Phải làm gì nếu lịch sử bị bóp méo?

Mặc Lâm, phóng viên RFA
Lời bình 1:

Vụ "người phá đền" tốn hơi nhiều giấy mực phải có hồi kết thôi!

Phần tôi thì vì đi tham quan Nga bị kẹt không về Bỉ được, hôm nay mới về đến nhà viết vài dòng này. Do chỗ chuyên môn của tôi là đào tạo cao học, hơi bị căn bệnh nghề nghiệp, nên tôi thấy cần xem cô ấy là một học trò. Vì thế, xin ân cần hầu chuyện với cô ta như tôi đã nhiều lần khuyên bảo học trò linh tinh của tôi tại VN, cũng có nhiều em có tác phong tương tự:

"Xem xong bài viết của cô, tôi nghĩ cô chưa xứng đáng có bằng Tú tài Việt Nam, cô chưa thông hiểu lịch sử VN, đã ngồi nhầm lớp đâu đó, hay cô đã dùng phao, hoặc đã "may mắn" gặp một tập thể thầy giáo "ai cũng xuất sắc, ai cũng cho đỗ" nên mới qua được đại học? Vậy xin cô hãy đi học lại, tự học cũng được thôi, nhưng phải thành khẩn học thực và qua trắc nghiệm lại.

Về luơng tâm, tư duy người đi học, người nghiên cứu, người công bố khoa học, thì quả là cô có nhiều thiếu sót. Cô không nên chạy theo danh hão, công bố bừa bãi gây phản cảm, tự hại mình, nhũng nhiễu xã hội. Bởi vậy, nếu chưa kịp phản tỉnh sửa đổi thì tôi sẽ không thể ủng hộ ký giấy giúp cô ghi tên theo lớp cao học. Cô xem hiện nay cô đang làm mất uy tín ĐH Yale, ĐH Hawaï, đài BBC... Dạy kèm tiếng Việt cho vài sinh viên mà tự nhận là giảng viên thì quả là gian dối quá lộ liễu đấy. Nếu không may, thầy cô ở Hawaï dễ tính cho cô bảo vệ thành công Ph. D. về Hoa kỳ học rồi cô cũng sẽ làm mất uy tín siêu cường Hoa Kỳ sau này thôi. Cô không ngần ngại phá hoại đền thiêng của dân tộc Việt có ai chắc cô sẽ không tiếp tục như vậy với sự tác hại trầm trọng hơn cho Tổ quốc của chồng cô.

Mong cô ghi nhận lời khuyên chân tình này".

GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Lời bình 2:

“Việc cố tình dùng những ức thuyết xuyên tạc lịch sử trên bục giảng của một trường đại học là điều có thể xảy ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là những lãnh thổ quá xa lạ đối với sinh viên thế giới như Việt Nam. Viễn cảnh một nước lớn có thể lợi dụng kẻ hở của chương trình giảng dạy để cài người vào nhằm lèo lái những nhận thức lịch sử cho sinh viên là một lo ngại hợp lý và có phải, bắt đầu từ bây giờ người Việt nên tỉnh táo nhiều hơn nữa?” – Mặc Lâm.

BVN muốn góp thêm một ý với nhà báo Mặc Lâm: nếu như đây đúng thực là hiện tượng “cài cắm” nhưng ngộ nhỡ lại không phải là cài cắm của nước lớn thì sao? Cứ xét kỹ lời lẽ của bà ĐNB thì xác định cho được cái gọi là lai lịch bà ta trên phương diện đó thật không dễ chút nào. BVN đã có cảm giác ngờ ngợ ngay từ đầu khi đưa tin và bài về con người miệng lưỡi tai quái này. Mà trong thời buổi siêu lừa như hiện nay, chiêu lừa ranh ma nhất là làm cho những ai cả tin ngả theo một định kiến đã có sẵn. Dẫu sao, dù có tài biến hóa đến đâu, đối với người Việt vốn sẵn lòng yêu nước cũng không phải là khó nhận dạng. Cứ hãy chờ đấy rồi xem.

Bauxite Việt Nam


Sinh viên VN ở nước ngoài biểu tình phản đối Hoàng Sa -
Trường Sa là của TQ. Hình chụp từ trang blog.yume.vn

Cư dân mạng đang xôn xao vì một bài viết nêu lên quan điểm của một giáo sư nói về lịch sử Việt Nam.

Vấn đề lịch sử, văn hóa và chủ quyền

Bài viết với một văn phong quá khích cùng những quan điểm bài bác tất cả các ấn chứng lịch sử của Việt Nam, qua đó muốn chứng minh rằng dân tộc Việt Nam vốn phát xuất từ Trung Quốc và từ đó không nên có những tranh luận về vấn đề biển đảo với họ.

Bài viết có tựa đề “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” được post trên trang mạng của BBC trong mục diễn đàn được rất nhiều người theo dõi. Tên tác giả được ghi dưới bài viết là TS Đỗ Ngọc Bích, cùng với lời ghi chú "Bài viết phản ánh quan điểm và lối hành văn của tác giả với chuyên môn là Tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ".


Thường thì những tranh luận cho dù có gay gắt đến mấy trong các forum thì cũng không gây nên sự chú ý quá mức của giới trí thức trong và ngoài nước. Tuy nhiên lần này với một chủ đề bức bối, cộng với chức danh, học vị của tác giả bài viết đã gây sửng sốt và phản ứng từ nhiều phía.

Ý kiến cho rằng người Việt ở Nam Trường Giang nhưng điều đó vẫn chưa chứng minh được đầy đủ. Còn bà ấy bảo rằng Việt Nam cái gì cũng của Trung Quốc là bà ấy sai 100%.

Nhà giáo Hà Văn Thịnh

“Với một cách nhìn khác” như tiêu đề của bài viết Bà Bích đưa ra các luận điểm như sau:

Người trẻ Việt Nam không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975).

Trong phần sau, nặng nề hơn, bà Bích đặt những câu hỏi chung cho cả những ai có quan tâm về cách ứng xử của nhà nước đối với sự việc nhưng lại có vẻ thiếu sự hiểu biết về nguồn gốc lịch sử của mình, bà viết:

Có một câu hỏi đặt ra là “Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”

Chúng ta quen nghe “Lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước”, liệu có bao giờ tự hỏi xem cái con số 4.000 ngàn năm ấy lấy ở đâu ra? Liệu có đúng như vậy không? Mảnh đất Việt Nam có hình thù thế nào trước thời Triệu Vương?

Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở", thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc.

Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha... từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v.

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?

Rồi bà Đỗ Ngọc Bích quay sang cật vấn những bằng chứng chủ quyền của đất nước trong đó tập trung đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bà viết:

Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?

Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochinchina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị An-nam và Tonkin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không?

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?

Một trong những trí thức phản hồi sớm nhất đối với bài viết là nhà giáo Hà Văn Thịnh, hiện giảng dạy tại Đại Học Huế, ông nói:

Cái đó thì sai hoàn toàn bởi vì hình thành dân tộc Việt là một điều vô cùng phức tạp. Về mặt nguồn gốc mà nói thỉ chủ yếu là Đông Nam Á chứ không phải như bà ấy nói là người hán xuống như vậy. Có những chuyện này chuyện khác trong 1000 năm Bắc thuộc thì chuyện ấy là chuyện bình thường nhưng cái gốc, cái nền của nó vẫn là Việt không thể khác được.

Bà này vốn ở Hà Nội, từng học đại học ở Hà Nội, nên xem bà xuất thân ở trường nào mà lại có cái vốn kiến thức kỳ quặc đến như vậy.

GS. Phan Huy Lê

Tôi đã đến Thượng hải, đến Hàn Châu, tôi thấy rằng cái văn hóa ẩm thực ở đó nó khác hoàn toàn so với Bắc Kinh. Ý kiến cho rằng người Việt ở Nam Trường Giang nhưng điều đó vẫn chưa chứng minh được đầy đủ. Còn bà ấy bảo rằng Việt Nam cái gì cũng của Trung Quốc là bà ấy sai 100%.

Đối với GS Phan Huy Lê, Viện trưởng viện Sử học Việt Nam [Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam] thì dứt khoát cho rằng những lời lẽ trong bài viết của bà Đỗ Ngọc Bích là không đáng bàn tới, ông nói:

Bài này thật ra không đáng để thảo luận. Tất cả những ý kiến không cần chuyên gia mà ý kiến của người bình thường cũng đủ để nói lên cái bản chất cái ý kiến của bà này rồi. Bà này vốn ở Hà Nội, từng học đại học ở Hà Nội, nên xem bà xuất thân ở trường nào mà lại có cái vốn kiến thức kỳ quặc đến như vậy.

Sự thật về chức danh TS mà bà Bích trưng ra trong bài viết thì sao? đối với việc này GS Ngô Vĩnh Long, hiện đang giảng dạy tại đại học Main, Hoa Kỳ cho biết Bà Đỗ Ngọc Bích chỉ là một nghiên cứu sinh chứ hoàn toàn không phải là TS hay Giáo sư giảng dạy tại đại học Yale như bà công bố. Ông cũng đưa ra một vài thông tin liên quan đến bài viết như sau:

Tôi có liên hệ với Yale và một số người khác. Ban đầu khi bài này ra thì tôi muốn lơ đi nhưng thấy người ta phản ứng nhiều quá mà như vậy thì mất mặt Trường đại học Yale, và một Giáo sư ở đó là anh Erik Harms đã viết thư đính chính gửi cho BBC nói về vị trí thật của bà này rồi.

Phải làm gì?

Phần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đường lưỡi bò
bỗng... thuộc vùng biển của Trung Quốc. Photo courtesy of UNCLOS

Có lẽ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước sau vụ này nên chú tâm tới sự phá hoại ngầm có chủ trương của những thế lực thật sự chống Việt Nam, hơn là lời lẽ của một bà nghiên cứu sinh nhưng lại lạm danh để bài viết của mình tăng thêm trọng lượng.

Giả định rằng bà TS Bích là một GS thật sự như bà tuyên bố thì sự việc nghiêm trọng hơn nhiều. Vì phụ trách giảng dạy bộ môn lịch sử Việt Nam cho sinh viên Hoa Kỳ tại trường đại học ưu tú cỡ như Đại học Yale, bà sẽ đem bằng được các luận cứ chống lịch sử Việt Nam để gieo vào kiến thức của sinh viên Mỹ như thế thì trí thức thế giới sẽ nhìn nhận quá trình hình thành đất nước Việt Nam như thế nào?

Khi phát hiện một trường hợp như thế thì chống lại bằng cách nào? GS Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy bộ môn kinh tế tại Đại học Ohio cho biết:

Có thể đặt ra với người đứng đầu bộ môn và yêu cầu họ điều tra vấn đề này. Người đứng đầu department sẽ giải quyết vấn đề này.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng cùng quan điểm với GS Dũng khi cho rằng nên thông báo nơi người có vấn đề đang giảng dạy. Trường này sẽ có cuộc điều tra và có biện pháp đối với người vi phạm.

Có thể đặt ra với người đứng đầu bộ môn và yêu cầu họ điều tra vấn đề này. Người đứng đầu department sẽ giải quyết vấn đề này.

GS. Trần Hữu Dũng

Nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc nên nhìn sự việc dưới các góc khuất của vấn đề khi mà cục diện ngày càng cho thấy sức ép của các thế lực ngày một đè nặng hơn trên chủ quyền của Việt Nam.

Việc cố tình dùng những ức thuyết xuyên tạc lịch sử trên bục giảng của một trường đại học là điều có thể xảy ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là những lãnh thổ quá xa lạ đối với sinh viên thế giới như Việt Nam. Viễn cảnh một nước lớn có thể lợi dụng kẻ hở của chương trình giảng dạy để cài người vào nhằm lèo lái những nhận thức lịch sử cho sinh viên là một lo ngại hợp lý và có phải, bắt đầu từ bây giờ người Việt nên tỉnh táo nhiều hơn nữa?

Nguồn: RFA 21-4-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn