Các chi phí quốc phòng của Việt Nam cần được giám sát

Đoàn Hưng Quốc

image Nhà nước Việt Nam đã có sự minh bạch khi công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2009 và ngân sách quốc phòng năm 2010.

Tuy nhiên, qua bài học đắt giá của Vinashin bị phá sản vì quản lý kém, với tình hình tham nhũng hối mại tràn lan từ ngành giáo dục đến các công ty quốc doanh, nhất thiết chi phí quốc phòng cũng cần phải được giám sát chặt chẽ để không bị thất thoát.

Ngân sách 2,7 tỷ USD cho năm 2010 cần được chi xài hữu hiệu từng đồng xu, nhất là trong hoàn cảnh các tranh chấp biển đảo không hề lắng dịu.

Khi Trung Quốc tung tin về máy bay tàng hình J-20 thì VN đã đáp trả với các ảnh chụp dàn hỏa tiễn phòng không tối tân nhất S300 PMU1 mua từ Nga, giá ước lượng 200 triệu USD.

Việt Nam lại có thể là khách hàng đầu tiên mua loại máy bay tàng hình T-50 do Nga và Ấn Độ phối hợp chế tạo, dự trù hoàn thành vào khoảng 2017-2019 với giá từ 80-100 triệu USD mỗi chiếc.

Việt Nam hiện đang đặt nhiều tàu trang bị hỏa tiễn, tàu ngầm và các chiến đấu cơ vô cùng tối tân của Nga trị giá hàng tỷ USD.

Để bảo vệ lãnh hải thì việc chi tiêu cho các trang cụ hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên mặt trái là các hợp đồng vũ khí thường đi đôi với những khoảng tiền hối mại khổng lồ, cho dù là từ Âu hay Á. Đặc biệt đối với bạn hàng Nga, là nước mà lề lối tham nhũng xoi mòn 40% GDP!

Người viết thiết nghĩ có những khía cạnh cần được thảo luận và giám sát – nhưng tựu trung là nhằm bảo đảm các chi phí lớn cho quốc phòng sẽ tăng cường an ninh quốc gia chớ không bị rơi rớt mất mát vào cá nhân hay phe nhóm:

  1. Liệu Việt Nam có cần phải chạy đua vũ khí – khi láng giềng có máy bay tàng hình, hỏa tiễn, tàu ngầm chúng ta cũng phải có những thứ ngang bằng – hay còn có kế sách nào khác? Dĩ nhiên kẻ bán hàng lúc nào cũng rao mời các loại vũ khí hiện đại đắt giá nhất với nhiều hoa hồng béo bở.
  1. Chi phí cho việc thực tập, sử dụng và bảo trì các loại vũ khí hiện đại rất cao; nếu không có sự chuẩn bị thì chẳng khác gì mua hoa kiểng để khoe khoang như bệnh hình thức mà chẳng dùng được việc gì.
  1. Cuối cùng là phải có giám sát để các hợp đồng có tính cạnh tranh và không thất thoát vào những khoản chi tiêu mờ ám.

Thông tin về quốc phòng không thể đòi hỏi bạch hoá như các thông tin thương mại, trong hoàn cảnh chưa có cơ chế giám sát độc lập thì chỉ còn có thể trông cậy vào các thông tin rò rỉ[i] và sự theo dỏi tinh tế của các nhân sĩ trong và ngoài nước.

Đ.H.Q

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN


[i] Các mạng như Wikileaks dù mang nhiều tai tiếng nhưng lại là các công cụ hữu hiệu khi cần phơi trần các thông tin bị bưng bít.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn