Biển Đông yên bình hay dậy sóng là do Trung Quốc

Đức Tâm

clip_image001  

Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng lên tiếng về chủ quyền biển Đông (Reuters)

 

Trong năm 2010, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và tổ chức hai hội nghị cấp cao, Diễn đàn an ninh khu vực ARF, hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Một trong những chủ đề được công luận quan tâm và gây nhiều tranh luận, đó là vấn đề Biển Đông. Vậy hồ sơ này có tiến triển gì? Sau đây là nhận định của chuyên gia Dương Danh Dy.

Chuyên gia Dương Danh Dy: Theo cá nhân tôi, trong năm qua, Biển Đông có một vấn đề mà khởi đầu là do Trung Quốc mà rút cục, nó dịu đi một chút, cũng lại do Trung Quốc. Cụ thể là từ tháng 3/2010, phía Trung Quốc đã báo cho ông trợ lý Ngoại trưởng Mỹ rằng Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Tin này, lúc đầu, người ta không chú ý lắm. Nhưng đến khi tin loan ra, thì lập tức, các nước trong khu vực và một số nước có liên quan trên thế giới đều tỏ ra rất quan tâm.

Sau đó, tiến thêm bước nữa, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, chính thức nói rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và nói rõ lợi ích cốt lõi có nghĩa là có tầm quan trọng như vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan. Tức là đụng đến thì có thể xảy ra chiến tranh. Sau chuyện này, các nước trong khu vực và một số nước lớn trên thế giới có phản ứng rất mạnh.

Có một sự trùng hợp, không biết có phải Trung Quốc cố tình nói hay không, là cùng lúc đó, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, đăng cai mấy hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng v.v. Vấn đề tiếp theo là Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố rõ là việc đi lại tự do tại Biển Đông liên quan đến lợi ích của Mỹ…

Nói cho cùng, cụ thể, là Mỹ sẽ quay trở lại Đông Nam Á. Các nước trong khu vực cũng bắt đầu lên tiếng phê phán. Đến tháng 10 vừa rồi, phía Trung Quốc lại tung tin là họ không coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi nữa.

- RFI: Như ông vừa nói, trong thời gian gần đây, Trung Quốc lại không đề cập đến vấn đề lợi ích cốt lõi nữa. Theo nhận định của ông, thì vì sao Trung Quốc rút lại vấn đề này, phải chăng do phản ứng quá mạnh của Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á hay đây là một chiến thuật của Trung Quốc?

- Chuyên gia Dương Danh Dy: Theo tôi, có một số việc như sau. Thứ nhất, với việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ, thì rõ ràng là họ tạo điều kiện cho người Mỹ quay trở lại Đông Nam Á và điều này được đại đa số các nước và nhân dân trong khu vực hoan nghênh. Nếu không có tuyên bố của Trung Quốc, chưa chắc người Mỹ đã được hoan nghênh như vậy.

Thứ hai, tuyên bố của Trung Quốc đã làm cho đa số các nước ASEAN đã đoàn kết thì lại càng đoàn kết hơn. Thứ ba, tuyên bố của Trung Quốc đã làm cho các nước lớn trên thế giới quan tâm đến vấn đề Biển Đông hơn. Do vậy, Trung Quốc đứng trước tình hình, như họ nói, bị bao vây bốn bề, suốt từ biển Nhật Bản, chạy xuống Biển Đông và cho đến phía tây của họ, khu vực biên giới chung với Ấn Độ.

Do đó, Trung Quốc chủ động thanh minh rằng nói Biển Đông là lợi ích cốt lõi là do hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa ra, còn Trung Quốc chưa bao giờ chính thức coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi cả.

- RFI: Phải chăng Trung Quốc không tính toán được phản ứng mạnh mẽ như vậy từ phía Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á hay đây chỉ là một cú thử, thăm dò xem phản ứng của các nước ra sao?

- Chuyên gia Dương Danh Dy: Theo tôi, có lẽ chủ yếu là do Trung Quốc chưa tính hết được phản ứng của Mỹ và của các nước trong khu vực, của một số nước lớn trên thế giới. Họ tưởng rằng với thực lực về kinh tế, quân sự hiện nay, họ có thể nói như vậy và có khi Mỹ và một số nước khác phải cam chịu.

Có lẽ đây là một bước đi sai lầm chiến lược và chịu ảnh hưởng của phái diều hâu ở Trung Quốc. Phái này đang lên. Theo tôi là như vậy, chứ không phải là họ muốn thử.

- RFI: Nếu coi là tính toán sai lầm của Trung Quốc, vậy phải chăng vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc, đến một thời điểm nào đó, thì họ lại đưa ra và tái khẳng định đó là lợi ích cốt lõi của mình?

- Chuyên gia Dương Danh Dy: Chắc chắn là như vậy. Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ vấn đề Biển Đông. 10 năm chưa xong thì 20, 30, 40 năm. Chắc chắn ý đồ của họ về Biển Đông về thực chất không thay đổi, là phải thâu tóm.

Năm 2010 có một sự kiện quốc tế, song phương, khu vực, buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải tính toán khi hành động: Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ với Việt Nam, năm hữu nghị giữa Trung Quốc với Việt Nam, năm Trung Quốc tổ chức Hội chợ Triển lãm Toàn cầu ở Thượng Hải, v.v. Những quan hệ song phương và đa phương đó buộc nhà cầm quyền Trung Quốc chưa thể có những hành động gây biến động lớn.

Nhưng theo tôi, từ năm 2011 trở đi, khi mà Trung Quốc không bị ràng buộc bởi những bề ngoài của quan hệ quốc tế và quan hệ song phương, thì chưa biết chừng, chưa thể tính được họ sẽ làm gì. Bởi vì, tôi xin nhắc lại là phái diều hâu ở trong nội bộ Trung Quốc, gần đây, đã trỗi dậy rất rõ. Ví dụ, họ nói rằng “giấu mình chờ thời” không phải là 100 năm mà chỉ là một “quyền nghi chi kế” thôi, không phải là việc bắt buộc, làm lộ ra cái ý định là họ sẽ có những hành động mà chúng ta chưa thể biết chung quanh vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề khác nữa.

- RFI: Theo ông, Trung Quốc sẽ nhìn nhận Việt Nam ra sao sau năm ASEAN 2010 vừa qua?

- Chuyên gia Dương Danh Dy: Với ASEAN, Trung Quốc vẫn giữ thái độ rất trịch thượng. Chẳng hạn, trong vấn đề đàm phán về Biển Đông, hiện có nhiều nước đòi sở hữu ở đó, có tranh chấp của nhiều bên, nhưng phía Trung Quốc lúc nào cũng chỉ đòi đàm phán song phương. Họ phản đối đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Thậm chí, tại Hội nghị về Biển Đông lần thứ hai vừa kết thúc ở thành phố Hồ Chí Minh, một số học giả Trung Quốc cũng vẫn lặp lại những luận điệu đó. Thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có một vài nhượng bộ, nhưng đó chỉ là những nhượng bộ bề ngoài.

Thực chất, họ vấn đóng tàu, tăng cường tàu tuần tra ở Biển Đông. Họ nói sẽ tiến tới để sao cho mỗi nghìn km số vuông có một con tàu. Như vậy, trên 80 ngàn km vuông mà họ bảo là của họ ở Biển Đông, thì ít nhất, Trung Quốc sẽ có 80 chiếc tàu và hiện nay, họ mới đóng được 30 chiếc v.v. Rõ ràng, Trung Quốc vẫn tăng cường sức mạnh, tăng cường sự có mặt ở Biển Đông.

Liên quan đến Việt Nam, muốn hay không muốn, Việt Nam trở thành vật cản tự nhiên đối với ý đồ bành trướng ra Biển Đông của Trung Quốc. Việc Trung Quốc vạch ra đường chín đoạn mà ta quen gọi là “đường lưỡi bò” là nhằm vào Việt Nam. Không thể nói là Trung Quốc có nhượng bộ gì với Việt Nam cả. Tất nhiên, trong thái độ, ứng xử giữa hai nước, tôi nghĩ là trong khi chưa có thể “ăn tươi nuốt sống” được Việt Nam, tôi xin nói thật là như vậy, chưa có thể “ăn tươi nuốt sống” được Biển Đông, thì Trung Quốc phải tính toán, dùng các thủ đoạn mà chúng ta cần phải cảnh giác.

- Đài phát thanh quốc tế Pháp xin chân thành cảm ơn chuyên gia Dương Danh Dy.

Đ. T.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn