Vấn đề “người"trong giáo dục đào tạo hiện nay

Bùi Trọng Liễu*

Vấn đề giáo dục đào tạo đã được nói đi nói lại đã quá nhiều, sao lại vẫn tiếp tục nói? Bởi vì chừng nào chưa ra lẽ, chừng nào những vấn đề bức xúc còn tồn tại, thì vẫn phải nhắc đi nhắc lại.

Mới đây, thấy nở rộ việc mở trường, công, tư, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, kèm theo những dự án xây cất nhà cửa, ngân quỹ, sắm sửa trang thiết bị vật chất, đủ thứ. Trong khi đó thì vấn đề liên quan đến «con người», có vẻ rất lu mờ, hoặc khi được đề cập đến thì có vẻ giống như những khẩu hiệu hoặc những ước mơ. Khi nói đến «người» tôi muốn nói đến 3 loại: người học (học sinh, sinh viên, người học tại chức, v.v.), nhà giáo, và những người phụ trách chiến lược và quản lý.

I - Vấn đề người học:

Nhắc lại là cách đây 20 năm, GS. Phan Đình Diệu và tôi có viết chung một bài báo, với đầu đề là «Góp ý kiến về việc học», đăng trên báo Nhân dân ngày 27/12/1987 và báo Tuổi trẻ ngày 29/11/1987. Trong bài đó chúng tôi có nêu mấy mục tiêu của việc học (đã điều trần nội bộ trong nhiều năm trước):

Mục tiêu thứ nhất là tạo lập một cơ sở tri thức, văn hóa cho con người và xã hội: «Học» là một đòi hỏi của xã hội, bởi vì một xã hội tiến bộ chỉ có thể là tập hợp của những con người có trình độ hiểu biết cao. «Học» là một nhu cầu tri thức của mỗi cá nhân: nhu cầu đó cần được đáp ứng vì nó dựa trên quyền được hiểu biết của mỗi người.

Mục tiêu thứ nhì là việc đào tạo chuyên môn nghề nghiệp: Đào tạo chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng cho các khu vực sản xuất, kinh tế, hành chính và cho các hoạt động xã hội khác của đất nước. Cho mỗi cá nhân một (hay những) chuyên môn nghề nghiệp, để mưu cuộc sống (và để thực hiện vai trò của mình trong chỗ đứng của mình trong xã hội).

Hai mục tiêu đó tạm gọi tắt là mục tiêu «kiến thức» và mục tiêu «nghề nghiệp» quan hệ với nhau, nhưng phải được phân biệt, và không nên xem là đồng nhất.

Trong khung cảnh các mục tiêu này, nguyên tắc là người học được đánh giá theo sự hiểu biết đã tiếp thu được, và bằng cấp được đặt ra là để chứng nhận sự đã đạt được các mức hiểu biết đó. Theo tôi, không có chỗ cho những cá nhân gian lận để có bằng cấp và được «ăn trên ngồi trốc», lại càng không có chỗ cho một tập thể nào đó tổ chức gian lận để «có thành tích». Chính quyền nhà nước và xã hội bảo đảm để người đi học, bất cứ ở cấp bậc nào, bất cứ thành phần nào, không được vượt ra ngoài nguyên tắc đó. Nếu không thì là loạn (thí dụ như việc học sinh «ngồi nhầm lớp», hoặc như người dùng bằng giả để có địa vị xã hội, v.v.).

II - Vấn đề nhà giáo:

Ở đây, tôi không đề cập đến những nhà giáo có trình độ nghiệp vụ cao và có lương tâm nhà nghề, tận tụy với công việc. Tôi hy vọng đó là đa số, mà tôi rất trân trọng, và do đó chẳng cần nhắc đến dài dòng, trừ cái mong muốn là lương bổng và điều kiện vật chất hành nghề được nâng tới mức tương xứng để các vị này có thể toàn tâm toàn ý đảm nhiệm được công việc của mình. Ở đây, tôi cũng tạm bỏ ra ngoài những trường hợp cá biệt gây ra những vụ «bạo hành» đối với học sinh (như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến phải đi viện, bỏ thuốc chuột vào thức ăn trẻ em mẫu giáo, v.v.), mà báo chí hàng ngày đã và đang đăng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến những trường hợp bất cập, do trình độ hiểu biết chưa đạt mà vẫn có bằng cấp để đi dạy và để rồi dạy sai, bởi vì những «phế phẩm» loại này lại tiếp tục sinh ra những «phế phẩm» tiếp theo, có thể kéo dài trong nhiều thế hệ. Tuy những bất cập này xảy ra ở khắp cấp bậc (mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học), do một thời có một thứ bệnh thành tích, một thứ tính toán thô thiển, ưu tiên số lượng chứ không chú trọng chất lượng – một thứ «ăn xổi ở thì» – tôi chỉ muốn tập trung nói tới nhà giáo đại học, bởi vì nhà giáo đại học phần nào là đầu mối «sản xuất» ra nhà giáo trung học và tiểu học (không kể việc «sản xuất» ra những chuyên gia cho những hoạt động khác của xã hội).

Trong bài «Đứng nhầm lớp» còn hại hơn «Ngồi nhầm lớp», (mà VietnamNetHà Nội mới đăng một phần ngày 14/5/2007)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/694528/

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/129980/

tôi có phát biểu một số ý như sau:

Từ dăm tháng nay, báo chí truyền thông đưa rất nhiều thông tin về việc học sinh «ngồi nhầm lớp» và dư luận cho rằng đây là một tai hại lớn cho ngành Giáo dục. Nhưng «đứng nhầm lớp» còn tai hại hơn. Tôi muốn nói đến sự việc có những nhà giáo không có khả năng và trình độ phù hợp, mà vẫn được trao trách nhiệm giảng dạy. Tai hại hơn, vì đó là sự góp phần biến những học sinh, sinh viên thành những người «ngồi nhầm lớp». Chẳng cần nói quanh co: hiện nay không ít nhà giáo đại học không có bằng cấp tương xứng – và dù cho có bằng cấp, thì chưa chắc đã có hiểu biết tương xứng – để giảng dạy đại học. Vậy mà vẫn dạy. Và lại có sự ồ ạt mở thêm nhiều đại học, và nhiều đại học lại được mở thêm nhiều ngành. Lớp thì mở nhiều, nhà giáo có trình độ tương xứng thì ít. Rồi sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ nào để vào đời đáp ứng được nghiệp vụ, trong một khung cảnh toàn cầu hóa? Không quyết tâm giải quyết nạn «đứng nhầm lớp», thì e rằng những lời phát biểu về chấn hưng giáo dục đại học chỉ là những khẩu hiệu rỗng, những chỉ tiêu nêu ra sẽ chỉ là bảng kê những thành tích ảo tương lai.

Lấy thí dụ con số 2 vạn Tiến sĩ dự kiến sẽ được đào tạo trong non 10 năm. Trước hết là về số lượng nghiên cứu sinh, tuyển họ ở đâu ra? Bao nhiêu người mỗi năm? Giả thử như có đủ ngân quỹ để «nuôi» họ một cách tương xứng, họ sẽ được đào tạo ở cơ sở nào, ai hướng dẫn họ, ngành này bao nhiêu, ngành kia bao nhiêu, đề tài nghiên cứu gì, trong nước? Câu hỏi cũng tương tự, nếu như đủ ngân quỹ để gửi họ ra để được đào tạo ở nước ngoài. Hình như một số nhà quản lý khi nêu chỉ tiêu đã «quên» rằng các đại học nghiêm chỉnh nước ngoài không dễ gì nhận nghiên cứu sinh nếu như quá trình học tập cơ bản không chứng tỏ được là họ đã là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ những đại học có trình độ. Tiếp theo đó, soạn một luận án, không phải là cứ học chăm, tiếp thu nhanh bài giảng của thầy, trả bài đúng ý Ban giám khảo, là có «bằng Tiến sĩ», na ná như kiểu ông cha ta ngày xưa đi thi Hội thi Đình! Nói một cách tóm tắt cho dễ hiểu, luận án Tiến sĩ ngày nay mặt nào có thể ví như những «bằng sáng chế» nhưng mang tính hàn lâm, có thể có ứng dụng ngay hay không. «Tìm ra cái mới» là theo nghĩa đó, chứ hoàn thành một luận án Tiến sĩ không phải là ngồi viết ra một cái gì «không giống người khác». Thêm vào đấy là đâu đó có lúc nêu ra tiêu chí kiểu: muốn được bảo vệ luận án Tiến sĩ, phải có vài bài báo đã đăng ở «tập san có giá trị» ở nước ngoài, thậm chí còn đòi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có 2 «công trình khoa học» đã công bố. Hình như tác giả của những chủ trương này không muốn biết rằng thời gian chờ đợi để một bài báo được thẩm định xong và được đăng lên một tập san nghiêm chỉnh có khi mất hàng hai, ba năm hay hơn nữa. (Ở đây tôi nói thời gian trung bình, xảy ra ngay ở một số nước đã phát triển với nhiều trường hợp khác nhau: có trường hợp bị phản biện sai, oan phải cãi lại ; cũng có trường hợp đặc biệt «có tay trong», hay cả thầy và trò đều xuất chúng nên nhanh hơn; cũng có những luận án có nội dung tế nhị đụng tới an ninh quốc phòng, kết quả không bao giờ được công bố). Như vậy thì cần bao nhiêu năm để có được 2 vạn Tiến sĩ, và bao nhiêu trong đám Tiến sĩ này sẽ là nhà giáo cho các đại học đã thành lập hiện nay ở Việt Nam? Vì con số này và thời gian dự đoán để thực hiện, không có sức thuyết phục, nên có lẽ phải hiểu theo cách khác: Có lẽ lời tuyên bố về con số 2 vạn Tiến sĩ đào tạo trong vòng non 10 năm tới được nêu ra, chỉ nhằm mục đích «báo động» một tình trạng bất cập của giáo dục đại học hiện thời?

Cho nên, giải quyết vấn đề «đứng nhầm lớp» (liên quan trực tiếp đến việc chấn hưng giáo dục đại học và đào tạo người) rất là khó, và ta nên có cái nhìn thiết thực hơn. 40 năm làm Giáo sư đại học ở nước định cư – nước Pháp, cũng thuộc loại đã phát triển cao và có một chiều dày trong truyền thống giáo dục – tôi cũng có chút kinh nghiệm để nhận thấy là cải cách theo kiểu đại trà là khó lắm, bởi vì nó liên quan tới việc chuyển đổi đồng loạt cả một hệ thống sẵn có, với những khuyết tật của nó, với phương tiện vật chất cần có, với sức ì, với sự cầu an của một phần nhân viên. Ở nước ta thì những khó khăn này lại gấp bội, do bối cảnh lịch sử để lại, thí dụ như một thời đã trót tuyển một số nhà giáo có trình độ yếu kém mà nay lại không thể sa thải, cộng với sự tế nhị trong việc nâng lương bổng nhà giáo sao cho đủ sống để họ có thể toàn tâm toàn ý trong việc thực hiện nhiệm vụ, cộng với khả năng trang bị trường sở, cộng với việc phải nâng đỡ sinh viên về điều kiện sinh sống và học tập như thế nào, để đạt được một trình độ «bình thường» – khoan nói tới đẳng cấp cao làm gì – của một nền giáo dục đại học. Đối với ai có cái nhìn khách quan, không bị ràng buộc về mặt này mặt nọ, rõ ràng là giải pháp nâng cấp các đại học đã có là một giải pháp đắt hơn, lâu hơn và khó thực hiện hơn gấp bội; có chăng là nâng cấp một vài ngành trọng điểm trong một vài đại học sẵn có, nhưng như vậy thì vấn đề quản lý vẫn bị mắc những ràng buộc chung.

Do đó, đã từ nhiều năm, tôi cố kiến nghị cho giải pháp thành lập «mới» một đại học công lập, bước đầu cỡ nhỏ, để làm «mẫu» – cho nên mới dùng tên gọi «hoa tiêu» – để giải quyết cấp bách, song song với việc dần dần nâng cấp những cơ sở còn lại nếu có thể, và kệ cho những cơ sở khác sụp đi nếu chúng không có sức để tồn tại. Tôi chỉ nói đến đại học «công lập», vì đây thuộc trách nhiệm của Nhà nước, không thể dễ dàng phủi tay. Cũng cần nói thêm rằng, theo ý tôi, «thành lập mới» không có nghĩa là phải «xây cất mới» nhà cửa – có người hiểu lẫn «xây dựng» với «xây cất» – mà trong ý tưởng «hoa tiêu» này, dù cho có gọi nó là đẳng cấp quốc tế, hay đẳng cấp cao, hay có tiêu chuẩn quốc tế, hay gì gì đi nữa, chữ «mới» cần hiểu theo nghĩa là: phải tuyển chọn nhà giáo có trình độ, bổ nhiệm theo chức vụ, chứ không phải theo quan niệm phong hàm, tập trung lại để có một khối lượng tối thiểu nhân sự, kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, tổ chức phương cách quản lý, trang bị và giảng dạy theo chương trình phù hợp, tuyển sinh có trình độ, học tập và kiểm tra nghiêm túc, đa khoa kết hợp, nhưng bước đầu chỉ mở những ngành có phương tiện, v.v.

Trong nhiều năm trước đây, tôi đã kiến nghị sát nhập các viện nghiên cứu vào các trường đại học, nhưng nay nhận thấy có những đại học quá yếu để vực lên được khâu nghiên cứu khoa học. Do đó tôi chia sẻ cái ý là nên thành lập một đại học «mới» từ các viện nghiên cứu, nơi có nhiều nhân viên có khả năng và đã có chức danh Giáo sư, với điều kiện là nhân viên cũng phải được tuyển chọn lại. Cơ sở vật chất lại đã có sẵn. Một đại học đa ngành thành lập từ các viện nghiên cứu, đã có sẵn khả năng để đào tạo Tiến sĩ, và dần dần mở thêm những cấp đào tạo từ dưới lên (Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ) để bảo đảm «đầu vào» thật nghiêm túc, và dần dần kết hợp được khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và các ngành khoa học kinh tế, nhân văn… là một giải pháp nhanh chóng nhất mở ra triển vọng cho tương lai, trong đó có khâu giải quyết một phần vấn đề «đứng nhầm lớp».

Muốn thực hiện hay không, đó là câu hỏi đang tồn tại.  

III- Vấn đề những người phụ trách chiến lược và quản lý:

Về các vị này, tôi chỉ có vài lời ngắn gọn thôi. Các vị đương nhiệm phải thừa hưởng một tình trạng phức tạp do quá khứ để lại. Với một «kho tàng» bất cập khổng lồ, cộng thêm với một sự tự do phát biểu nào đó về lĩnh vực Giáo dục Đào tạo của những người có kinh nghiệm cũng như của người không có kinh nghiệm, người nghe cũng như trong tình trạng của kẻ «đẽo cày giữa đường», đâm ra phân vân, trong khi sự phát triển không thể chờ đợi. Nếu không hẳn là «tư lệnh», thì các vị cũng là «tham mưu», để đề ra được những giải pháp để các nhà lãnh đạo đất nước lấy được những quyết định phù hợp cho quyền lợi của dân tộc, của nước nhà. Bởi vì có những vấn đề mà lĩnh vực giáo dục đào tạo tự nó không thể giải quyết được, chỉ xin nêu vài thí dụ:

Thí dụ như trong việc học sinh đi thi quay cóp, đã có những giáo viên tỏ ra hết sức lo lắng khi làm cán bộ coi thi: «Nếu mình làm nghiêm thì sợ bị trả thù. Còn làm không nghiêm thì sợ thanh tra kỷ luật» (theo http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/699402/). Giải pháp là gì để che chở họ khi làm nhiệm vụ, tránh tình trạng «sống chết mặc bay»?

Thí dụ như Bộ Giáo dục muốn cải tiến trình độ nhà giáo đại học, trong khi địa phương muốn mở đại học tuy thiếu thầy – lấy thành tích, hay vì sức ép nào khác loại «làm quan, làm cảnh»?

Thí dụ có những vụ hiển nhiên gian lận bằng cấp để có chức có quyền – ở nước khác thì có thể «tù mọt gông», ở ta có thật là cứ vẫn «trơ như đá vững như đồng»?

Thí dụ như vấn đề mở trường «ngoài công lập» để kinh doanh có lợi nhuận, có còn nằm trong nền «kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa» không? (Việc tồn tại một hệ trường tư lập nghiêm chỉnh không thể đánh đồng với việc tự do kinh doanh giáo dục kiếm lợi nhuận).

Kính chúc các vị có được sự tỉnh táo, sáng suốt, gạt được cái đục, lọc được cái thanh, tránh được những lắt léo làm nặng thêm cái «kho tàng» bất cập, và chọn được một con đường chấn hưng phù hợp.

BTL

Nguồn: http://giaosubui.net/index.php?option=com_content&task=view&id=197&Itemid=69

* Tác giả đã mất .

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn