Vai trò của Trung Quốc ở châu Phi: Cơn bão của những người trợ giúp tham lam

Horand Knaup

imageCác nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang lo ngại quan sát bước tiến của Trung Quốc trong châu Phi. Với nhiều tiền bạc và những biện pháp cứng rắn, cường quốc thứ nhì của thế giới đang thâu tóm tài nguyên và ảnh hưởng chính trị – không hề quan tâm đến công nhân và thiên nhiên.

Người công nhân trẻ tuổi không còn có thể chịu đựng được nữa: tai nạn thường xuyên, rắc rối với những người đốc công và cuối cùng là lần hứa tăng lương mà rồi chưa từng bao giờ có. Vào giữa tháng 10, Vincent Chengele, 20 tuổi, đã cùng với những công nhân mỏ than khác tụ tập trước mỏ Collum ở miền nam của Zambia. Chẳng bao lâu sau đấy đã có đến hàng trăm người, họ biểu tình chống lại những người chủ của họ – người Trung Quốc. Vì mỏ này thuộc một công ty Trung Quốc từ năm 2003.

Nhưng bất chợt có tiếng súng nổ. Đốc công người Trung Quốc bắn vương vãi vào đám đông, Chengele và 10 công nhân mỏ khác bị thương nằm lại đấy. Một tiếng thét vang dội xuyên khắp Zambia. Ngay đến tổng thống Rupiah Banda, người bạn của đầu tư Trung Quốc, cũng lên án hành động bạo lực đấy. Vị bộ trưởng chịu trách nhiệm cho tỉnh phía nam nói: "Công nhân Zambia bị đối xử như những con vật ở đấy. Không một ai có hợp đồng lao động, chỉ có người làm công nhật. Và họ nhận lương cho những người nô lệ."

Đó không phải là lần đầu tiên có chuyện bực dọc với người Trung Quốc. Mỏ nguy hiểm này đã thường xuyên bị đóng cửa. Năm 2006, đốc công Trung Quốc đã ngăn cản thô bạo không cho một nữ bộ trưởng chịu trách nhiệm vào thăm. Và người ta cũng không nên trao vũ khí cho người Trung Quốc trong Zambia: trước đây vài tháng, một đốc công cũng đã bắn công nhân đang đình công trong một mỏ đồng. Báo "Citizen" của Kenya đã so sánh những người châu Á này với "những thực dân trước đây của châu Phi".

Cuộc săn lùng tìm vàng và gỗ, đồng và than, dầu và coltan

Cường quốc Trung Hoa hoạt động ở châu Phi mạnh hơn ai hết. Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã thăm viếng 20 nước ở đấy, cả Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đều thường xuyên đến châu lục này. Những cuộc gặp gỡ Trung-Phi ở cấp bộ trưởng là việc thường lệ và người Phi rất thích đến đấy, vì họ thường xuyên trở về với những hợp đồng mới trong túi. Chỉ riêng trong năm vừa qua, doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 56,5 tỉ dollar vào châu Phi.

Chính phủ Trung Quốc và doanh nghiệp tư nhân đã ký kết hàng trăm hợp đồng với người Phi. Trung Quốc đã cho vay bạc tỉ và gửi hàng chục nghìn công nhân đến châu Phi; hiện đã có gần 1 triệu người Trung Quốc sinh sống ở đấy. Họ đã xây hàng trăm bệnh viện và hàng nghìn kilômét đường sá, công sở, đường sắt, sân vận động bóng đá. Nếu không có sự giúp đỡ này thì châu Phi còn xa mới có được mức độ của ngày nay. Cường quốc kinh tế Trung Quốc cần châu Phi như một thị trường tiêu thụ – nhưng họ cần châu Phi trước hết là để thỏa mãn nhu cầu nguyên liệu của họ. Người Trung Quốc thèm muốn tất cả: vàng và gỗ, đồng và than, dầu và coltan.

Các đại sứ quán Hoa Kỳ ở châu Phi quan sát tỉ mỉ những gì mà cường quốc thế giới kia đang làm. Từ gần như tất cả các nước của châu lục, họ gửi những danh sách chính xác về Washington. Trong các bức điện đó không chỉ là những đường đồ thị thương mại đang tăng cao. Trong đó cũng là những phẩn uất đang tăng lên của người Phi đối với người Trung Quốc. Và tất nhiên, trong mọi chuyện cũng là về quyền lực trên châu lục, về những lợi ích an ninh và về phạm vi ảnh hưởng. Và thường là về bạc tỉ.

Vấn đề là mối kinh doanh bạc tỉ

Như các nhà quan sát quốc tế đã ngạc nhiên khi chính phủ Congo thỏa thuận với Bắc Kinh một hiệp định có quy mô lớn với trên 9,2 tỉ dollar vào cuối năm 2007. Trong đó, nước Cộng hòa Dân chủ Congo giao những quyền khai thác cho Bắc Kinh, việc bảo đảm cho Trung Quốc tổng cộng là 10 triệu tấn đồng và 620.000 tấn cobalt.

"Hiệp định Trung Quốc-Congo đã tạo những mối e ngại lớn trong số những người tài trợ đa quốc gia và song phương, họ lo sợ những hậu quả từ nợ dài hạn", một bức điện của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã viết như thế. Congo đang nợ Ngân hàng Thế giới và những nước tài trợ Phương Tây hàng tỉ dollar. Một hiệp định mới với Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho những nổ lực trả lãi và nợ. Đại sứ William Farvelink tiếp tục viết: "Trong năm 2008 và trong nửa đầu của năm 2009, cả Trung Quốc lẫn chính phủ Congo đều không biểu lộ khuynh hướng muốn xem lại hiệp định để đảm bảo việc trả nợ."

Những công văn từ Kinshasa tạo khả năng cho những cái nhìn hiếm hoi vào trong chính sách tài chính và phát triển. Trong tháng 5 năm 2009, Dominique Strauss-Kahn, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến Kinshasa. "Trong khi vẻ ngoài của cuộc viếng thăm này là thảo luận về những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thì thật ra nó muốn khuyến khích chính phủ Congo có những động thái chính trị để thương lượng lại hiệp định này." Cuối cùng, áp lực từ Phương Tây đã có tác động, tổng thống Joseph Kabila đã nhượng bộ. Hiệp định được cắt giảm 1/3.

Hoạt động mạnh trong Angola

Quan hệ của Bắc Kinh với một loạt các quốc gia đã có từ lâu. Như Cameroon từ năm 1971 đã được xem là đồng minh, không phải chỉ vì chính phủ trong Jaunde đã sớm ủng hộ đường lối cứng rắn của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Bù lại, người Trung Quốc đã dựng nhà máy thủy điện Lagdo, xây bệnh viện và đường sá, họ gửi bác sĩ và đào tạo học viên sĩ quan Cameroon tại Trung Quốc.

Người Trung Quốc cũng hoạt động mạnh trong Angola. Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt năm 2002, khi những người tài trợ Phương Tây ban đầu còn dè dặt và muốn gắn kết cho vay tài chính với những quy định ngặt nghèo thì Bắc Kinh đã nhanh chóng nhảy vào thay thế. Eximbank của Trung Quốc cho vay một khoảng tiền trên 4 tỉ dollar, tiếp theo ngay sau đó là một khoảng tiền cho vay khác. Ít nhất là một trong hai khoảng tiền cho vay này được gắn kết với điều kiện phải thuê doanh nghiệp Trung Quốc tại những hợp đồng lớn.

Người Trung Quốc xây cho người Angola 4 sân vận động bóng đá mới ở Luanda, Benguela, Lubango và Cabinda mà Cúp bóng đá châu Phi năm 2010 đã được tiến hành ở đấy, họ cải tạo tuyến đường sắt nổi tiếng Bengula. Và họ muốn xây một cảng hàng không quốc tế mới trong thủ đô Luanda.

Chiến tranh? Đàn áp? Tham nhũng? Người Trung Quốc không đặt câu hỏi

Đối tác Trung Quốc cũng được chào đón ở châu Phi vì họ không đặt câu hỏi và không đưa điều kiện. Họ từ bỏ tất cả những yêu cầu mà Phương Tây thích lấy làm tiền đề cho sự giúp đỡ: chính phủ hoạt động tốt, bảo vệ nhân quyền hay kiên quyết chống tham nhũng.

Người Trung Quốc hành động theo cách khác. Chiến tranh trong Darfur? Đàn áp ở Zimbabwe? Tham nhũng trong Nigeria? Không thành vấn đề. Ví dụ như thay vì phê bình nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe vì chính sách toàn trị của ông ấy và vì sự cướp bóc chính đất nước của mình, họ trao tặng cho ông ấy danh hiệu giáo sư danh dự năm 2005 và tuyên bố ông ấy là "người bạn số một của Trung Quốc". Và năm 2008, họ gửi cho Mugabe chiếc "An Yue Jiang", một con tàu chứa đầy vũ khí và đạn dược.

Nhiều chính khách châu Phi biết đánh giá cao việc là người đối tác khổng lồ của họ không đưa ra những phiền phức. Và rằng người đấy cho vay tiền, xây nhà quốc hội hay nhanh nhẹn cung cấp vũ khí.

Như Kenya đã nhận thiết bị quân sự từ Trung Quốc do có căng thẳng ngấm ngầm với Somalia. Tình báo Kenya NSIS không những được trang bị với kỹ thuật máy tính và thông tin, trợ giúp của nhà nước vào thời gian sau này còn đạt đến một quy mô mà trong một bức điện bí mật, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Nairobi còn báo cáo đầy lo ngại về Washington rằng: "Trong tháng 8 năm 2008, công ty cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE đã thiết lập cơ sở hạ tầng máy tính trong trụ sở chính của NSIS. Dự án bao gồm một mạng an toàn cho các máy tính của chính phủ Kenya." Từ đấy, người Mỹ bắt buộc phải cho rằng tình báo Trung Quốc đã tham gia vào phần lớn chuyện nội bộ của chính phủ.

Ngay với một đất nước bị chia cắt như Somalia, Bắc Kinh vẫn giữ quan hệ chặt chẽ. Trung Quốc là một trong số các quốc gia đầu tiên hỗ trợ chính phủ lâm thời (TFG) tại Mogadischu, khi chính phủ này bắt đầu làm việc. Hơn 1 năm sau đó, Trung Quốc ký kết nhiều hiệp định kinh tế. "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc thường xuyên trả thêm tiền cho Tổng thống Jussuf", một bản tường trình của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kenya đã viết về người đứng đầu của TFG. "Các đầu mối liên lạc của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng tiền lúc nào cũng được đưa bằng tiền mặt và phần lớn được chia ra trong nội các của TFG." Đại sứ tại Somalia trong Keyna thừa nhận rằng "Trung Quốc không quan tâm đến tình hình chính trị, nhiều nhất là đến tình hình kinh tế và đã bắt đầu chuẩn bị tư thế cho các ưu thế về thương mại trong một Somalia sau chiến tranh".

Than phiền tăng lên

Nhưng theo các báo cáo của Hoa Kỳ, mặc cho những sự trợ giúp dồi dào, tin tức tiêu cực đã tăng nhiều trong các nước châu Phi. Ở nhiều vùng, người Trung Quốc bị cho là phải chịu trách nhiệm về buôn lậu, săn bắn trộm và đánh cá quá mức. Họ phớt lờ luật lệ lao động và làm tràn ngập châu lục này với hàng giả mạo.

Như đại sứ quán Hoa Kỳ trong Nairobi đã tường thuật "Kenya Wildlife Service thông báo rằng những vụ việc săn bắn trộm đã tăng lên rõ rệt ở khắp những nơi có trại lao động của Trung Quốc". Và "90% những người buôn lậu ngà voi bị bắt giữ tại cảng hàng không Nairobi là người Trung Quốc". Từ Cameroon, Zimbabwe và Nigeria, các đại sứ cũng tường thuật về những người Trung Quốc buôn ngà voi. Thỉnh thoảng, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn dính líu vào trong buôn lậu.

Mặc cho sự giúp đỡ của họ cho Angola, các nhà đầu tư từ Trung Quốc hiện cũng phải chịu nhiều chỉ trích. Trong một biên bản của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Luanda có ghi lại rằng: đã có e ngại, vì "hoạt động của Trung Quốc, tài trợ bằng cách cho vay những khoản tiền mà Angola phải trả lại, không tạo ra việc làm cho người dân tại địa phương, không có chuyển giao công nghệ và thường chấm dứt với việc làm có chất lượng xấu". Thêm vào đó là sự tài trợ không minh bạch cho những dự án thông qua một văn phòng của tổng thống.

Cũng không tốt đẹp là những báo cáo từ đại sứ quán Hoa Kỳ tại Abuja trong Nigeria: "Quan chức Nigeria lo ngại về cách làm việc của Trung Quốc, mang theo công nhân của họ. Điều đó có thể làm tăng sự bất bình của người dân địa phương, đặc biệt là trong vùng châu thổ sông Niger, nơi có rất nhiều phàn nàn vì thiếu việc làm." Nhất là khi hàng nhập khẩu rẻ tiền từ Trung Quốc đã làm cho ngành công nghiệp dệt may trong nước tiêu tan. Hơn 65 nhà máy đã phải đóng cửa trong vòng 10 năm vừa qua. Trên 1 triệu người Nigeria, những người sống nhờ vào ngành công nghiệp dệt may – từ công nhân trồng bông vải qua công nhân nhà máy cho tới người bán hàng – đã bị ảnh hưởng bởi lần suy tàn của ngành này. Chủ tịch công đoàn thương mại Nigeria cũng đã cay đắng than vãn với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ: "Người Trung Quốc ở đây là một vấn đề khổng lồ. Họ không tuân thủ luật lệ và luồn lách nhiều việc, cả trong an ninh." Ở Trung Quốc, tham nhũng có thể bị tử hình, nhưng ở nước ngoài người ta nhanh chóng thích nghi với những thông lệ lỏng lẻo hơn ở xung quanh.

Không quần áo bảo hộ trong mỏ uranium

Chỉ riêng trong vòng một tuần của tháng 10 năm 2007, chính phủ Tanzania đã tịch thu tại cảng của Daressalam 73 container chứa gỗ nhiệt đới có đích đến là Trung Quốc. Và không che đậy trong một bản tường trình của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Daressalam là: "Việc cấm xuất khẩu gỗ mà chính phủ đã ban hành năm 2004 vẫn tiếp tục vô hiệu lực."

Tương tự như thế là những tường trình từ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Maputo: "Kim ngạch thương mại chính thức giữa Trung Quốc và Mozambique trong năm 2006 là tròn 200 triệu dollar. Trong thực tế, con số này hẳn phải cao hơn rất nhiều – tàu Trung Quốc và những tàu khác rõ ràng là đã đánh bắt hết cá tại những nơi đánh cá trước bờ biển Mozambique, và doanh nghiệp Trung Quốc bị nghi ngờ là đã tham gia rất nhiều vào trong việc đốn gỗ nhiệt đới. Từ cách nhìn của chúng ta, điều đó có nghĩa là sự giúp đỡ của Trung Quốc có những điều kiện ràng buộc."

Người Trung Quốc cũng đối xử một cách rộng rãi trong đề tài bảo hộ lao động. Không những trong Zambia, nơi người ta cử công nhân thợ mỏ ở trần và đi chân trần xuống dưới hầm. Trong Niger cũng như trong Zambia, công nhân khai thác uranium không có quần áo bảo hộ và sống gần mỏ cho tới mức họ luôn chịu bức xạ cao. Quanh khu mỏ mới Somina ở miền bắc của Niger, vì những điều kiện lao động cực nhọc và vì những đốc công người Trung Quốc mà người Tuareg gọi trại này là "Guantanamo". Và trong Namibia, người Trung Quốc nói với những công nhân đang than phiền rằng họ phải "chịu khổ nhọc bây giờ, để các thế hệ sau này được tốt hơn".

H. K.

Phan Ba dịch từ Spiegel

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn