi là như vậy) đã dẫn đến một thái độ thương lượng – một phần hay toàn bộ. Các thí dụ có thể bao gồm các cuộc đàm phán Israeli-Palestin; chính phủ Hoa Kỳ và các bộ lạc Indian Mỹ Bản xứ và tương tự, các cuộc đàm phán của chính phủ Canada với người dân Bản xứ; trường hợp Nam Phi; kháng chiến trong thời chiến hay những sự chiếm đóng sau chiến tranh ở châu Âu và châu Á; Bắc Ireland; và một số Truth Commission (Ủy ban Sự thật). Trong tất cả các trường hợp này, chúng ta muốn biết về các hình mẫu của sự phân bổ nguồn lực (kể cả tính xác đáng và quyền lực) trong xã hội và giữa các bên, các sự kiện dẫn đến và từ các cuộc đàm phán, các quá trình và cấu trúc của các cuộc đàm phán, và sự tin cậy đủ đã phát triển ra sao nhằm cho phép loại nào đó của các cuộc đàm phán (thành công hoặc không) để xảy ra sau đó.

Một cơ sở so sánh hữu ích khác có thể là những cuộc nổi dậy của dân thường chống lại các chế độ chuyên quyền bản xứ mà đã dẫn đến loại đàm phán nào đó. Các thí dụ có thể bao gồm quá trình có được các cuộc bầu cử ở Nicaragua (với Sandanistas), những cố gắng giữa các địa phương Hoa Kỳ hay các công ty với các phong trào da Đen hay Latino/phản đối (hoặc những phong trào tương tự Latino và Á-Mỹ gần đây), các Ủy ban Sự thật bản xứ ở Guatemala, Ethiopia, vân vân.

Một cơ sở so sánh thứ ba, nhưng là cơ sở mà cung cấp những sự tương phản chính về tính thù địch (ít mạnh mẽ hơn Ba Lan và các trường hợp trên rất nhiều) và về phần lịch sử và cấu trúc được thiết lập của các quá trình đàm phán (khinh nghiệm hơn Ba Lan và các trường hợp trên rất nhiều) có thể bao gồm tranh chấp nóng bỏng giữa các tổ chức vận động (activist organization) và các bên công ty/chính phủ trên đấu trường môi trường, các trường hợp cá biệt trong các tranh chấp nghiệp đoàn-quản lý/chính phủ (kể cả các cuộc bố ráp và đàn áp cảnh sát/quân đội) ở Hoa Kỳ (và các quốc gia khác), và cộng đồng địa phương huy động những nỗ lực mà kết thúc trong loại nào đó của quá trình “công lý phi chính thức.” Trong các lĩnh vực này, có rất nhiều tài liệu sẵn có về các quá trình cân bằng sức mạnh nội bộ, hòa giải, chiến thuật thương lượng, đại diện cử tri, vân vân.[33] Có ít tài liệu và/hoặc thỏa thuận hơn nhiều về vai trò của các cuộc đàm phán để đạt được sự thay đổi hệ thống, giảm những sự thiếu cân bằng sức mạnh xã hội và sự bất bình đẳng nguồn lực, và giảm bất công.

Thảo luận các Câu hỏi cho việc Sử dụng ở Lớp học

Những câu hỏi này có thể được áp dụng cho tình huống Ba Lan và Bàn Tròn (qua kỷ yếu hội thảo hay qua việc sử dụng các nguồn sơ cấp/thứ cấp khác). Chúng cũng có thể được áp dụng cho các tình huống xung đột khác và các đấu trường giải quyết hay thương lượng khác, qua phân tích tư liệu hay quan sát trực tiếp các sự kiện đương thời. Xem xét việc dẫn chiếu đến đoạn về những so sánh và áp dụng các câu hỏi này vào những xung đột mức nhà nước chủ yếu khác hay vào những nghiên cứu tình huống hiện diện trong các tài liệu tham khảo.[34]

I. Người ta phân tích thế nào những gốc rễ và diễn tiến của một xung đột xã hội?

Sự phân tích như vậy có thể giúp tập trung sự chú ý vào “các lợi ích” thường không được nói rõ mà nằm dưới “các lập trường” thương lượng được tuyên bố, các ý thức hệ và thuật hùng biện. Nó cũng có thể giúp nhận diện các lựa chọn khả dĩ cho sự can thiệp và/hoặc giải quyết. Hãy xem xét việc sử dụng “hướng dẫn vẽ bản đồ xung đột”[35] của Wehr để nhận diện các điểm đặc trưng quan trọng của một xung đột.

+Lịch sử xung đột

+Bối cảnh xung đột

Quy mô và đặc điểm

Khung cảnh (địa lý, chính trị)

+Các bên xung đột

Chính (tiền cược trực tiếp và bị tác động cao)

Thứ nhì (tiền cược gián tiếp và bị tác động tối thiểu)

Các bên thứ ba liên quan

+Các Vấn đề Bất đồng

Dựa trên-Sự kiện (“cái gì”)

Dựa trên-Giá trị (“nên là cái gì”)

Dựa trên-Lợi ích (“ai sẽ được cái gì”)

Không-thực tế (“phong cách cá nhân và chất lượng của tương tác/giao tiếp”)

+Động học Xung đột

Các sự kiện thúc giục

Các vấn đề nổi lên, biến đổi, nảy nở

Phân cực (tăng cường độ và bất đồng)

Chuyển động xoắn ốc (tăng hay giảm về sự thù địch hay thiệt hại)

Tạo khuôn mẫu định kiến (Stereotyping) và tạo hình phản chiếu

+Các Con đường Thay thế Khả dĩ đối với (các) Giải pháp của (các) Vấn đề

+Khả năng Điều tiết Xung đột

Các nhân tố hạn chế bên trong (các lợi ích, giá trị, mối quan hệ chung)

Các nhân tố hạn chế bên ngoài (quyền lực cao hơn mà có thể can thiệp)

Các bên thứ ba liên quan hay trung lập

Những kỹ thuật quản lý xung đột (sử dụng tri thức/kinh nghiệm)

A. Áp dụng bản đồ này vào tình huống Ba Lan và Bàn Tròn.

B. Áp dụng nó vào xung đột xã hội khác ở mức khác của hoạt động hệ thống xã hội.

C. Một số định nghĩa thay thế của công lý xã hội là gì?

D. Dưới các điều kiện nào các quan niệm về công lý là có thể thương lượng được?

E. Cái gì là “không thể thương lượng được” trong cuộc sống của bạn? Trong lớp học này? Trong nhóm đồng nhất của bạn?

II. Khi nào đàm phán là một chiến lược thích hợp cho việc giải quyết những bất đồng hay những xung đột nặng và kéo dài và những sự đe dọa đi kèm của bạo lực gia tăng?

Đây là một trong những câu hỏi chính được nêu lên suốt kinh nghiệm Bàn Tròn Ba Lan. Hãy xem xét tình huống Ba Lan, hay tình huống đàm phán khác, bằng cách tập trung vào các vấn đề như:

A. Những mục tiêu của đàm phán là gì trong một tình huống xung đột cá biệt (công lý/sự thật, quyền tự do tăng lên và dân chủ, tư lợi vật chất, lợi ích của toàn thể, giảm xung đột và “nhiễu”)?

B. Vì sao và làm thế nào những người tham gia chọn giữa các chiến lược thay đổi xã hội thay thế khả dĩ như: đấu tranh vũ trang, phản đối và biểu tình, sử dụng lực lượng cảnh sát chính thức, tổ chức cục bộ, vận động để ảnh hưởng đến luật pháp hoặc quy chế, những kiến nghị hoặc lời kêu gọi tới các elite, các cuộc bầu cử, nói xấu và phi pháp hóa thông qua truyền thông, vân vân?

C. Có sự cân bằng sức mạnh tương đối giữa các bên tranh đua? Các hình thức sức mạnh mà được sử dụng hay đã có sẵn để sử dụng trong tình huống xung đột cá biệt là những gì: số người, vũ khí, thế thượng phong về đạo đức, sự ủng hộ của công chúng, sự ủng hộ bên ngoài, tính chính đáng của chế độ, vân vân?

D. Làm thế nào và ở mức độ nào một sự cân bằng sức mạnh tương đối được tạo ra bên trong đấu trường thương lượng …tại bàn đàm phán? (Các) cơ sở của sức mạnh/tính dễ bị tổn thương tương đối như ậy là những gì?

E. Những chiến thuật nào được dùng để huy động và tổ chức nhóm thách thức? Để ủng hộ quyền lực đã được thiết lập và nhóm cử tri chi phối của nó?

F. Độc lực quyền lực bên trong liên minh cầm quyền và bên trong phong trào thách thức (chính phủ và Đoàn kết trong tình huống Ba Lan) là những gì?

G. Các chiến lược can dự/leo thang/xuống thang/giải quyết xung đột nào là hữu ích dưới các điều kiện chung nào? Những gì được dùng trong xung đột cá biệt được chọn cho phân tích? Khi nào, tại giai đoạn nào của một xung đột, chúng là hữu ích (nhất)?

H. Những chiến thuật nào mà các bên lưỡng lự hay chống cự đưa đến bàn đàm phán? Những chiến thuật như vậy thay đổi theo thời gian thế nào và vì sao?

I. Những ảnh hưởng của các cuộc đàm phán lên động học bên trong của các bên tranh đua/cộng tác và các mối quan hệ của họ với các nhóm cử tri của họ là những gì?

III. Phải làm thế nào cho đàm phán tiến triển? Nó tiến triển thế nào?

A. Ở mức độ nào là quan trọng rằng các bên đàm phán thừa nhận thiện ý hay lợi ích của nhau trong “lợi ích chung”? Bằng chứng (hay các tín hiệu) ứng xử về thiện ý hay cam kết của mỗi bên cho lợi ích của toàn thể là gì?

B. Các tiểu chiến thuật nào có thể được dùng tại bàn đàm phán để giảm hay để kiểm soát những sự chênh lệch về sức mạnh xã hội/kinh tế/chính trị/cưỡng bức giữa các bên?

C. Người ta chuyển thế nào từ tình trạng thù địch sang các đối thủ được tôn trọng (nhưng không nhất thiết được mến mộ hay tin cậy hoàn toàn) …hay thậm chí sang thành những người cộng tác (tạm thời)? Có quan trọng để làm việc đó?

D. Những sự khác biệt giữa mặc cả cạnh tranh đối lại mặc cả hợp nhất là gì? Bạn có thể cung cấp những thí dụ từ những nghiên cứu tình huống trong tài liệu hay từ thực tiễn chung?

E. Các đại diện đàm phán giữ mối liên hệ với, và được tin cậy bởi, các nhóm cử tri của họ thế nào? Họ giao thiệp thế nào với các đồng minh tiềm năng khác ngoài tình huống đàm phán?

F. Các nhà đàm phán quản lý thế nào nỗi đau (thân thể và xúc cảm) cá nhân của việc giao thiệp với các kẻ thù trước kia? Với việc bị bạn bè và đồng minh gán cho nhãn kẻ phản bội, kẻ phụ bạc, “Bác Tom,” “[củ] chuối,” “tên Do thái tự ghét mình,” “kẻ phản đảng,” vân vân (bạn thêm vào các nhãn riêng của bạn và các tên gọi có ý nghĩa (epithet) từ các tình huống xung đột bạn đã biết hay đã là một phần)?

IV. Các nhà trung gian, các trọng tài hay những người triệu tập hữu hảo và các nhà môi giới trung thực đóng những vai trò gì? Khi nào họ đặc biệt có khả năng là có ích và giúp ích?

A. Có một bên thứ ba tại Bàn Tròn Ba Lan? Vì sao và vì sao không?

B. Có thể coi bản thân Bàn Tròn Ba Lan là một bên thứ ba? Một NGO? Một P/CRO?

C. Những sự khác biệt cốt yếu giữa mặc cả/đàm phán, hòa giải và các quá trình bên thứ ba là những gì?

D. Hãy xem xét các vai trò của các Tổng thống Hoa Kỳ Carter, Reagan và Clinton trong việc bảo trợ cho các cuộc gặp gỡ và đàm phán giữa các bên của các cuộc xung đột Trung Đông và cái gì xảy ra khi các bên này gặp nhau mà không có sự bảo trợ như vậy. Thảo luận các thí dụ khác về sự ủng hộ, sự hiện diện hay sự can thiệp của Hoa Kỳ trong những tranh chấp quốc gia-quốc tế.

E. Tính trung lập của bên thứ ba quan trọng thế nào (có khả năng hay có nên khi dính líu đến các vấn đề công lý)? Sự khác biệt giữa “tính trung lập vấn đề” và “tính trung lập quá trình” là gì? Khi thiếu tính trung lập cái gì làm cho một người triệu tập có thể tin cậy được và có kết quả?

F. Một bên thứ ba có luôn luôn cần thiết để giải quyết một xung đột leo thang? Vì sao hay vì sao không?

V. Người ta (học để)đàm phán và làm việc hay hành động thế nào với các kẻ thù và các đối thủ, hay thậm chí những người lạ từ những vị trí/bản sắc xã hội rất khác nhau? Ở đây chúng ta cũng có thể học từ những cố gắng để tạo ra những đối thoại giữa các nhóm (trong các đại học và các cộng đồng) mà tập trung vào việc tạo ra sự hiểu như một điều kiện tiên quyết thiết yếu cho việc kiến tạo hòa bình.

A. Người ta có thể “gạt bỏ” các stereotype nhóm và những định kiến thế nào?

B. Những người tham gia trong các xung đột xã hội có thể được giúp đỡ thế nào để hiểu rõ “bên kia” và làm thế nào họ có thể đi đến nhìn nhận bên kia một cách khác đi.

C. Làm sao những người không tin nhau về mặt cá nhân hay chính trị có thể tìm được cách để làm việc cùng nhau – trong các tình huống thương lượng hay ở nơi làm việc?

VI. Những bước nào trước để chuẩn bị, trong, hoặc sau các cuộc đàm phán có thể giúp bảo đảm rằng các thỏa thuận được ký sẽ được làm theo, thi hành và thực hiện?

A. Một thỏa thuận chính thức được ký có là cần thiết (thí dụ, một loạt các cú bắt tay sẽ có đủ)?

B. Có những thí dụ nào về các quá trình giám sát chính thức sau đàm phán?

C. Có các điều khoản nào cho việc xem xét lại hay bổ sung các thỏa thuận?

D. Các lực lượng nào trong môi trường chính trị trực tiếp có thể tạo thành những sự kiểm soát giám sát quá trình thực thi?

E. Có quan trọng đối với công chúng để biết về các thỏa thuận? Việc đó có thể xảy ra như thế nào?

VII. Liên quan đến các phương pháp khoa học xã hội…

Chúng ta có thể sử dụng văn bản này liên quan đến Bàn Tròn Ba Lan và lịch sử Ba Lan để thảo luận một loạt các câu hỏi phương pháp luận chung.

A. Bạn đánh giá thế nào tính chính xác so sánh và tính hữu dụng của việc sử dụng các tư liệu lưu trữ, những lịch sử truyền miệng, ký ức của người tham gia và “sự phê chuẩn thành viên” của những kết luận của các nhà quan sát để đi đến một sự hiểu một tình huống tranh chấp và lôi thôi?

B. Nhận diện các thí dụ khác về “các huyền thoại” (hay những câu chuyện riêng lạ thường) mà đã được dùng như một phần của các cuộc đấu tranh phong trào xã hội và những phải ứng lại chính thức với những cuộc đấu tranh này.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

[1] Rubin, Pruitt and Kim, 197.

[2] G. Cormick, “Intervention and Self-determination in Environmental Disputes: A Mediator’s Perspective,” Resolve (Winter 1982): 1-7; J. Forester and D. Stitzel, “Beyond Neutrality: The Possibilities of Activist Mediation in Public Sector Conflicts,” Negotiation Journal 5(3) (1989): 251-263; J. Laue and G. Cormick, “The Ethics of Intervention in Community Disputes,” in G. Bermant, H. Kelman and D. Warwick, eds.,The Ethics of Social Intervention (Washington, DC: Halstead Press, 1978); C. Moore, The Mediation Process: Practical Strategies for Managing Conflict (San Francisco: Jossey-Bass, 1996).

[3] Communism’s Negotiated Collapse, 53.

[4] Ibid., 173.

[5] B. Gidron, S. Katz, M. Meyer, Y. Hasenfeld, R. Schwartz, and J. Crane, “Peace and Conflict Resolution Organizations in Three Protracted Conflicts: Structures, Resources and Ideology,” Voluntas: International Journal of Voluntary and Non-Profit Organizations 10(4) (1999): 275-98.

[6] M. Chesler and J. Crowfoot, “The Concept of the ‘Enemy’”: Reflections on the Strategic Use of Language, in V. Suransky, et al., eds., Paulo Freire in Ann Arbor (Ann Arbor: University of Michigan School of Education. 1981).

[7] Communism’s Negotiated Collapse, 9.

[8] Ibid., 233.

[9] Ibid., 171.

[10] Ibid., 37.

[11] Ibid., 114.

[12] Ibid., 164.

[13] Ibid., 64.

[14] Ibid., 96.

[15] Ibid., 177.

[16] Ibid., 140.

[17] Ibid., 175.

[18] “The Image of the Enemy: US Views of the Soviet Union,” Journal of Social Issues 45(2) (1989). Toàn bộ số đặc biệt.

[19] Xem Ciosek, Communism’s Negotiated Collapse, 173-74.

[20] Communism’s Negotiated Collapse, 234.

[21] Ibid., 175.

[22] P. Wilcox, “To Negotiate or Not to Negotiate: Toward a Definition of a Black Position,” in W. Chalmers and G. Cormick, eds., Racial Conflict and Negotiations (Ann Arbor: University of Michigan and Wayne State University, 1971).

[23] C. Bullock and C. Lamb, eds., Implementation of Civil Rights Policy (Monterey: Brooks/Cole, 1984); M. Chesler, J. Sanders, and D. Kalmuss, Social Science in Court: Mobilizing Experts in the School Desegregation Cases (Madison: University of Wisconsin Press, 1988).

[24] M. Galanter, “Why the ‘Haves’ Come Out Ahead: Speculations on the Limits of Legal Change,” Law and Society Review 9 (1974): 95-160.

[25] Susskind and Cruikshank, 31.

[26] Communism’s Negotiated Collapse, 235.

[27] I.e., Communism’s Negotiated Collapse.

[28] Communism’s Negotiated Collapse, 10.

[29] Ibid., 107.

[30] Ibid., 117.

[31] Ibid., 42-43.

[32] Ibid., 40.

[33] J. Crowfoot and J. Wondelleck, eds., Environmental Disputes: Community Involvement in Conflict Resolution (Washington: Island Press, 1990); Lewicki and Litterer; L. Nader and H. Todd, eds., The Disputing Process: Law in Ten Societies (New York: Columbia University Press, 1978); Susskind and Cruikshank; Wehr.

[34] Xem đặc biệt Crowfoot and Wondelleck; Gidron, et al.; Lewicki and Litterer; Moore; Rubin, et al.; Susskind and Cruikshank; and Wehr.

[35] Wehr, 19-22.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn