Một vài ý kiến về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước ở Việt Nam

Hà Đình Sơn

Đầu tháng 3 năm 2010, Chính phủ quyết định bổ nhiệm 02 Thứ trưởng nguyên là Bí thư Tỉnh ủy của 02 tỉnh phía Bắc. Hai bản quyết định hành chính đó của Chính phủ có nhiều điểm, nhưng trong bài này tôi chỉ xin bình luận đến 03 điểm trong quyết định đã dẫn. Điểm 01 về các căn cứ: gồm căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ (tức là căn cứ vào Luật) và căn cứ Quyết định của Ban chấp hành Trung ương – (tức là căn cứ vào quyết định của Đảng). Điểm 02 nội dung các điều “Điều 1. Điều động, bổ nhiệm ông X, Bí thư Tỉnh ủy Y giữ chức Thứ trưởng Bộ Z”. Điểm 03 nơi nhận trong đó có “ – Bộ Chính trị (để báo cáo)”.Chúng ta hãy xem xét điều này dưới góc nhìn mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
IX. ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ NƯỚC, PHÁT HUY DÂN CHỦ, TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ
1. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng
Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật”.
Từ văn kiện trên, ta có thể khẳng định: Đảng thừa nhận quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
2. Nghị quyết của Quốc hội số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. “Điều 2: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Từ sự bổ sung nói trên ta cũng có thể khẳng định: Nhà nước thừa nhận Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, tôi chưa cần bàn đến khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là gì, nhưng trước tiên nhà nước đó phải là nhà nước pháp quyền và ngược lại cái nhà nước pháp quyền XHCN ấy không thể là sự phủ định nhà nước pháp quyền chung.
Vậy nhà nước pháp quyền là gì?
Từ điển Bách khoa toàn thư mở -Wikipedia:
Nhà nước pháp quyền hình thức Nhà nước cộng hòa trong đó Nhà nước xây dựng nên pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật. Mọi cơ quan Nhà nước đều phải được tổ chức và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong Nhà nước pháp quyền, ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau. Vai trò của tòa án được đề cao. Điều kiện để có một Nhà nước pháp quyền là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và kịp thời. Điều này đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật và pháp điển hóa không ngừng được thực hiện. Nhà nước pháp quyền khác với Nhà nước pháp trị ở chỗ Nhà nước pháp quyền là một nhà nước dân chủ. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.
Nhà nước pháp quyền là sự kết hợp giữa Nhà nước và pháp quyền.
Ở Việt Nam Đảng có thể lãnh đạo Nhà nước bằng hình thức gì đi chăng nữa, chẳng hạn như: Đảng đề ra đường lối, nghị quyết, chỉ thị,… và đưa đảng viên ứng cử vào bộ máy Nhà nước, để từ đó thông qua các đảng viên của mình thực hiện ý chí của Đảng khi các đảng viên này tham gia các hoạt động của Nhà nước. Về mặt lý luận và khoa học pháp lý đến nay chưa có chứng minh nào nói Đảng là một tổ chức nằm trong Nhà nước pháp quyền. Giả sử, Đảng là một tổ chức nằm trực thuộc trong bộ máy Nhà nước, thì mối quan hệ giữa ba ngành lập pháp hành pháp và tư pháp sẽ trở nên không bình thường nữa vì bị chi phối trực tiếp của một “ngành thứ tư”. Nghĩa là ba ngành kia sẽ không còn tồn tại độc lập mà trở thành phụ thuộc, chấp hành Đảng - đến đây thì Nhà nước pháp quyền đã hoàn toàn biến mất, nếu còn thì chỉ là cái vỏ mà thôi. Do vậy, Đảng tồn tại như một lực lượng lãnh đạo hiện nay theo tôi là lãnh đạo trên chủ trương đường lối chung chứ không có lý do gì trực tiếp nhúng tay vào Nhà nước pháp quyền, trực tiếp dùng mệnh lệnh can thiệp vào hoạt động của Nhà nước. Làm ngược lại là phá vỡ nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, gây hậu quả cho xã hội.
Trở lại sự kiện nêu trên, quyết định của Đảng không thể là căn cứ trực tiếp của các cơ quan Nhà nước (như Điểm 01), nhân sự của Đảng không đồng nghĩa với nhân sự của Nhà nước mà điều động (như Điểm 02), cơ quan Nhà nước không phải báo cáo Đảng (như Điểm 03). Chỉ có thực hiện như khẩu hiệu của Đảng và Nhà nước là “Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật” mới loại trừ được căn nguyên gốc rễ của tình trạng đảo lộn kỷ cương phép nước, bất tuân pháp luật, trên bảo dưới không nghe, tham nhũng tràn lan, biên cương, lãnh hải hàng ngày bị xâm lấn, oan khuất, uất hận trong nhân dân ngày càng chồng chất. Đảng cần thực tâm thực hiện các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền và nói đi đôi với làm mới hy vọng quốc gia có độc lập, dân tộc được tự do, nhân dân được hạnh phúc.
Hà Nội, 21/3/2010.
HĐS

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn