Một năm kể lại

Người Buôn Gió

image Bữa cơm ban chiều vẫn chỉ có cơm trắng và vài cọng rau muống luộc lơ thơ trong cái bát nước canh, có thể đếm được là 8 hay 9 cọng rau.

Tôi ăn hết phần cơm chiều nay như đã ăn bữa cơm đầu tiên ở đây. Thường thì những người đột ngột vào đây hay bỏ cơm vì nghĩ ngợi nhiều. Tôi thì có nghĩ gì cũng phải ăn hết, nếu không đêm đói bụng rất khó ngủ. Mà cái trò đói khó ngủ hay nghĩ chuyện buồn.

Khoảng 8 giờ tối, cả dãy phòng giam bắt đầu có tiếng nói chuyện lao xao. Có giọng trẻ nói chuyện bóng đá với ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hai người nói về giải bóng đá Anh đang diễn ra. Ông Nghĩa gọi với sang hỏi tôi hôm nay tôi làm việc thế nào. Tôi trả lời không có gì ghê gớm cả.

Ai đó ở phòng cạnh ông Nghĩa nói rằng, có nhiều người ban đầu vào đây hay nghĩ như vậy.

Ông Nghĩa nói chỉ thấy có tôi là vui vẻ không lo nghĩ. Đi cung về vẫn huýt sáo.

Thật ra tôi không vô tâm, vô tư khi bị nhốt vào đây. Đây là nhà tù chứ có phải quán karaoke đâu mà vô tư được. Mới lúc chiều hôm đó còn gọi điện về dặn vợ đừng đi chợ, anh mua con gà để trong tủ. Em luộc nhé, tối anh về ăn cơm. Lúc gọi điện vẫn đang làm việc với an ninh, cứ ngỡ là như mọi khi hết giờ về hay chậm hơn tí là được về. Nào ngờ hôm nay, đến tàn giờ rồi mà bất chợt mặt các anh ý lạnh tanh, nghiêm trọng khác mọi khi. Rồi cái các anh ý bảo đứng dậy, lên ô tô về nhà bà nội.Nhìn quanh thấy chục anh công an đi cạnh đưa lên xe ô tô, bụng bảo dạ thôi quả này bị “tớm” rồi. Về đến nhà có con em dâu và đứa cháu, công an đọc mời tổ trưởng, hộ tịch đến làm chứng. Đọc lệnh khám nhà. Khám xong không có gì hết, biên bản ghi không có gì, các bên đang ký xác nhận biên bản khám nhà. Quay sang gửi đồng hồ, thắt lưng, ví tiền lại cho con em dâu, dặn nó:

- Nếu anh đi lâu lâu, mày nhớ thỉnh thoảng đến chơi với chị và cháu.

Con em dâu mắt rưng rưng, mình nói nó:

- Mày đừng khóc, chả giải quyết gì đâu.

Anh công an già nhất nói:

- Hiếu, nghe đọc lệnh này.

Anh đọc lệnh bắt khẩn cấp, cũng chả có gì bất ngờ vì tình hình trước đó cho thấy là sẽ vậy, nhìn sang thấy anh công an trẻ loay hoay lôi cái còng số tám mới cứng còn trong hộp ra. Tôi khen:

- Còng mới tinh à, còng mới cạnh sắc lắm, đau tay. Sao không dùng cái còng nào cũ.

Anh công an trẻ lắc đầu:

- Không còn còng cũ.

Tôi đưa hai tay ra đằng trước nói:

- Ưu tiên cho khóa đằng trước nhé, khóa đằng sau khó đi lắm.

Anh công an già nhìn tôi, rồi lắc đầu nói với anh trẻ:

- Thôi, xét thái độ của anh Hiếu thì không cần thiết phải còng đâu.

Ông Nghĩa giờ chuyển sát tiết mục ca nhạc làm tôi bị cắt luồng nhớ lại, ông ngâm nga bài “Chị tôi”. Đến đoạn có câu “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo” tôi bật cười. Tôi hình dung khi đánh bài, cái ván bài tám đỏ lèo định chờ con Chi Chi để ù, nhưng chưa kịp chờ thì con Chi Chi đã nhảy tót lên khỏi đĩa bài nọc. Lúc ấy tôi cũng hay than “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo”. Tôi hỏi ông Nghĩa bông hoa gạo của ông liệu rụng mấy năm. Ông Nghĩa nói chắc khoảng 2 năm hoặc cùng lắm là 3 năm. Vụ ông Nghĩa và các bạn sắp ra xử, ông Nghĩa băn khoăn là không liên lạc với con trai ông để bảo nó gửi đôi giày, ông muốn lúc ra toà đàng hoàng một chút.

Tôi an ủi rằng ông và các bạn chỉ treo khẩu hiệu, nội dung cũng không có gì nghiêm trọng. Sao bằng vụ anh Định, cậu Trung và ông Kim đang ầm ĩ ngoài kia. Ông Nghĩa cũng có vẻ yên tâm. Híc, số tôi không làm thầy bói được, không ngờ vụ ông Kim to thế mà rút cục sau này án lại nhẹ hơn ông Nghĩa nửa năm. Chả biết mai này lại gặp nhau ở đâu đó, trong tù nữa chẳng hạn thì giải thích thế nào với ông Nghĩa, nhưng lúc ấy tôi và ông đều nghĩ ông cùng lắm lĩnh án 3 năm tù là nhiều.

Thật ra thì pháp luật ở cái xã hội mà chúng ta đang sống nó uốn éo vô cùng. Lúc nghĩ thế này thì nó lại thế khác. Bởi chính vậy mà tôi vô tâm, sự vô tâm của cái chán chường. Đời tôi chứng kiến tận mắt những vụ trái ngược nhau. Có thằng không nghĩ mình phạm tội lại bị đi tù, có thằng phạm tội ngang nhiên lại không bị đi tù. Bọn chúng tôi chỉ biết lý giải tại số phận. Nôm na gọi là “số tù”.

-  Thằng Hải người Mê Linh đi tù nguyên do thế này. Một tối nó đi chơi về qua bờ đê, gặp thằng Dũng đang đứng chân đê hút thuốc. Hai thằng chào hỏi nhau, thằng Dũng nói - Tao vừa bắt được con phò ngon lắm, vừa chơi xong, giờ thằng Tiến đang chơi trên đê. Mày muốn thì lên làm một phát.

Thằng Hải trèo lên đê xem, thấy thằng Dũng vừa chơi xong. Con kia nằm tênh hênh rất ngon lành, con đó nhìn thằng Hải như ý nói có chơi không thì chơi luôn đi. Ý trong cái nhìn của đứa con gái nằm trần truồng khiến thằng Hải không thể chối từ được. Chơi xong thằng Hải đi về, xuống chân đê gặp thằng Dũng, nó hỏi ngon không. Hải còn gật đầu khen “ngon”.

Cái “ngon” tối hôm đấy toà xử cho thằng Hải trả bằng 4 năm tù. Thằng Dũng 7 năm, còn Tiến 6 năm. Tội hiếp dâm có tổ chức. Thằng Hải có cãi là nó không biết bọn kia doạ con bé đó sợ quá phải nằm im, hay là không trả tiền. Cái này không tranh luận, nhưng toà lập luận rằng: Tại sao thằng Hải lúc chuẩn bị chơi con kia, không hỏi ý con đấy một câu. Con đó đồng ý đâu mà đã chơi.

Còn thằng Tiến “choắt” đi tù thế này: Nó đi xích lô từ Hoà Mã lên Hàng Chai. Đến nơi thằng xích lô đòi 5 nghìn. Tiến “choắt” kêu đắt, hai thằng chửi nhau. Tiến “choắt” giật cái mũ cối cứng của thằng xích lô làm vũ khí táng luôn. Thằng xích lô nhảy lên xe đạp cong đít trốn. Tiến “choắt” đang cơn hăng còn đứng chửi, công an đi qua tóm về đồn. Về đồn lại lỡ lời thế nào, các chú công an quy mẹ nó vào tội “hành hung, cướp giật tài sản”. Tang chứng là cái mũ cối Việt Nam giá 12 nghìn. Ở toà người ta không tính đến chuyện cãi nhau đắt rẻ về tiền xe hay giá trị cái mũ. Toà chỉ tính từ đoạn thằng Tiến “choắt” giật cái mũ đánh, sau đó cầm trên tay không biết đường chạy theo mà trả cho thằng xích lô. Tiến “choắt” lĩnh án 5 năm tù.

Tôi bảo lúc đó mày đuổi theo, bọn toà nó lại bảo mày côn đồ, hung hãn quyết tâm thực hiện hành vi tội phạm đến cùng. Lại 10 năm cũng chả chơi.

Đắc Thịnh ở ngõ 295 Bạch Mai thì khác. Năm 1996 Đắc Thịnh đã có ô tô Land Cruiser bánh béo. Có lần hiềm khích, Đắc rút súng chỉ đối thủ nói – Tao bắn mày xong tao còn báo công an – Nói xong nhắm đùi đối thủ nã một phát đạn. Thằng kia nằm còng queo ôm đùi, máu xối xả. Bắn xong Đắc nghênh ngang leo lên xe có đệ tử lái đi. Đúng là sau chả thấy Đắc bị làm sao. Hay Đắc không có “số tù”? Nói gì thì nói, lúc đó tiền của Đắc nhiều vô kể, và chuyện làm ăn của Đắc liên quan tới khối lãnh đạo. Cho nên Đắc không sao chả hẳn là do số. Nhưng có vụ hai thằng cùng gây án đánh chết người, một thằng không vì tiền bạc hay gì cả đứng ra nhận hết. Đơn giản nó nghĩ là đằng nào cũng thế, một thằng nhận cho xong, kéo thêm thằng khác làm gì. Nên thằng nhận lĩnh án tử hình, thằng kia không tố giác tội phạm bị án treo. Vụ này thì xin không nêu tên.

Hay như ai mà nghĩ anh “Điếu Cày” bị tù vì tội trốn thuế. Cái việc cho thuê nhà lấy tiền mà không đóng thuế thì thiên hạ này có bao nhiều người trốn thuế. Các bạn cứ hỏi xung quanh thì sẽ thấy.

Nhớ cái hồi mà Việt Nam mới có băng video và đầu video, việc sao băng hình rất nhiều lợi nhuận. Có một tay chỉ học hết lớp 3 làm ông chủ băng hình, các người làm công thực hiện, còn hắn chỉ ngồi thu tiền. Một lần tôi thấy người làm công hỏi hắn đặt tên phim này là gì. Phim xách tay mang từ nước ngoài về có tên, nhưng cả chủ lẫn thợ ở cái cơ sở đó có đứa nào biết ngoại ngữ đâu. Tên chủ bảo tua cho hắn mấy đoạn, nhìn thấy hình nhân vật đang rút súng bắn chết đối thủ, khuôn mặt lạnh tanh. Tên chủ nói – Phim này đặt tên là “Sát thủ lạnh lùng”. Mấy hôm sau ở các hàng băng cho thuê đã xuất hiện tên phim hấp dẫn “Sát thủ lạnh lùng”.

Cái việc đặt tên cho phim của tên chủ hàng băng học hết lớp 3 ấy ngẫu hứng đầy tính nghệ sĩ.

Y như việc toà hay công an nước ta gọi tội danh của người ta vậy. Thấy nói năng gì thì đặt tên tội là “tuyên truyền, chống phá”, sau thấy hành động gì thì đặt tên là “âm mưu hoạt động lật đổ”. Thằng đi xe trên đường công an bảo đi quá tốc độ, cãi nhau, tranh luận thì công an lập hồ sơ đưa ra toà thành tội “cản trở,chống người thi hành công vụ”. Bọn tụ tập ngoài vườn hoa, trải chiếu ăn nhậu ca hát tùm lum. Thích thì bỏ qua, không thích thì “tụ tập đông người trái phép, gây mất trật tự công cộng”.

Bởi những gì tôi đã thấy, cho nên tôi vô tâm như kiểu nhà Phật. Sự việc đến đâu thì đến. Cái này nói ngoằn nghèo là “sắc là không, không là sắc, sắc là sắc, không là không, sắc cũng như không, không cũng như sắc”.

Có người thắc mắc nói sao đầu năm tôi không viết cái gì lại viết về chuyện “số tù” này.

Mỗi người có ý khác nhau. Năm nay là năm đại hội đảng cầm quyền nước ta, cứ cái đà bên cầm quyền kiên định con đường đã chọn, còn bên góp ý cứ ngày càng nhiều. Chuyện nhà tù là vấn đề phải nói chứ không nên né tránh. Mở màn cho năm 2010 sẽ là vụ xử những người như Định, Trung, Thức; cũng như cuối năm trước khép lại bằng vụ ông Kim. Một năm kết thúc như vậy và một năm mới mở đầu như vậy. Nói chuyện về nhà tù cũng hợp lý chứ có xa vời gì đâu.

Ngày thứ tư

Trong căn phòng giam kiên cố mỗi phòng chỉ có hai người tù. Tôi ngồi đánh cờ với anh bạn tù cùng phòng. Anh còn trẻ, chưa vợ. Hình như anh ta tội bán hoá đơn gì đó, án tù bao lâu tôi cũng không rõ lắm. Vì không nên hỏi chuyện của anh ta, nếu không anh ta nghĩ tôi là người được công an cài vào khai thác gì. Ở trong tù người ta hay nghi hoặc như vâỵ. Anh ta nhìn tôi nghi ngờ khi thấy thái độ của tôi những ngày vào đây. Anh ta nửa đùa nửa thật nhìn tôi nói “Thành phần này đáng ngại đây”.

Ông Nghĩa hỏi vọng sang:

- Thế Hiếu ơi! người ta bảo cháu tội gì?

- Tội lợi dụng dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia.

- Thế cháu làm gì mà họ bảo tội ấy?

- Cháu in mấy cái áo thôi.

- Áo in gì?

- Cháu in Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Ông Nghĩa thở dài đến thượt một cái não nề, ông cũng treo băng rôn Hoàng Sa, Trường Sa ở cầu vượt mà vào đây. Tôi an ủi:

- Đúng là “chị ơi rụng bông hoa gạo” nhỉ? Chú nhỉ?

Anh bạn cùng phòng nhìn tôi cười mỉa mai.

- Hóa ra đồng bọn với ông Nghĩa à, mà lạ nhỉ sao lại bắt bọn các ông, Hoàng Sa, Trường Sa đúng là của Việt Nam mà.

Tôi làm bộ bí mật nhìn quanh rồi thì thào vào tai anh ta:

- Tí nữa hỏi cán bộ hộ tôi như thế nhé!

Chúng tôi đánh cờ vào giờ rảnh, anh ta thường thua, may lắm hôm nào cuộc hỏi cung của tôi diễn ra căng thẳng mới có ván hoà. Anh ấy bảo anh đã ở tù gần 2 năm, nói chưa gặp ai thắng anh ấy.

Khi bị bắt, tôi chỉ có bộ quần áo trên người, bởi vậy hai hôm tôi lại giặt vào ban tối. Để ngoài cửa sổ cho kịp khô. Khi nào vắt nước ở quần áo tôi nhờ anh ta cùng vắt. Vắt thật kiệt để chóng khô ngày mai đi cung kịp mặc.

Vì đi cung liên tục, cán bộ trại giam mở cửa nhiều lần quá. Cô cán bộ bảo tôi – Có gì thì thành khẩn khai với cán bộ điều tra để mau về – Cô ta nói đùa thế nào chứ. Cán bộ ta giỏi lắm, khai hay không khai họ cũng biết hết. Có khối vụ bị can có khai nhận gì đâu, nhưng kết luận hồ sơ vẫn có tràng giang đại hải bằng chứng, rồi căn cứ để kết luận là cho dù bị cáo ngoan cố nhưng qua quá trình thu thập này nọ, có cơ sở kết luận là bị can phạm vào điều a, khoản b, tiết c…gì gì đó. Tính tôi hay đơn giản hoá vấn đề. Cho nên tôi nghĩ các cán bộ biết hết rồi, mình khai nhiều thì lại phải nói nhiều, cán bộ lại ghi chép nhiều, mệt cho cả hai. Mà thực sự thì việc tôi làm có gì phải kể nhiều đâu, tôi in mấy cái áo để bán kiếm tiền. Nội dung mấy cái áo đó chả có gì vi phạm pháp luật, hoặc ai đó thấy vi phạm điều gì thì việc của họ. Tôi chỉ mua áo ngoài chợ mang về làm khuôn tự gò lưng in lấy. Tính bán kiếm tiền lời nuôi con. Các cán bộ cười nhạt nói rằng nếu đơn giản thế thì họ đã không bắt tôi. Tôi bảo đời tôi chứng kiến khối cái đơn giản chả có gì còn đi tù, nên việc tôi bị bắt chả có gì ngạc nhiên. Có thể tôi nhầm phạm tội mà không biết hay có thể cơ quan hành pháp nhầm mà họ không biết. Cái này là số phận.

Cán bộ đưa tôi tờ lệnh bắt, bảo có ý kiến gì ký vào. Tờ lệnh này tôi đã nghe đọc và xem từ mấy hôm trước. Hôm đó không hỏi gì, hôm nay lại hỏi mới lại. Chắc hôm đó cập rập quá. Tôi hỏi nếu tôi ý kiến không đồng ý có được thả về không. Cán bộ cười lắc đầu, tôi cũng cười nói – Vậy thì tôi chả ý kiến gì hết, tóm lại các anh muốn bắt thì bắt, thế thôi. Anh cán bộ điều tra lại cười. Anh bảo tôi nói buồn cười lắm, cứ như là công an thích bắt ai thì bắt ý. Công an đã bắt là có cơ sở, không bắt bừa bãi bao giờ. Tôi bảo thế các anh có cơ sở rồi hỏi ý kiến tôi làm gì, lỡ tôi ghi không đồng ý lại bảo tôi ngoan cố. Thôi cứ để trắng như vậy đi.

Có hai cán bộ hỏi thay nhau hỏi cung tôi, không như hôm đầu có đến năm, sáu người. Tôi không lấy thế làm phiền. Vì mỗi lần mình cũng trả lời được một người, cho nên có hai mươi người thay nhau hỏi cũng thế. Mỗi người hỏi một việc khác nhau, thái độ và cách làm việc cũng khác nhau. Tôi có in áo, có viết bài trên blog, những hành động đó vi phạm đến đâu thì sẽ có toà. Mà toà thì như đã nói rồi đấy, y hệt cái lão chủ hàng băng. Còn động cơ in áo để kiếm tiền, viết bài để giải trí, thích thế thì viết thế. Các anh lại hỏi sao tôi không in cái khác lại in áo này, không viết bài khác lại viết thế này. Tôi bảo thích thế làm thế, như các anh không làm bác sĩ, thầy giáo lại đi làm nghề này. Nói vô cùng lắm, tôi đã nhận tôi có in áo để bán vì tôi muốn thế. Chứ hỏi vì sao nữa thì tôi cũng không muốn trả lời. Anh cán bộ nhiều tuổi chỉ bút vào mặt tôi nói. À thế tôi ghi anh không trả lời được nhé. Vâng, mời anh ghi. Nhân tiện anh cứ đặt câu hỏi xong anh ghi luôn là tôi không trả lời được nhé.

Anh cán bộ đặt bút nhìn tôi hỏi.

- Không muốn về à?

- Muốn thì ai chả muốn, nhưng có ai muốn mà được đâu. 100 anh tù thì cả 100 anh muốn về cơ mà.

Anh cán bộ già nghiêm khắc nói:

- Đừng có nghĩ mình anh hùng, khối thằng ghê gớm hơn cậu nhiều vào đây còn phải biết sợ. Cái thằng tội nó to như cái núi còn phải nhận tội kia kìa.

Chắc anh ấy nói bọn anh Định, Thức. Tôi nói

- Ối trời, tội các anh ấy to thế, tội em bằng cái móng tay, lo gì đâu anh. Em mà gây vụ to như mấy ông Định, Thức có khi em cũng nhận tội như thế. Nhưng đây em có in mấy cái áo vớ vẩn, có làm gì đâu anh.

Anh cán bộ già ôn tồn khuyên:

- Cậu nên thành khẩn khai hết, chúng tôi sẽ xem xét đề nghị. Cậu nên nhớ số phận cậu là do chính tôi đây này. Ở đây có tôi và cậu, tôi đề nghị gì thế nào có lợi cho cậu là việc tôi.

Tôi nhăn nhó, khổ sở:

- Trời! Em muốn khai lắm. Nhưng em chả làm gì, đúng có làm gì rành rành đó rồi. Chả lẽ giờ em khai năm ngoái em đánh bạc, năm kia em buôn chục bánh heroin. Anh cũng phải thông cảm là dù em có như thế nhưng làm sao em khai như thế được.

Các cuộc hỏi cung diễn ra loanh quanh như vậy, có lúc cả buổi là tình hình đất nước, quan hệ đối ngoại. Đảng và nhà nước hết sức quan tâm đến chủ quyền, không ai lơ là hoặc bán nước như bọn xấu tuyên truyền, nhưng có nhiều vấn đề phải giải quyết từ kinh tế, nội lực….

Anh bạn cùng phòng không quan tâm đến chuyện đấy, khi tôi đi cung về. Tôi vừa cởi quần áo anh ấy đã hỏi:

-Thế nào chơi tiếp chứ?

Tôi ngồi xuống nhìn ván cờ đang dở, ông bạn tù thật khôn. Ván cờ anh ta đang lợi thế nên anh ta để nguyên chờ tôi về. Bữa trước tôi thắng đến nơi thì anh ấy xoá đi, về bảo đánh ván khác. Ván đó coi như hoà. Tôi bảo cơm trưa xong thì đánh, vì đến giờ cơm trưa. Anh ấy bảo đánh xong thì ăn. Ban sáng anh ấy có mỳ tôm, bánh để lót dạ. Tôi ngày chỉ trông vào hai bữa cơm trại tù, sau cuộc hỏi cung về đói lả đi rồi.

Tôi phải đánh xong mới ăn cơm, vì khi ăn cơm anh ấy hay san cho tôi tí nước mắm. Nếu tôi không đánh cờ mà ăn cơm trước tôi sẽ phải ăn nhạt. Ngày bé nhà tôi nuôi mèo, kho cá cho nó phải cho muối, kho không nó ăn ngúng nguẩy lắm, bố tôi bảo người ta nói “có ăn nhạt mới biết thương mèo”, giờ tôi mới thấy thương con mèo ngày xưa. Nếu có nước mắm, chỉ cần cọng rau cũng và hết nửa bát cơm. Còn không có, tất nhiên là cũng hết cả bát dù không có mắm lẫn cả rau. Nhưng có nước mắm mà ăn nhạt thì bứt rứt lắm.

Tôi đánh thắng ván dở, bảo ăn cơm thôi. Anh bạn tù nói, ván đi ván lại chứ. Bóng đá còn lượt đi lượt về cơ mà. Vừa nói anh vừa bày lại quân cờ trên bàn cho ván mới.

Mắt tôi bắt đầu hoa, nói gì thì nói toàn cơm với vài cọng rau 4 ngày nay. Những chất dự trữ trong cơ thể gầy gò của tôi vốn không trữ được nhiều, giờ cũng đã hết. Tôi nhìn quanh cho đỡ hoa mắt, thấy vỏ bánh kem xốp anh bạn tù chắc vừa ăn. Sáng anh ta ăn mỳ tôm, giữa giờ ăn cả gói bánh kem xốp. Bảo sao anh ta máu chơi đến vậy. Vỏ gói bánh khiến mắt tôi càng hoa đi.

Anh ta thành án rồi, người nhà được thăm và được gửi quà. Còn tôi có khi giờ này nhà tôi cũng chả biết tôi ở đâu, tội gì. Luật của trại quy định quá 15 ngày tạm giữ mới được bảo nhà gửi quà. Tức là còn 11 ngày nữa may ra tôi mới có cơ hội nhận quà. Anh cán bộ điều tra vẫn nói tôi cần gì để anh mua, đồ ăn, đồ uống chẳng hạn. Lúc mới vào các anh có mua cho kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt, xà phòng, quần áo lót, dầu gội đầu. Có lẽ nếu nhờ anh mua gói muối vừng hay lạc rang các anh ấy cũng mua cho. Nhưng nghĩ lúc hỏi cung đôi co giằng dai như vậy, căng thẳng gay gắt với nhau, giờ lại nhờ xin xỏ mua cho ít đồ ăn cũng ngại.

Anh bạn tù cùng phòng có đống đồ ăn, mỳ tôm, ruốc, bánh… chất thành đống. Chả lẽ lại xin, ai lại thế cơ chứ. Định hỏi cho vay, bao giờ nhà gửi thì trả. Nhưng cũng khó, vì vay rồi nhỡ mai chuyển buồng, chuyển trại thì trả sao được anh ấy. Mà có khi anh ấy cũng nghĩ cho vay thì biết mình có trả được không.

Ván cờ đi được một lúc, tôi bị thiệt mất con ngựa. Anh ta cười đắc thắng, nói tôi xin thua đi. Tôi bảo nếu tôi thắng thì sao, anh mất tôi hai gói mỳ tôm nhé. Phải có phần thưởng thì mới có sức chiến đấu chứ. Anh ta cũng máu me, vả lại đang thế thắng nên gật đầu.

Dân trong tù hay viết những dòng chữ kỷ niệm trên tường nhà tù. Có người viết ngày 29-9-2007 xa em. Người viết 2-10-2007 nhớ em và con.

Tôi định viết.

Ngày x-tháng x- năm 200x được ăn trưa có mỳ tôm.

Tôi từ tốn bóc gói mỳ tôm, cho vào bát canh rau muống còn âm ấm, lúc sau mỳ tôm mềm ra. Tôi gắp từng nhúm mỳ tôm ăn kèm với cơm như thức ăn. Sợi mỳ tôm bùi, ngậy và thơm như ăn thịt. Tôi sướng quá thốt lên:

-Trời ơi! Giờ mới biết mỳ tôm thắng bạc ngon thế nào!

Anh bạn tù nhìn tôi tức mắt long sòng sọc. Nghiến răng, anh nói:

-Được rồi, ăn xong đánh tiếp nhé.

Tôi chỉ gói mỳ còn lại nói:

- Để bữa tối nay ăn nốt gói mỳ này đã, để thua không còn gì để mất. Không ngờ biết đánh cờ cũng lợi, thế mới biết đời mà biết cái gì sướng cái đó. Mẹ bọn nó ngoài xã hội, lại cứ kêu biết cái gì khổ cái đó. Vào đây mới thấy sai toét ông nhỉ?

Anh bạn tù nín thinh, hẳn anh ta tức lắm. Tôi trêu anh ấy là có chủ ý. Trong lúc chưa có đồ viện trợ, để qua những đoạn khó khăn này, cần phải tỉnh táo để kiếm chác. Phải kích thích sự ăn thua, cay cú của anh ta lên cao, tôi mới mong trục lợi. Sợ nhất anh ta buông bàn cờ kêu thôi chả đánh đấm gì, lúc đó mình lại phải đau đầu để kiếm cách khác. Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Đời cái gì mà phải trả giá ông ạ, mình học được nước cao thì cũng tốn chút ít. Ví dụ như nước cờ ban nãy, ông cứ treo tượng lên. Không vội gì nổ pháo đánh tốt biên, tôi làm sao mà thắng ngay được.

Anh ta gật gù:

- Có lý! Được, đánh tiếp.

Tôi gạt:

- Thôi nghỉ chút, tôi nằm lấy sức tí lại đi cung bây giờ. Ngồi mà rút kinh nghiệm nghiên cứu nước cờ cao nhé.

Tôi nhìn lòng bàn tay mình, nhìn mãi đến lúc có tiếng khoá lách cách. Lại đến giờ đi cung. Anh bạn tù thầm thì nhỏ:

-  Cố kiếm cái bút nhé.

Ở phòng cung có hai cái bàn cách nhau khoảng gần 1 mét. Cán bộ điều tra ngồi bàn bên kia, tôi ngồi bên này. Người ta hỏi và ghi chép, hỏi xong thì tôi ký xác nhận. Ký xong họ thu giấy thu luôn cả bút. Tôi rình rập mấy lần mà không “đá” nổi cái bút của anh ta. Mở đầu buổi làm việc mới, cán bộ lấy giấy bút ra bắt đầu ghi. Tôi biết anh ta ghi phần mở đầu trong tờ biên bản hỏi cung. Nghĩa là ghi tên tuổi, năm sinh, nơi ở, bố mẹ, vợ con, can tội… một loạt. Nếu sang tờ khác lại phải ghi lại như thế. Tôi hỏi:

-  Sao người ta không cải tiến gì để đỡ cái phần này nhỉ?

Anh cán bộ cười, phải nói anh ta có nụ cười rất tươi. Anh nói:

-  Nguyên tắc phải thế anh ạ.

Tôi đứng dậy cầm ấm trà nói đi xin nước sôi của cán bộ quản giáo. Anh ta gật đầu và ghi tiếp. Không biết anh ta chủ quan hay tin người. Chứ anh cán bộ nhiều tuổi là anh ấy đứng dậy đi ra cửa nhìn theo ngay. Tôi thì tôi nghĩ anh ta tin tôi không làm điều gì vớ vẩn. Tôi mang ấm trà về, anh ấy ngẩng đầu lên nói:

- Xin lỗi anh, hôm nay tôi vội không mua thuốc lá cho anh, anh dùng tạm thuốc của tôi.

Anh ấy đưa bao thuốc lá 555.

Tôi buồn rầu rút một điếu, tôi không quen hút thuốc này. Những ai nghiện thuốc đều biết, hút từ loại này sang loại khác thật khó chịu. Cho dù là thuốc sang hơn. Mọi khi anh ấy thường mang theo bao thuốc Vina mà tôi thích, để trên bàn của tôi.

Trong khi anh ấy viết, tôi uống trà, hút thuốc và nhìn cái bàn. Trên bàn có bao nhiêu chữ của những người tù trước đó đã cung ở đây. Đủ thứ tình cảm, tâm tư, có người nam nhắn cho người nữ nào đó là rất yêu và nhớ. Có người viết khẩu hiệu, có người làm thơ. Tôi thấy có bài thơ ký tên Lê Quốc Quân. Bài thơ khá dài tôi không nhớ nổi, nhưng tôi nghĩ sao mà Quân lại viết được bài thơ dài thế trong lúc hỏi cung, liệu Quân có “đá” được cái bút nào không. Mà lấy kiểu gì nhỉ?

Nếu có cái bút, chắc chắn anh bạn tù cùng buồng sẽ ưu ái tôi hơn. Có khi anh ấy sẽ san cho tôi ruốc thịt hay bánh quy ăn sang. Nước miếng tôi ứa ra khiến tôi phải nhấp ngụm trà cho trôi xuống.

Cuộc hỏi cung chiều nay, những câu hỏi y hệt ngày đầu tiên. Chỉ khác người hỏi cung. Tôi trả lời nguyên xi như lần trước. Tôi hỏi anh cán bộ sao không lấy bản trước ra chép lại. Anh lắc đầu cười nói, nguyên tắc phải hỏi trực tiếp. Trước anh kia hỏi, nhưng nay đến anh thụ lý thì phải hỏi lại.

Tôi vẫn chưa sờ được cái bút, anh cán bộ cũng chẳng rời cái bàn.

Xong buổi cung chiều, anh cán bộ giao tôi cho cán bộ quản giáo. Cán bộ quản giáo ca này là nữ, cô ta chắc sinh khoảng năm 78, 79 dáng mảnh khảnh, tóc buộc chun cái đuôi gà cứ ve vẩy. Đưa tôi vào buồng cô khoá cửa lại, mặt lạnh tanh. Tôi hỏi:

- Này mình ơi, nếu không muốn đi cung nữa thì từ chối có được không?

Cô cán bộ nhìn tôi nghiêm khắc:

- Không muốn thì chỉ có ốm, mà ốm thì phải có bác sĩ xác nhận. Ở đây phải gọi là cán bộ, xưng tôi. Không được mình mình.

Tôi cười xoà:

- Gọi khác sợ kém xinh đi, tưởng gì chứ gọi bằng cán bộ tù nào chả gọi được.

Cô cán bộ lườm:

- Ăn nói linh tinh, kỷ luật bây giờ.

Cô cán bộ khoá chốt quay đi, anh bạn tù nhìn tôi ngạc nhiên.

- Ông này liều nhỉ? Trêu cả cán bộ.

Ông Nghĩa gọi sang:

- Cháu ơi! Hôm nay thế nào? Chú thấy cháu làm gì mà cung liên tục căng thẳng thế?

Tôi đáp:

- Có gì đâu, toàn hỏi chuyện cũ ý mà. Cháu chắc vài hôm nữa về thôi. Cháu sẽ nhắn con chú mang giày cho chú.

Ông Nghĩa:

- Sao mà cháu biết vậy? Người ta bảo à?

Tôi đáp:

- Người ta có bảo gì đâu, họ bảo cháu nhắn gì cho gia đình không, cháu bảo vợ cháu gửi cho bộ sách Chiến tranh và Hoà bình, bộ Pie Đệ nhất.

Anh bạn cùng phòng cười sằng sặc nói theo:

- Bảo gửi cả cuốn từ điển Anh, Pháp, Nga vào đây đọc một thể, bao giờ đọc xong thì về.

Ai đó ở phòng tít xa chêm vào:

- Gửi cả cái thư viện một lần cho xong, gửi từng đó để đọc vài năm thôi à? Xong lấy gì mà đọc giết thời gian.

Có tiếng khoá lách cách, anh bạn cùng phòng kêu:

- Cơm đấy, im đi.

Cơm mang vào, anh bạn cùng phòng ngồi dậy, vẻ háo hức. Lần nào có tiếng động loạch xoạch là anh ấy lại háo hức như vậy. Dường như anh ta luôn đón chờ những tiếng động bên ngoài, cho dù là cán bộ đi tuần qua, mang cơm, hay y tá mang thuốc cho ai. Anh ta đang nằm cũng bật nhanh dậy nghển cổ ngóng. Tôi thì nằm im, bao giờ người ta gọi mình hẵng hay. Sau tôi mới nghĩ ra, tôi đang ở xã hội ồn ào tiếng động đủ loại nên tôi thờ ơ. Còn anh ta ở đây lâu, khao khát tiếng động bên ngoài, khao khát nhìn thấy những chuyển động dù chỉ là người tù bếp đưa cơm hay ai đó đi cung. Anh ta quen đến nỗi nghe tiếng chân anh biết cán bộ quản giáo nào đi qua. Anh ta đứng chờ ở cửa để đợi cán bộ đi qua hỏi thăm một câu, chỉ cần vài câu ngắn qua lại rồi anh ta ngồi xuống, nét mặt vui hẳn lên.

Anh ta cho tôi biết tính nết từng cán bộ, người này hiền lành có thể xin được điếu thuốc hỏi dăm ba tin tức, người kia khó tính. Động cái là quát.

Đêm trước chúng tôi nghe tiếng chân, vẫn thấy anh nằm im. Tôi hỏi sao không dậy hỏi thăm sức khoẻ nhau hay thời tiết, giá vàng, giá đô thế nào à. Anh nhăn mặt lắc đầu thì thào:

- Thằng này ác lắm không như cán bộ khác, nó trước đeo quân hàm thiếu uý ở đây hơn cả năm bạc hết cả màu, giờ mới lên trung uý rồi. Đợt trước tôi nói chuyện to nó kỷ luật tôi 3 ngày đấy.

- Kỷ luật có bị cùm chân không?

- Không, nhưng vào phòng kỷ luật không được mang theo gì, chỉ ăn cơm không thôi.

Anh ta không dậy thì tôi dậy. Thấy trung uý đi qua gườm gườm nhìn tôi, tôi gọi:

- Cán bộ.

Trung uý hất hàm:

- Cái gì, sao không ngủ đi?

Tôi hỏi:

- Đêm khuya đi đâu mà đeo quân hàm mới thế?

Trung uý nói:

- À mới về đây đấy mà.

Tôi nói:

- A thế đây cũng mới về đấy.

Tôi nhìn thấy anh bạn tù bịt miệng, người rung bần bật. Anh ta cố nhịn cười.

Trung uý thấy tôi có vẻ lởm khởm, chắc nghĩ tôi thần kinh. Mà lạ một điều là cán bộ nào cũng nghĩ những người can vào những tội an ninh quốc gia là bị thần kinh, không chỉ cán bộ mà những người tù án kinh tế họ cũng nghĩ vậy. Trung uý quát:

- Thôi ngủ đi.

Tôi ngồi xuống lầu nhầu.

- Quát to thế ngủ sao được.

Trung úy lườm tôi lần nữa rồi đi thẳng không nói gì. Không khí yên lặng quay trở lại tỉ lệ nghịch với bước chân xa dần của trung úy.

Tôi quay vào chỗ nằm, nói quay cho nó oai, thực ra căn phòng bé xíu, chỉ xoay cái lưng lại ngả người là đúng chỗ nằm rồi vì có còn khoảng trống nào nữa đâu.

Lần tay dưới cái gối đầu giường, tôi lại xòa bàn tay ra nhìn, một lúc trong đầu âm âm u u tôi ngủ thiếp đi.

Hôm nay là ngày 2-9-2009

Sáng sớm đài phát thanh trên tường ra rả ca ngợi thành tích đạt được của đất nước, lời ông Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập được phát đi phát lại nhiều lần. Anh bạn tù cùng phòng hít hít cái mũi vào không khí nói:

- Hôm nay chúng mình sẽ được ăn thịt.

Tôi nhìn ra ô cửa sắt bâng quơ:

- Chắc hôm nay không phải đi cung nhỉ?

Anh bạn hồ hởi gật đầu.

- Đúng, ai lại đi cung ngày này, mang cờ ra chiến tiếp nào.

Chúng tôi đang say sưa chơi, thì có tiếng mở khóa lạch cạch làm chúng tôi giật mình, mọi khi anh bạn nghe tiếng chân cán bộ từ xa vì mải chơi mà chúng tôi không để ý. Cô cán bộ hất hàm vào tôi nói:

- Anh mặc áo vào đi cung.

Tôi nhìn bàn cờ dang dở, nhìn anh bạn tù ngạc nhiên như muốn hỏi sao lại đi cung hôm nay, anh bạn cùng phòng cũng nhìn tôi đầy ngạc nhiên không kém.

Ở ngoài phòng hỏi cung, anh cán bộ trẻ đứng đón. Trời nóng mồ hôi anh lấm tấm trên mặt, nhưng anh vẫn cười rất tươi hỏi tôi:

- Anh Hiếu thế nào, ăn ngủ được chứ?

- Tôi khỏe, trời nắng anh đi vất vả quá, không nghỉ hôm nay được sao. Tôi còn ở đây lâu mà, sao các anh phải vội.

Anh cán bộ lại cười tươi, anh nói:

- Công việc cần thì phải làm mà anh.

Anh pha chè, đưa tôi bao thuốc, lấy giấy tờ, anh nói:

- Thằng bé nhà anh nghịch nhỉ, hôm chúng tôi đến nó phá phách lung tung, lấy đũa chọc cả vào máy tính, máy in.

Tôi cúi đầu không nói xòa lòng bàn tay ra nhìn. Anh cán bộ hí húi ghi những chi tiết tên tuổi, địa chỉ, lý lịch tôi ở phần đầu bản hỏi cung. Giờ thì anh thuộc lý lịch tôi quá rồi, anh tự ghi không cần thiết phải nhờ tôi đoạn này nữa.

Hôm nay anh hỏi tôi về quy trình in áo.

Tôi trả lời từ công đoạn đi mua áo, mua hóa chất, khuôn in. Rồi trình bày say sưa cách in áo thế nào. Anh chăm chú ghi hết rồi nói:

- Tôi thì không nghĩ là anh in.

Tôi cười:

- Nếu cần tôi sẽ thực nghiệm.

Anh lắc đầu:

- Không cần, vì tôi biết anh in được. Có điều anh không in những chiếc áo này mà thôi.

Tôi cười, anh cũng cười nói:

- Anh nói thế tôi ghi thế. Anh ký đi

Tôi ký vào các biên bản, không nhìn nội dung. Anh hỏi:

- Anh không đọc lại à?

Tôi lắc đầu nhẹ nhàng:

- Không cần, tôi biết anh ghi đúng, khi tôi trả lời anh ghi, tôi quan sát ngòi bút anh di chuyển và biết anh ghi đúng lời tôi khai.

Anh cán bộ cười, chúng tôi ngồi chơi nói chuyện phiếm về công việc của anh và những chuyện vui mà anh gặp trong nghề. Cán bộ quản giáo vào nói với anh cán bộ hỏi cung:

- Hôm nay ăn cơm đây nhé, kỷ niệm quốc khánh mà.

Anh cán bộ nhận lời với cán bộ trại giam. Điều ấy có nghĩa chiều này 2-9-2009 cuộc hỏi cung vẫn diễn ra, anh cán bộ không được nghỉ ngày lễ và tôi cũng vậy.

Nghỉ trưa, tôi về phòng. Cơm đã có rồi, có hai khúc cá trôi kho cũng to to. Ăn cơm rất ngon miệng xong, anh bạn rủ đánh cờ. Tôi từ chối:

- Cán bộ hỏi cung còn ở đây, chiều thế nào cũng hỏi tiếp. Để nằm nghĩ lấy sức tiếp cán bộ.

Anh bạn cùng phòng nhạo:

- Thôi có gì thì thành thật khai báo mà được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Tôi cười:

- Thế ông thành khẩn trước tôi đi. Tôi nói cho ông cái luật pháp Việt Nam thế này. Đáng nhẽ cứ chối phắt thì án đáng ra 2 năm, cộng tội ngoan cố thành 2 năm 6 tháng đúng không.

Anh bạn gật đầu:

- Chính xác.

Tôi nói tiếp:

- Nhưng nếu thành khẩn, tội 2 năm lại thành 4 năm vì thêm tội, thêm tình tiết tăng nặng, sang khoản khác, điều khác. Sau đó người ta xét tội thành khẩn thì tòa giảm cho 6 tháng. Vị chi là thành 3 năm 6 tháng khi thành khẩn. Vậy ông tính đường nào hơn.

Anh bạn từ trên bục nằm nhảy xuống đất vỗ đùi:

- Đại ca, đại ca từng trải thế mà lừa em như đại ca không biết gì. Hôm đầu đại ca vào em nhìn biết ngay đại ca thuộc thành phần phức tạp rồi.

Rồi anh thay đổi thái đổ tha thiết, năn nỉ bảo tôi chỉ bảo giúp anh về cuộc sống trong tù, vì giờ anh mới đang ở trại tù tạm giam, sau này phải chuyển đi trại tù cải tạo, đó mới là nơi anh đến lâu nhất trong đời tù của mình. Anh chỉ có kinh nghiệm ở trại tù tạm giam chứ không hề biết đến trại tù cải tạo, mà nơi đó mới là nơi khắc nghiệt nhất trong cuộc đời của tù nhân.

Giờ thì tôi không phải đánh cờ để được thức ăn, hàng tối tôi làm thầy giáo kể cho anh nghe về đặc tính của từng trại tù, lối sống, thủ đoạn và cách làm thế nào để sống yên ổn qua những năm tháng sau này khi anh chuyển đến trại tù cải tạo. Tôi kể sinh động những chuyện vượt ngục, trốn trại, những vụ đâm chém, phân tích những nguyên nhân những chuyện đó vì đâu, anh bạn tù lắng nghe, có lúc khen:

- Mẹ, đúng người thật việc thật, hay hơn nhiều bọn báo nó viết.

Tôi giải thích về cơ cấu số má, địa vị của tù nhân, cần phải biết để ứng xử cũng như cơ cấu, chức vụ của cán bộ trại cải tạo để hối lộ, đút lót hiệu quả, không thì gia đình cứ quà cáp, biếu xén tràn lan vừa tốn tiền mà có khi cán bộ dẫm chân lên nhau mình thiệt oan. Anh ta biết ơn những chuyện tôi giãi bày lắm.

Anh ta gọi tôi bằng anh từ lúc đó, đến bữa anh dọn cơm, có thức ăn gì nhà anh gửi đều cho tôi ăn cùng. Anh nói:

- Mới đầu anh vào, em nghĩ anh không đơn giản. Đúng là thế thật.

Lúc này chúng tôi mới hỏi về nhau, hóa ra anh ta cách nhà tôi không xa. Quanh đi quanh lại cũng biết người này, người nọ. Cởi mở với nhau làm cuộc sống trong cái phòng giam chật hẹp, ngột ngạt trở nên dễ chịu.

Ngày 3-9

Sáng đến trưa không thấy gọi đi cung. Anh bạn tù nói:

- Có khi xong rồi đấy anh ạ, chốt hồ sơ chuyển viện khởi tố cũng nên.

Đến chiều cán bộ trại giam mở cửa gọi đi. Không phải đi cung mà đi khám lại sức khỏe. Chụp ảnh chân dung, lăn tay xong lại về phòng. Ngày hôm ấy trôi đi thật nặng nề, tôi nằm nhìn lòng bàn tay và phân tích lại những dữ kiện. Anh bạn tù biết tôi đang nghĩ gì ghê lắm, anh quay sang học ngoại ngữ để tôi yên. Trước lúc đi ngủ, tôi quay sang bảo anh ta.

- Có khi mai tao về, mày có nhắn gì gia đình mày không?

Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên, anh hỏi:

- Anh nói đùa à, hay cán bộ điều tra nói với anh thế?

Tôi nghiêm túc:

- Tao nghĩ thế, tao chả có tội gì. In áo thì phạt hành chính là cùng. Còn tất nhiên nhà nước này nó muốn bắt tù ai người đó phải chịu, nhưng cũng tùy trường hợp. Như bắt tù tao chả giải quyết vấn đề gì, lại ầm ĩ. Nên tao nghĩ nay mai tao về. Có thể là sáng mai.

Anh bạn thở dài:

- Thôi ngủ đi.

Anh ta có lẽ không tin, vì thường những người tù mới vào hay hy vọng có may mắn gì đó khiến họ được thoát ra. Sự hy vọng cứ mòn dần, mòn dần theo thời gian, theo từng cơ hội và đến khi họ chấp nhận ra sự thật là họ sẽ bị ra tòa tuyên án và sống một thời gian thực sự là tù nhân.

Sáng tôi dậy sớm, nhìn ánh ban mai qua khe cửa sổ, tiếng còi xe ở ngoài đường vọng vào. Tôi không hồi hộp, tôi không ngợi ca mình, chả qua tôi biết cái gì đến sẽ đến, không đến sẽ không đến. Mình ở trong bốn bức tường này làm gì được đâu. Nói về duy tâm tôi là người tốt, tôi thương người nghèo, người bệnh tật có điều kiện tôi giúp đỡ họ, tôi không hề làm điều ác với ai. Việc tôi vào đây nhìn đúng bản chất cũng không có gì ghê gớm, phụ thuộc vào những cấp nào đó tít trên cao họ quyết định khi đọc hồ sơ. Họ bảo cho đi tù là đi, cho về là được về. Tội tôi có hay không chẳng thành vấn đề với họ.

Tiếng mở khóa lạch cạch, anh cán bộ hiền lành nhất hôm nay đến phiên trực. Phải nói cán bộ quản giáo ở đây họ hiền lành, nghiêm túc, cần gì hợp lý nói là họ làm cho ngay. Không có chuyện hối lộ hay tình cảm gì hết.

Đến phòng cung, người cán bộ điều tra trẻ có nụ cười dễ mến đang chờ. Không thấy anh cán bộ già khó tính nữa. Thống nhất là việc tôi tự in rồi, giờ đến việc tôi mua áo ở đâu để về in. Tôi không nhớ mình mua của ai, khi tôi đến các cửa hàng và la cà tìm áo để in. Điều kiện tôi đặt ra rât đơn giản là áo phải là sợi do Việt Nam dệt may, không chấp nhận hàng Trung Quốc, cho dù là vải Trung Quốc mà Việt Nam may tôi cũng không mua. Anh cán bộ hỏi:

- Sao anh bảo anh làm để bán, thì cái nào tiện rẻ thì mua. Sao phải chọn như thế làm gì?

- Nhưng tôi in nội dung vào đó để bán, và tôi không muốn ai đó bới ra rằng tôi dùng cái áo của Trung Quốc sản xuất để phản đối Trung Quốc.

Anh cán bộ lại cười, anh ta thật sẵn nụ cười:

- Anh quả thật là lạ, tôi làm việc nhiều người rồi, nhưng anh thì quả thật rất có gì thú vị.

Sang phần mua áo ở đâu thật gay go, mãi tôi cũng chả nhớ ra mua áo của ai. Vì người đó tôi không quen, anh ta thấy tôi đi lân la các hàng hỏi mua thì lại gần bảo có loại đó. Tôi bảo anh ta lấy cho tôi xem mẫu, anh ta đi lát thì mang về, tôi xem thấy ưng, hẹn sáng anh gặp nhau đầu chợ Nghĩa Đô tiền trao, cháo múc xong đường ai nấy đi.

Anh cán bộ thắc mắc làm gì có kiểu mua bán như thế.

Tôi trình bày cho anh là xã hội đầy việc mua bán như thế, ví dụ anh đến chợ trời, anh có thể bán bất cứ cái gì mà chẳng cần biết người mua là ai, kể cả đó là loại hàng anh phạm pháp có được. Hoặc ngược lại anh có thể mua những loại hàng mà người khác phạm tội mà có. Quan trọng là chất lượng, giá cả thỏa thuận. Chứ ở đó đâu cần biết người bán hay người mua thế nào.

Anh cán bộ đồng ý và ghi như vậy vào biên bản.

Thực ra đúng là tôi mua bán kiểu như thế. Lúc đầu dự định in áo tôi đã nghĩ phải càng ít người liên quan, càng ít người biết càng tốt và mình cũng càng ít biết về ai cũng càng tốt. Có bị sao thì cũng hạn chế nhiều thứ. Một vị tiền bối hồi còn sống từng dạy tôi rằng, nếu làm việc gì nên làm một mình và đừng cho ai biết. Càng ít nhiều người biết càng tốt. Tất nhiên những việc tiền bối không nói rõ nhưng tôi cũng hiểu là việc gì. Vì bản thân vị tiền bối đã có mấy lần tù vì tội kinh doanh, sản xuất, mua bán trái phép. Người ta thường dạy nhau là phải dỏng tai nghe, mở mắt nhìn mọi sự việc, nhưng vị tiền bối lại dạy tôi là nghe và nhìn là những cái mà trời sinh ra, tự nhiên sẽ thế. Nhưng phải biết có lúc không nghe, không thấy gì hết. Ông ví dụ:

- Nếu như mày tình cờ ngồi với mấy thằng bạn, chúng nó bàn chuyện đi ăn trộm, mà mày không muốn ăn trộm, không muốn tham gia thì tốt nhất kiếm cớ đi chỗ khác. Hoặc bất đắc dĩ phải ở lại thì đừng để cái gì lọt vào tai, cái gì lọt vào mắt. Chuyện chúng nó làm mình không nên biết, vì khi mình biết lỡ công an gọi ra hỏi, chúng nó vặn vẹo đủ ngón mình lớ ngớ lại hé dần dần ra là giết anh em của mình. Giá như mình không biết thì có mình chẳng thể nào khai hay làm chứng được.

Cái chân lý oái ăm tôi học được năm 17 tuổi trong một căn nhà mái ngói, có sân, có vườn của một người lão luyện cuộc đời đang nghỉ ngơi, điền viên nơi ngoại ô. Chân lý ấy không phải lúc nào tôi cũng áp dụng, nhưng phải nói cuộc đời có nhiều lúc áp dụng chân lý ấy hiệu quả vô cùng.

Hết buổi hỏi cung, tôi về phòng, cái bút vẫn trong tay anh cán bộ. Tôi chợt nhận ra một điều: Từ hôm vào đến nay cán bộ đặt câu hỏi liên miên, anh ta luôn sẵn sàng chộp lấy bất cứ điều gì tôi khai mà anh thấy cần đưa vào biên bản. Bởi thế anh luôn lăm lăm cây bút ở tư thế viết. Điều ấy có nghĩa việc của tôi không hề được người ta coi là đơn giản.

Tôi cúi xuống bàn, mở bàn tay ra xem. Tôi cố không khóc khi nhìn lòng bàn tay mình. Có phải tôi cũng dần dần thấy cơ hội trở về xa dần như những người tù thường thấy dần mất đi hy vọng về với tự do.

Nghỉ trưa ngày 3-9

Tôi về phòng, gia đình anh bạn mới gửi quà. Chúng tôi ăn cơm với thịt lợn thăn rim nước mắm. Anh bạn tù an ủi:

- Hồi vào đây nhiều lúc em nghe cán bộ nói, rồi nghe nhà em bắn tin, khối lần tưởng cũng lo được rồi. Nhưng rồi vỡ mộng hêt lần này lần khác anh ạ.

Đài phát thanh trên tường loan một tin thời sự. Tôi lắng nghe rồi tươi tỉnh, nở nụ cười bảo anh bạn:

- Mày có nhắn gì về nhà không, sợ tao về đột ngột không kịp dặn dò.

Anh bạn vặn:

- Căn cứ vào đâu mà anh cho anh được về.

Tôi lại cười, tôi nói:

- Tao xem đường chỉ tay, lần này số tao không tù lâu đâu.

Anh bạn nhếch mép cười khẩy:

- Hóa ra ban đêm ông anh xem tay là xem bói à, đúng là phức tạp, biết lắm thế.

Buổi cung chiều ngày 3-9 lại là anh cán bộ già. Không còn không khí hiền hòa như với anh trẻ, có lúc anh quát, lúc anh đập bàn. Anh gằn giọng, anh thủ thỉ:

- Nghĩ đi Hiếu, đời còn lắm nợ lắm, còn mẹ già, con nhỏ. Nghĩ đi, sống phải nghĩ cho những người ruột thịt của mình là mẹ già không ốm đau không ai nương tựa, con mình nhỏ hàng ngày nhớ bố hỏi mẹ bố đâu.

Tôi nghe đến con, ứa nước mắt. Tôi đưa hai bàn tay lên bịt mắt mình thật chặt để nước mắt không tuôn ra. Lát sau tôi buông tay ra thở dài nói:

- Có gì em đã khai hết rồi, tự em in áo để bán lấy tiền. Không còn gì cả, thực sự là như vậy.

Anh ta hỏi tôi:

- Thế ngoài việc in áo anh còn làm gì nữa, chúng tôi bắt anh vào đây là đã biết hết mọi việc anh làm. Đây là cơ hội chúng tôi tạo ra để anh chứng tỏ sự hối lỗi, nhận thấy sai lầm,tự anh kể thì chúng tôi mới đề nghị trong hồ sơ là anh này anh đã nhận thấy sai lầm, đã biết ăn năn, chuộc lỗi, thành khẩn khai báo. Thế anh mới có cơ hội về với gia đình.

Tôi lắc đầu nói:

- Em khai hết rồi anh ạ.

- Thật thế không?

Anh cán bộ già lạnh lùng mở cặp lấy ra một xấp giấy, giọng anh ề à, chậm rãi, khô khan. Làm tôi hình dung như tiếng dao xoèn xoẹt của một người đang nhẩn nha mài dao để cắt tiêt con gà.

- Chúng tôi khám nhà anh, lấy trong máy tính của anh một số tài liệu. Chúng tôi in ra trước mặt vợ anh, và vợ anh đã ký nhận đây là tài liệu in từ máy tính của anh. Mời anh xem.

Tôi cầm xấp giấy mà anh gọi là tài liệu giở ra xem. Có hai bài viết của tôi đăng trên blog Người Buôn Gió là Tam Tòa Ký SựBọn VT1 Thật Phản Động, thêm một bài nữa là bài nói về khai thác bauxite của blog khác. Tôi xem xong đặt xuống bàn nhìn anh cán bộ chờ đợi. Anh ta hỏi:

- Đúng là từ máy tính của anh không?

Tôi gật đầu.

Anh ta nói:

- Anh tạo ra chúng phải không?

Tôi để hai bài viết của tôi sang bên, để bài viết của blog khác về bauxite sang bên. Tôi đặt tay lên hai bài viết của mình, khẳng định:

- Hai bài này do tôi viết ra, còn bài kia của người khác viết, tôi đang đọc xem anh ta viết đúng hay sai.

Anh cán bộ lấy lại hai bài tôi viết và giơ lên, giọng đanh thép:

- Anh Hiếu, vậy là anh đã khẳng định hai bài viết này là do anh viết và phán tán trên mạng.

Tôi gật đầu dứt khoát:

- Đúng là hai bài này tôi viết, còn tôi không phát tán trên mạng. Tôi chỉ đưa lên nhật ký điện tử cá nhân. Phát tán nghĩa là tôi phải gửi cho người khác. Còn người khác đọc họ cọp pi phát tán thì tôi không biết và không liên quan.

Anh cán bộ bảo tôi ký vào hai bài viết của mình, ký xong anh hỏi tôi:

- Giờ anh cho biết, anh nghĩ gì khi viết những bài viết thế này.

Tôi lắc đầu:

- Tôi chả nghĩ gì hết, nghĩ gì viết ra đó hết rồi.

Tôi chợt nhận ra mình đã thay đổi cách xưng hô, tôi đã xưng là tôi chứ không là em như trước. Có lẽ tại anh cán bộ nghiêm khắc làm việc khiến tôi cũng nghiêm túc theo.

Anh cán bộ nói từng chi tiết trong bài tôi viết, anh kết luận tôi có tâm, nhưng vì không đủ thông tin nên viết theo một chiều. Anh cho biết không một ai dám bán nước cả, chỉ vì quan hệ bây giờ cần phải khéo léo. Vị thế của Việt Nam cực kỳ phức tạp nên nhà nước rất cẩn trọng…

Hết giờ về phòng, tôi vắt tay lên trán nghĩ. Cuộc hỏi cung hôm nay để làm gì nhỉ? Có gì đáng phải mất thời gian như vậy của hai cán bộ đi từ thành phố xuống trại giam lúc trời nóng nực này không?

4-9-2009

Cả ngày không thấy ai gọi. Ngồi đánh cờ suốt với anh bạn, chơi chán mỗi thằng lại lăn về chỗ mình nằm nói chuyện phiếm đủ thứ. Lại là câu chuyện về giang hồ, xã hội ngầm. Đến giờ giao lưu buổi tối tôi gọi vọng sang ông Nghĩa:

- Chú Nghĩa ơi! Mai có khi cháu về, chú có nhắn gì không?

Ông Nghĩa hỏi lại:

- Sao cháu biết là về hả Hiếu ơi!

- Cháu xem thiên văn, thấy sao chiếu mệnh còn sáng lắm. Quả này chưa tù được đâu. Chú cứ nhắn đi, biết đâu cháu về được thì sao?

Ông Nghĩa thở hắt ra, hình như dạo này ông mệt. Ông nhờ:

- Cháu bảo nhà chú gửi chú đôi giày, nhà chú ở xxx đường yyy Hải Phòng. Cháu tiện xuống chơi. Chú muốn hôm này ra tòa có đôi giày cả bộ comlê cho đàng hoàng.

Tôi nhận lời nằm xuống, lời nhắn của ông Nghĩa làm tôi miên man nghĩ. Buồn quá tôi rống lên cho cả dãy phòng nghe bài hát Anh không chết đâu anh của Trần Thiện Thanh.

Anh không chết đâu anh

Anh chỉ về với mẹ mong con

Anh vẫn sống thênh thang

Trong lòng muôn người

Biết yêu thương đời lính

Anh bạn cùng phòng đợi tôi hát xong, anh ấy hỏi bài gì mà lạ lùng thế, dạy anh ý thuộc với.

Thời gian đưa những sự tĩnh lặng trở lại với nhà tù, đêm tôi nhìn lòng bàn tay mình thầm thì.

5-9-2009

Cán bộ gọi ra khỏi phòng giam. Trước khi đi tôi dặn anh bạn:

- Có dặn gì nhà không, hôm nay nếu tao không về thì sẽ còn lâu mới về. Nhưng chắc về hôm nay.

Anh bạn chép miệng ngán ngẩm chắc nói gì, anh phẩy tay ý bảo tôi đi cung đi cho nhanh đừng nói linh tinh trêu anh nữa.

Ở phòng cung sáng nay không có giấy tờ trên bàn, có nước ngọt, thuốc lá và những người đã hỏi cung tôi lúc chưa bị bắt và cả lúc bị bắt. Tôi thấy nét mặt họ vui vẻ như vừa thoát khỏi gánh nặng gì đó, anh cán bộ trẻ hay hỏi cung tôi trong trại giam nheo mắt cười nói:

- Anh uống nước, hút thuốc đi, sáng nay anh em không làm việc chỉ hỏi thăm nhau thôi.

Anh quay sang mấy người kia nói:

- Ông Hiếu này mà không phải chuyện này gặp nhau ở đây, nếu gặp nhau ngoài đời chơi được đấy chứ. Tính tình cũng hay.

Mấy người kia cũng gật đầu vui vẻ. Mọi lần tôi làm việc với họ đều nhẹ nhàng. Sở dĩ tôi ôn hòa, lắng nghe câu hỏi và nhỏ nhẹ trả lời với họ,vì tôi tin chắc một điều, những gì tôi làm đều không xấu hổ với lương tâm tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi.

Những người công an quay sang tâm sự với nhau về con cái, học hành, nhà cửa về quan hệ bạn bè. Thỉnh thoảng họ lại trêu tôi một câu:

- Ông mà được ra, đừng để gặp anh em chúng tôi trong cảnh này nữa nhé, thực sự chúng tôi chả vui gì khi gặp ông ở đây đâu.

Đến trưa, cán bộ trại giam xuất hiện nói đưa tôi về buồng giam vì đến giờ nghỉ.

Buổi trưa ngày 5-9- 2009 qua rất nhanh. Cán bộ trại giam mở cửa phòng nói:

- Anh Hiếu có đồ đạc gì mang hết theo.

Tôi nhìn anh bạn tù, người đã san sẻ thức ăn, tâm sự cùng tôi thậm chí đấm bóp lưng cho tôi trong những ngày qua. Anh ta còn nhiều nhiều năm nữa ở lại chốn này. Anh ý tần ngần một lát, nói:

- Thôi anh về, đừng vào đây nữa, khổ lắm.

Tôi nắm vai anh, không nói gì rồi quay đi theo cán bộ, qua phòng ông Nghĩa tôi nói to:

- Chú Nghĩa ơi cháu về đây.

Cán bộ đi sau quát:

- Không được ồn.

Tiếng quát của cán bộ trại giam có lẽ làm ông Nghĩa ngại không dám trả lời tôi.

Tôi cầm tờ giấy hủy bỏ biện pháp ngăn chặn bước qua những cánh cổng nhà tù. Người công an gác cổng đứng tuổi, mái tóc hoa râm trông phúc hậu cầm tờ giấy vào nhập sổ rồi mở cửa cho tôi ra. Ông nói thân tình:

- Về mà lo làm ăn nhé.

Tôi bước ra cánh cổng sắt, người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái, đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ.

Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt buồn dười dượi, bà nhìn vào luồng người đi lại mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ:

- Mẹ à, con đây.

Mẹ tôi như người đang mộng chợt tỉnh, mẹ cuống quýt đi vào nhà theo tôi. Giọng mẹ lắp bắp như không tin tôi đang trước mặt bà:

- Con sao, con sao rồi?

Tôi cười nói:

- Mẹ buồn cười thế, con đang ở nhà khỏe mạnh đây, lại cứ hỏi con sao là sao thế nào.

Tôi kể tôi vừa từ trại giam về đến thẳng đây, được về vì tội không có gì phải xét xử cả. Chỉ ngăn chặn, giáo dục thế thôi. Mẹ tôi luống cuống mở kim băng cài túi áo cánh nâu nói đứt đoạn trong dòng nước mắt:

- Con cầm lấy mấy đồng mà tiêu. Người ta bảo hôm nay con không về thì sẽ còn lâu mới về, mẹ từ sáng đến giờ cứ ngồi ngoài cửa đợi xem con có về không.

Tôi giữ tay mẹ, nói vẫn còn tiền trại giam cho đi đường về nhà đây. Mẹ bảo tôi về nhà luôn cho Tí Hớn mừng. Tôi chào mẹ để đi về nhà mình nơi có Tí Hớn đang chờ bố. Ngoái lại mẹ vẫn đứng trân trân nhìn theo.

Tôi đẩy cửa vào nhà mình, Tí Hớn đang xem ti vi. Thấy bố nó lao tới nhảy bổ lên ôm người bố, nó hít hà một lúc lâu rồi nói:

- Bố Hiếu thì đây rồi, nhưng mùi không phải mùi bố Hiếu.

Tôi suýt bật cười, ở trong tù dân tù hay gọi là mùi tù. Thằng nào mới vào gọi là sặc mùi xã hội. Tưởng đùa giờ mới biết có mùi tù thật. Tí Hớn hỏi tôi:

- Sao bố bế con một tay, tay kia bố nắm cái gì trong đó thế.

Tôi mở lòng bàn tay ra cho Tí Hớn xem. Nó reo:

- A hình của con, bố cầm ảnh của con.

Tấm hình tôi chụp nó để làm hồ sơ đi học mẫu giáo, giữ một tấm để trong ví. Hôm bị bắt đi, tôi mang theo tấm hình Tí Hớn để mỗi đêm được thầm thì với con trai mình.

Ôm Tí Hớn trong lòng, nó xem tấm hình của nó. Rồi nó hỏi:

- Công an bắt bố đi, giờ lại cho bố về à?

Tôi giật mình, quay sang hỏi vợ: - Sao con biết? Thì ra hôm tôi đi, công an đến khám nhà, Tí Hớn đoán được.

Đêm ấy ôm con ru ngủ, tôi vẩn vơ nhớ anh bạn tù cùng phòng giờ một mình chắc buồn lắm. Buồng giam ấy lại nằm cuối cùng của dãy nữa chắc anh càng buồn thêm.

Không biết ông Nghĩa hát bài gì lúc này.

N. B. G.

Nguồn: Nguoibuongio1972 Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn