Giặc đinh

Phạm Đình Trọng

imageTôi không gọi đinh tặc, lâm tặc... mà là giặc đinh, giặc rừng và đủ các loại giặc khác. Trong lời ăn tiếng nói dân dã Việt Nam không có từ tặc. Tặc là từ Hán Việt của mấy người nhiều chữ hoặc tỏ ra nhiều chữ thích làm sang bằng những chữ nghĩa rổn rảng đến từ nước ngoài mà quên đi tiếng nói nôm na, mộc mạc nảy sinh trong sinh hoạt hằng ngày của dân gian nên vô cùng thân thương, gần gũi với dân gian.

Giặc đinh chỉ là một trong những cách kiếm sống bất lương nhan nhản trong xã hội ngày nay: Giăng bẫy cho người khác mắc nạn và kiếm sống trên sự hoạn nạn đó!

Giặc đinh có nguyên nhân cụ thể và nguyên nhân sâu xa.

Nguyên nhân cụ thể. Đất nước phát triển không đồng đều, không có nhạc trưởng chỉ huy, điều tiết, tổng hòa.

Nơi nào có điều kiện tự nhiên thuận lợi thì các nhà đầu tư mặc sức dồn đến, tạo cho nơi đó có bộ mặt phát triển phồn vinh, ngân sách có nguồn thu lớn, người dân cũng có mức sống cao. Nơi nào điều kiện tự nhiên không có gì; xa xội, khuất nẻo; tài nguyên chỉ có đất bạc màu, sỏi đá; nhà đầu tư ngoảnh mặt đi; cơ quan điều tiết của Nhà nước cũng ngoảnh mặt đi! Cơ quan điều tiết Nhà nước không làm thì dân tự làm! Cũng như Nhà nước không giải quyết được giao thông công cộng cho dân thì dân tự giải quyết bằng cách mỗi người dân phải tự lo lấy phương tiện đi lại cho mình! Dân ở nơi kinh tế ngưng đọng, khó khăn dồn đến nơi kinh tế phát triển. Nhưng không phải ai tìm đến nơi kinh tế phát triển cũng tìm được việc làm để có cuộc sống khá giả, ổn định. Người không tìm thấy chỗ của mình ở nơi phồn vinh kia càng thấy cuộc đời quá bất công! Kẻ nhà cao cửa rộng, tiền nhiều như nước mùa lũ mà mình ăn bữa sáng lo bữa tối! Một số người liền tìm cách xóa bỏ bất công bằng sự bất lương! Tất cả những người trở thành giặc đinh đều là dân xa quê kiếm sống nay đây mai đó, không có chòm xóm, người thân bên cạnh, họ mới có thể làm liều, làm điều bất lương như vậy!

Nguyên nhân sâu xa. Giặc đinh nảy nòi trên nền băng hoại đạo đức xã hội, trong xã hội làm ăn chụp giật đã phổ biến đến mức trở thành bình thường! Những nghề nhân đạo, cao cả, người làm nghề đó được xã hội kính trọng gọi là thầy. Thầy thuốc. Thầy giáo. Thầy cãi, Luật sư. Sư, tiếng Hán là thầy. Ông thầy về luật pháp mà tiếng nôm na dân dã là thầy cãi! Cả những người thầy, những nghề cao cả đó nay cũng nhuốm màu dung tục rồi! Người bệnh đau khổ tìm đến thầy thuốc, thay vì mang nghề nghiệp cao cả ra chữa bệnh cứu người, không ít thầy thuốc lại tìm cách nuôi bệnh để người bệnh phải tìm đến thầy thuốc dài dài! Thầy thuốc kiếm tiền trên nỗi đau khổ của người bệnh! Học trò muốn được thầy quan tâm dạy dỗ tốt nhất, muốn được học đầy đủ kiến thức của chương trình thì phải đóng tiền vào học lớp học thêm của thầy! Thế là từ học trò lớp một, sáu bảy tuổi đã phải tối mắt tối mũi vào các lớp học từ sáng đến tối, không còn tuổi thơ! Kẻ phạm tội muốn được xử nhẹ thì phải tìm đến quan tòa! Không biết đường tìm đến quan tòa thì cứ tìm đến thầy cãi! Không ít thầy cãi thường có đường đến cửa sau của quan tòa và tùy theo sự “biết điều” của tội phạm mà cùng quan tòa lượng định mức án! Người duy trì luật lệ, kỷ cương trên đường giao thông thì lập tram kiểm tra giao thông để làm tiền lái xe, ăn chia tiền phạt vi phạm luật giao thông với lái xe vi phạm luật!... Những cách kiếm tiền bất lương này đầy dẫy trong xã hội!

Giặc đinh hoành hành trên những dặm đường đất nước gây thêm bất an cho cuộc sống vốn đã quá nhiều bất an, cần sự lên án của cả xã hội! Nhưng những thầy thuốc nuôi bệnh, thầy giáo cướp tuổi thơ của học trò..., những người cũng kiếm tiền bất lương trên nỗi đau khổ của người khác, trước khi lên án giặc đinh hãy tự lên án chính mình đã nêu gương xấu cho xã hội! Cái xấu gọi cái xấu! Cái ác gieo mầm cái ác để cái ác như cỏ dại tràn lan hôm nay!

Giặc đinh chứ không phải đinh tặc! Sử dụng từ đinh tặc là sự làm sang trên nỗi đau mất mát của tiếng Việt nôm na thân thiết! Như giặc đinh kiếm sống trên nỗi đau mất mát của người lương thiện!

PĐT

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn